Mã số N2094: Thương mại điện tử: Chuyển đổi hình thức mua bán – cơ hội phát triển cho các nhà kinh doanh nhỏ, lẻ.

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

1.    Giới thiệu đề tài truyền thông

Cùng với sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế thị trường trong thời kì công nghệ 4.0, thương mại điện tử được nhiều người ưa chuộng và dần trở thành xu hướng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế. Từ khi thương mại điện tử xuất hiện, quá trình mua bán diễn ra sôi nổi hơn, mức độ cung – cầu cũng ngày càng tăng cao. Nhận thấy sự tiện lợi và linh hoạt từ hình thức mua bán này, tôi đã chọn vấn đề: Chuyển đổi hình thức mua bán – cơ hội phát triển cho các nhà kinh doanh nhỏ lẻ. Việc chuyển đổi hình thức mua bán là nhu cầu tất yếu, linh hoạt và sáng tạo, hỗ trợ rất nhiều cho những ai muốn khởi nghiệp hay các nhà kinh doanh nhỏ lẻ muốn phát triển hơn nữa thay cho hình thức buôn bán trực tiếp không mang lại kết quả cao.

 2.    Sự phổ biến của sàn thương mại điện tử trong thời kì công nghệ 4.0

Trong thời kì công nghệ 4.0 hiện đại, các thiết bị thông minh dần chiếm lĩnh cuộc sống, góp phần làm cho cuộc sống thêm năng động, tiện lợi. Ngay cả trong quá trình mua bán cũng dần được chuyển đổi để bắt kịp với nhu cầu của thị trường và lối sống của thời đại. Nổi bật và đáng chú ý nhất chính là các sàn thương mại điện tử đã trở thành lựa chọn tối ưu, nơi mua bán sầm uất và cũng là một trong những lĩnh vực thành công nhất trong việc áp dụng công nghệ 4.0, khai thác tối đa thế mạnh ủa Internet vào kinh doanh.

Chẳng xa lạ gì khi nhắc đến khái niệm “Thương mại điện tử” (EC) hay còn gọi là E – commerce. Đó là nơi thực hiện cách thức mua bán trực tuyến. Nói dễ hiểu hơn là các hoạt động mua và bán các sản phẩm hay dịch vụ được thực hiện thông qua các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính. Thực tế nhất là cách thức bán lẻ trực tuyến (E-tailing) hoặc các cửa hàng ảo trên các trang web với các danh mục trực tuyến được xem như các “trung tâm mua sắm ảo”.

Hình thức này vốn không còn xa lạ gì với các nước trên trên thế giới. Từ khi thương mại điện tử xuất hiện đã làm thay đổi việc kinh doanh trên thế giới và tạo nên những bước đột phá lớn. Thị trường thương mại điện tử đang có xu hướng tăng trưởng, dự kiến đạt tổng giá trị 5,55 nghìn tỷ đô vào năm 2022. Hai năm trước, doanh số của mua hàng trực tuyến chỉ chiếm 17,8% so với tổng doanh số toàn ngành bán lẻ. Dự kiến, con số này sẽ tăng thành 21% vào năm 2022 và bứt phá lên 24.5% vào năm 2025.

Các chuyên gia cũng nhận đinh rằng, thị trường kinh doanh đầy tiềm năng này chính là cơ hội cho các nhà kinh doanh nhỏ.

Các mô hình thương mại điện tử phổ biến trên thế giới như: Taobao, 1688, Amazon, … Tại việt Nam có Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok shop đang rất thịnh hành và hoạt động mạnh mẽ. Được các nhà kinh doanh chọn làm nơi khởi nghiệp.

Khi thương mại điện tử xuất hiện, bắt buộc các doanh nghiệp phải tự chuyển mình để hoà nhập và phát triển, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và thu hút rất nhiều người đang có ý định khởi nghiệp. Cũng bởi lẽ mức độ đô thị hoá nhanh chóng cùng với sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ. Khả năng mua sắm ngày càng tăng cao. Chính vì thế, sự thay đổi hình thức kinh doanh là tất yếu, phù hợp với nhu cầu và tốc độ phát triển của nên kinh tế thị trường. Để từ đó hoà cùng xu hướng của thế giới, thúc đẩy quá trình mua bán của nước nhà.

Nắm bắt được xu hướng hiện nay, thương mại điện tử đã đáp ứng được các tiêu chí trong quá trình trao đổi hàng hoá (mua – bán), phù hợp với mọi yêu cầu đặt ra của mối quan hệ cung – cầu, EC đã trở thành lựa chọn khởi nghiệp lý tưởng cho các nhà bán hàng, đặc biệt là tại Việt Nam.

1.    EC - Nơi khởi nghiệp của các hộ kinh doanh vừa và nhỏ

Ông bà ta có câu: “Phi thương bất phú”, câu nói ấy vẫn đúng với ngày nay, kinh doanh mở ra cho ta cơ hội làm giàu rất cao. Nhưng với hình thức mua bán trực tiếp hay các chợ truyền thống như ngày xưa thì vẫn còn rất nhiều hạn chế, gây nhiều khó khăn bởi các yêu cầu rất cao trong những bước đầu kinh doanh. Muốn kinh doanh với mô hình trực tiếp, người bán cần có: vốn, cửa hàng, mặt bằng, kinh phí quảng cáo, vận chuyển… Hiện tại, những khó khăn ấy hoàn toàn được giải quyết khi chọn cách thức mua bán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử với các kênh bán lẻ trực tuyến. Nó mang lại nhiều lợi ích cho người bán, hỗ trợ cho việc khởi nghiệp thuận lợi, giải quyết các vấn đề mà người bán hay bận tâm:

- Thị trường rộng lớn: Ngoài thị trường trong nước, các nhà bán hàng nhỏ lẻ vẫn có thể tiếp xúc với thị trường quốc tế mà không cần phải tốn nhiều thời gian, chi phí di chuyển như cách mua bán truyền thống. Từ đó, bắt kịp nhu cầu và xu hướng kinh tế để tìm ra bước phát triển trong tương lai. Nguồn khách hàng cũng từ đó mà gia tăng. Tìm thêm được nhiều khách hàng tiềm năng.

- Vốn đầu tư thấp: EC giải quyết được vấn đề lớn của khởi nghiệp chính là vốn đầu tư và các chi phí. Hạn chế tối đa các chi phí không cần thiết hay chi phí phát sinh trong quá trình kinh doanh. Tiết kiệm cho nguồn vốn ban đầu. Người bán có thể chủ động về hàng hoá, tránh việc tích trữ hàng hoá dẫn đến việc “chôn vốn”, …. Người bán cũng có thể không cần đầu tư vào các khoản tốn nhiều chi phí như cửa hàng, vận chuyển,…

- Bán hàng linh hoạt: Việc bán hàng trực tiếp khá thụ động, nhưng với EC, tất cả được lập trình sẵn nhờ áp dụng công nghệ 4.0. Không cần di chuyển nhiều, chỉ với vài thao tác đơn giản đã có thể quản lý tất cả. Quảng cáo thương hiệu, sản phẩm chỉ với vài bước quảng cáo theo lập trình có sẵn, khá dễ dàng để tạo ra một cửa hàng ảo hay việc tạo lập một thương hiệu. Vận chuyển hàng hoá cũng được tiết kiệm tối đa khi liên kết với các đơn vị giao hàng.

Chính vì thế, những hộ kinh doanh vừa và nhỏ đã được giúp sức và được hỗ trợ rất nhiều từ khi bắt đầu kinh doanh, có được điều kiện tốt nhất để khởi nghiệp. Trao đổi với chị N.K.A – chủ shop KawWai Store chuyên buôn bán các mặt hàng phụ kiện, văn phòng phẩm trên kênh thương mại điện tử Shopee về ưu điểm của bán hàng trực tuyến, chị cho biết: “Tôi đã khởi nghiệp thành công bằng cách bắt đầu buôn bán mặt hàng phụ kiện, văn phòng phẩm trên shopee, shop thành lập được một năm rồi, từ tháng 7 năm 2021, lúc đó đang trong thời kì dịch Covid, buôn bán khó khăn nên tôi chọn chuyển đổi hình thức kinh doanh trực tiếp sang bán hàng online, tôi chọn shopee vì lúc đó, ai cũng thích mua hàng trên shopee”. Khi được hỏi tại sao chị lại quyết định thay đổi, chị trả lời: “Bán trên shopee khoẻ lắm, tôi không có đi tìm khách hàng, tôi chỉ có việc đăng sản phẩm bằng máy tính hoặc điện thoại cũng được, có đơn hàng thì tôi gói sản phẩm, còn vận chuyển và doanh thu, chỉ cần ngồi ở nhà, bên vận chuyển và shopee người ta làm hết. Đến hiện tại, tôi thực hiện các bước quảng cáo trên shopee, mọi người biết đến nhiều hơn nên đơn hàng mỗi ngày rất nhiều. Shop bắt đầu có lời rồi, tôi vui lắm!”

2.    Cần chuẩn bị gì khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Dù là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi làm việc trên sàn có nhiều vấn đề, xoay quanh các nội dung lớn: kinh doanh đa sàn cần hiểu rõ cơ chế từng sàn; hiểu thị trường (ngách, mảng, đối thủ); xây dựng chiến lược ngắn hạn và dài hạn; đầu tư dài hạn. Sau phân tích thị trường, cần xây dựng chiến lược dài hạn. Với một doanh nghiệp, khi lên sàn thương mại điện tử cần xây dựng các chiến lược, quan trọng nhất là giá. Trên thương mại điện tử, giá giúp định vị thương hiệu, có phù hợp khách hàng trên sàn không. Tiếp theo là kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm, phần này sẽ có bộ phận hỗ trợ từ sàn, giúp doanh nghiệp gây dựng tiếng vang và phát triển.

Ngoài ra, tìm hiểu thị trường và cần chiến lược kinh doanh thì bạn còn cần những tiêu chí như chọn sản phẩm, chọn đơn vị vận chuyển, viết mô tả cho sản phẩm, lựa chọn nền tảng hoạt động như Drop-shipping. Drop-shipping là bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển. Với dropshipping, mọi hoạt động liên quan đến hàng hóa và hoàn tất đơn hàng sẽ được nhà cung cấp xử lí. Bạn không mất bất cứ chi phí tồn kho, đóng gói, vận chuyển. Ngoài ra, bạn cần thiết kế gian hàng, xây dựng cửa hàng, sản xuất theo đơn đặt hàng – thiết kế, nhập nhiên liệu, sản xuất theo đơn hàng yêu cầu, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng - quy trình lưu kho, hoàn tất đơn hàng và vận chuyển.

Cuối cùng là tìm hiểu những sản phẩm bán chạy để bắt đầu cho việc kinh doanh. Theo ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội. Theo ông Toàn, Top 5 mặt hàng làm nên sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử toàn cầu là thời trang và phụ kiện, điện tử dân dụng, đồ chơi và sở thích cá nhân, nội thất và đồ gia dụng, thực phẩm và chăm sóc cá nhân. Ông Toàn cho rằng, trừ điện tử dân dụng, 4 ngành hàng còn lại rất tiềm năng với Việt Nam.

3.    Kết luận

Trong bài báo khoa học này, chúng tôi đã trình bày về cơ hội khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp nhỏ, lẻ trong thời kì công nghệ 4.0. Đồng thời, chúng tôi cũng đã nêu ra cách thức để khởi nghiệp, khởi nghiệp làm sao để có thể mang lại lợi nhuận và cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử. Chúng tôi hi vọng rằng, bài viết này sẽ đóng góp một phần nào đó cho hội thi Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp do Sở Khoa học và công nghệ tổ chức, cũng như cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo có thêm một đường hướng, cơ hội để khởi nghiệp thành công.

Tài liệu tham khảo

1. Thương mại điện tử trên thế giới: thực trạng và xu hướng nổi bật: https://magenest.com/vi/thuong-mai-dien-tu-tren-the-gioi/

2. Thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuong-mai-dien-tu-mo-ra-nhieu-co-hoi-cho-doanh-nghiep-102229.html

Thông tin

Tên tác giả: Đào Thị Hồng Phương và Cao Ích Bằng


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông