Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N3008: Biến nông sản “bỏ đi” thành tinh dầu cao cấp

See this content in the original post

Từ lá tràm, lá sả, vỏ bưởi, vỏ cam,… vốn bỏ đi, kỹ sư Võ Bửu Lợi đã tạo ra tinh dầu cao cấp bán “cháy hàng” những ngày cao điểm dịch.

"Đại dịch vừa qua khiến người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn và tìm đến các loại tinh dầu tự nhiên. Nhờ vậy, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chiết xuất tinh dầu tự nhiên như Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Thủy Mộc Việt có cơ hội phát triển" – anh Võ Bửu Lợi, người sáng lập công ty, nhìn lại năm qua.

"Cháy hàng" trong dịch

Anh Lợi nhớ như in những ngày giữa năm 2021, khi thông tin tinh dầu tràm có khả năng kháng Covid-19 được tung ra, đơn hàng đổ về dồn dập. Suốt 2 tháng liền cả xưởng sản xuất chỉ chiết xuất tinh dầu tràm mà vẫn không đủ hàng giao cho khách. Sau này, khi đợt cao điểm dịch qua đi thì khách hàng vẫn quay lại mua rất nhiều, tinh dầu tràm tiếp tục là sản phẩm bán chạy của công ty. Mỗi tháng công ty thu mua của bà con nông dân từ 15-20 tấn lá tràm nguyên liệu mới đủ sản xuất.

Lá tràm là phụ phẩm của cây tràm khi bà con nông dân khai thác gỗ, trước đây chỉ bỏ đi. Nay anh Lợi thu mua với giá 500 đồng/kg, người chặt tràm có thể thu thêm 500.000 đồng/ngày từ việc bán lá mà không phải bỏ nhiều công sức.

Tinh dầu tràm "cháy hàng" trong những ngày cao điểm dịch.

Tinh dầu sả cũng là sản phẩm nổi lên trong năm qua nên nguyên liệu là lá sả được công ty mua 6-7 tấn/tháng với giá 500 đồng/kg để sản xuất. Theo anh Lợi, phần củ sả có tinh dầu nhiều nhất nhưng đây là "chính phẩm" giá cao nên anh chọn phần vốn bỏ đi là lá sả để có giá thành tinh dầu sả hợp lý. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể mua tinh dầu sả nguyên chất với giá chỉ 70.000 đồng/chai 10 ml; 60.000 đồng/chai 10 ml với tinh dầu tràm.

Chủ động công nghệ

Không chỉ "hot" do dịch, tinh dầu bưởi được ứng dụng nhiều trong cuộc sống được một số nhà máy sản xuất dầu gội mua sỉ để đưa vào sản phẩm; các spa, karaoke, cà phê cũng chọn tinh dầu bưởi để khử mùi phòng. Nhờ vậy, mỗi tháng Thủy Mộc Việt sử dụng đến hơn 10 tấn vỏ bưởi, phần được nhiều nơi bỏ đi để sản xuất.

"Vỏ bưởi Việt Nam rất nhiều. Từ nguồn vỏ bưởi thải ra ở các cơ sở bóc tách múi bưởi, các tiệm bưởi ép; các nhà vườn thì có nguồn bưởi non. Ngày đầu khởi nghiệp, vỏ bưởi này tôi đi xin để tiết giảm chi phí. Sau này, công ty ký hợp đồng thu mua với giá 1.000 đồng/kg để bên bán có trách nhiệm phân loại, giữ sạch nguyên liệu giúp công ty chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đầu vào" – ông chủ thương hiệu Thủy Mộc Việt bày tỏ.

Các loại tinh dầu tự nhiên cao cấp được sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp.

Để biến những phụ phẩm nông sản bỏ thành tinh dầu có giá trị, kỹ sư Lợi đã nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị chưng cất tinh dầu đa nguyên liệu, có thể phù hợp với nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào như: tràm, bạch đàn, bưởi, cam, gừng, nghệ, tía tô, các loại bông, các loại lá…

Thiết bị chưng cất của Thủy Mộc Việt có nhiều dung tích như: 1.000 lít dùng cho các HTX có vùng nguyên liệu lớn, 120 lít cho các phòng thí nghiệm và 30 lít dành cho hộ gia đình. Theo anh Lợi, hiện đã có một số HTX sử dụng máy chưng cất tinh dầu của Thủy Mộc Việt và được công ty bao tiêu đầu ra. 

"Các HTX, nông hộ chỉ cần trả trước một phần giá trị máy, sau đó "trả góp" bằng sản phẩm là tinh dầu. Hiện nay, công ty đang cần thêm nhiều vệ tinh sản xuất tinh dầu để tăng khả năng cung ứng ra thị trường, đặc biệt là các đơn hàng sỉ. Do đó, năm nay công ty sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và mở rộng vùng nguyên liệu" – anh Lợi nói về dự định cho năm 2022.

Làm thuê cho chính mình

Võ Bửu Lợi, sinh năm 1985, quê tại Bình Định. Trước khi khởi nghiệp với tinh dầu, anh Lợi công tác tại một Viện Nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương. Cơ duyên đến với ngành tinh dầu của Lợi đến từ một đề tài về nghiên cứu tinh dầu chúc (chanh sần) mà anh tham gia.

Đến khi khởi nghiệp, tinh dầu chúc là sản phẩm dành cho thị trường ngách của công ty vì giá bán rất cao (chai 10 ml giá 216.000 đồng) do nguyên liệu không đến từ phụ phẩm giá rẻ mà là chính phẩm chúc quả 90.000 đồng/kg, tương đương 250.000 đồng/kg vỏ chúc.

Võ Bửu Lợi tại lễ nhận giải thưởng I-Star 2021.

Thành công năm qua của Lợi là doanh nghiệp do anh sáng lập đã lọt vào tốp 10 hạng mục "doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" của Giải thưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (I-Star 2021) của UBND TP HCM năm 2021 với dự án "Giải pháp chiết xuất tinh dầu bằng thiết bị chưng cất tinh dầu đa nguyên liệu".

Nói về tình hình tài chính công ty, anh Lợi cho hay giai đoạn đầu vẫn còn nhiều khó khăn. "Hiện công ty có 10 nhân viên do 2 vợ chồng quản lý. Sau khi trừ hết chi phí tính ra lương 2 vợ chồng mỗi người được 25 triệu đồng/tháng. Coi như là làm thuê cho chính mình" – anh Lợi bộc bạch.

Link tham khảo: https://nld.com.vn/kinh-te/bien-nong-san-bo-di-thanh-tinh-dau-cao-cap-20220204081242267.htm

Ngày xuất bản: 04/02/2022

Thông tin

Tên tác giả: NGỌC ÁNH

Báo Người Lao Động

Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông