Mã số N2074: Biện pháp rèn kĩ năng đọc thành tiếng trong môn tiếng việt cho học sinh lớp 2
1. Đặt vấn đề
Kĩ năng đọc có một nhiệm vụ rất quan trọng đối với học sinh Tiểu học. Do đó vấn đề dạy đọc hiện nay rất được chú trọng. Đọc giúp học sinh bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, giúp các em có thể tự học. Mặc dù ở lớp Một các em được tiếp thu các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Song do đặc điểm tâm lý lứa tuổi và do trong hè các em chưa chú ý rèn luyện nên dẫn đến hiệu quả khi học môn Tiếng Việt rất thấp. Học sinh còn đánh vần, đọc chậm. Xuất phát từ những lí do trên, với tâm huyết của mình tôi mạnh dạn nghiên cứu “Biện pháp rèn kĩ năng đọc trong môn Tiếng Việt cho học sinh lớp Hai”.
2. Thực trạng
2.1. Thuận lơi:
- Được sự quan tâm chỉ đạo của ban giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn và các thầy cô trong tổ khối giúp cho cô và trò thuận lợi trong việc lập và thực hiện kế hoạch dạy học kịp thời, phù hợp với điều kiện của lớp và nhà trường.
- Phụ huynh trong lớp tương đối quan tâm tới học sinh.
- Học sinh trong lớp đạt năng lực, phẩm chất, đủ điều kiện học chương trình lớp 2.
2.2. Khó khăn:
- Do bản thân các em còn nhỏ nên rất ham chơi, một số em chưa có ý thức trong học tập.
- Phụ huynh học sinh bận lo làm ăn nên chưa dành nhiều thời gian quan tâm sâu sát đến con em mình.
- Còn một số học sinh đọc chậm, giọng đọc nhỏ, phát âm chưa chính xác từ ngữ, ngắt nghỉ hơi chưa đúng dấu câu.
- Qua quá trình đọc, tôi thấy học sinh mắc các lỗi sau:
- Lỗi phát âm: Do thói quen, vùng miền
+ Những tiếng có thanh hỏi, thanh ngã
VD: suy nghĩ à suy nghỉ
+ Những tiếng có phụ âm đầu r/g, s/x, tr/ch, gi/d,..
VD: rồi à gồi
con sông à con xông
+ Những tiếng có vần dễ lẫn: au/ao, an/ang, ay/ai,...
VD: cau à cao
bản à bảng
- Đọc chưa đúng trọng âm, ngắt giọng chưa đúng chỗ:
Học sinh ngắt giọng không chính xác ở các câu văn dài, có cấu tạo ngữ pháp phức tạp.
VD: Bài “Cây và hoa bên lăng Bác” (Sách Tiếng Việt 2 tập 2, trang 93) có câu: “Trên bậc tam cấp, / hoa dạ hương / chưa đơm bông, / nhưng hoa nhài trắng mịn, / hoa mộc, / hoa ngâu / kết chùm/ đang tỏa hương ngào ngạt. //”
Có học sinh đọc như sau: “Trên bậc tam cấp, / hoa dạ / hương chưa đơm bông, / nhưng hoa nhài trắng / mịn, / hoa mộc, / hoa ngâu kết / chùm/ đang tỏa hương ngào ngạt. //”
Từ thực trạng vừa trên, tôi nhận thấy cần phải có những giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng học sinh đọc chưa tốt trong môn Tiếng Việt. Nhận thấy rõ được các khó khăn cơ bản của học sinh, tôi đã đưa ra biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này và giúp các em học tốt hơn.
3. Biện pháp giúp học sinh đọc tiến bộ:
3.1 Luyện đọc mẫu của giáo viên và sự tích cực trong học tập của học sinh.
Muốn học sinh đọc tốt, thì trước tiên người giáo viên phải đọc mẫu cho tốt, sao cho thu hút học sinh vào nội dung bài đọc. Vì lẽ đó, khi soạn bài tôi tìm hiểu kĩ bài đọc, chú ý tìm hiểu từ ngữ, câu khó và cách ngắt nhịp qua mỗi bài đọc, để khi lên lớp tôi sẽ đọc đúng và thể hiện giọng đọc tự nhiên hơn.
VD: Bài: Ai ngoan sẽ được thưởng (Sách Tiếng Việt 2 tập 2 - Trang 82, 83) Khi đọc mẫu bài này, tôi đọc với các giọng khác nhau: Giọng người kể: ấm áp, trìu mến. Giọng Bác: nhẹ nhàng, trìu mến, quan tâm. Giọng các em thiếu nhi: thể hiện sự vui mừng, ngây thơ. Giọng của bạn Tộ: nhẹ nhàng, rụt rè.
Ngoài phần chuẩn bị của tôi thì vai trò của học sinh cũng góp phần quan trọng trong việc đọc tốt. Vì vậy tôi yêu cầu học sinh luyện đọc trước bài đọc ở nhà nhiều lần và khi vào tiết học thì phải trật tự lắng nghe cô hoặc bạn đọc. Hơn nữa, rèn đọc cho các em thực ra còn rèn cá tính độc lập, tự tin, mạnh dạn, kiên trì, yêu văn thơ, sách, truyện. Khi đọc được, đọc đúng các em cảm thấy vui sướng phấn khởi, tôi cũng cảm thấy thoải mái khi đến tiết học này.
3.2. Luyện đọc đúng từ ngữ
3.2.1. Rèn đọc phụ âm đầu:
Ở phần này, học sinh thường đọc chưa chính xác một số phụ âm đầu do lỗi phát âm chưa chuẩn.
VD: Khi dạy bài “ Cánh đồng của bố ” (Sách Tiếng Việt 2 - tập 1, trang 45) trong bài có cụm từ: “bố thốt lên sung sướng”. Từ: “sung sướng” học sinh đọc là “xung xướng”.
Hoặc trong bài Chuyện của vàng anh (Sách Tiếng Việt 2 - tập 2, trang 42), có cụm từ “Nó vừa sà xuống”. Từ “sà xuống” học sinh đọc là “xà xuống”
Đầu tiên, tôi đọc thật chuẩn các từ trên rồi gọi một số em đọc tốt đọc lại, sau đó đến những em đọc chưa đúng đọc lại nhiều lần.
Tôi hướng dẫn cách phát âm “s”; “x” như sau: - Âm “s”: lưỡi cong lên chạm ngạc, hơi đi ra phía trên hai bên lưỡi. - Âm “x”: đầu lưỡi chạm lợi, hơi thoát ra cả miệng lẫn lưỡi.
3.2.2. Rèn đọc đúng vần:
Một số em chưa phân biệt rõ cách phát âm một số vấn. Vì thế, tôi tiến hành phân tích cho các em về sự khác nhau giữa âm chính mà các em đọc chưa chính xác.
VD: Khi dạy bài đọc “Tóc xoăn và tóc thẳng” (SGK Tiếng Việt 2 - tập 1, trang 26) học sinh không đọc “tóc xoăn” mà đọc là “tóc xăng”. Tôi cũng cho kết hợp phân tích tiếng và đánh vần tiếng “xoăn” và tiếng “xăng” để các em nhận ra sự khác nhau về cấu tạo tiếng. Từ đó các em đọc đúng, không đọc nhầm nữa.
3.2.3. Rèn đọc đúng âm cuối:
Đối với các em đọc còn chưa đúng âm cuối, tôi giúp các em phân biệt sự khác nhau giữa hai vần và từ đó cách phát âm cũng khác nhau. Tôi cũng phát âm thật chuẩn các từ này sau đó cho nhiều học sinh phát âm chưa chính xác đọc lại rồi cho cả lớp đọc đồng thanh.
VD: Trong bài Cây và hoa bên lăng Bác, (SGK Tiếng Việt 2 - tập 2, trang 93), từ “trắng mịn” các em lại đọc “trắng mịnh”.
Ngoài ra, trong tiết học, tôi thường đến bên cạnh các em đọc chưa tốt để tạo cho các em cảm giác gần gũi, thân thiện và kịp thời uốn nắn, chữa lỗi phát âm cho các em.
3.2.4. Rèn đọc đúng dấu thanh
Tôi rèn học sinh đọc đúng các dấu thanh: phân biệt giữa thanh hỏi, thanh ngã và phương ngữ Nam Bộ.
VD: Từ “phượng vĩ” trong bài Sông Hương (SGK Tiếng Việt 2 - tập 2, trang 69) các em lại đọc “phượng vỉ”
Đối với học sinh lớp tôi, như phần thực trạng đã nêu: các em thường đọc chưa chính xác từ ngữ, thiếu dấu thanh nhiều. Do vậy, trong mỗi giờ đọc, tôi đều có yêu cầu riêng là rèn đọc đúng các dấu thanh chủ yếu là rèn đọc cá nhân.
VD: Bài đọc “Cô chủ nhà tí hon” (SGK Tiếng Việt 2 tập 1, trang 58), phải đọc “bẽn lẽn” không đọc “ ben lẽn” tôi hướng dẫn học sinh hai dấu thanh ngã đi liền nhau thì cần phải nhấn giọng cả hai tiếng. Như vậy, để luyện cho các em đọc đúng tiếng, từ, cụm từ thì trước tiên ta phải luyện âm một cách chính xác và có hiệu quả. Vì vậy, trước tiên tôi bồi dưỡng cho học sinh nói, đọc đúng âm càng sớm càng tốt.
3.3. Luyện đọc câu
Sau khi luyện đọc từ, tôi chuyển sang luyện đọc câu. Tôi cho học sinh đọc nối tiếp theo dãy bàn hoặc theo tổ. Khi đó, mỗi học sinh được tham gia tích cực vào quá trình luyện tập. Qua đó mà bộc lộ năng lực đọc của từng cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình học sinh đọc, tôi thấy học sinh ngắt, nghỉ hơi một cách tuỳ tiện. Để hướng dẫn học sinh đọc đúng, tôi thực hiện như sau: Đầu tiên tôi trình chiếu câu khó lên màn hình, sau đó tôi đọc cả câu cho học sinh lắng nghe, để các em phát hiện xem cô ngắt hơi, nghỉ hơi ở chỗ nào. Rồi tôi dùng một nét xiên ( / ) ngắt hơi và 2 nét xiên ( // ) nghỉ hơi. Tiếp theo, tôi đọc mẫu lại và cho hai học sinh đọc tốt đọc cho cả lớp nghe. Sau đó, tôi cho học sinh luyện đọc các nhân. Lưu ý cho học sinh khi đọc câu văn dài, các em cần ngắt hơi ở một số cụm từ dài và cụm từ đó phải diễn đạt một ý tương đối trọn vẹn. Tôi hướng dẫn cách ngắt nhịp trong câu thơ.
VD: Khi dạy bài “Mẹ” (Sách Tiếng Việt 2 - tập 1, trang 50) Tôi hướng dẫn học sinh ngắt nhịp thơ bằng cách: Tôi đọc trước, học sinh lắng nghe. Sau đó, học sinh nói rõ trong câu đó ngắt nhịp mấy cho hợp lý rồi tiến hành luyện đọc:
Lời ru có gió / mùa thu //
Bàn tay mẹ quạt / mẹ đưa gió về //
Những ngôi sao / thức ngoài kia //
Chẳng bằng mẹ / đã thức / vì chúng con. //
3.4. Rèn đọc to, rõ
Đối với các em đọc nhỏ, phần lớn là do các em thiếu tự tin, ngữ điệu thấp, không biết cách lấy hơi. Vì vậy, tôi cũng hướng dẫn học sinh lấy hơi bằng cách tập hít thở sâu để lấy hơi khi đọc. Đồng thời cũng tôi cũng thường xuyên động viên, khuyến khích các em thể hiện giọng đọc như lúc các em trò chuyện, vui chơi cùng bạn bè. Từ đó, các em được rèn luyện và dần dần giọng đọc to hơn.
3.5. Tổ chức linh hoạt các hình thức dạy học trong khâu luyện đọc.
Để tiết luyện đọc diễn ra sôi nổi, tạo hứng thú cho học sinh luyện đọc tốt hơn, tôi đã tổ chức linh hoạt các hình thức dạy học trong khâu luyện đọc như đọc cá nhân, đọc đồng thanh, đọc nhóm, thi đua,... Cũng từ đó, các em sẽ có ý thức nỗ lực, phấn đấu hơn khi tôi cho học sinh ở các nhóm thi đọc với nhau. Tôi thường cho một số học sinh còn hạn chế về kĩ năng đọc được rèn đọc nhiều hơn từng câu, đoạn trong các bài đọc. Khi đó, tôi thường đến cạnh bên các em để theo dõi và uốn nắn cho các em. Song song đó, tôi vẫn không quên hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với từng đối tượng học sinh trong lớp học của mình với các hình thức khác nhau. Như trong giai đoạn học trực tuyến, học sinh gửi video đọc qua zalo, tôi sẽ nhận xét và gửi kèm các sticker khác nhau nhằm động viên và khen. Cuối tháng hoặc cuối chủ điểm, học sinh gửi video đọc đầy đủ, đọc tiến bộ sẽ được tặng “hoa chăm chỉ”. Nhờ vậy, mà học sinh đã có hứng thú tham gia tích cực vào tiết học và mang lại hiệu quả thiết thực hơn trong giờ luyện đọc.
3.6. Thường xuyên liên hệ với phụ huynh học sinh
Sự kết hợp giáo dục chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình học sinh là hết sức cần thiết. Vì lí do đó, ngay từ giai đoạn đầu năm, trong cuộc họp cha mẹ học sinh để tiếp xúc trao đổi với cha mẹ các em một số vấn đề như sau :
Về yêu cầu đặt ra đối với hoạt động đọc, về cách đánh giá môn học, cũng như các căn cứ để đánh giá cuối năm. Từ đó, phối hợp với phụ huynh nhằm nhắc nhở các em có ý thức tự luyện đọc bài ở nhà và có sự giám sát của cha mẹ hay anh chị của các em. Các bậc cha mẹ cần hỗ trợ các em lên một thời gian biểu học tập ở nhà. Để từ đó, nhắc nhở và theo dõi các em học tập theo thời gian biểu đó. Khi các em đã có ý thức tự giác thực hiện việc học tập theo thời gian biểu thì các em có thể được vui chơi, giải trí.
Tôi cũng thường xuyên liên lạc với phụ huynh học sinh qua điện thoại, hoặc trao đổi trực tiếp phụ huynh học sinh, đặc biệt là những học sinh còn hạn chế về kĩ năng đọc.
4. Kết quả:
Trong quá trình áp dụng các biện pháp trên để rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp, tôi đã thu được kết quả như sau:
Qua bảng thống kê trên tôi nhận thấy phương pháp tôi thực nghiệm đã đạt được kết quả đáng kể. Thực tế trên lớp tôi dạy, các em tiến bộ hằn lên. Các em cảm thấy mạnh dạn, tự tin phấn khởi hơn khi vào tiết học.
5. Bài học kinh nghiệm
Để rèn kĩ năng đọc tốt cho học sinh, người giáo viên cần làm những việc sau:
- Cần trau dồi kinh nghiệm từ thực tế giảng dạy hàng năm và học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp trong quá trình dự giờ, thăm lớp nhằm phối kết hợp những biện pháp giảng dạy tối ưu và hiệu quả hơn ở phần dạy luyện đọc.
- Cần phải tìm hiểu tâm lí của từng học sinh, thường xuyên gần gũi, thân thiện với các em nhưng đồng thời cũng phải nghiêm khắc với học sinh.
- Luôn động viên khuyến khích học sinh cần phải tự tin trong học tập, luôn có các phần thưởng nhỏ vào cuối tuần trong tiết sinh hoạt tập thể.
- Giáo viên cần không ngừng trau dồi về chuyên môn, tìm hiểu và nghiên cứu thêm tài liệu về các phương pháp dạy học môn Tiếng Việt.
- Giáo viên cần kết hợp nhiều biện pháp giáo dục học sinh, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh.
Thông tin
Tên tác giả: LÊ THỊ THÙY LINH
Trường TH Vĩnh Lộc 2, huyện Bình Chánh, TP. HCM
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông