Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N3066: Để rác thải lên tiếng

See this content in the original post

Phạm Thanh Trí (bên phải) trình bày ý tưởng nói về tác hại của rác thải nhựa qua dự án Sân khấu nhỏ.

Xin rác thải nhựa, túi nylon từ cộng đồng rồi tự bỏ tiền túi tạo ra các mô hình lạ mắt, đi đến nhiều tỉnh, thành phố chia sẻ câu chuyện về sự cấp thiết của môi trường là con đường mà Phạm Thanh Trí (sáng lập Dự án EcoFish Vietnam - EFV) quyết tâm theo đuổi mấy năm nay. Nếu bạn thấy ở ngôi trường nọ bỗng xuất hiện một chú cá bống thật to làm bằng lưới và tre muốn “xin rác” hay mô hình “sóng rác” từ túi nylon và chai nhựa thì có thể đó là sản phẩm của EFV. 

Không muốn sống cùng rác

Trong không gian nhỏ được dựng lên từ chai nhựa, đủ loại túi nylon, một người phụ nữ đang yếu ớt cựa quậy giữa chằng chịt dây và rác. Tiếng kêu cứu mỗi lúc một nhỏ dần khiến nhiều người tò mò đứng lại. Đứng cạnh người phụ nữ lạ kỳ, hai bạn trẻ đang khẩn trương tìm cách kéo những sợi dây nhựa ra nhưng không thành. Rồi Trí xuất hiện, diễn giải về đoạn kịch vừa kết thúc. Trí nói với khá nhiều bạn trẻ đang có mặt ở đó rằng, nếu chúng ta không hạn chế rác thải nhựa, các loại chai, ly hay túi dùng một lần thì chỉ vài năm nữa đại dương sẽ không còn sóng biển, tất cả chỉ là “sóng rác”. Và những sinh vật biển vô tội như “chú cá” trong vở kịch sẽ bị rác tiến công, thậm chí triệt đường sống. 

Sau khi được mọi người hỗ trợ kéo từng sợi dây nhựa siết chặt lấy người, gỡ thêm mấy túi nylon vướng trên đầu, mắc ở chân, chị Nguyễn Ngọc Dung, thành viên dự án Sân khấu nhỏ Ibsen vừa cúi đầu chào vừa thở dốc. “Dù chỉ vài phút nhưng tôi hiểu được nỗi khổ của các loài sinh vật dưới đại dương, nơi mà rác thải đang ngập tràn. Tôi chọn diễn cảnh này vì muốn mọi người đồng cảm để từ đó thấy được “cái chết” của môi trường mà cân nhắc trước khi sử dụng đồ nhựa”, chị Dung chia sẻ. 

Tiếng vỗ tay vang lên, không khí hơi chùng xuống. Trí khéo léo bắt lấy khoảnh khắc ấy để đi vào câu chuyện của mình. Trí nảy ra ý tưởng này từ năm 2018 nhưng phải đến năm 2020, mô hình cá bống đầu tiên mới hoàn thành và được đặt tại ngôi trường anh từng học tại tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, “cá bống” cùng Trí và các cộng sự tại EFV đi nhiều tỉnh, thành phố để chia sẻ quan điểm sống xanh. 

Cần thêm sự đồng hành

Hơn 20 tuổi, Trí dành toàn bộ thời gian, tâm huyết và cả tiền bạc cho sở thích bảo vệ môi trường. Thất bại rồi làm tiếp, đến thời điểm hiện tại, EFV đã đưa được mô hình cảnh báo về tác hại của rác thải nhựa đến với nhiều học sinh, sinh viên tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ngãi, Nam Định, Hà Nội, Trà Vinh, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Khi đặt mô hình tái chế tại trường học, các thành viên EFV dành nhiều thời gian tương tác với người xem để giải thích những rủi ro, tác hại mà môi trường đang gánh chịu do thói quen sử dụng đồ nhựa thiếu kiểm soát của con người. Nhiều thông tin, số liệu được đưa ra khiến không ít bạn trẻ giật mình. Đến rồi đi, EFV để lại ấn tượng tốt trong cách thể hiện và truyền lại kinh nghiệm cho các cơ sở vận hành một dự án bảo vệ môi trường thu nhỏ. 

Di chuyển liên tục nhằm kết nối, mở rộng dự án, điều may mắn là Trí nhận được sự hưởng ứng của khá nhiều tổ chức và các bạn trẻ trong cộng đồng. Họ tìm đến lắng nghe câu chuyện của anh rồi cùng chung tay lan tỏa dự án. “Mọi người có thể chưa hình dung rõ tác hại nhưng nếu không biết bảo vệ môi trường, không giảm thiểu rác thải nhựa, 5 - 10 năm nữa chúng ta sẽ phải sống chung với rác. Mọi người thường phớt lờ chuyện này nên tôi muốn dùng những mô hình cụ thể nhất, những câu chuyện, số liệu, hình ảnh thiết thực nhất tác động vào họ. Khi nhận ra mọi thứ đang cấp bách, tôi tin họ sẽ thay đổi”, Trí cho hay.

Quen Trí trong chương trình “Vườn ươm liêm chính” năm 2018, khi nghe cậu bạn mê “sống xanh” chia sẻ về dự án cộng đồng này, Trịnh Gia Mỹ (sinh viên năm cuối Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh) quyết định tham gia. Là cựu thành viên một số dự án bảo vệ môi trường, Gia Mỹ có kinh nghiệm, kiến thức và cả niềm đam mê. Tất cả những yếu tố đó được nữ sinh viên này thể hiện thông qua các kênh truyền thông cho dự án. “Đồng hành cùng dự án từ những ngày đầu, tôi thấy mức độ lan tỏa của EFV khá tốt nên chúng tôi hào hứng cho những kế hoạch tiếp theo. Chúng tôi không đặt mục tiêu quá cao, chỉ cần mỗi người giảm bớt cái chai, cái túi nhựa là môi trường dễ thở hơn rồi”, Mỹ vui vẻ nói.

Link tham khảo:https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi-songtre/de-rac-thai-len-tieng-647540/

Ngày xuất bản: 24/05/2021

Thông tin

Tên tác giả: KHỞI MINH

Báo Nhân dân

Website: nhandan.vn

Đơn vị tài trợ