Mã số N2084: Giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến môn tiếng anh

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

I. PHẦN MỞ ĐẦU:

Trong những năm qua, học tập trực tuyến đã trở thành phương pháp học tập được rất nhiều người tin tưởng lựa chọn.  Hình thức học này đã giúp người học xóa dần đi khoảng cách về không gian và thời gian, người học có thể tự điều chỉnh quá trình học một cách linh hoạt giúp quản lý thời gian hiệu quả và địa điểm học linh động.

Trong giai đoạn đầu năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cấp học đã áp dụng hình thức dạy học trực tuyến để trẻ em, học sinh, sinh viên được tiếp cận tri thức mọi nơi, mọi lúc mà vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, các đơn vị trường học đã rất cố gắng dạy và học trực tuyến đảm bảo chất lượng giáo dục đề ra.

Xuất phát từ điều kiện thực tiễn nơi công tác cũng như các yêu cầu của việc dạy và học môn Tiếng Anh trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tôi mạnh dạn đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh. Tôi mong rằng với giải pháp này, các em học sinh sẽ nắm vững kiến thức, cảm thấy hào hứng và yêu thích bộ môn Tiếng Anh hơn.

II. PHẦN NỘI DUNG:

1. Thực trạng:

Hiện nay tôi nhận thấy đang tồn tại hai thực trạng sau:

- Các em học sinh được chia làm 2 nhóm: nhóm có thiết bị học thường xuyên: các em có đủ thiết bị học, có mạng internet, đảm bảo tham dự được các tiết học có giáo viên dạy theo thời khóa biểu và hoàn thành các bài tập được giao sau giờ học trên internet. Nhóm còn lại, các em không có thiết bị học thường xuyên, phụ huynh ban ngày cầm theo điện thoại đi làm, tối đến các em mới có thiết bị để truy cập lên internet xem nội dung bài học giáo viên đưa lên.

- Dạy học trực tuyến hay còn gọi là E-learning là một môi trường học có nhiều cám dỗ từ mạng xã hội. Do đó các em dễ mất tập trung khi nghe giáo viên giảng bài và không tích cực hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giao.

Do vậy yêu cầu đặt ra là làm sao đảm bảo bài giảng trực tuyến cho hai nhóm học sinh trên và phải nâng cao nhận thức cho học sinh trong học tập bộ môn, để các em tập trung trong giờ học, tích cực, chủ động hoàn thành các nhiệm vụ.

2. Giải pháp:

2.1. Trong dạy học trực tuyến trên lophoc.hcm.edu.vn (Dành cho nhóm học sinh không có thiết bị học thường xuyên)

Với học sinh không thể tham gia tiết học online có giáo viên giảng, các em vẫn có thể tự học trên trang lophoc.hcm.edu.vn. Giáo viên sẽ đưa các học liệu lên website này để học sinh có thể truy cập vào xem bất cứ thời điểm nào trong một khoảng thời gian mà giáo viên quy định (1 tuần, 10 ngày,…). Vì các em tự học nên giáo viên cần đưa các tài liệu súc tích, logic và thu hút để học sinh dễ dàng hiểu bài và thích thú khi học. Giải pháp cho vấn đề này là Camtasia, Youtube, Infographic và nắm bắt tâm lý học sinh.

2.1.1. Camtasia:

Tiếng Anh là một môn học đặc biệt, nếu các em chỉ lên lophoc.hcm.edu.vn nhìn và ghi thông tin bài học thì sẽ không thể nào tiếp thu bài một cách trọn vẹn. Các em cần phải nghe bài, hiểu bài, tiếp thu sau đó mới vận dụng được. Tuy nhiên nếu giáo viên tải một video bài giảng quá dài lên thì học sinh sẽ thật sự nhàm chán, không kiên nhẫn nghe hết nội dung trong đó. Giải pháp cho vấn đề này là Camtasia. Phần mềm này giúp giáo viên thiết kế video clip bài giảng sinh động. Giáo viên có thể quay phim chính mình đang giảng bài, sau đó lồng ghép các hình ảnh xuất hiện ngay lúc mình nói.

Ví dụ: Khi giáo viên giảng từ mới “menu” (thực đơn), giáo viên đưa tay ra, một “menu” sẽ xuất hiện ngay tay giáo viên, và cách viết từ, cách phiên âm từ sẽ cùng lúc xuất hiện. Điều này sẽ gây hứng thú hơn với học sinh so với giáo viên đưa ra một đoạn video ghi lại màn hình powerpoint và lồng ghép âm thanh đọc bài vào đó.

Hình: Trước khi thêm hình ảnh và chữ vào video.

Hình: Sau khi thêm hình ảnh và chữ vào video.

Ngoài ra, camtasia có thể giúp giáo viên cắt đổi phông nền video cho phù hợp bài giảng.

Ví dụ: Giáo viên đang giảng bài chủ đề: Cách gọi thức ăn và nước uống tại nhà hàng, giáo viên quay phim mình đang đứng trước phông nền xanh, sau đó đổi thành khung cảnh trong một nhà hàng. Nhờ đó, video sẽ đẹp mắt và gần gũi với bài học hơn.

Các chức năng khác của Camtasia:

- Quay màn hình máy tính

- Chỉnh sửa, cắt ngắn, nối các đoạn video lại với nhau.

Ví dụ: Khi trình chiếu về những ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu (Effects of climate change), đoạn video này giáo viên tìm thấy trên internet khá dài và nhiều đoạn không cần thiết, giáo viên dùng Camtasia để cắt ngắn video và ghép âm thanh phù hợp vào.

- Chèn thêm chữ, âm thanh, hình ảnh vào video: Các phần mềm proshow gold hay video maker cũng có thể chèn thêm chữ, hình ảnh, video vào nhưng chỉ có thể tạo 1 phân đoạn trống rồi đưa các chữ, hình ảnh, âm thanh vào, sau đó ghép nối với video có sẵn. Còn Camtasia được nâng cấp chức năng hơn, giáo viên có thể chèn trực tiếp chữ, hình ảnh ngay cả âm thanh vào một đoạn nào đó trong video có sẵn.

Ví dụ: Trong video clip về  một gia đình đang gọi món ăn ở nhà hàng, giáo viên dùng camtasia để chèn thêm chữ phụ đề giúp học sinh hiểu rõ hơn các nhân vật đang nói gì. Khi họ nói muốn ăn “pasta” (mì sợi dài), giáo viên sẽ chèn hình món pasta vào video lúc đó để học sinh hiểu nghĩa từ mới này.

Hình: Trước khi thêm chữ phụ đề và hình minh họa vào video.

Hình: Sau khi thêm chữ phụ đề và hình minh họa vào video.

2.1.2. Youtube

Các đoạn video clip rất thú vị, tuy nhiên dung lượng được phép tải lên trang lớp học kết nối chỉ được 10 MB. Chính vì vậy, với các đoạn video dung lượng cao, giáo viên nên tải lên kênh Youtube của chính mình. Khi đó, giáo viên chỉ việc copy link youtube và insert media (chèn) vào bài học trên trang lophoc.hcm.edu.vn.

2.1.3. Infographic

Ngoài video clip, giáo viên cần tạo một nội dung bài học ngắn gọn, dễ hiểu để học sinh đọc, hiểu và ghi vào tập. Giáo viên cần trau chuốt hình thức trình bày đẹp mắt logic để các em thích thú khi xem. Để làm được điều này giáo viên có thể tạo nội dung ghi bài trên phần mềm Words theo hình thức infographic. Infographic là cung cấp những thông tin phức tạp qua thiết kế dưới dạng ngắn gọn, rõ ràng bằng ký hiệu, biểu tượng, hình ảnh tạo thành một tác phẩm có sức thuyết phục.

2.1.4. Nắm bắt tâm lý học sinh:

Không được kiểm tra, đôn đốc, một chút áp lực để cố gắng, một lời khen ngợi sau những gì mình cố gắng thì các em học sinh sẽ dần không cảm thấy cần thiết và yêu thích học tiếng Anh nữa. Do đó, giáo viên cần bao quát được việc học của các em bằng cách yêu cầu các em sau một tuần chụp hình tập lại gửi giáo viên chấm thông qua kênh zalo, messenger hoặc azota. Giáo viên sẽ gửi các góp ý và ngôi sao điểm cộng đến học sinh. Hoạt động này không những giúp các em cảm thấy được quản lý chặt chẽ mà còn thể hiện sự quan tâm của giáo viên dành cho học sinh.

2.2. Trong dạy học trực tuyến trên nền tảng google meet hoặc zoom (Dành cho nhóm học sinh có thiết bị học thường xuyên): ngoài việc học sinh học trực tuyến qua phần mềm lophoc.hcm.edu.vn, học sinh còn được tương tác với giáo viên qua google meet hoặc zoom theo thời khóa biểu chung của nhà trường.

2.2.1. Cách thiết kế bài giảng sinh động

2.2.1.1. Powerpoint

Phần mềm với nhiều chức năng như soạn và chỉnh sửa giáo án dễ dàng, giúp trình chiếu chữ, hình ảnh, âm thanh, video sống động, đặc biệt có thể tạo ra rất nhiều trò chơi tiếng Anh bổ ích.

Một số trò chơi được thiết kế trên powerpoint phù hợp với môi trường E-learning:

* Who wants to be a millionaire? (Ai là triệu phú?): Giáo viên chia lớp thành 2 đội chơi: Boys (con trai) và Girls (con gái). Đội Girls sẽ trả lời 10 câu hỏi theo mức độ từ dễ đến khó, nếu sai ở câu hỏi nào sẽ kết thúc phần chơi ở đó. Sau đó đến đội Boys chơi. Đội nào đạt được số tiền cao hơn sẽ chiến thắng trò chơi. Điểm sôi động ở trò chơi này là học sinh có 3 quyền trợ giúp: 50/50, hỏi khán giản và gọi người thân. Học sinh phải quyết định đi tiếp hay dừng đúng lúc vì từ câu 1 đến câu 5: nếu trả lời đúng được tiền, trả lời sai sẽ trở về $0 và dừng cuộc chơi, từ câu 6 đến 10 cũng vậy: nếu trả lời đúng được tiền, trả lời sai sẽ trở về $1000 và dừng cuộc chơi.

* Crosswords (Ô chữ): Giáo viên chia học sinh thành 2 đội (Boys and Girls). Các em sẽ đoán ô chữ dựa vào các câu hỏi gợi ý. Trò chơi này giúp học sinh ôn lại nghĩa của từ và cách viết từ rất hiệu quả!

* Gold miner (Đào vàng): Giáo viên chia lớp thành 2 đội (Boys and Girls). Học sinh sẽ lựa chọn khối vàng, đằng sau đó là một câu hỏi. Nếu trả lời đúng, khối vàng đó sẽ thuộc về đội các em. Đặc biệt, khối vàng to chứa câu hỏi mức độ khó sẽ phù hợp với học sinh khá giỏi, khối vàng nhỏ chứa câu hỏi dễ hơn để các em học sinh trung bình hoặc yếu cũng có thể tham gia đem thành tích về cho đội mình. Điểm hay của trò chơi này là cả lớp đều có thể tự tin tham gia lựa chọn câu hỏi phù hợp với mình.

* Let’s do archery (Trò chơi bắn cung): Giáo viên chia học sinh thành 2 đội (Boys and Girls), các em sẽ chọn câu trả lời đúng nhất. Trò chơi này nhẹ nhàng, tính cạnh tranh không cao, nhưng giao diện xanh mát, đem lại cảm giác nhẹ nhàng cho người xem. Giáo viên vừa cho học sinh chơi, vừa giải thích cụ thể tại sao phải chọn đáp án như vậy. Hoạt động này phù hợp với mọi đối tượng học sinh, đặc biệt là các em học sinh yếu sẽ không cảm thấy quá nhanh, quá gấp gáp đến nỗi không theo kịp.

Ngoài ra, có rất nhiều trò chơi khác như hái quả, hộp quà bí mật, câu cá, lật mảnh ghép, vòng quay may mắn, vượt chướng ngại vật, đồng hồ đếm ngược… Các trò chơi này có giao diện đẹp mắt, âm thanh vui tươi làm giảm sự căng thẳng cho học sinh khi nhìn vào màn hình thiết bị đồng thời tăng tính cạnh tranh và nỗ lực của mỗi cá nhân.

2.2.1.2. Quizizz

Trang web quizizz.com có 2 chức năng chính: bắt đầu một bài kiểm tra trực tuyến và chỉ định bài tập về nhà. Chức năng bài tập về nhà là không cần thiết vì giáo viên đã tập cho các em lên lophoc.hcm.edu.vn để ghi nội dung bài học và làm bài tập về nhà trên đó. Còn chức năng bắt đầu một bài kiểm tra trực tuyến vô cùng hữu ích, không chỉ giúp học sinh ôn lại kiến thức ngay trong tiết dạy mà còn tạo một đấu trường gay cấn giữa các học sinh trong lớp.

Cách thực hiện như sau:

- Giáo viên vào trang web quizizz.com tạo 1 tài khoản cho mình. Sau đó nhấn nút tạo bài kiểm tra, tiếp theo nhập câu hỏi, các tùy chọn câu trả lời (bằng chữ hoặc hình ảnh) và nhấn nút lưu lại.

- Trong giờ học trực tuyến, khi đã hoàn tất bài giảng của mình, giáo viên sẽ vào trang web này lại, nhấp vào thư viện của tôi, vào bài kiểm tra mình đã tạo sẵn, sau đó copy link gửi học sinh. Các em sẽ nhấp vào link đó, điền họ tên vào. Cùng lúc này bên màn hình giáo viên cũng hiển thị có bao nhiêu bạn đã vào. Khi số lượng đủ, giáo viên nhấn nút bắt đầu, các em sẽ bắt đầu phần thi của mình. Ai trả lời đúng câu nào, sai câu nào và ai nhanh nhất đều hiển thị trên màn hình điều khiển của giáo viên.

Hình: Màn hình thi đấu của học sinh.

- Sau khi kết thúc phần thi, giáo viên công bố kết quả người thắng cuộc. Tất cả học sinh sẽ rất thích thú với hoạt động học mà chơi, chơi mà học này.

Hình: Màn hình quan sát của giáo viên.

Lưu ý: Một website khác có chức năng tương tự như Quizizz là Kahoot, một ứng dụng được sử dụng rộng rãi khắp thế giới. Nhưng với học sinh THCS thì giáo viên không nên chọn Kahoot vì khi các em tham gia thi trực tiếp tại lớp như trò chơi trên thì cần phải có 2 thiết bị: một màn hình để kết nối với phần trình chiếu với giáo viên (trong đó có ghi câu hỏi với các đáp án để lựa chọn) và một màn hình với các ô biểu trưng để lựa chọn (không ghi cụ thể đáp án). Với học sinh THCS thường không có đủ 2 thiết bị để chơi nên giáo viên chỉ nên dùng quizizz. Kahoot phù hợp với các đối tượng sinh viên hơn.

Hình: Màn hình máy tính kết nối với giáo viên, màn hình điện thoại với các ô biểu trưng để người chơi chọn đáp án.

2.2.2. Các phương pháp phù hợp:

2.2.2.1. Đặt ra mục tiêu học tập rõ ràng:

Học trực tuyến là môi trường học có nhiều cám dỗ, việc đặt ra mục tiêu học tập rõ ràng sẽ giúp học viên biết mình thực sự cần gì, mình đang học vì điều gì. Từ đó nâng cao quyết tâm, chủ động hơn trong học tập. Vì thế, giáo viên cũng nên hỗ trợ để học sinh hiểu được mục tiêu học tập, mang lại những giờ học trực tuyến thực sự hiệu quả, thú vị.

Cụ thể như: Trong giờ học, giáo viên cần đưa ra mục tiêu cụ thể: Các em có phát biểu xây dựng bài sẽ được ngôi sao điểm cộng (cho mỗi lần phát biểu), sau giờ học làm bài tập đầy đủ, chép bài đầy đủ sẽ được điểm cộng. Sau một tuần giáo viên sẽ công bố số ngôi sao điểm cộng các bạn đạt được trong tuần và tuyên dương 3 học sinh có số điểm cộng cao nhất trong tuần. Hoạt động này tuy đơn giản nhưng có giá trị khuyến khích, động viên cao.

Hình: Kết quả điểm cộng hàng tuần của lớp.

2.2.2.2 Đổi mới hình thức tương tác giữa giáo viên và học sinh:

Nhiều thiết bị của học sinh không có chức năng truyền âm thanh, các em không thể trả lời được câu hỏi của giáo viên. Thay vì yêu cầu học sinh trả lời như truyền thống, giáo viên có thể cho học sinh trả lời thông qua ô bình luận. Để tối ưu hóa hình thức tương tác này, giáo viên có thể đưa ra câu hỏi, cả lớp phải đánh máy nhanh đáp án vào, sau khi cả lớp đưa ra đáp án, giáo viên công bố đáp án đúng và chúc mừng các bạn làm đúng. Tiết học lúc này sôi nổi như một livestream bán hàng trên facebook.

2.2.2.3. Phương pháp lặp lại:

Với việc học trực tuyến, một cách học được lặp đi lặp lại sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với việc thay đổi liên tục.

Ví dụ: Giáo viên quy ước các lớp phải thực hiện theo cách học như sau:

+ Lên lophoc.hcm.edu.vn chép nội dung bài học trước (có ngôi sao điểm cộng)

+ Tham gia tiết học giáo viên dạy trên googlemeet hoặc zoom. Trong giờ học tích cực phát biểu xây dựng bài. (có tham gia, có phát biểu sẽ có ngôi sao điểm cộng)

+ Sau giờ học sẽ lên lophoc.hcm.edu.vn để làm các bài tập liên quan (có ngôi sao điểm cộng)

+ Hàng tuần chụp hình tập ghi bài gửi cho giáo viên kiểm tra. (có ngôi sao điểm cộng)

=> Các em sẽ tuân theo quy trình học như vậy, các hoạt động sẽ lặp đi lặp lại hàng tuần theo trình tự như vậy, điều đó không gây ra nhàm chán mà ngược lại sẽ giúp học sinh sẽ hình thành một nhịp độ học tập đều đặn, mang lại hiệu quả tiếp thu kiến thức cao hơn.

2.2.2.3. Thể hiện cảm xúc:

Trong dạy học trực tuyến, sự cởi mở về cảm xúc là một chiến lược giảng dạy tuyệt vời. Ngồi trước thiết bị công nghệ nhiều giờ liền, điều đó thật sự khá khô khan, nên giáo viên cần mang một chút sống động, đời thực đến với học sinh thông qua cảm xúc. Hãy mỉm cười khi học sinh trả lời đúng, hãy chia sẻ những nỗi lo của mình khi các em không nộp bài thu hoạch đúng hạn. Và hãy tự làm đẹp bản thân một chút để luôn rạng rỡ tự tin, truyền những năng lượng tích cực đến các em học sinh.

3. Kết quả đã đạt được:

Sau một thời gian áp dụng các phương pháp dạy học trực tuyến trên, các em học sinh đã vào nề nếp: tham gia đầy đủ các bài tập trên lớp học kết nối , chăm phát biểu trong giờ học, và háo hức chờ đợi buổi học Tiếng Anh tiếp theo. Các lớp 6/1, 6/6, 8/5, 8/7 mà tôi đang giảng dạy đã gặt hái được kết quả tốt trong giữa học kì I năm học 2021 – 2022. Cụ thể như sau:

Kết quả học tập của học sinh khá tốt nhưng tôi cùng đồng nghiệp vẫn đang nỗ lực thực hiện và nghiên cứu thêm những thủ thuật mới nhằm thu hút học sinh yêu thích bộ môn Tiếng Anh hơn. Từ đây, tôi hướng đến là nâng cao hơn nữa chất lượng bộ môn đồng thời không còn học sinh yếu kém bộ môn mà mình đang phụ trách.

III. KẾT LUẬN

Dạy học trực tuyến có rất nhiều ưu điểm nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mà giáo viên lẫn học sinh đã và đang nỗ lực, khắc phục vượt qua. Với giải pháp này, tôi chỉ hi vọng rằng các bạn đồng nghiệp sẽ tìm hiểu và cùng trao đổi để tìm ra những cách nâng cao hiệu quả dạy và học Tiếng Anh trực tuyến, đảm bảo không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Từ đó, chúng ta sẽ ngày càng có được nhiều hơn các thế hệ học sinh giỏi bộ môn này.

Thông tin

Tên tác giả: TRẦN TƯ HỒNG NGA

Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông