Mã số N2052: Nâng cao hiệu quả giảng dạy giáo dục công dân thông qua trò chơi đuổi hình bắt chữ

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

1. Vấn đề cần thiết

Trò chơi Đuổi hình bắt chữ là một trong những trò chơi được giới trẻ hiện nay rất yêu thích và sử dụng khá phổ biến. Đó là một trong những trò chơi tạo sự thú vị, tò mò khi tiếp cận nhằm phát huy sự tư duy sáng tạo, liên tưởng cho mỗi người chơi. Không khí sôi nổi, hào hứng, muốn vượt qua các câu hỏi thú vị cũng là một những điều kiện để người chơi chứng tỏ bản lĩnh tự tin, suy nghĩ tư duy độc lập, thể hiện mình. Đồng thời, cách tiếp cận trò chơi cũng rất gần gũi, quen thuộc được gắn liền những hình ảnh thực tế cuộc sống đời thường.

Chính vì thế mà nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả trong giảng dạy thì việc sử dụng phương pháp trò chơi trong dạy học là điều tất yếu; là một biện pháp dạy học phù hợp với xu hướng đổi mới dạy học hiện đại, phát huy năng lực, phẩm chất của người học. Trong đó, không thể bỏ qua trò chơi Đuổi hình bắt chữ, đặc biệt đối với môn GDCD.

Ngoài ra, sử dụng trò chơi Đuổi hình bắt chữ trong dạy học cũng là cách để các em vừa học, vừa chơi một cách hiệu quả nhất. 

Đất nước càng ngày càng phát triển thì đòi hỏi con người cũng ngày càng phải nâng cao trình độ dân trí để đáp ứng thời đại Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những ngành nghề đòi hỏi phải có sự đột phá đó là hệ thống giáo dục thì việc đổi mới các phương pháp giáo dục mang ý nghĩa hết sức quan trọng và việc sử dụng trò chơi trong dạy học là một biện pháp dạy học phù hợp với xu hướng đổi mới dạy học hiện đại, trong đó có trò chơi “Đuổi hình bắt chữ”. Vì vốn dĩ từ trước tới nay môn GDCD được coi là môn phụ, môn học không ai yêu thích, nhàm chán, không có hứng thú để học, …

Đồng thời, việc sử dụng trò chơi “Đuổi hình bắt chữ” mang một cơn gió mới mẻ trong môn học nhằm giúp các em rèn luyện các kỹ năng cho bản thân, tự tin thỏa sức sáng tạo, thể hiện bản thân.

2. Biện pháp thực hiện

Tận dụng các hình ảnh quen thuộc liên quan đến nội dung bài học, giáo viên sẽ sử dụng trò chơi Đuổi hình bắt chữ. Nó sẽ giúp học sinh tránh được việc ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, thụ động; làm thay đổi không khí căng thẳng trong giờ học, tăng thêm hứng thú cho học sinh; sẽ kích thích sự sáng tạo của học sinh; sẽ giúp học sinh chủ động hơn trong việc chiếm lĩnh kiến thức, mạnh dạn hơn trong việc đề xuất ý kiến của mình…

Bên cạnh đó, giáo viên sẽ là người tự hoàn thiện bài dạy của mình bằng cách tìm tòi, tham khảo tài liệu, nghiên cứu, sáng tạo ra những hình ảnh phù hợp với nội dung bài học để tạo nguồn cảm hứng mới cho học sinh thông qua trò chơi; hướng dẫn, gợi ý học sinh khi các em gặp khó khăn. Học sinh sẽ tham gia trò chơi, phát triển năng lực, phẩm chất tự khám phá và tự tìm tòi, tư duy sáng tạo của bản thân.

Ví dụ cụ thể như sau:

Bài 1: Tôn trọng lẽ phải

Để hệ thống lại kiến thức và củng cố kiến thức về Tôn trọng lẽ phải giáo viên cho các em tham gia trò chơi “Đuổi hình đoán chữ” như sau:

Thứ nhất giáo viên sẽ sử dụng bức ảnh về mặt trời mọc. Học sinh sẽ là người quan sát và tìm ra câu liên quan đến mặt trời mọc đồng thời liên quan đến nội dung bài học và giải thích rõ nghĩa câu tìm được.

Qua hình ảnh trên, khi nhìn vào học sinh sẽ dễ dàng liên tưởng tới “Mặt trời luôn mọc ở đằng Đông”. Vì đó là quy luật của tự nhiên, cũng giống như quy luật của cuộc sống vậy, chúng ta phải biết lẽ phải thì mới nhận được yêu thương từ người khác.

Thứ hai, giáo viên sẽ sử dụng 2 bức ảnh về cây. Học sinh sẽ là người quan sát và tìm ra câu liên quan đến cây và giải thích rõ nghĩa câu tìm được.

Qua hình ảnh, học sinh sẽ nghĩ ra ngay câu “Cây ngay không sợ chết đứng”. Nếu mình không làm điều gì xấu thì mình cũng chẳng sợ điều gì cả. Ai muốn nghĩ sao cũng được lương tâm mình tự biết mình đúng hay sai, sẽ không có gì có thể chi phối lương tâm của chính mình, chúng ta biết sống vì lẽ phải, bảo vệ lẽ phải thì lương tâm mình mới thanh thản, thoải mái, không lo sợ.

Bài 2: Liêm khiết

Để hệ thống lại kiến thức và củng cố kiến thức về liêm khiết giáo viên cho các em tham gia trò chơi “Đuổi hình đoán chữ”. Giáo viên sẽ sử dụng bức ảnh về cây thẳng và cây cong. Học sinh sẽ là người quan sát và tìm ra câu liên quan đến cây, đồng thời liên quan đến nội dung bài học và giải thích rõ nghĩa câu tìm được.

Học sinh quan sát hình và sẽ liên tưởng đến câu “Cây thẳng, bóng ngay. Cây cong, bóng vẹo”. Trong cuộc sống, mình là người ngay thẳng thì có tiếng tăm, còn gian dối thì để lại tiếng xấu. Do đó, mỗi người chúng ta luôn phải sống ngay thẳng, thật thà, trong sạch thì mới là liêm khiết.

Bên cạnh đó, giáo viên có thể sẽ sử dụng bức ảnh về các em nghèo đói, thiếu thốn nhưng vẫn xếp hàng nghiêm túc đợi, vẫn san sẻ, chia nhau những miếng bánh. Học sinh sẽ là người quan sát và tìm ra câu liên quan đến hình ảnh, đồng thời liên quan đến nội dung bài học và giải thích rõ nghĩa câu tìm được.

Học sinh quan sát hình và sẽ liên tưởng đến câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Câu tục ngữ mang ý nghĩa cao đẹp: dù đói rách, cùng khổ hay gặp khó khăn vất vả cũng phải biết gìn giữ nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, sống ngay thẳng, trong sạch. Câu tục ngữ trên cũng chính là đạo lý giáo hóa, khuyên răn sâu sắc giúp con người gìn giữ nhân phẩm và đạo đức.

 Bài 3: Tôn trọng người khác

Trong bài này giáo viên có thể sử dụng các hình ảnh như sau để cho học sinh tham gia trò chơi Đuổi hình bắt chữ:

“Cười người hôm trước hôm sau người cười”

Đó chính là một trong những nét thú vị của cuộc sống, nó mang đến cho bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sống thế nào thì sẽ nhận lại thế đấy, thấy người sa cơ chớ nên cười cợt, chưa biết mai này mình còn gặp chuyện trái ngang hơn. Cuộc sống là một vòng tuần hoàn, bỏ công chăm bón vun trồng ắt sẽ nhận lại quả ngọt. Giữa con người với con người nên biết tôn trọng lẫn nhau dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa.

“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Lời nói là hình thức phổ biến để con người tương tác với nhau, dùng để biểu đạt tâm tư tình cảm. Lời nói không thể mua được bằng vật chất (tiền) bởi nó không phải thứ hữu hình. Câu tục ngữ khẳng định giá trị và ý nghĩa của lời nói trong giao tiếp, cuộc sống hàng ngày. Lời nói khéo léo thể hiện bản thân là một con người có học, tế nhị, biết tôn trọng người khác, không xúc phạm tới người khác.

“Kính già yêu trẻ”

Học sinh quan sát hình ảnh rất dễ dàng nhận ra câu “Kính già yêu trẻ”. Người già và trẻ em là những người cần được quan tâm, giúp đỡ ở mọi nơi, mọi lúc. Kính già, yêu trẻ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Mỗi học sinh cần biết tôn trọng không chỉ là người lớn (người già) mà còn là sự tôn trọng đối với trẻ em, những người nhỏ tuổi hơn mình.

Bài 4: Giữ chữ tín

Trong bài giữ chữ tín giáo viên có thể sử dụng các hình ảnh quen thuộc mà các em có thể nhìn nhận các câu chữ liên quan đến nội dung của bài. Ví dụ các hình ảnh sau:

“Nói lời phải giữ lấy lời

Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”

Lời nói rất quan trọng đối với mỗi người, mỗi chúng ta không được thay đổi trước bất cứ tình huống nào, mỗi người phải có ý thức, có trách nhiệm trước lời nói của mình, phải biết lấy chữ tín làm đầu, không được hứa suông hứa liều; phải làm đúng, thực hiện đúng điều đã nói và đã hứa. Qua đó, giúp các em biết trọng chữ tín cho chính mình và cho người khác.

“Hứa hươu, hứa vượn”

Đối lập với giữ chữ tín là những lời nói, lời hứa suông. Hứa rất nhiều nhưng không bao giờ thực hiện lời hứa, những người không biết lấy chữ tín làm đầu rất khó để nhận được sự tin tưởng từ người khác.

Hay hình ảnh sau các em rất dễ dàng nhận ra hình ảnh nói đến “Rao mật gấu, bán mật heo”

Trong kinh doanh điều quan trọng nhất là đặt chữ tín lên hàng đầu nhưng đối với hình ảnh và câu chữ trên lại đi ngược lại với điều đó. Đó là sự gian dối, không trung thực của những người làm ăn, buôn bán rao một đằng bán một nẻo.

Qua 2 hình ảnh trên và cách liên tưởng đó sẽ giúp các em có được bài học cho mình cần phải là người luôn biết giữ chữ tín.

Và để rèn luyện thêm cách giữ chữ tín, giáo viên có thể sử dụng hình ảnh sau để liên tưởng tới “Nói chín thì phải làm mười. Nói mười làm chín kẻ cười người chê” nhằm khuyên các em luôn có trách nhiệm với lời nói, lời hứa của mình, nói ít nhưng làm nhiều hơn.

Bài 6: Xây dựng tình bạn trong sách, lành mạnh

Trong bài này giáo viên có thể sử dụng các hình ảnh sau để sử dụng trò chơi Đuổi hình bắt chữ nhằm giúp các em học sinh hứng thú, sôi nổi, tư duy sáng tạo liên quan đến nội dung bài học về tình bạn.

Khi quan sát hình ảnh về con ngựa, học sinh rất dễ liên tưởng tới “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” cũng giống như bạn bè lúc gặp hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, những trở ngại khó có thể vượt qua thì luôn có những người bạn mình bên cạnh, sẵn sàng giúp đỡ, tương trợ để bạn mình vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách. Đó cũng chính là tinh thần đoàn kết, gắn bó không thể thiếu trong tình bạn trong sáng, lành mạnh.

Hoặc giáo viên có thể sử dụng 2 hình ảnh sau để cho học sinh tham gia trò chơi nhằm hướng dẫn các em cách chọn bạn mà chơi.

Học sinh quan sát và có thể nhận ra câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Đây là cách khuyên răn các em nên lựa chọn tình bạn đẹp vì môi trường sống rất quan trọng với mỗi người và với những người bạn mình chơi cũng ảnh hưởng rất lớn đến chính bản thân mình. Chơi với những người bạn xấu tính, mình rất dễ bị bạn lôi kéo, ảnh hưởng đến tính xấu của bạn, còn ngược lại nếu mình chơi với những người bạn tốt thì mình sẽ luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân vì bạn tốt sẽ là tấm gương sáng cho mình học tập, bạn tốt sẽ giúp đỡ mình sửa sai những lỗi làm mình vấp phải, …

Bài 10: Tự lập

Bài tự lập giáo viên có thể sử dụng các hình ảnh liên quan đến sự tự lập và trái với tự lập để học sinh quan sát và rút ra cho mình những bài học quý báu về các tấm gương tự lập, cách nhìn nhận những người chưa có tính tự lập để mình không mắc phải.

Hình ảnh 2 người, một nam và một nữ, xung quanh là vườn dưa hấu. Giáo viên có thể hỏi các em: Quan sát bức tranh sau, em nhớ đến câu chuyện nào? Khi đó, học sinh sẽ nghĩ ra ngay câu chuyện về nhân vật Mai An Tiêm với câu chuyện “Sự tích dưa hấu” quen thuộc. Qua câu chuyện, các em sẽ biết cách sống tự lập, dù bị đày ra đảo hoang nhưng với sự quyết tâm, ý chí kiên cường, sống tự lập đều sẽ là người thành công, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Còn trái với tự lập chính là sự lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Giáo viên có thể khai thác hình ảnh sau:

Học sinh có thể nhận ra cây sung và một người đang há miệng và dễ dàng tìm ra câu “Há miệng chờ sung”. Đó là sự lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm, không làm mà muốn có ăn, đợi từ người khác ban cho. Qua đó, các em sẽ rèn luyện là người tự lập, không đợi chờ sự ban ơn hay dựa dẫm vào người khác.

 Bài 12: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

Trong bài giáo viên có thể sử dụng các hình ảnh liên quan đến gia đình để tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi Đuổi hình bắt chữ một cách sinh động nhất.

Giáo viên có thể sử dụng hình ảnh uống nước, suối nguồn từ đó học sinh sẽ liên tưởng đến câu chữ “Uống nước nhớ nguồn”.

“Uống nước nhớ nguồn” là sự biết ơn ghi nhớ công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của người đã sinh ra mình. Từ đó, các em sẽ biết cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ giành cho mình. Đó cũng chính là bổn phận mà các em phải thực hiện.

Trái với sự biết ơn là vô ơn, bất hiếu, … giáo viên có thể sử dụng hình ảnh cá ướp muối, con cãi lời bố để học sinh tham gia đoán chữ “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.

Công lao cha mẹ là vô bờ, không thể đong đếm thì những đứa con cần hiểu được tấm lòng cha mẹ, phải biết lắng nghe, ghi nhớ, kính trọng và vâng lời cha mẹ. Những lời dạy bảo của cha mẹ đáng quý hơn ngàn vàng, quý trọng lời của cha mẹ mới là trọn đạo làm con.

Bên cạnh đó, giáo viên có thể sử dụng hình ảnh đôi chân, đôi tay để các em liên tưởng tới câu “Anh em như chân với tay”.

Ngoài tình mẫu tử, phụ tử thì tình cảm anh em cũng là một tình cảm rất thiêng liêng, là sự gắn bó, không thể tách rời giữa những người anh em trong nhà và được ví “Anh em như chân với tay” tay với chân đều là hai bộ phận quan trọng không thể thiếu trên cơ thể của con người, là những bộ phận tạo nên sự sống, duy trì sự vận động, sinh hoạt của con người. Vì vậy, anh em cũng có mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời.

Mặt khác, giáo viên có thể tận dụng hình ảnh đối đáp người ngoài, hình ảnh đàn gà để học sinh suy nghĩ tới câu “Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Mối quan hệ giữa các thành viên trong một gia đình luôn được xem là gắn kết và bền chặt. Đã là người cùng một nhà thì nên yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Có hạnh phúc cùng chia sẻ, có khó khăn cũng đừng ngần ngại gánh vác. Người cùng huyết thống không yêu thương nhau mà còn đấu đá, ganh ghét lẫn nhau chỉ khiến người khác thêm chê cười. Không những vậy, điều đó còn khiến chúng ta mãi sẽ không nhận ra ý nghĩa của gia đình trong suốt cuộc đời.

Qua các hình ảnh trên cũng như ý nghĩa các em giải nghĩa các câu trên về gia đình, các em học sinh sẽ biết cách để thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với anh, chị em trong nhà. Các em sẽ càng trân quý tình cảm đặc biệt quan trọng này.

3. Kết quả đạt được

Trong quá trình giảng dạy tôi sử dụng trò chơi Đuổi hình bắt chữ trong dạy học môn Giáo dục công dân khối 8, phần lớn các em có hào hứng, hứng thú với trò chơi gắn liền với nội dung bài học của mình, các em tham gia một cách tích cực, suy nghĩ độc lập, tư duy sáng tạo, nhạy bén trong mỗi câu hỏi, mỗi hình ảnh được chiếu lên.

Một số em trước đây còn nhút nhát, bị động thì bây giờ các em đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến, suy nghĩ riêng của mình. Các em cũng tự trang bị cho mình các kỹ năng phần mềm cần thiết trong cuộc sống một cách linh hoạt hơn.

Từ đó, giáo viên cũng cảm thấy yêu thích, sáng tạo, tìm tòi các hình ảnh liên quan đến bài học để tạo trò chơi “Đuổi hình bắt chữ” cho các em tham gia nhiều hơn. Vì vậy kết quả mà học sinh và giáo viên đạt được cũng tốt hơn. Học sinh học hiểu bài hơn, trên 90% học sinh tiếp thu bài tốt. Giáo viên cũng vận dụng linh hoạt trong bài giảng có hiệu quả hơn.

Phương pháp được vận dụng tại các trường trên địa bàn huyện Nhà Bè.

Thông tin

Tên tác giả: DƯƠNG THỊ THÙY

Trường THCS Nguyễn Thị Hương

Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông