Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N2072: Biện pháp giúp học sinh nghe viết chính tả đúng cho học sinh lớp 1

See this content in the original post

I. Đặt vấn đề:

Trong dạy học ở Tiểu học, môn Tiếng Việt là môn học đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong đó kĩ năng nghe viết là kĩ năng cơ bản của nghe viết chính tả. Các em phải nghe viết tốt thì các em sẽ học tốt môn Tiếng Việt và các môn học khác.

Nghe viết chính tả sẽ giúp cho các em nắm được kiến thức, đồng thời giúp các em có tính kỉ luật cao, tính cẩn thận, thẩm mĩ và tự tin hơn trong học tập. Đối với các em học sinh lớp 1 ở lứa tuổi các em việc học các âm, vần, ghép tiếng, đọc câu còn chưa thành thạo thì việc hoàn thành bài nghe viết chính tả là điều khó khăn với các em. Chính vì thế, bản thân tôi đã nghiên cứu, tìm tòi ra “Biện pháp giúp học sinh nghe viết chính tả đúng” phù hợp các em.

II. Thực trạng:

a. Thuận lợi:

Được nhà trường, Ban giám hiệu quan tâm trang bị đầy đủ đồ dùng dạy học.

Cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học, phòng học thoáng mát, bàn ghế phù hợp với học sinh.

Giáo viên dạy lớp 1 nhiều năm, tôi đã rút ra cho mình được kinh nghiệm rèn kĩ năng sống tốt cho học sinh.

Các em lớp 1 đa số đã học mẫu giáo nên rất ngoan, dễ vâng lời, biết nghe lời thầy cô giáo, thích học tập và thi đua với các bạn, dễ khích lệ, động viên khen thưởng.

Phụ huynh có ý thức trách nhiệm, quan tâm đến việc học tập của con em mình và phối hợp với giáo viên trong việc học tập của con em mình như: chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập,thường xuyên nhắc nhở và tạo điều kiện tốt cho con em mình đến lớp cũng như học tập ở nhà.

b. Khó khăn:

Trình độ học sinh không đồng đều. Bên cạnh những em tiếp thu kiến thức nhanh, tích cực trong giờ học thì vẫn còn nhiều em chưa tự giác tích cực, chậm tiến bộ, trình bày vở chưa sạch đẹp.

Do học sinh lớp 1 các em rất hiếu động, dễ nhớ nhưng lại mau quên.

Học sinh ở các vùng miền khác nhau: lớp học có số học sinh tạm trú khá đông.

Hàng tuần có 1 tiết chính tả nghe viết mà thời gian chiếm 35 phút quá ngắn vì học sinh lớp 1 mất nhiều thời gian cho việc ổn định và trình bày vở và kĩ năng viết chậm.

III. Nguyên nhân:

Các em phát âm còn sai nhiều, do ảnh hưởng vùng miền.

Khả năng đọc của các em còn hạn chế như đọc chậm, đánh vần, một số em chậm thì chưa nhớ âm, vần, chưa nhớ mặt chữ.

Các em chưa nhớ luật quy tắc chính tả.

IV. Biện pháp:

1. Luyện phát âm cho học sinh:

Việc luyện phát âm sẽ giúp các em phát âm đúng, khi phát âm đúng các em sẽ nghe viết đúng. Để dạy phát âm có hiệu quả, tôi thường giúp các em luyện phát âm trong bài thực hành chính tả. Ví dụ: Trong tuần 30 bài thực hành chính tả nghe viết “Làng gốm bát tràng” ở bài tập 1: Điền s / x. Tôi sẽ phát âm mẫu cho các em nghe, sau đó yêu cầu một số em phát âm lại. Sau khi các em nhận biết cách phát âm đúng tôi cho các em thảo luận nhóm 2 để hoàn thành bài tập điền “ bãi xương rồng, dòng sông ngoằn ngoèo. Ngoài ra, tôi tổ chức cho các em tham gia trò chơi để thực hiện tốt các bài tập, giúp các em ghi nhớ và khắc sâu hơn.

2. Luyện tập phân tích, giải nghĩa từ ngữ:

Vào mỗi tiết chính tả nghe viết, trước khi cho các em nghe viết, tôi thường đọc mẫu cho các em nhìn dò theo trong sách giáo khoa hoặc trên bảng nhóm của lớp. Sau đó, tìm các từ ngữ khó để phân tích cấu tạo từ, tiếng và giải nghĩa từ. Ví dụ: Trong tuần 30 bài thực hành chính tả nghe viết “Làng gốm bát tràng” cần phân tích từ “ sản xuất”. Để các em nhớ lâu hơn thì tôi cho các em viết bảng con tiếng, từ ngữ vừa phân tích.

3. Rèn luyện trí nhớ cho học sinh để có kĩ năng viết đúng chính tả:

Vào các tiết rèn đọc vào thứ Năm, tôi kiểm tra đọc các em các bài đọc trong tuần, các em sẽ được luyện đọc cá nhân và luyện đọc cả lớp. Vì khi các em được đọc nhiều thì các em sẽ ghi nhớ tốt các tiếng, từ để vận dụng vào viết chính tả. Những buổi cuối tuần thứ Bảy có tiết rèn viết tôi rèn nghe viết cho các em vào vở nháp và luyện thêm nghe viết.

4. Giúp học sinh ghi nhớ luật khi viết chính tả:

Hướng dẫn các em ghi nhớ các quy tắc chính tả bằng hệ thống bài tập quy tắc khi viết âm: g/gh; ng/ngh; c/k. Ví dụ:

* Các âm đầu: k, gh, ngh đứng trước các nguyên âm i,e, ê, iê,...

* Các âm đầu: c, g, ng đứng trước các nguyên âm o, ô, ơ, a, ă, â, u, ư,...

5. Phối  hợp với PHHS:

Các em viết chính tả tốt trên lớp một phần là sự quan tâm, trách nhiệm của phụ huynh khi hỗ trợ cho các em làm bài tập ở nhà. Hằng ngày tôi thường gửi dặn dò cho phụ huynh qua group zalo nhóm để nhờ phụ huynh cho các em làm bài tập ở nhà. Đối với các bài chính tả nghe viết tôi yêu cầu học sinh chép nháp 3 lần ở nhà và nhờ cha mẹ đọc lại cho các em viết. Việc làm này vừa giúp các em ghi nhới được từ ngữ, bài viết mà còn giúp phụ huynh đánh giá được khả năng nghe viết chính tả của con em mình. Nhờ vậy, khi đến lớp các em nghe viết rất tốt.

V. Kết quả:

Đa số các em biết nghe viết chính tả tốt.

Biết phân biệt được khi nào điền c/k, g/gh, ng/ngh.

Viết bài ít sai lỗi chính tả hơn, thời gian nghe viết chính tả nhanh hơn những ngày đầu mới nghe viết.

Hoàn thành các bài tập nhanh nhẹn hơn.

VI. Bài học kinh nghiệm:

Giáo viên luôn gần gũi sát sao, quan tâm nhiệt tình với các em để biết được năng lực viết của từng em để kịp thời uốn nắn  và sửa chữa. Thầy luôn là “Tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Cần phải có tính kiên trì, thường xuyên và liên tục.

Kịp thời sửa lỗi cho các em. Giáo viên luôn động viên khuyến khích các em kịp thời, tránh chê bai, dè bỉu các em.

Liên hệ với phụ huynh thường xuyên bằng các bài kiểm tra của học sinh, bằng sổ liên lạc, hoặc trực tiếp gặp gỡ phụ huynh.

Thông tin

Tên tác giả: TRẦN NGỌC THỦY

Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông