Mã số N1108: Hành trình trúc chỉ
Từ “Giấy” đến “Trúc Chỉ” là một chặng đường, nhiều chuyện thú vị và không ít những khó khăn, bất trắc.
Họa sĩ Phan Hải Bằng - Giảng viên môn Đồ họa của trường Đại học Nghệ thuật Huế, người sáng lập Vườn Trúc Chỉ chia sẻ rằng anh không nhận mình là nhà phát minh, mà là một họa sĩ đi tìm loại giấy đặc biệt có thể đáp ứng được những sáng tạo nghệ thuật của mình lẫn ứng dụng vào đời sống. Và hành trình từ lúc thai nghén ý tưởng đến nay, có thể có được một Vườn Trúc Chỉ có được định hướng phát triển rõ ràng, là cả một chặng đường đầy khó khăn nhưng đầy hứng khởi sáng tạo và hấp dẫn.
Những tấm handmade đầu tiên ra đời
Trong khoảng thời gian sau đổi mới, chúng tôi; những họa sỹ đồ họa Việt Nam quá thiếu thốn một yếu tố quan trọng để hoàn thiện tác phẩm, đó chính là những loại giấy đặc chủng cho các kỹ thuật chất liệu in ấn, ngoài một loại giấy có tên thường gọi là “xốp Đức” và một số loại giấy thông thường khác. Mặt khác, các họa sỹ cũng khát khao tìm kiếm những biểu hiện khác nữa của giấy- nền cho các bản in.
Đầu năm 2000, những tấm handmade đầu tiên ra đời ở căn nhà của mẹ tôi, nằm sát đường xe lửa, gần nhà thờ Phủ Cam, Huế.
Đó là thành quả của nỗ lực cá nhân cộng với kiến thức, kinh nghiệm và nguyên liệu rất sơ khai và thô sơ. Những giấy tái chế, giấy vệ sinh, thậm chí cả sợi bông vụn…đã được sử dụng cho một cuộc thử nghiệm báo hiệu cho một cuộc rong ruổi miên viễn về sau này. Những bản in đồ họa trên đó mang nỗi háo hức, tự hào; thứ mà rất nhanh sau đó đã nguội đi bởi những biểu hiện về phẩm cách không như ý của thành phẩm. Phải chờ đến những năm sau nữa để đạt đến độ chín; với xưởng thực nghiệm đầu tiên được dựng trong Trường Đại học Nghệ thuật- Đại học Huế, năm 2011.
Thực nghiệm- Định hình: khả năng Giấy- nền.
Bắt đầu manh nha hình thành và nuôi dưỡng ý tưởng về một nghệ thuật giấy của Việt nam, với sự khác biệt, đặc trưng trên nền tảng truyền thống và sự tiếp biến.
Giai đoạn này ngắn, chỉ trong 2 năm 2011-2012, nhưng cực kỳ quan trọng cho sự hành trình trục phát triển của Trúc Chỉ sau này.
Do đó, khi tiến hành thực nghiệm, tôi xác định đứng ở gốc xơ sợi, sẽ không tự bó hẹp trong các nguyên liệu truyền thống, khai thác những loại nguyên liệu bất kỳ sẵn có ở địa phương. Một phần để tìm hiểu phẩm cách của các loại xơ sợi. Một phần cũng do định hướng khai thác xơ sợi như các phương tiện để tạo các tác phẩm giấy- tự thân.
Các loại nguyên liệu được xử lý theo quy trình truyền thống: ngâm nước, nấu với nước vôi, xả sạch, nghiền bằng máy hollender beatter, đập tay…sẵn sàng cho các phương pháp seo giấy phù hợp cho từng khả năng mà nó sẽ hướng đến.
1. khả năng Giấy- nền:
2. khả năng Giấy- tác phẩm tự thân
3. khả năng Giấy- Đối thoại.
Thực nghiệm- Định hình: Giấy- tác- phẩm- tự- thân
Với ý niệm tạo nên một tác phẩm Giấy-tự-thân, ngay từ đầu, tôi luôn chú trọng đến bố cục hình, hệ thống dày mỏng, sáng tối, biểu chất, các biểu hiện của xơ sợi…mặt khác định hướng cho hệ thống tác phẩm Giấy-tự- thân mang- sắc- thái- ngôn- ngữ- Đồ- họa để tạo điểm khác biết với hệ thống tác phẩm của các nghệ sỹ- giấy khác.
Trong các thử nghiệm theo ý niệm trên, tôi đã vận kỹ thuật tạo áp lực nước, theo nguyên lý tạo bản khắc kim loại (etching) và in xuyên (serigraphy)… thao tác nhiều lần, ứng với số lượng bản trổ như kiểu tách bản đồ họa, từ đó tạo nên được những tác phẩm giấy- tự- thân mang đậm ngôn ngữ đồ họa và tương tác tốt với các điều kiện ánh sáng.
Ngoài những thành tựu quan trọng trong thực nghiệm và tìm tòi, sáng tạo…trong thời gian này chúng tôi có 3 dấu mốc hết sức quan trọng, đánh dấu thành quả; quan trọng hơn đó là thay đổi nhận thức của công chúng về công việc của chúng tôi, là tiền tố hình thành Nghệ thuật Trúc Chỉ.
Thực nghiệm- Định hình: Khả năng Giấy- đối- thoại.
Nếu như khả năng Giấy-nền là một thái cực; khả năng Giấy-tác-phẩm-tự-thân là một thái cực khác thì khả năng thứ 3, Giấy- đối- thoại lại như là một trung dung, một sự biểu hiện mới lạ và độc đáo nữa của Trúc chỉ.
Thông thường, người ta sẽ viết, vẽ, in…lên một nền đơn thuần như giấy Dó, Canson, Fabriano, washi…để làm nên một tác phẩm. Tấm giấy đó sẽ đóng vai trò là một chất liệu “nền” với đặc tính vốn có để đáp ứng với các kỹ thuật chất liệu được sử dụng: xốp, mềm, loang, dai, thấm hút…
Với khả năng Đối- thoại của Trúc Chỉ, các thành tố in, vẽ, viết sẽ đối thoại với thành tố nền để tạo nên một mối quan hệ gắn kết, tương hỗ và hòa hợp. nghĩa là tấm Trúc Chỉ đã được họa sỹ tự tay chế tác với các hình ảnh, biểu chất…sẵn theo phác thảo để đón đợi và giao hòa với các thành phần được đặt tiếp theo một cách có chủ ý.
Nói cách khác, tấm Trúc Chỉ đó được họa sỹ chế tác ra chỉ để dành riêng và chỉ riêng cho bản in hay bức vẽ đó mà thôi.
Ngôn ngữ của Trúc Chỉ (trucchigraphy, xơ sợi…) sẽ đối thoại, hô ứng với ngôn ngữ các thành tố in, vẽ…tạo nên một tổng thể mà trong đó không còn khái niệm nền đơn thuần nữa, mà là một thành tố cơ hữu, có nghĩa và không thể thiếu.
Tính độc đáo, duy nhất của tác phẩm đã được đảm bảo và định hình ngay từ khi còn phôi thai phác thảo.
Điều này không chỉ mang lại khoái cảm thẩm mỹ cho người thưởng ngoạn, mà thú vị hơn là lại còn khơi gợi năng lượng tích cực cho chính người sáng tạo.
Đây cũng chính là một trong những điều thu hút, hấp dẫn của Trúc Chỉ.
Độc lập- Định hướng
Trở thành mô hình hoạt động độc lập, định hướng được vạch ra là tiến hành song song cả 2 hướng: Nghệ thuật tạo hình/ thị giác và nghệ thuật ứng dụng. Bên cạnh đó vẫn không ngừng nghiên cứu và sáng tạo với xơ sợi và các phương thức biểu hiện, kết hợp với các yếu tố khác: ánh sáng, không gian, chất liệu khác… Slogan giai đoạn này chuyển dần sang: “Trúc Chỉ- Phép cộng và sự Trở về” với ý niệm trở về với truyền thống để lấy năng lượng sáng tạo từ những giá trị đã khẳng định, làm phép cộng với các giá trị đó cũng như với các loại hình, chất liệu, phương tiện nghệ thuật mới, khác. Mục đích để tạo dựng nên một giá trị mới mang âm hưởng truyền thống, có tính tiếp biến văn hóa, thích ứng với hoàn cảnh nghệ thuật và xã hội đương thời.
Với mục đích đó, 3 tiêu chí/ hiệu ứng được chúng tôi đặt ra cho dự án Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt nam:
1. Thẩm mỹ.
2. Giáo dục.
3. Xã hội.
Năm 2014 là năm Trúc Chỉ gặt hái được nhiều thành tựu trong cả 2 lĩnh vực: Nghệ thuật tạo hình/thị giác và nghệ thuật ứng dụng.
Tiêu biểu là ở Festival Mỹ thuật trẻ lần 3- Hà nội. Hai tác giả của Trúc Chỉ là Trần Ánh Phi và Ngô Đình Bảo Vi đã đoạt 2 giải khuyến khích của triển lãm bằng một bộ tác phẩm với hiệu ứng Giấy- đối- thoại của Trần Ánh Phi, và một tác phẩm sắp đặt Trúc chỉ- ánh sáng của Ngô Đình Bảo Vi.
Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần 3- 2014. Trúc Chỉ lại một lần nữa được vinh danh bằng giải 3 với bộ thiết kế Trúc Chỉ concept Hoa hồng của Ngô Đình Bảo Vi, và các thiết kế của các nghệ sỹ Trúc Chỉ được chọn trưng bày.
Định hình- Xây dựng giá trị
Tất cả các nỗ lực và thành tựu này đã góp phần không nhỏ, khẳng định vị trí của nghệ thuật Trúc Chỉ trong đời sống nghệ thuật cũng như đời sống xã hội, như một hình thức văn hóa nghệ thuật mới từ Huế, Việt nam. Dĩ nhiên không thể không kể đến những nỗ lực âm thầm của đội ngũ họa sỹ Trúc Chỉ đang luôn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu các biểu hiện và phương thức mới khác cho một nghệ thuật đang hình thành.
Nhớ lại năm 2013, có một nhà báo hỏi: “Anh đã thông thạo sơn mài, sơn dầu, đồ họa… rồi thì còn làm Trúc Chỉ để làm gì?” Trả lời: “Tôi muốn 5 năm, 10 năm hay hơn chút nữa, khi mọi người đến Huế, ngoài chùa Thiên Mụ, cầu Tràng tiền, bánh nậm, bánh bèo, cơm hến, mè xửng, hoa giấy Thanh tiên, tranh làng Sình… sẽ còn có thêm Trúc Chỉ; khi đến Việt nam; ngoài giấy Dó đã rất nổi tiếng sẽ còn biết thêm Trúc Chỉ. Tức việc xây dựng Trúc Chỉ trở thành một giá trị có tính chất đặc trưng đã được hình dung từ thời kỳ đầu. Cũng từ đây, slogan bắt đầu chuyển qua: “Trúc Chỉ- một tiếp biến, truyền thống trong bối cảnh đương đại”.
Thông tin
Tên công ty: VƯỜN TRÚC CHỈ
Địa chỉ: số 05 Thạch Hãn, TP. Huế
Điện thoại: 0935101414 - 0906811107
Email: trucchiart@gmail.com
Website: www.vietnamtrucchiart.com
Facebook: www.facebook.com/trucchiart