Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N3036: Chuỗi bài "Để khởi nghiệp đi vào chiều sâu"

See this content in the original post

Sân chơi khởi nghiệp đã thay đổi rất lớn sau 2 năm đại dịch

Sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (start-up) đã "rơi rụng" do không đủ sức chống chọi với khó khăn. Không còn rầm rộ như những năm trước, phong trào khởi nghiệp hiện nay đang chứng kiến sự thay đổi, nỗ lực bám trụ và tìm cơ hội mới của các DN trẻ.

Cuộc chơi ngày càng thử thách

Các DN trẻ nhận ra rằng khởi nghiệp là sân chơi hấp dẫn nhưng cũng đầy thử thách. Số DN may mắn thành công ngay từ đầu chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi số start-up loay hoay tìm hướng đi hoặc âm thầm rời thị trường nhiều vô kể. Đầu năm 2022, Lê Thanh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Muaexpress, quyết định đóng cửa sàn thương mại điện tử mini muaexpress.com, dừng hẳn cuộc chơi thương mại điện tử và cùng nhóm bạn bắt tay vào hoạt động mới là gia công phần mềm từ tháng 3-2022. Tên công ty cũng được đổi thành Công ty TNHH TSIM. "Tôi lỗ 500 triệu đồng trong 5 năm vận hành muaexpress.com. Cạnh tranh mảng thương mại điện tử ngày càng gay gắt, chúng tôi không có lợi thế cạnh tranh về giá với các sàn thương mại điện tử lớn và bắt đầu khó khăn từ trước dịch Covid-19" - Thanh Dũng nói về lý do chuyển đổi.

Chỉ trong 4 tháng, TSIM đã làm việc với 10 khách hàng và ký được 2 hợp đồng với đối tác nước ngoài. "Trước đây, thị trường thương mại điện tử còn mới mẻ và nhiều tiềm năng nhưng DN của tôi nhỏ, tài chính hạn chế nên khó cạnh tranh. Tôi quay về đúng chuyên ngành dịch vụ - công nghệ, tự tin về chuyên môn và tận dụng những mối quan hệ có sẵn để làm lại từ đầu" - Thanh Dũng lý giải.

Anh đặt mục tiêu doanh thu 1 tỉ đồng trong năm 2022, đến năm 2023 phấn đấu mở rộng và lập văn phòng tại Singapore. "Nhiều bạn bè của tôi khởi nghiệp trong ngành dịch vụ - công nghệ cũng không thành công và dần chuyển sang mảng khác hoặc phá sản hoàn toàn. Lượng start-up gia nhập thị trường rất lớn, nếu không có những nhà đầu tư "thiên thần" sẵn sàng rót vốn, đồng hành với start-up thì rất khó. Dù vậy, tinh thần khởi nghiệp là gặp khó không nản, gặp thất bại không lùi bước và sẵn sàng "thua keo này bày keo khác" - Thanh Dũng bày tỏ.

Anh Võ Bửu Lợi giới thiệu thiết bị chiết xuất tinh dầu từ phụ phẩm nông nghiệp tại triển lãm ở TP HCM. Ảnh: AN NA

Anh Võ Bửu Lợi, sáng lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy Mộc Việt, khởi đầu từ việc sáng chế thiết bị chiết xuất tinh dầu từ các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ bưởi, lá sả, tràm, gừng… Dù đạt được những thành công bước đầu nhưng anh nhìn nhận khởi nghiệp là chấp nhận thất bại. "Những chủ dự án trẻ dưới 35 tuổi tỉ lệ thành công rất thấp, chỉ 2%-3%; còn tuổi 35 trở lên, tỉ lệ thành công có thể đạt 10%. Con số có thể tương đối nhưng thông thường một dự án thành công cần người chủ có kinh nghiệm, theo đuổi sản phẩm khởi nghiệp từ 5-10 năm; đã tích lũy được vốn và có được những mối quan hệ cần thiết trong khi quá trẻ chưa có những điều này. Bản thân dự án của chúng tôi tuy có chút thành công nhưng vẫn phải thường xuyên tham gia các hội chợ, các cuộc thi khởi nghiệp để tiếp tục học hỏi, để được các chuyên gia tư vấn cũng như tìm cơ hội giới thiệu sản phẩm ra thị trường với chi phí thấp" - anh Lợi đúc kết.

Đặng Dương Minh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV YSEN (tỉnh Bình Phước), là một trong những gương mặt trẻ nổi tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với thương hiệu Bơ Ông Hoàng đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá. Sản phẩm Bơ Ông Hoàng hiện đã có mặt khắp các hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam. "Trang trại của chúng tôi có 50 ha trồng nhiều loại cây, trong đó 12 ha trồng bơ được xem là lớn nhưng để tiến tới xuất khẩu thì vẫn còn nhỏ bé. Vì thế, tôi quyết định hợp tác với những dự án khởi nghiệp khác thông qua mô hình HTX với tên gọi HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước. Khởi đầu với 3 sản phẩm chính của 3 thành viên nòng cốt gồm: bơ, sầu riêng và hạt điều, dự kiến tháng 8-2022 sẽ được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao của Bình Phước. HTX cũng đã nộp hồ sơ xin cấp hồ sơ mã số vùng trồng để chuẩn bị xuất khẩu. Với mô hình này, dự án sẽ tiếp cận được các chính sách ưu đãi của nhà nước để phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ người dân xung quanh cùng phát triển" - Hoàng nêu dự định. Theo Hoàng, đây là bước chuyển mình của các dự án khởi nghiệp ở nông thôn, từ cá nhân đơn lẻ đến liên kết, hợp tác để thực hiện được những dự án lớn, dài hơi.

Chạy đua gọi vốn và tìm chỗ đầu tư

Với một số start-up về công nghệ, 2 năm đại dịch Covid-19 được xem là giai đoạn thử thách để họ chứng minh năng lực và khả năng sáng tạo nhằm thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mới đây, OnPoint - đơn vị cung cấp các giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam - đã gọi vốn thành công 50 triệu USD từ SeaTown Private Capital Master Fund - một quỹ đầu tư thuộc Temasek Holdings SeaTown Holdings (trụ sở tại Singapore).

Đây là thương vụ gọi vốn lớn nhất trong mảng dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á, cũng là thương vụ rót vốn cổ phần tư nhân lớn nhất trong ngành hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại khu vực trong 5 năm qua.

OnPoint hiện cung cấp dịch vụ cho hơn 150 nhãn hàng trong các ngành hàng về làm đẹp - chăm sóc sức khỏe, thời trang, đồ mẹ và bé, điện tử - gia dụng, dược phẩm, sản phẩm số, hàng tiêu dùng nhanh, thức ăn cho thú cưng... Trong đó có nhiều nhãn hàng thuộc nhiều công ty đa quốc gia. Ông Trần Vũ Quang, nhà sáng lập và Tổng Giám đốc OnPoint, cho biết sau khi gọi vốn thành công vòng series A vào năm 2020, OnPoint đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để tích hợp và điều phối mạng lưới các đối tác dịch vụ, sử dụng dữ liệu và quy trình tự động để tối ưu vận hành. "Chúng tôi sẽ sử dụng nguồn vốn mới để tiếp tục mở rộng xây dựng hệ sinh thái về các dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh việc tuyển dụng và phát triển nhân tài cũng như năng lực hệ thống, đầu tư vào các công nghệ tiên phong lấy dữ liệu làm trung tâm" - ông Trần Vũ Quang nói.

Trong khi đó, những start-up kỳ cựu trong lĩnh vực công nghệ như MoMo hay VNG đã chuyển hướng trở thành những nhà đầu tư, chuyên rót vốn, đầu tư vào các start-up. Cụ thể, ví điện tử MoMo đã tự thành lập Quỹ Đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo và rót tiền vào hàng loạt DN khởi nghiệp có tiềm năng.

Thương vụ đầu tiên của MoMo là mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của start-up Pique, chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho các DN số. Tiếp đó, MoMo tiếp tục đầu tư vào start-up Nhanh.vn - phần mềm quản lý bán hàng đa kênh với hơn 80.000 chủ shop đang hoạt động. Trong năm nay, MoMo định hướng hỗ trợ DN nhỏ và vừa số hóa, có thể bán hàng trên ví điện tử này cũng như cơ hội tiếp cận hàng chục triệu khách hàng của ví.

Một "kỳ lân" khác cũng không ngừng rót vốn vào các DN khởi nghiệp trong và ngoài nước thời gian qua là VNG. Trong 2 năm 2021-2022, DN hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đã liên tiếp rót vốn vào các start-up như Funding Societies - nền tảng tài trợ vốn kỹ thuật số cho các DN nhỏ và vừa lớn nhất Đông Nam Á, trong đó có DN Việt Nam.

Tổng Giám đốc VNG, ông Lê Hồng Minh, cho biết tài trợ vốn cho DN nhỏ và vừa là một hoạt động quan trọng của fintech - lĩnh vực kinh doanh mà VNG dành nhiều sự quan tâm. Mặc dù đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế, các DN nhỏ và vừa thường khó tiếp cận các khoản vay kinh doanh truyền thống. Do đó, VNG quyết định đầu tư vào Funding Societies - công ty tài trợ vốn cho các DN nhỏ và vừa hàng đầu ở khu vực. 

Môi trường khởi nghiệp năng động bậc nhất

Việt Nam là 1 trong 12 thị trường có tốp 10 DN được xếp hạng "Người khổng lồ mới", bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan - Trung Quốc và Thái Lan - nội dung được công bố trong báo cáo "Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương 2022" do Ngân hàng HSBC và KPMG thực hiện phần nào cho thấy bức tranh sáng của hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam. Cũng theo báo cáo, Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường khởi nghiệp non trẻ và năng động bậc nhất châu Á. Tại thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam mới chỉ có 1.600 DN khởi nghiệp, con số này nay đã lên hơn 3.000, theo nền tảng thống kê khởi nghiệp Tracxn, trong đó có 4 DN được xếp hạng "kỳ lân".

Link tham khảo: https://nld.com.vn/kinh-te/de-khoi-nghiep-di-vao-chieu-sau-20220728221302491.htm

Ngày xuất bản: 29/7/2022



Không để "cá lớn" nuốt "cá bé"

Để hỗ trợ doanh nghiệp lập nghiệp thành công, nhà nước cần bảo đảm môi trường hoạt động công bằng

Qua nhiều năm gắn bó, hỗ trợ phong trào khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho rằng đại dịch Covid-19 là phép thử lớn đối với cộng đồng khởi nghiệp.

Cần giải bài toán về vốn

Trong giai đoạn hoạt động kinh tế trong nước và thế giới gián đoạn, hàng loạt vấn đề mới phát sinh từ thiếu nguyên phụ liệu, thiếu nhân công sản xuất, hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được, dòng tiền không lưu thông…, doanh nghiệp (DN) nào kịp thời thích nghi và ứng biến, thay đổi phương thức kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh thì có nhiều cơ hội phục hồi sau dịch hơn những DN còn lại. Bản thân Vinamit trong những năm gần đây đã tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều DN khởi nghiệp (start-up); đồng thời đầu tư vào một số DN, giúp DN có đầu ra ổn định và phát triển thương hiệu. Dù vậy, không ít DN, kể cả DN từng được Vinamit đầu tư bao tiêu sản phẩm, đã rơi rụng. "DN start-up thiếu và yếu, đặc biệt là vốn và thị trường tiêu thụ. Nhiều DN làm ra sản phẩm chất lượng tương đối, có tiềm năng phát triển nhưng không gọi được vốn hoặc không tìm được đầu ra cho sản phẩm đều khó thành công. Đa số DN trong giai đoạn đầu start-up đều tìm đầu ra thông qua kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên, nếu phụ thuộc hoàn toàn vào kênh bán hàng online thì DN không đủ sức lớn lên" - ông Viên phân tích.

Nhiều dự án khởi nghiệp từ sản phẩm chế biến sau thu hoạch .Ảnh: AN NA

Về giải pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp, ông Viên cho rằng mọi hỗ trợ kịp thời từ các DN lớn, các nhà đầu tư thiên thần, các vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp… đều rất có giá trị đối với DN. Quan trọng nhất, Nhà nước cần có định hướng thị trường, hỗ trợ về hệ thống phân phối, công nghệ, kỹ thuật, định chế tài chính… và tạo thêm nhiều sân chơi thiết thực cho cộng đồng khởi nghiệp.

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cũng nhìn nhận cả khởi nghiệp và lập nghiệp ở Việt Nam đều đang gặp những vướng mắc khiến DN, người trẻ không dễ thành công. Để hỗ trợ DN lập nghiệp thành công, nhà nước cần bảo đảm môi trường hoạt động công bằng cho DN; không để tình trạng "cá lớn" nuốt "cá bé". Các thương hiệu dù lớn, dù nhỏ cũng cần được pháp luật bảo vệ, tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả. "Đặc biệt, phải có cơ chế về vốn. Không ít DN nhỏ và siêu nhỏ vừa ra lập nghiệp, khởi nghiệp với mô hình thành công, được khuyến khích nhưng khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng lại không được vì thiếu tài sản thế chấp. Bài toán về vốn là một trong những yếu tố quan trọng cần phải giải nếu muốn khởi nghiệp, lập nghiệp thành công cho các DN" - TS Đinh Thế Hiển nói.

Thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Từ thực tiễn nhiều năm trong vai trò "bà đỡ" và tạo nhiều sân chơi cho các start-up trẻ tại TP. HCM, mỗi năm cung cấp khoảng 26 dự án khởi nghiệp (trong đó có khoảng 15 dự án gọi vốn thành công), ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP. HCM (SIHUB), khẳng định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của TP. HCM đã đi vào chiều sâu. "Theo quy luật thị trường, cộng đồng start-up luôn có sự đào thải. Tuy nhiên, cuộc chơi start-up sẽ sôi động hơn, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nếu thu hút được sự tham gia thật sự của các trường đại học" - ông Tước nói. Lý do là thời gian qua các trường đại học chủ yếu tham gia kiểu phong trào. Trường, viện nào cũng mở vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp nhưng chưa có nhiều hoạt động thiết thực, cũng không có nhiều dự án ra đời.

Cũng theo ông Tước, Việt Nam được nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp của khu vực. Cả nước có hàng trăm tổ chức ươm tạo nhưng không có nhiều dự án gọi được vốn. Khoảng 200 tổ chức tài chính tại Việt Nam chỉ đang đầu tư vào khoảng 100 dự án, con số quá thấp so với tiềm năng thị trường.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, bà Lê Thị Bé Ba, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI) thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. HCM, thông tin hiện AHBI đang có 60 công ty khởi nghiệp đang hoạt động. "Nhu cầu khởi nghiệp ngày càng cao, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến sau thu hoạch. Các chủ dự án khởi nghiệp ngày càng tiến bộ vượt bậc do được các hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ khá nhiều. Các bạn ấy biết nhắm đến nhu cầu thực tế của thị trường và chọn những sản phẩm có tính đổi mới sáng tạo. Đồng thời, họ cũng biết tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, biết xây dựng thương hiệu rõ ràng, khởi nghiệp luôn vì cộng đồng và xã hội" - bà Bé Ba nhận xét.

Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM, nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp. "Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP. HCM ban hành các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hy vọng thổi luồng gió mới cho phong trào khởi nghiệp, đặc biệt trong các trường đại học" - ông Dũng bày tỏ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã ký Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022-2030. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh doanh: tìm kiếm, sàng lọc và củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng; hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình, chính sách ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của Chính phủ; xây dựng các sàn giao dịch ý tưởng nhằm kết nối thanh niên với các quỹ đầu tư… 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-7

Hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp

Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022 -2030 đặt mục tiêu trong giai đoạn 1 (2022-2025) hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 1.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hằng năm, 100.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị DN. Ít nhất 80.000 DN do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển DN; hỗ trợ thành lập 200 hợp tác xã do thanh niên làm chủ. Mỗi năm hỗ trợ duy trì ít nhất 200 xã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm của thanh niên đạt chuẩn OCOP.

Link tham khảo: https://nld.com.vn/kinh-te/de-khoi-nghiep-di-vao-chieu-sau-khong-de-ca-lon-nuot-ca-be-20220729201746584.htm

Ngày xuất bản: 30/7/2022

Thông tin

Tên tác giả: NGỌC ÁNH, THÁI PHƯƠNG, THANH NHÂN

Báo Người lao động

Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông