Mã số N2038: Xây dựng bộ đồ chơi hỗ trợ trẻ khiếm thị mầm non ôn luyện chữ Braille

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

1. Đặt vấn đề

Để giảm bớt những khó khăn cho trẻ khiếm thị mầm non khi học chữ Braille, giáo viên giảng dạy trẻ khiếm thị luôn làm ra nhiều sản phẩm, đồ dùng, đồ chơi để hỗ trợ cho trẻ trong quá trình học chữ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế do chi phí, số lượng trò chơi được sử dụng. Dựa vào các tiêu chí được giáo viên lựa chọn, tác giả xây dựng một bộ đồ chơi chữ Braille và tập trò chơi đi kèm.

2. Nội dung thực hiện

Bộ đồ chơi được cấu tạo gồm 2 phần: Phần bảng trò chơi, các thẻ chữ Braille, và phần tập trò chơi gồm 14 trò chơi.

- Hộp thẻ chữ:

Gồm các thẻ chữ Braille. Bộ thẻ cơ bản 34 thẻ, gồm 29 thẻ chữ cái tiếng Việt và 5 thẻ dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) được thiết kế dưới dạng các chấm nổi trong hệ thống kí hiệu Braille Việt ngữ. Một bộ đồ chơi cần ít nhất 2 đến 5 bộ thẻ.

Thẻ chữ có dạng khối hình chữ nhật có chiều dài: 4cm, chiều rộng: 3cm, độ dày: 2cm

Các hạt cườm, mặt trước tấm thẻ và độ dày của tấm thẻ.

Các hạt cườm, mặt trước tấm thẻ và độ dày của tấm thẻ.

Vì kí hiệu chữ nổi Braille có nhiều chữ cái có kí hiệu giống nhau khi quay ngược thẻ chữ (như chữ A chấm 1 nếu quay ngược lại thì thành dấu nặng chấm 6) nên chúng tôi đã dán thêm một miếng xốp và đính các hạt cườm ở trên đầu của mỗi thẻ để giúp trẻ định hướng chiều đặt thẻ, tránh bị sai kí hiệu chữ cái, dấu thanh.

Mặt trên của thẻ chữ nổi gồm các chấm nổi lớn (là chấm kí hiệu của chữ cái) được làm bằng nút, đường trên kính 1cm. và các chấm nhỏ (chấm chìm) được làm từ hạt cườm. Khoảng cách giữa các chấm nổi lớn đều bằng 0.5cm và khoảng cách giữa các chấm nhỏ là 1cm, là khoảng cách hợp lí để trẻ sờ giữa các chấm, giúp trẻ nhận biết kí hiệu chữ cái.

Mặt dưới của thẻ chữ là một miếng nam châm lá có kích thước là 4 x 3cm tương đương với kích thước mặt trên của thẻ chữ. Tác dụng của miếng nam châm là này giữ cho các thẻ chữ không bị dịch chuyển ra ngoài khi lắp vào ô, cũng như thẻ sẽ không rơi ra khi úp bảng thao tác xuống, vì nó có kết nối với miếng nam châm ở bên dưới. Thẻ chữ Braille được dùng để lắp vào mỗi ô trong bảng trò chơi, có thể lật ngửa hoặc úp xuống tùy vào trò chơi mà giáo viên sử dụng.

- Bảng trò chơi:

Chức năng của bảng trò chơi dùng để thao tác với các thẻ chữ Braille khi chơi trò chơi. Kích thước của bảng trò chơi là 40x30 cm. Bảng trò chơi gồm 34 ô hình chữ nhật.

Bảng trò chơi.

Bảng trò chơi.

Về thiết kế vị trí ô chữ trên mặt bảng trò chơi có 34 ô, gồm 5 hàng ngang, với 3 hàng 8 ô và hai hàng 5 ô. Trong đó, 4 hàng đầu trẻ dùng để lắp 29 chữ cái, hàng còn lại để lắp 5 dấu thanh khi giáo viên cho trẻ lấp đầy đủ bảng chữ cái và dấu thanh vào bên trong bảng thao tác.

Mặt trên của bảng được quét hỗn hợp màu nước (màu hồng và màu đỏ) và keo sữa. Vì bề mặt của miếng xốp rất dễ bị dơ nên khi quét hỗn hợp này lên sẽ thay đổi đặc điểm ban đầu của xốp (mềm, thoáng), tạo ra một lớp bảo vệ cứng, trơn và kín hơn, có tác dụng rất lớn trong việc tránh bụi bẩn và dễ lau chùi.

Mặt dưới của bảng được dán dính liền với một tấm nam châm lá có cùng kích thước với bảng. Nam châm lá này kết nối với nam châm lá dưới mỗi thẻ chữ, giúp thẻ chữ cố định trong ô khi lắp vào.

Mỗi ô có kích thước là 4.2 x 3.2cm, to hơn kích thước thẻ chữ để dễ thao tác khi lắp các thẻ chữ vào bên trong các ô trong bảng trò chơi. Khoảng cách giữa các ô hàng ngang, hàng dọc đều bằng 1cm. Tổng kích thước của phần ô chữ là 36cm, còn lại là phần lề của bảng.

Lề trên, lề dưới và lề phải của bảng có kích thước là 2cm, riêng lề phải chiếm phần lớn hơn, kích thước là 4cm. Phần lề phải của bảng có các kí hiệu Braille các số tự nhiên 1, 2, 3, 4, 5 tương ứng với 5 hàng ngang trong bảng. Cách thiết kế này sẽ giúp trẻ vừa học được kí hiệu dấu báo số và chữ số, đồng thời trẻ rèn luyện được kĩ năng sờ hàng, sờ dòng khi đọc. Góc phải dưới của bảng là hình vuông cạnh 3cm được tạo bởi các hạt cườm, có tác dụng giúp trẻ định hướng và đặt đúng chiều của bảng thao tác khi chơi trò chơi.

- Tập trò chơi: Các trò chơi này đảm bảo:

  • Giúp trẻ rèn các kĩ năng sờ, đọc chữ Braille

  • Có mức độ khó dễ khác nhau

  • Có thể chơi 1-1, có thể chơi theo nhóm

  • Rèn kĩ năng phản ứng nhanh với các yêu cầu của trò chơi, kỹ năng tổng hợp các thông tin nhận được với yêu cầu chính giúp trẻ tăng khả năng tập trung chú ý.

  • Số lượng trò chơi được xây dựng là 14 trò chơi

MỘT SỐ TRÒ CHƠI TIÊU BIỂU CỦA TẬP TRÒ CHƠI ỨNG DỤNG

Trò chơi 1: Chữ cái tìm nhau

Mục tiêu: Học sinh tìm đúng chữ cái theo yêu cầu

Chuẩn bị:

- 10 thẻ chữ Braille

- Rổ đựng thẻ

Cách chơi:

Giáo viên phát cho học sinh 10 thẻ chữ Braille, học sinh sẽ lắp 10 thẻ chữ vào bảng trò chơi.

Giáo viên sẽ đọc một câu thơ, đồng dao,… liên quan đến chữ cái cần ôn luyện.

Nhiệm vụ của học sinh là tìm đúng chữ cái theo yêu cầu.

Ví dụ: Giáo viên sẽ đọc câu đồng dao sau:

Ăn một bát cơm

Nhớ người cày ruộng

Sau khi đọc xong giáo viên đưa ra câu lệnh: “Tìm chữ, tìm chữ?”. Học sinh trả lời: “Chữ gì, chữ gì?”. Giáo viên: “Tìm chữ R”. Học sinh tháo chữ R bên trong bảng trò chơi và bỏ vào rổ. Kết thúc trò chơi giáo viên kiểm tra số lượng thẻ chữ của học sinh. Trò chơi tăng dần độ khó tăng số lượng thẻ chữ cái từ 10 thẻ ban đầu lên 15 đến 20 thẻ.

Trò chơi 2: Chữ cái bí ẩn

Mục tiêu: Học sinh tìm đúng chữ cái

Chuẩn bị:

-       Bảng trò chơi

-       5 thẻ chữ Braille

-       Rổ đựng thẻ chữ Braille

 Cách chơi:

Giáo viên lắp 5 thẻ chữ cái vào bảng trò chơi. Sau đó, giáo viên sẽ đọc một câu hiệu lệnh tìm chữ cái, cuối câu hiệu lệnh giáo viên đọc tên một chữ cái.

Học sinh sẽ tìm chữ cái đó trên bảng trò chơi để vào bên trong rổ.

Một số câu gợi ý dành cho giáo viên:

Hôm nay là thứ ba, tìm chữ A

Buổi sáng bé ăn phở, tìm chữ P

Thỏ chạy thua Rùa, tìm chữ R

Các thẻ chữ cái được lắp vào bên trong bảng và vác thẻ chữ cái đã được tìm.

Các thẻ chữ cái được lắp vào bên trong bảng và vác thẻ chữ cái đã được tìm.

Để tăng độ khó cho trò chơi tăng số lượng thẻ chữ lên 8 đến 10 thẻ tùy thuộc vào khả năng của từng học sinh.

Trò chơi 3: Thách đố

Mục tiêu: Học sinh nhận diện đúng chữ cái

Chuẩn bị: 5 thẻ chữ cái

Cách chơi:

Giáo viên cho 2 học sinh chơi thi đua với nhau, mỗi học sinh có 5 tấm thẻ chữ. Đầu tiên, bạn A sẽ đọc thứ tự các chấm nổi bạn B sẽ trả lời tên của chữ cái. Nếu bạn B trả lời đúng bạn B sẽ được cộng 10. Tiếp theo đến B đọc thứ tự các chấm nổi bạn A trả lời nếu bạn A trả lời đúng bạn A sẽ được cộng 10 điểm. Trò chơi mang tính luân phiên bạn A rồi đến bạn B (ngược lại). Nếu học sinh nào trả lời sai, học sinh đó sẽ bị trừ 10 điểm. kết thúc trò chơi học sinh nào có số điểm cao nhất sẽ giành được chiến thắng.

Để tăng độ khó cho trò chơi, giáo viên tăng số thẻ chữ lên 10 -15 thẻ trên một lượt chơi.

Ghi chú: Trò chơi này được tổ chức trong giờ chơi nhóm lớp.

Thông tin

Tên tác giả: NGUYỄN HOÀNG MINH 

Địa chỉ: Phòng A101,  351A Lạc Long Quân P. 5, Q. 11, TP. HCM 

Điện thoại: 0337891878

Email: nguyenhoangminhgddb@gmail.com