Mã số N2095: Một số biện pháp làm tốt công tác chủ nhiệm lớp 5
1/ Đặt vấn đề:
1.1.Lí do chọn đề tài
Chúng ta đề biết rằng, lứa tuổi học sinh tiểu học là lứa tuổi vừa học vừa chơi, sự nhận thức của các em còn non trẻ, sự tư duy chưa đạt tới đỉnh cao. Tâm lí đang trên đà phát triển, còn nhiều sự biến động về tâm sinh lí nên rất khó cho việc giáo dục các em. Chính vì thế, các em cần có người hướng dẫn, chỉ bảo, uốn nắn cho các em có thói quen đi vào nề nếp trong sinh hoạt, học tập, giao tiếp, có các kĩ năng sống cơ bản. Cấp Tiểu học chính là cấp học nền tảng ban đầu cho việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách con người. Vì vậy, giáo dục tiểu học có một vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống giáo dục của mỗi quốc gia.
Ở bậc tiểu học, giáo viên chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn mọi hoạt động giáo dục của tập thể lớp, vừa truyền đạt tri thức vừa giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, tri thức, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng sống cơ bản; thường xuyên quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh về kết quả học tập, rèn luyện sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của các em. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo viên cần xây dựng tốt kế hoạch, công tác chủ nhiệm lớp. Đó là lí do tôi chọn đề tài “Một số biện pháp làm tốt công tác chủ nhiệm lớp 5”.
a) Cơ sở lí luận
Căn cứ Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.
Căn cứ Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ trường Tiểu học.
Căn cứ Thông tư số 43/2012/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành điều lệ thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
b) Cơ sở thực tiễn
Mỗi giáo viên muốn làm tốt công tác chủ nhiệm thì phải vừa là một giáo viên giỏi về chuyên môn, vừa phải là một nhà tâm lí giỏi để hiểu học sinh, để xử lí các tình huống rắc rối sao cho khéo léo, tế nhị và đạt hiệu quả giáo dục cao. Nếu giáo viên không tâm huyết với nghề, không có tinh thần trách nhiệm cao thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để xây dựng được một tập thể lớp vững mạnh, đoàn kết? Làm thế nào để phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh một cách toàn diện? Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục? Để làm được điều đó, song song với việc giảng dạy tốt các môn học theo qui định, tôi luôn cố gắng phấn đấu làm tốt vai trò, nhiệm vụ của một giáo viên chủ nhiệm lớp.
1.2.Phạm vi đề tài
Đề tài nghiên cứu “Một số biện pháp làm tốt công tác chủ nhiệm lớp 5” của tôi chỉ hướng tới công tác chủ nhiệm với các biện pháp cơ bản hướng tới: các biện pháp giáo dục học sinh, xây dựng nề nếp lớp hiệu quả, xây dựng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, giáo viên và phụ huynh
2/ Thực trạng
2.1. Những tồn tại và hạn chế cần khắc phục
Tâm lí học sinh lứa tuổi học đang trên đà phát triển, khả năng tiếp thu, vận dụng kiến thức, kĩ năng sống cũng như cá tính của mỗi học sinh khác nhau. Việc hướng dẫn, chỉ bảo, uốn nắn cho các em có thói quen đi vào nề nếp trong sinh hoạt, học tập, giao tiếp, có các kĩ năng sống cơ bản là hết sức quan trọng. Cấp Tiểu học chính là cấp học nền tảng ban đầu cho việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách con người. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện năng lực, phẩm chất, giáo viên cần xây dựng tốt kế hoạch, nâng cao công tác chủ nhiệm lớp, có những biện pháp phù hợp với từng đối tượng học để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
2.2. Hiện trạng
2.2.1. Thuận lợi:
- Được sự quan tâm của Ngành giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường và lãnh đạo địa phương.
- Giáo viên chủ nhiệm giảng dạy nhiều môn nên có điều kiện gần gũi với các em nhiều; nhiệt tình trong công tác, quan tâm sát sao đến học sinh
- Đa số học sinh ngoan, lễ phép với thầy cô, biết vâng lời cha mẹ; nhà gần trường nên việc xây dựng đôi bạn cùng tiến có nhiều thuận lợi.
- Cơ sở vật chất: Phòng học thoáng mát, được trang bị đầy đủ bàn ghế, đèn, quạt, ti vi phục vụ cho việc học của học sinh.
2.2.2. Khó khăn
Ở lứa tuổi tiểu học nói chung và học sinh lớp 5 nói riêng, các em luôn muốn tự làm theo ý thích của bản thân và ham chơi nhiều hơn là ham học. Đồng thời các em cũng dễ bị cám dỗ, bắt chước theo bạn bè. Các em luôn muốn tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh mình. Làm sao để đưa các em vào một nề nếp nhất định. Để làm được điều này, đòi hỏi người giáo viên phải có những cách giáo dục khác nhau, phù hợp với từng đối tượng.
Kết quả khảo sát học sinh đầu năm của lớp 5/6 năm học 2021-2022, tôi nhận thấy có một số mặt hạn chế cần phải khắc phục sau:
- Một số học sinh chưa có ý thức trong học tập, tiếp thu bài học khó khăn.
- Đội ngũ cán bộ lớp chưa quản lí lớp tốt.
- Lớp có 1 học sinh khuyết tật gặp khó khăn trong nghe và sử dụng ngôn từ, diễn đạt; khả năng kiềm chế cảm xúc chưa tốt, dễ xúc động, khóc.
- Một số phụ huynh phải bươn chải với cuộc sống nên ít có thời gian quan tâm đến con em và giao phó hết trách nhiệm cho nhà trường. Một số phụ huynh chưa biết cách hướng dẫn học sinh học tập tại nhà.
- Khả năng tiếp thu của học sinh chưa đồng đều.
Sau khi đã khảo sát xong, tôi bắt đầu ghi chép lại những hạn chế của từng em để tìm ra biện pháp làm tốt công tác chủ nhiệm lớp.
2.2.3. Kết quả mong đợi
Học sinh phát triển tâm sinh lí theo hướng tích cực, phát triển toàn diện năng lực phẩm chất của học sinh.
Học sinh ngoan ngoãn, vâng lời có phẩm chất đạo đức tốt đẹp.
Đội ngũ cán bộ lớp quản lí lớp tốt, có khả năng tự quản; nề nếp lớp tốt.
Học sinh có tinh thần tự giác học tập, chăm chỉ, không ngừng vươn lên trong học tập; đoàn kết, yêu thương, quan tâm chia sẻ với các bạn.
Học sinh lên lớp thẳng, hoàn thành chương trình: 100%
Học sinh đạt năng lực, phẩm chất: 100%
Học sinh tích cực tham gia hoạt động phong trào, đạt nhiều thành tích tốt.
3. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
3.1. Giải pháp 1: Tìm hiểu và phân loại học sinh trong lớp
Để làm tốt công tác chủ nhiệm, trước hết giáo viên cần nắm thông tin cá nhân của học sinh.
- Đọc kĩ Sơ yếu lí lịch và kết quả học tập của học sinh qua học bạ.
- Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp 4 và giáo viên bộ môn về cá nhân học sinh, tình hình lớp học trong năm học trước.
- Tạo môi trường học thân thiện, trò chuyện với học sinh để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, điều mong muốn cũng như hoàn cảnh gia đình của học sinh.
- Trò chuyện với phụ huynh học sinh.
- Liên lạc với phụ huynh ngay khi năm học bắt đầu bằng cách gửi phiếu thông tin:
Giáo viên tổng hợp thông tin và qua tìm hiểu thực tế để nắm rõ học sinh của lớp mình chủ nhiệm và phân loại các nhóm học sinh.
Sau khi phân loại, lớp chủ nhiệm có các nhóm sau:
- Học sinh khuyết tật.
- Học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn.
- Học sinh tiếp thu khó khăn.
- Học sinh chưa có ý thức học tập.
- Học sinh có những năng lực đặc biệt.
- Học sinh tiếp thu ổn định.
3.2. Giải pháp 2: Tổ chức và xây dựng lớp học
v Bình bầu Ban cán sự lớp
Giáo viên tổ chức bình bầu Ban cán sự lớp. Giáo viên đưa ra tiêu chí chung:
- Năng lực: Kĩ năng giao tiếp và kĩ năng ứng xử tốt, năng lực học tập nổi bật, hợp tác tốt với bạn trong lớp, có năng khiếu đặc biệt…
- Phẩm chất: Chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, chuyên cần, chấp hành tốt nội qui nhà trường, trung thực, biết nhường nhịn bạn, giúp đỡ bạn…
Ngoài ra, mỗi chức danh, giáo viên sẽ nêu thêm một số tiêu chí riêng.
Giáo viên khuyến khích học sinh tự ứng cử hoặc đề cử bạn phù hợp.
Mỗi chức danh được bình bầu dân chủ, học sinh đưa tay biểu quyết. Cuối cùng, những em được bình bầu lên bục ra mắt lớp và nhận nhiệm vụ. Giáo viên động viên học sinh phát huy vai trò của mình trong giờ học và hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Sau khi Ban cán sự lớp ra mắt nhận nhiệm vụ, giáo viên chủ nhiệm phân công cụ thể nhiệm vụ của mỗi chức danh, phát cho mỗi học sinh một quyển sổ, hướng dẫn các em ghi chép cụ thể, khoa học.
v Xây dựng nội quy lớp học
Giáo viên đưa ra một số nội quy lớp học :
- Lễ phép, vâng lời.
- Giữ trật tự, kỉ luật; tác phong gọn gàng.
- Đi học đúng giờ, nghỉ học phải có lí do chính đáng.
- Xếp hàng nhanh, ngay ngắn.
- Chú ý nghe giảng, không làm việc riêng trong giờ học.
- Đọc kĩ đề, làm bài nhanh, cẩn thận.
- Học bài, làm bài đầy đủ, chuẩn bị bài tốt khi đến lớp.
- Giữ gìn vệ sinh thật tốt.
Đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ mọi người.
v Xây dựng nề nếp lớp học
- Học sinh thực hiện tốt nội quy trường, lớp.
- Thực hiện nghiêm túc việc truy bài đầu giờ: mỗi buổi học có 15 phút đầu giờ dành cho việc truy bài. Giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh thực hiện nghiệm túc, thường xuyên việc làm bài tập, học bài và chuẩn bị bài ở nhà. Tổ trưởng kiểm tra các thành viên trong tổ, ban cán sự kiểm tra các tổ trưởng, giáo viên chủ nhiệm kiểm tra ban cán sự.
- Xây dựng “Nhóm học tập” và “Đôi bạn cùng tiến” để học sinh chia sẻ thông tin bổ ích, học sinh hoàn thành tốt giúp đỡ học sinh tiếp thu chậm.
- Xây dựng phong trào “Rèn chữ, giữ vở” cho lớp.
3.3. Giải pháp 3: Quan tâm, áp dụng phương pháp phù hợp với từng đối tượng học sinh.
v Đối với những học sinh khuyết tật:( Long )
Đối với học sinh khuyết tật, giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu kĩ đặc diểm tâm sinh lí, dạng khuyết tật, tìm hiểu về thành phần gia đình, các biểu hiện của học sinh trong học tập và sinh hoạt qua hồ sơ khuyết tật, trò chuyện trao đổi với Giáo viên chủ nhiệm cũ, giáo viên bộ môn, trao đổi với phụ huynh học sinh, tìm hiểu qua bạn bè của học sinh. Từ đó đề ra kế hoạch tư vấn hỗ trợ và giúp đỡ.
Ví dụ: Trường hợp của em Hoàng Long lớp 5/6, học sinh khuyết tật trí tuệ nhẹ. Sau khi tiến hành tìm hiểu tôi nắm được các thông tin sau:
- Em Long ngoan ngoãn, biết vâng lời, không quấy phá.
- Dù gặp khó khăn trong học tập nhưng em rất chăm chỉ và cố gắng hoàn thành những nội dung giáo viên yêu cầu.
- Phụ huynh học sinh rất quan tâm và phối hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm.
- Em học toán khá tốt, tinh nhanh được các dạng toán cơ bản, cho kết quả tương đối chính xác.
- Em gặp khó khăn trong hoạt động nghe – viết, nói ngọng, phát âm sai, nói không tròn câu, khả năng diễn đạt chưa tốt, vốn từ nghèo nàn, viết chính tả sai rất nhiều lỗi; viết câu chưa tròn ý.
- Khả năng kiềm chế cảm xúc của em chưa tốt, rất dễ mất bình tĩnh, xúc động, dễ khóc.
Từ những đặc điểm trên, tôi đã đề ra kế hoạch giáo dục phù hợp giúp em có những thay đổi tiến bộ từng ngày qua quá trình giáo dục trên lớp và hoạt động ngoại khoá. (Kế hoạch thể hiện rõ trong hồ sơ học sinh khuyết tật).
v Đối với học sinh hoàn cảnh khó khăn:
- Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên động viên giúp đỡ học sinh.
- Kêu gọi học sinh cả lớp có tinh thần đoàn kết giúp bạn vượt khó.
- Đề nghị với chi hội phụ huynh lớp, nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ những em đó. Tính ưu việt của việc làm này là vừa khắc phục được khó khăn lại vừa giáo dục được lòng nhân ái cho học sinh và tranh thủ được sự hỗ trợ của nhà trường, của hội phụ huynh học sinh.
v Đối với học sinh học tiếp thu khó khăn:(Em Oanh, em Thịnh, em Nguyễn Gia Bảo)
- Tìm hiểu nguyên nhân vì sao em đó học tiếp thu chậm.
- Giáo viên lập kế hoạch giúp đỡ các em bằng những việc cụ thể như sau:
+ Giảng lại bài mà các em chưa hiểu hay đã quên vào những thời gian ngoài giờ lên lớp. Thường xuyên kiểm tra các em đó trong quá trình lên lớp: kiểm tra đọc, công thức, quy tắc toán đã học, bảng nhân bảng chia, các dạng bài tập cơ bản…
+ Động viên, khích lệ ý thức, thái độ học tập cho học sinh. Giáo viên phải tìm cách khuyên nhủ, nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng mang tính nghiêm khắc, tuyệt đối không được đuổi học sinh ra ngoài, gây áp lực hoặc xúc phạm học sinh.
+ Thường xuyên kiểm tra đến vở ghi của các em, ưu tiên những câu hỏi, những bài tập vừa sức cho các em.
+ Tạo điều kiện cho học sinh tham gia phát biểu xây dựng bài, đưa ra những câu hỏi từ dễ đến khó để học sinh có thể trả lời được nhằm tạo hứng thú và củng cố niềm tin ở các em. Động viên, khích lệ, khen ngợi kịp thời đối với sự tiến bộ của học sinh dù là nhỏ.
+ Tổ chức cho học sinh học theo “Nhóm học tập”, “Đôi bạn cùng tiến” để học sinh tiếp thu bài tốt giúp đỡ học sinh tiếp thu khó khăn tiến bộ.
+ Thực hiện phụ đạo trái buổi giúp học sinh tiến bộ, theo kịp các bạn trên lớp.
+ Thường xuyên trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại, zalo với phụ huynh học sinh, trao đổi về tình hình học tập, cũng như sự tiến bộ của học sinh để phụ huynh giúp đỡ thêm về việc học ở nhà cho các em.
v Đối với học sinh chưa có ý thức học tập: (em Dũng, em Thịnh)
- Phân tích cho em thấy được tầm quan trọng của việc học.
- Nêu gương các bạn học tốt cho em học hỏi.
- Xếp học sinh ngồi ở vị trí dễ quan sát, để nhắc nhở, uốn nắn kịp thời.
- Thường xuyên liên hệ phụ huynh, trao đổi và đề biện pháp cụ thể như động viên, biểu dương khi em làm tốt nhiệm vụ học tập…
Từ đó các em đã có sự thay đổi, tiến bộ. Các em tích cực phát biểu hơn trong mọi tiết học.
v Đối với những học sinh có năng lực đặc biệt:
- Qua tìm hiểu và quan sát biểu hiện của học sinh trong học tập, rèn luyện và phong trào, giáo viên phát hiện những năng lực đặc biệt nổi trội ở học sinh về văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, hội hoạ, những kĩ năng mềm…
- Từ đó, giáo viên tiến hành bồi dưỡng, khơi dậy ở các em lòng say mê hứng thú học tập thông qua những hội thi, những buổi nói chuyện ngoại khoá hoặc gần gũi nhất ngay trong tiết học chính khoá; tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào ban cán sự lớp, tham gia các hoạt động học thuật, hoạt động phong trào để không ngừng hoàn thiện và phát huy tốt nhất những năng lực đặc biệt ấy.
Tóm lại dù với đối tượng nào, bản thân giáo viên cũng phải lưu ý dùng phương pháp tác động tình cảm, động viên khích lệ kịp thời, phối hợp với phụ huynh để giáo dục học sinh đạt hiệu quả nhất.
v Đối với những học sinh tiếp thu ổn định:
- Thực hiện giảng dạy đúng chuẩn kiến thức, kĩ năng.
- Giáo dục học sinh chăm chỉ, tích cực học tập; tạo điều kiện cho học sinh phát biểu, nêu ý kiến xây dựng bài.
- Giáo dục tích hợp kĩ năng sống, đạo đức Hồ Chí Minh, lịch sử địa phương phù hợp vào tiết dạy.
3.4. Giải pháp 4: Tổ chức tốt tiết sinh hoạt tập thể cuối tuần.
- Mỗi tuần có tiết sinh hoạt tập thể. Trong giờ sinh hoạt tập thể, cần tạo cho các em tâm thế thoải mái, không gây sức ép nặng nề đối với học sinh bằng những lời trách phạt, phê bình; tạo cho học sinh hứng thú tham gia tiết sinh hoạt, coi giáo viên vừa là thầy cô vừa là người bạn để tâm sự, chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc, …
- Tôi tập cho các em biết tự phê bình và phê bình bằng cách :
+ Ban cán sự tự nhận xét ưu, khuyết điểm tình hình hoạt động của tổ trong tuần qua.
+ Trên tinh thần dân chủ, học sinh nêu ý kiến bổ sung cũng như tự đề ra biện pháp khắc phục tồn tại, thống nhất phương hướng hoạt động của lớp trong tuần tới.
+ Để khích lệ sự tiến bộ của học sinh trong tuần về mọi mặt, tôi đã cho học sinh tự bầu và chọn ra những bạn có tiến bộ trong tuần về học tập cũng như các mặt khác để động viên kịp thời các em bằng những chiếc bút hoặc quyển vở để khích lệ các em.
3.5. Giải pháp 5: Giáo dục qua các câu chuyện kể, sự kiện thời sự
Trong những giờ học, tích hợp giáo dục học sinh qua các sự kiện, thời sự.
Tiết sinh hoạt Chủ nhiệm, giáo viên cho học sinh xem video câu chuyện về tấm gương vượt khó, nhà nghèo nhưng học tốt. Hoặc để giáo dục học sinh về sự hiếu thảo, cách cư xử với người thân, giáo viên cho học sinh xem video câu chuyện Ba cô gái, Sự tích hoa cúc trắng, Mẹ mãi mãi bên con, …Hay những câu chuyện về tình bạn: Cô chủ không biết quý tình bạn…
Ví dụ: Câu chuyện kể “Mẹ mãi mãi bên con” kể vể một cậu bé lúc nhỏ mang bệnh tật không thể học được nhưng bằng tất cả sự yêu thương, giúp đỡ, động viên của mẹ cùng với ý chí, quyết tâm của mình mà cậu đã vượt qua được khó khăn và trở thành một người tài giỏi. Nhưng chính lúc mà cậu thành công thì cũng là lúc mẹ cậu lâm bệnh nặng rồi qua đời. Cậu vô cùng thương tiếc và đau buồn vì mình chưa đền đáp công ơn mẹ, chưa lo lắng chăm sóc cho mẹ một ngày nào. Và với cậu hình ảnh người mẹ luôn mãi mãi ở bên cậu. Qua câu chuyện giáo viên giáo dục học sinh về ý chí vươn lên, vượt khó trong cuộc sống. Học sinh còn được học về sự hiếu thảo, cách cư xử với cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ.
3.6. Giải pháp 6: Khen thưởng:
- Khích lệ, tuyên dương kịp thời sự tiến bộ của học sinh qua từng tiết dạy.
- Trong giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, có những biểu hiện tốt về năng lực và phẩm chất hoặc có sự tiến bộ trong học tập được tuyên dương.
- Kiểm tra cuối học kì 1 hoặc cuối học kì 2, học sinh nào đạt Hoàn thành xuất sắc các môn học và rèn luyện, học sinh vượt bậc các môn học sẽ được tuyên dương trước lớp và được tặng quà. Tuy món quà nhỏ như quyển vở hoặc cây bút nhưng đó là động lực để học sinh phấn đấu vươn lên trong học tập.
- Rèn cho học sinh một số kĩ năng: hợp tác, tinh thần đồng đội, làm việc nhóm, biết lắng nghe, thuyết trình trước đám đông…bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động phong trào, vui chơi của nhà trường trong các giờ sinh hoạt ngoài giờ .
3.7. Giải pháp 7: Phát động và đẩy mạnh phong trào Xây dựng trường học thân thiện – Học sinh tích cực.
Đây là biện pháp mang tính chất quyết định, cốt lõi trong công tác giảng dạy cũng như công tác Chủ nhiệm lớp vì trong môi trường giáo dục, Học sinh, giáo viên phải gần gũi, thân thiết, quan tâm nhiều đến các em để các em nhận thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Các em trở nên mạnh dạn hơn, tin tưởng hơn đối với trường lớp và cảm thấy đảm bảo được an toàn về bản thân, nói không với bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội. Từ đó, các em tích cực nhiều hơn trong học tập và vui chơi một cách lành mạnh cùng với bạn bè.
Bên cạnh đó, giáo viên cần tạo nên sự gắn bó, kết hợp với học sinh cùng nhau thực hiện việc trang trí lớp học, luôn giữ cho trường lớp sạch đẹp; tạo cho các em có cảm nhận về ngôi trường như là ngôi nhà thứ 2 của chính các em.
VD : Khi đến trường giáo viên cần bày tỏ tình thương yêu, giúp đỡ Học sinh, ngăn chặn các trường hợp bạo lực học đường, phải xây dựng ở các em mối đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Giáo viên kết hợp với học sinh cùng tham gia trang trí lớp học…
3.8. Giải pháp 8: Trao đổi thông tin hai chiều giữa Nhà trường – Gia đình.
Ảnh hưởng của gia đình đối với trẻ em vô cùng to lớn. Do đó, giáo viên chủ nhiệm cần phải kết hợp chặt chẽ với gia đình trong quá trình giáo dục, cụ thể là:
- Thường xuyên theo dõi, tuyên dương hoặc nhắc nhở uốn nắn kịp thời; trao đổi với phụ huynh về những hành vi tốt và chưa tốt của học sinh.
- Thông báo kết quả học tập của học sinh kịp thời, đúng thời điểm cho phụ huynh biết để phối hợp bồi dưỡng, phát huy những hạt giống tốt hay tăng cường phụ đạo, đôn đốc học bài, làm bài, chuẩn bị bài đầy đủ…đối với các em tiếp thu chậm.
- Giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh bằng cách trao đổi qua điện thoại, zalo, đến nhà, bằng sổ liên lạc.. để phụ huynh giáo dục các em học tập cũng như tránh xa các tệ nạn xã hội.
- Mời phụ huynh đến trường trong những trường hợp cần thiết để gia đình nắm được thực trạng tình hình học sinh.
Chẳng hạn: Vào những ngày đầu năm học, lớp tôi phụ trách có em Thịnh em Dũng, em Nguyễn Gia Bảo thường xuyên quên sách vở và đồ dùng học tập ; không thuộc bài cũ, không làm bài, ít chú ý nghe giảng. Mặc dù giáo viên đã nhắc nhở nhiều lần nhưng các em này vẫn chưa tiến bộ. Vì thế, tôi quyết định mời phụ huynh của ba em đến lớp để trao đổi và yêu cầu phụ huynh quan tâm, nhắc nhở con em mình. Sau một tháng, nhờ sự phối hợp tốt giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh mà ba em có tiến bộ.
4. Kết quả thực hiện:
- Áp dụng lần đầu tại lớp 5.6 từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022.
Nề nếp lớp tốt. Đội ngũ cán bộ lớp quản lí lớp tốt, có khả năng tự quản.
Học sinh hứng thú học tập, các em có nhiều tiến bộ rõ rệt trong học tập cũng như rèn luyện đạo đức.
Các em thi đua nhau thực hiện tốt các hoạt động mà giáo viên đưa ra.
Mạnh dạn, tự tin giao tiếp, có biểu hiện tốt về phẩm chất và năng lực.
- Năm học: 2021 – 2022, học sinh đạt được như sau:
Duy trì sĩ số: 41/42 HS (Một học sinh chuyển trường về quê theo gia đình do tình hình dịch bệnh từ 8/10/2021)
Kết quả giữa HKI:
Lớp chủ nhiệm hoàn thành tốt các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.
- Chất lượng học sinh: lên lớp 41/41 học sinh, 100% học sinh hoàn thành chương trình lớp học.
- Tham gia bảo hiểm y tế 41/41 học sinh, chiếm tỉ lệ: 100%.
- Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: 24 học sinh, chiếm tỉ lệ: 58.5%
- Học sinh Vượt bậc môn: 4 học sinh, chiếm tỉ lệ: 9.7%
- Năng lực: Tốt: 29 /41 học sinh
- Phẩm chất: Tốt: 29 /41 học sinh
Phong trào: Học sinh tích cực tham gia hoạt động phong trào cấp trường, cấp huyện, cấp thành phố và đạt được nhiều thành tích cao:
- Giải III: Hội thi “Thuyết minh viên bằng Tiếng Anh” Cấp huyện.
- Giải I: Hội thi Rubik cấp trường.
- Giải I: Tham gia tích cực phong trào “Kế hoạch nhỏ”
- Giải III: Hội thi “Em yêu chữ Việt” cấp trường.
- Giải Khuyến khích Hội thi “Viết cảm nhận theo sách mà em yêu thích”
5. Kết luận
“Vì lợi ích mười năm trồng cây,
Vì lợi ích trăm năm trồng người.”
Sự nghiệp trồng người là một sự nghiệp cao cả mà không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi người thực hiện phải có cái tâm yêu nghề, mến trẻ. Vì thế, người giáo viên mang trên vai một trách nhiệm rất lớn, làm một công việc không hề đơn giản.
Muốn hoàn thành được nhiệm vụ này, người giáo viên phải luôn học hỏi, nâng cao tay nghề, luôn có sự đầu tư, đổi mới phương pháp, áp dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, sáng tạo trong suốt quá trình giảng dạy lâu dài. Việc sử dụng đồ dùng và phương tiện dạy học là một trong những yêu cầu thiết yếu của công việc dạy học. Nó đòi hỏi lòng nhiệt tâm, sự cần mẫn, kiên trì của mỗi giáo viên.
Tóm lại, chúng ta đừng tiếc những gì mình đã bỏ ra mà hãy nhìn vào thành quả của công việc để thấy điều mình làm là xứng đáng.
Thông tin
Tên tác giả: Phan Thị Bảo Ngân - Trường Tiểu học Vĩnh Lộc A
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông