Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N2073: Dạy học theo hướng phát triển năng lực toán học cho học sinh lớp 4

See this content in the original post

1. Đặt vấn đề:

Trong chương trình môn Toán tiểu học, có thể nói Toán lớp 4 là giai đoạn đột phá lớn đối với học sinh về kiến thức. Nhiều em học sinh ở các lớp 1, 2, 3 học chưa tốt khi bước vào lớp 4, các em khó khăn khi lĩnh hội những kiến thức mới, cũng như tự ôn tập, rèn luyện kiến thức đã học. Tôi nhận thấy giờ học toán thường khô khan, học sinh thường chưa chủ động tiếp thu kiến thức. Đến giờ học toán, các em  không hứng thú dẫn đến kết quả học tập không cao.

Từ thực tế đó, ngay từ đầu năm học 2021-2022, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 4.12, tôi đã chọn đề tài là: “Dạy học theo hướng phát triển năng lực toán học cho học sinh lớp 4”.

2. Thực trạng:

- Được sự quan tâm của BGH, nhà trường đã trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện đầy đủ. Giáo viên sử dụng thành thạo các phương pháp dạy học truyền thống vào dạy Toán như: giảng giải, vấn đáp, trực quan, … Đa số phụ huynh rất quan tâm tới việc học của con em mình, luôn động viên hướng dẫn các em học bài và chuẩn bị bài tốt trước khi đến lớp, trang bị đầy đủ đồ dùng học tập. Một vài học sinh tự giác học tập, rèn luyện kĩ năng tự học, tư duy sáng tạo.

- Học sinh chưa nắm vững kiến thức cơ bản phân môn Toán. Về phía sách giáo viên, hướng dẫn dạy phân môn Toán theo khuôn mẫu, chỉ cung cấp kiến thức và hướng dẫn cho học sinh làm bài tập. Chưa phát huy được tính tích cực của học sinh. Điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế nên việc tham gia giải toán trên mạng để rèn luyện say mê học toán còn gặp nhiều khó khăn. Ý thức tự giác học tập của  học sinh còn chưa cao.

3. Giải pháp:

a. Củng cố kiến thức cơ bản theo sách giáo khoa 2000 và dạy học toán tích hợp với các môn học khác theo chương trình 2018.

a1. Giáo viên củng cố kiến thức cơ bản theo sách giáo khoa 2000 môn toán cho học sinh.

a1.1. Hướng dẫn học sinh thao tác với phiếu học tập và trên vở bài tập.

Đây là một phương thức tuy đơn giản nhưng rất hữu hiệu, dễ làm, dễ sử dụng mà tất cả các học sinh đều làm được, áp dụng tốt cho các tiết dạy: lập biểu mẫu, thống kê, … nhằm giúp cho học sinh thực hành tốt và không mất nhiều thời gian cho học sinh lập bảng mà tất cả học sinh đều được hoạt động.

a1.2. Hướng dẫn học sinh thao tác với băng giấy – cắt ghép hình.

Đối với hình thức này thường hướng dẫn cho học sinh thao tác trên các bài phân số, giới thiệu các loại hình và nhận ra đặc điểm của các loại hình, so sánh, quan hệ lớn bé, biểu đồ, … Học sinh vừa nghe hướng dẫn vừa thao tác trên đồ dùng của mình để dễ so sánh đối chiếu mà ở những loại bài này đòi hỏi tư duy trừu tượng cao, nếu giáo viên áp dụng các thủ thuật vào để hướng dẫn cho các em thao tác thì các em sẽ dễ dàng hình thành ngay được biểu tượng, khái niệm của kiến thức.

a1.3. Hướng dẫn học sinh tự thực hiện với mô hình, dụng cụ học tập đơn giản như Êke, thước chia vạch, …

Mô hình, một số dụng cụ học tập đơn giản rất dễ làm, dễ tìm, một số đồ dùng như Êke, thước kẻ, … rẻ tiền, tận dụng một số đồ dùng cũ để làm . . . nhưng có hiệu quả rất cao trong quá trình dạy học, giúp cho học sinh nhìn nhận thực tế hơn, thao tác tốt hơn trong quá trình học. Vì dễ làm, dễ kiếm nên tất cả học sinh đều có thể kiếm được, làm được, không tốn kém từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các em thao tác với đồ dùng của mình trong các tiết học.

a1.4. Hướng dẫn học sinh khi giải toán có lời văn:

+ Học sinh phân tích đề toán, gạch dưới những điều đã cho và cần tìm trong bài toán.                         

+ Học sinh lập sơ đồ phân tích đề toán. 

a2. Dạy học toán tích hợp với các môn học khác theo chương trình 2018

Ngoài giờ học toán còn có các giờ học khác như: tập đọc, đạo đức, khoa học, lịch sử, địa lý,....không chỉ cung cấp cho các em kiến thức của môn học mà còn giúp học sinh vận dụng kiến thức toán học vào các môn học đó. Vì vậy giáo viên phải linh hoạt sử dụng phương pháp dạy học mới để giúp các em học tập tốt, có kỹ năng phân tích tổng hợp, tính toán, so sánh, ....

Ngoài ra giáo viên còn cho học sinh quan sát thêm các hình ảnh thực tế về hai đường thẳng song song:  vạch kẻ đường, đường rây xe lửa, các con đường nhìn từ trên cao, hai đường dây diện trên bầu trời, đường diềm trang trí,...để giúp các em nắm vững kiến thức.

b. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các giờ dạy Toán

- Trong những tiết dạy giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin 100% nên các em tập trung, hứng thú, ham thích học tập.

- Vận động, khuyến khích học sinh tham gia đầy đủ các cuộc thi thực hành học toán trên mạng Internet (IC3, Đấu trường toán học).

- Giáo viên đã tham gia thiết kế bài giảng thiết kế bài giảng Elearning năm học 2021 - 2022 nhằm đổi mới phương pháp dạy học môn toán tốt hơn.

- Giáo viên khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh chủ động tìm kiếm tri thức, sắp xếp hợp lý quá trình tự học tập, tự rèn luyện của bản thân mình. Các em hứng thú, say mê học tập hơn và nhất là học Toán ở lớp 4.

c. Hướng dẫn các phương pháp giáo dục học sinh tự học môn Toán lớp 4

Tôi thường xuyên trao đổi và hướng dẫn học sinh nêu cao tinh thần tự học. Nó thể hiện ý thức ham học, tự giác và trung thực trong học tập. Thể hiện khả năng, năng khiếu học tốt của các em. Đối với môn Toán lớp 4 có nhiều hình thức như:

* Hướng dẫn phương pháp học ở sách báo, trên mạng Internet:

Ngoài việc làm bài tập trong sách, giáo viên thường động viên các em làm thêm các bài toán nâng cao trong sách tham khảo như: Phương pháp giải toán ở Tiểu học, Toán nâng cao lớp 4, Phát triển và nâng cao lớp 4, Các bài toán điển hình lớp 4, Toán học tuổi thơ,...

Đặc biệt, giáo viên động viên các em tích cực tham gia giải toán qua mạng. Giáo viên phố biến hình thức học, hướng dẫn học sinh tạo tài khoản, tìm hiểu cách làm. Hàng tuần tôi đôn đốc, nhắc nhở, khuyến khích học sinh tích cực giải toán qua mạng (Đấu trường Toán học).

*Hướng dẫn các em cách tự học (giải toán):

Để giải đúng một bài toán giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện thứ tự và đầy đủ theo 4 bước:

- Bước 1: Tìm hiểu nội dung bài toán: Học sinh phải đọc kỹ đề bài (dưới dạng có lời văn, tóm tắt bằng chữ, tóm tắt bằng sơ đồ) để hiểu rõ bài toán cho biết gì, hỏi gì

- Bước 2: Tìm cách giải bài toán: Biết minh họa bài toán bằng tóm tắt sơ đồ. Lập kế hoạch giải.

- Bước 3: Thực hiện cách giải bài toán: Hoạt động này gồm việc thực hiện phép tính đã nêu trong kế hoạch giải bài toán và trình bày bài toán. Học sinh trình bày từng phép tính đơn. Mỗi phép tính kèm theo một lời giải, có ghi đáp số.

- Bước 4: Kiểm tra cách giải bài toán: Đây là bước thử lại để phân tích đúng sai. Nếu sai sẽ sửa chữa, tìm cách giải khác.

          *Tạo cho học sinh sự tự tin học toán với những người xung quanh:

- Giáo viên tạo cho các em học từ nhiều người thầy khác nhau (sách, báo, bố mẹ, anh chị, bạn bè, thầy cô giáo). Từ đó các em có cơ hội để trao đổi, học hỏi thêm, có thêm sự tự tin trong học Toán. Xây dựng cho các em phương pháp học tập đa dạng.

- Tạo cho các em ý thức tự tìm tòi, học hỏi suy luận trong mọi hoạt động, cần cẩn thận, tỷ mỉ, khoa học và lô gíc thì chắc chắn các em sẽ hiểu sâu vấn đề, tránh được nhầm lẫn các dạng bài toán.

* Trang trí lớp học: Ngoài ảnh Bác Hồ, khẩu hiệu, bàn ghế, ... tôi có trưng bày tranh ảnh phục vụ bài học, sản phẩm học sinh tự làm. Hướng dẫn và nhắc nhở học sinh tự học và ghi nhớ các kiến thức qua sơ đồ tư duy môn Toán.

- Việc áp dụng sáng kiến “Dạy học theo hướng phát triển năng lực toán học cho học sinh lớp 4” giúp:

+ Nâng cao được chất lượng và hiệu quả của năng lực tự học cho học sinh lớp 4.

+ Các em đã tự tin học toán, ít bị nhầm lẫn trong các phép tính về: cộng, trừ, nhân, chia và giải toán, nhiều em say mê giải toán.

+ Không những làm tốt các bài trong chương trình mà còn giải được các bài toán trong sách tham khảo, trên mạng Internet. Nhiều em giải được các bài toán phức tạp một cách nhanh hơn và có nhiều cách giải hay khác nhau.

- Giải pháp này còn rèn cho học sinh những phẩm chất tốt như: tính tự giác học tập; tự tìm tòi; tích cực hoạt động tư duy; tự phân tích và giải quyết các vấn đề.

Bảng thống kê kết quả của học sinh

4. Ý nghĩa:

Để giúp học sinh có hứng thú trong học tập, chủ động chiếm lĩnh kiến thức, tự giác hoàn thành bài học - bài làm, tự tin nêu ý kiến phát biểu xây dựng bài góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Giáo viên phải nhiệt tình, say mê công tác, tâm huyết với nghề. Có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm vững vàng, năng động, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học. Luôn động viên, khuyến khích học sinh khi các em có tiến bộ. Phát huy mọi nỗ lực của các học sinh, không tạo tâm lý nặng nề, gò ép học sinh. Từ đó giúp học sinh hứng thú hơn trong quá trình tiếp thu kiến thức, phát huy tính tư duy sáng tạo của học sinh. Sáng kiến kinh nghiệm này có thể chưa hoàn thiện 100% mong Ban giám khảo và lãnh đạo góp ý thêm để sáng kiến này hoàn thiện hơn.

5. Tính sáng tạo:

   Sáng tạo nội dung xây dựng thành công các giải pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực toán học cho học sinh lớp 4, dựa trên cơ sở khoa học, tài liệu sẵn có để nghiên cứu đưa ra đề xuất.

Các giải pháp đưa ra đã cụ thể hóa cơ sở lí luận, cơ sở thực tiễn hướng phát triển năng lực toán học cho học sinh lớp 4, dùng tiếp cận hoạt động để nghiên cứu vấn đề. Sáng kiến đã đưa ra dạy học theo hướng phát triển năng lực toán học cho học sinh lớp 4. Việc dạy thử nghiệm và quy trình đánh giá tiến hành theo đúng quy chế chuyên môn của ngành quy định. Kết quả dạy thực nghiệm cho thấy bước đầu những giải pháp đưa ra cho kết quả đáng tin cậy, phát triển năng lực toán học cho học sinh lớp 4

6. Khả năng áp dụng, nhân rộng

- Giải pháp đã được áp dụng dạy thực nghiệm ở lớp 4.12 tại trường tiểu học tôi công tác. Kết quả dạy thực nghiệm chứng minh được khả năng áp dụng có hiệu quả và giải pháp có khả năng nhân rộng trong  toàn trường và toàn huyện.

- Giải pháp đã được hoàn thiện sau khi lấy ý kiến đóng góp của đông đảo các giáo viên và các nhà quản lí giáo dục, học sinh và cha mẹ học sinh.

- Như vậy giải pháp có thể  áp dụng được ở tất cả các lớp trong mỗi trường tiểu học, nhân rộng trong toàn huyện.

7. Hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng giải pháp

a. Hiệu quả kinh tế

- Giải pháp mà tác giả đề xuất đã khắc phục được những hạn chế mà những nghiên cứu trước đó đã đưa ra. Giải pháp nâng cao được chất lượng và hiệu quả phát triển năng lực toán học cho học sinh lớp 4. Giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn khả năng phát triển năng lực toán học cho học sinh. Từ đó có cách giải quyết vấn đề triệt để giảm được chi phí bồi dưỡng giáo viên.

b. Hiệu quả về mặt xã hội

- Giải pháp có thể áp dụng với tất cả các trường Tiểu học. Một số giải pháp nâng cao phát triển năng lực toán học cho học sinh lớp 4 giúp học sinh hứng thú, say mê với môn học, từ đó chiếm lĩnh kiến thức một cách nhẹ nhàng, vững chắc. Xây dựng một lớp học thân thiện, cùng nhau học tập, cùng nhau tiến bộ. Tình bạn bè, tình thầy trò ngày càng gần gũi và gắn bó hơn. Mỗi ngày đến lớp thực sự là một ngày vui của các em.

- Giải pháp này còn rèn cho học sinh những phẩm chất tốt như: tính tự giác học tập; tự tìm tòi; tích cực hoạt động tư duy; tự phân tích và giải quyết các vấn đề.

c. Giá trị làm lợi khác

- Sáng kiến “ Dạy học theo hướng phát triển năng lực toán học cho học sinh lớp 4 thể làm tài liệu giảng dạy, nghiên cứu đối với giáo viên và những nhà quản lí giáo dục.

Thông tin

Tên tác giả: LÊ THỊ THU NGÂN

Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông