Mã số N3046: Thị trường Edtech: Cuộc đua gay cấn
Theo các chuyên gia và startup trong giới khởi nghiệp, hai đến ba năm tới được dự đoán sẽ là giai đoạn quyết định phân chia thị phần Edtech như cách mà Shopee hay Grab định vị mình trong lĩnh vực thương mại điện tử, gọi xe công nghệ.
Mảnh đất màu mỡ
Theo báo cáo Thị trường Edtech Việt Nam do EdtechAgency và OCDManagement Consulting thực hiện, năm 2021 đã có hơn 158 triệu USD được rót vào các startup Edtech Việt Nam. Trong khi năm 2020 chỉ có ba thương vụ với tổng giá trị đầu tư đạt 20 triệu USD thì con số của năm 2021 quả thật vô cùng ấn tượng. Báo cáo này dự báo, giá trị thị trường này sẽ đạt hơn 5 tỷ USD vào cuối năm 2022. Trước đó, Ken Research dự báo, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 - 2023.
Bức tranh công nghệ giáo dục Việt Nam cũng rất phong phú với chín lĩnh vực và hơn 100 startup là Giáo dục K-12; Giáo dục doanh nghiệp; Giáo dục trực tuyến-ngoại tuyến; Tương tác lớp học; Giáo dục trẻ em; Giáo dục đa lĩnh vực; Học ngoại ngữ; Giáo dục Công nghệ; Công cụ học tập.
Bên cạnh các startup thuần Việt như Vuihoc, Clevai, CoderSchool,… nhiều startup Edtech nước ngoài cũng đang dò dẫm đặt những bước chân đầu tiên vào mảnh đất màu mỡ này như Ringle (Hàn Quốc), Gakken (Nhật Bản),… Không chỉ thu hút doanh nghiệp lĩnh vực này tại Việt Nam cũng có sức hút lớn với các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Dễ thấy là các đầu tư lớn đã xuất hiện. Đáng chú ý nhất có thể kể tới thương vụ trị giá 100 triệu USD vào Tập đoàn Equest từ quỹ đầu tư KKR (Mỹ); 15 triệu USD vào Elsa Speak từ các quỹ đầu tư của Google.
Sau khi COVID-19 được kiểm soát, học sinh được trở lại trường học thay vì học online, thì tương lai của các startup Edtech sẽ ra sao là câu hỏi nhiều người đặt ra. Giới chuyên môn đã ‘giãi bày’ quan điểm và thực tế trong một webinar thảo luận về tương lai của Edtech do ClassIn tổ chức hồi đầu tháng bảy vừa qua. Cụ thể, hậu Covid-19, việc học trực tuyến vẫn tiếp tục nở rộ với lượng học sinh tăng trưởng mạnh. Với nhiều giáo viên như TS. Nguyễn Chí Hiếu, anh chuyển hoàn toàn sang dạy trực tuyến, học sinh trải dài từ Hà Giang tới Cà Mau, thay vì chỉ bó hẹp ở một thành phố.
“Sau dịch, hầu hết phụ huynh đều đã biết về việc học online, nhắc đến thì có thể hình dung và biết cách sử dụng. Nếu như trước đây, người ta kì vọng rằng giáo dục trực tuyến có thể thay thế cho học trực tiếp, thì giờ đây, mọi đánh giá trở nên khách quan hơn. Giáo dục trực tuyến được nhìn nhận với cả ưu điểm và nhược điểm. Điều này là vô cùng quan trọng với một thứ còn mới mẻ như Edtech” – ông Đỗ Ngọc Lâm – Founder của Vuihoc chia sẻ với Khoa học và Phát triển.
Trong đó, cái hay của Edtech là học sinh không cần đi lại, có thể được học thầy cô giáo ở bất kỳ đâu với mức học phí hợp lý.Tuy nhiên nhược điểm của Edtech lại nằm ở việc yêu cầu học sinh phải chủ động, có tinh thần tự học cao và ngồi máy tính thường xuyên – điều nhiều phụ huynh không mong muốn.
Một cái hay của quá trình “educate” (đào tạo-PV) thị trường Edtech Việt Nam nằm ở chỗ, nó không được thực hiện bởi bất kỳ một ông lớn có tiềm lực kinh tế rất mạnh nào như cách mà Shopee hay Grab đã làm, mà do ‘bên thứ ba’ – tức đại dịch thúc đẩy. Khi đó, giãn cách xã hội khiến tất cả học sinh chỉ có một lựa chọn duy nhất là học trực tuyến. Xét ở tầm vĩ mô, trong tương lai bất kỳ startup Edtech nào đều có cơ hội để trở thành người dẫn đầu, chứ không phải bị phủ bóng bởi một ông lớn, như thể ‘nhắc đến thương mại điện tử là nghĩ đến Shopee, muốn gọi xe thì đi Grab’. Tuy nhiên, khi mọi thứ trở lại bình thường thì sản phẩm sẽ đòi hỏi phải có sự vượt trội về chất lượng. Bởi theo ông Đỗ Ngọc Lâm: ‘nếu trước dịch phụ huynh cho con dùng vì tò mò, trong dịch dùng vì không có lựa chọn nào khác, thì giờ đây, họ sẽ dùng vì chất lượng”.
Đồng tình điều này, ông Đỗ Văn Nhẫn, Giám đốc Chiến lược của ClassIn Việt Nam dự báo rằng, “1-2 năm tới, các đơn vị có chất lượng không tốt sẽ phải đóng cửa. Những startup có chất lượng tốt sẽ nổi lên và thống lĩnh thị trường”. Đại diện ClassIn tin rằng, ‘cuộc thanh lọc’ này sẽ có lợi cho thị trường về lâu dài.
Trong khi đó, ông Lâm dự báo rằng ba năm tới sẽ là giai đoạn cực kỳ quan trọng để một vài startup có thể trở thành người dẫn dắt toàn thị trường và chiếm được miếng bánh thị phần lớn.
Cuộc đua chất lượng hay tiềm lực tài chính?
Trong cuộc tranh giành thị phần giữa startup Việt và nước ngoài, liệu startup Việt có lép vế? Lý do là bởi startup nước ngoài vừa có kinh nghiệm ở nước sở tại vừa có tiềm lực tài chính lớn. Với góc nhìn của người làm giáo dục lâu năm, ông Đỗ Ngọc Lâm đặt niềm tin vào startup Việt trong cuộc đua này.
“Giáo dục là câu chuyện về hệ thống giáo dục của một quốc gia, gắn liền với văn hóa, định hướng phát triển của phụ huynh với con cái. Sẽ không thể có chuyện một startup nước ngoài chiếm được thị trường như cách mà Shopee và Grab đã làm. Một startup nước ngoài khó có thể hiểu được suy nghĩ, nếp nghĩ của người Việt như những người đã sinh trưởng và hưởng thụ nền giáo dục này”- ông Lâm nói. Bên cạnh đó, nhà sáng lập của Vuihoc cũng cho rằng thị phần lớn nhất mà một startup có thể nắm đạt khoảng 35%, bởi giáo dục mang tính cá nhân hóa rất cao nên gần như không có giải pháp giáo dục nào phù hợp với tất cả mọi người. Mỗi gia đình phụ huynh có nhu cầu khác nhau trong nuôi dạy con cái.
Để giành được thị phần tiềm năng này, Giám đốc Chiến lược của ClassIn cho rằng, startup phải có 2 năng lực là tuyển sinh với chi phí thấp nhất và giữ chân học sinh ở lại. Nghe thật đơn giản nhưng việc hiện thực hóa lại không dễ dàng. Bởi đã qua rồi giai đoạn đốt tiền lấy tăng trưởng. Câu chuyện này trong thị trường giáo dục lại càng mong manh, bởi việc chọn nhầm thầy, nhầm trường có thể ảnh hưởng tới cả một thế hệ, nên phụ huynh sẽ rất cẩn trọng và nếu thấy không hiệu quả sẵn sàng rời đi.
“Yếu tố đầu tiên là startup phải có khả năng tuyển sinh với chi phí ngày càng thấp đi. Khi đại dương còn xanh, tuyển sinh được một học sinh rất dễ dàng, chi phí thấp nhưng khi càng có nhiều startup tham gia, chi phí có thể tăng lên 4-5 lần, hoặc nhiều hơn” – ông Đỗ Văn Nhẫn giải thích. Vì thế, các startup cần tìm một phương án tuyển sinh bền vững, không phụ thuộc vào các các chương trình khuyến mãi, quảng cáo... Câu trả lời lõi đến từ ‘chất lượng’. Nghĩa là khi các chương trình giáo dục tốt, có thể giúp học sinh cải thiện chất lượng học tập, phụ huynh sẽ tự nguyện giới thiệu cho bạn bè, người thân. Cùng với đó, số lượng học sinh tiếp tục sử dụng dịch vụ lâu dài cũng tăng lên.
“Câu chuyện tuyển sinh ngày càng khó khăn mà nếu không giữ được người dùng cũ, thì chắc chắn, chuyện tuyển sinh mới mãi mãi là vòng xoay không hồi kết cho hành trình tăng trưởng” – ông Nhẫn nói.
Với những điều tra sâu về tâm lý phụ huynh, Vuihọc cũng nhận thấy chương trình khuyến mại, với giá rẻ chỉ là một yếu tố nhỏ quyết định việc chọn lớp học cho con. Trong nuôi dạy con cái, phụ huynh không chọn cái rẻ mà chọn cái tốt. Nếu chất lượng không đảm bảo, kết quả học tập không cải thiện thì rẻ mấy cũng vô ích.
Bởi vậy, nhiệm vụ của Vuihoc là đảm bảo chất lượng, duy trì sự hứng thú của học sinh. Ông Đỗ Ngọc Lâm nói: “Khi làm bất kỳ tính năng nào, chúng tôi luôn tự hỏi “làm sao để học sinh hứng thú, học bài đều đặn và hào hứng với Vuihoc mỗi ngày. Không cần phải màu mè, chúng tôi tập trung để biến những câu hỏi thành hiện thực. Trước mỗi vấn đề, chúng tôi chọn trao đổi với phụ huynh, học sinh để thực sự hiểu họ đang muốn gì”. Là một nền tảng công nghệ phục vụ cho các trường học, để đảm bảo chất lượng, mang lại trải nghiệm học tập tốt nhất cho người dùng, trong suốt lịch sử phát triển của mình, ClassIn luôn đặt yếu tố sư phạm lên đầu. Nghĩa là khi xây dựng sản phẩm, thay vì hỏi ‘yếu tố công nghệ nào sẽ giúp giải quyết vấn đề đó’ thì câu hỏi đúng phải là ‘phương pháp sư phạm nào sẽ giải quyết vấn đề đó và công nghệ có thể hỗ trợ phương pháp sư phạm đó như thế nào’.
Còn nhớ, ông TS Nguyễn Chí Hiếu – Nhà sáng lập Tổ chức giáo dục IEG từng khuyên các startup khi xây dựng một sản phẩm giáo dục là hãy tham gia vào mọi lớp học, theo chân giáo viên từ sáng tới chiều để thật sự hiểu những vấn đề của giáo dục để giải quyết nó. Bởi trong Edtech, yếu tố hàng đầu vẫn là giáo dục (education) rồi sau đó mới đến công nghệ (Technology).
Sâu sa hơn, ông Đỗ Văn Nhẫn tin rằng, vẻ đẹp tuyệt vời nhất của giáo dục trực tuyến là mọi người đều có quyền bình đẳng tiếp cận với tri thức. Điều đó khiến chúng ta nhớ tới lớp học trải dài từ Hà Giang tới Cà Mau của TS Nguyễn Chí Hiếu, điều không thể xảy ra ở lớp học trực tuyến.
“Không nên làm cho đứa trẻ ở nông thôn cảm thấy bị bỏ lại phía sau, khi không được tiếp cận với giáo dục tốt nhất chỉ vì các em không ở thành phố, không có đủ khả năng tài chính. Xóa bỏ được những bất hợp lý đó, Edtech sẽ luôn được khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển” – ông Nhẫn nói thêm.
Link tham khảo: https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/thi-truong-edtech-cuoc-dua-gay-can/20220728040248972p1c160.htm
Ngày xuất bản: 1/8/2022
Thông tin
Tên tác giả: Bích Ngọc
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông