Mã số N3069: Xây dựng thương hiệu cá nhân
Giỏi chuyên môn và giàu kỹ năng thôi chưa đủ, theo nhiều chuyên gia, muốn được nhận diện giữa thị trường cạnh tranh gay gắt thì người trẻ cần có thái độ cầu tiến, luôn học hỏi và biết hài hòa giữa giá trị, thương hiệu cá nhân với tập thể. Chỉ khi “biết người biết ta”, hiểu rõ mạnh, yếu để phát huy đúng lúc, họ mới đủ lực để tiến xa trên hành trình khẳng định mình.
Giá trị đến từ góc nhìn của cộng đồng
Mới đây, tại chương trình “Xây dựng thương hiệu cá nhân” do Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) tổ chức, các diễn giả đã thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm yếu, thậm chí sự ngộ nhận của người trẻ trong quá trình xây dựng thương hiệu riêng. Đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể, bà Selena Le, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Tổ chức khí hậu môi trường No Waste Vietnam cho rằng, muốn không nhìn nhận sai vấn đề, trước tiên người trẻ phải xác định thương hiệu cá nhân là công cụ, không phải mục đích. Do đó, nếu nói xây dựng thương hiệu cá nhân là cây cầu thì người trẻ có vai trò chuyên chở giá trị của chính mình từ điểm A đến điểm B. Thương hiệu cá nhân không phải tự nhiên có, nó được cộng lại từ rất nhiều giá trị của mỗi người để giải quyết tốt nhất chuỗi nhu cầu ngày càng khắt khe do xã hội đặt ra. Điều này đồng nghĩa với việc thương hiệu cá nhân đến từ góc nhìn của cộng đồng, chứ không phải do mình tự tạo ra như cách nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ.
Bà Lê Trần Quế An, Giám đốc Nhân sự khu vực Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Lào của Tập đoàn logistic A.P. Moller-Maersk cho rằng, người trẻ còn cần phải tìm “tiếng nói chung” cho hai khái niệm: Thương hiệu cá nhân và giá trị cá nhân. Mỗi doanh nghiệp đều có thương hiệu riêng. Vậy nên, khi tuyển dụng nhân sự họ cũng rất quan tâm đến thương hiệu của nhân viên. “Giá trị cá nhân đòi hỏi rất nhiều thời gian để tạo nên, trong đó mỗi người phải có sự giác ngộ về bản thân, hiểu rõ chính mình. Muốn xây dựng được thương hiệu cá nhân, người trẻ cần biết mình có sự khác biệt nào chứ không đơn giản là vẽ ra mọi thứ thật hào nhoáng. Bạn trẻ cần chuẩn bị tinh thần cho nhiều lần thất bại rồi đứng lên, đừng sợ vấp ngã và nên lắng nghe phản hồi của nhà tuyển dụng với thái độ cởi mở để có sự điều chỉnh phù hợp”, bà An gửi gắm.
Xây dựng thương hiệu bền vững
Là chuyên gia về vấn đề lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp và phát triển cá nhân, bà Trương Vũ Thùy Loan cho rằng, muốn được nhận diện tốt hơn, người trẻ cần có sự đầu tư bền vững cho quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực này. Trong đó, bên cạnh việc tìm người hướng dẫn tận tâm, bổ sung kiến thức liên tục, bản thân bạn trẻ phải có những đóng góp cho cộng đồng, cho tổ chức nơi mình học tập hay làm việc để từng bước tỏa sáng. Mỗi doanh nghiệp hay tổ chức đều có giá trị cốt lõi để gieo hạt và hướng nhân viên/thành viên của mình hướng đến hành vi cụ thể hình thành nên cái gọi là văn hóa doanh nghiệp/tổ chức. Vì vậy, cùng với khả năng tiết chế, hài hòa giữa “cái tôi” với “cái chúng ta”, điều người trẻ cần lưu ý là phải chung tay xây dựng thương hiệu chung. “Hình thành thương hiệu cá nhân dựa trên sự đồng hành với doanh nghiệp/tổ chức cần duy trì qua nhiều năm, từ những việc làm nhỏ, chứ không phải chỉ viết vài bài trên Facebook là ra thương hiệu. Nếu được góp ý, phản biện, hãy vui vẻ nhận, phải thử để biết sức mình tới đâu và kiên trì với bản thân tới cùng”, bà Loan gợi ý.
Phải bước chân ra khỏi nhà, không ngừng học hỏi và chủ động thể hiện bản thân ngay cả trong đời sống cũng như trên mạng xã hội là lời khuyên mà bà Selena Le dành cho bạn trẻ. Liên tục làm phong phú cuộc sống thông qua các hoạt động thực tế sẽ giúp bạn trẻ dễ ghi điểm trong mắt mọi người. Điều quan trọng là phải kiên nhẫn với sở thích của mình, tạo được sự kết nối với những người chung quanh, từng bước hình thành phạm vi ảnh hưởng. Theo bà An, muốn được đánh giá cao, người trẻ cần có sự nhất quán ở mọi môi trường. Việc thể hiện bản thân trên mạng xã hội cũng phải chuyên nghiệp, chỉn chu với tần suất phù hợp, xác định rõ đối tượng muốn hướng đến để xây dựng nội dung hay nhất có thể. Trong quá trình “cháy” hết mình để tỏa sáng đó, cần dành nhiều thời gian nhìn nhận bản thân xem đang có và thiếu gì rồi tìm cách lấp đầy hiệu quả nhất.
Link tham khảo: https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi-songtre/xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-617536/
Ngày xuất bản: 21/09/2020
Thông tin
Tên tác giả: MỸ DUNG
Báo Nhân dân
Website: nhandan.vn
Đơn vị tài trợ