Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N3049: Tín hiệu tích cực từ thị trường sách tranh thuần Việt

See this content in the original post

Thời gian gần đây, nhiều nhà xuất bản, đơn vị làm sách đã tạo được dấu ấn trong phân khúc sách tranh thuần Việt phục vụ độc giả nhí. Với sự đầu tư công phu bám sát thị hiếu đọc sách của thanh, thiếu nhi, nhiều bộ sách tranh của tác giả trong nước liên tục tái bản với số lượng lớn, điều mà trước kia chủ yếu thuộc về nhóm sách dịch từ nước ngoài.

Sách tranh thuần Việt ngày càng được nhiều bạn nhỏ yêu thích.

Vừa phát hành toàn quốc được hai tháng, bộ sách tranh thuần Việt "Chuyện ở rừng vi vu" (tác giả: Trương Huỳnh Như Trân; minh họa: Cabin Studio) của Nhà xuất bản Kim Đồng đã tái bản với số lượng lớn do nhu cầu của độc giả tăng cao. Không riêng "Chuyện ở rừng vi vu" mà khoảng 5 năm trở lại đây, rất nhiều đầu sách tranh thuần Việt do đơn vị này tổ chức sản xuất và phát hành đã đạt được doanh thu ấn tượng do đánh trúng nhu cầu của người đọc. Sách có cốt truyện thú vị, nhân vật dễ thương, hình minh họa đặc sắc và lồng ghép vào nhiều bài học bổ ích, phù hợp với tâm lý trẻ em Việt Nam nên được người mua đánh giá cao về chất lượng cũng như tính tương tác. Ban đầu, sách tranh thuần Việt chủ yếu tập trung vào các câu chuyện ngộ nghĩnh, dễ thương hoặc chủ đề văn hóa, lịch sử, càng về sau càng đa dạng thể loại, hướng đến việc giáo dục kỹ năng, cách hành xử cho trẻ thông qua phần diễn giải, minh họa súc tích, dễ nhớ. Theo thống kê từ nhiều đơn vị làm sách trong nước, vài năm trở lại đây, lượng khách tìm mua sách tranh thuần Việt tăng mạnh so với trước kia. Anh Nguyễn Tuấn Anh, một phụ huynh có hai con nhỏ tại quận 3 cho biết: "Sách tranh của tác giả Việt bây giờ nhiều bộ không thua gì sách nước ngoài. Nhiều bộ sách giờ vẽ đẹp lắm, thiết kế, in ấn cũng kỹ lưỡng, chất lượng nên các bé rất thích. Thị trường mà nhiều sách tranh thuần Việt hay thì người lợi là độc giả vì giá thành chắc chắn sẽ rẻ hơn, nội dung cũng phù hợp với văn hóa của mình hơn. Cứ làm hay, đẹp, chất lượng thì phụ huynh sẽ ủng hộ nhiệt tình".

Có nhiều năm kinh nghiệm làm sách tranh thuần Việt, anh Phan Cao Hoài Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng cho rằng, thị trường của dòng sách này sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn tới khi khách hàng ngày càng chuộng các bản thảo ngắn gọn, có trọng tâm trên nền minh họa độc đáo: "Tuy thị trường sách tranh thuần Việt mới thực sự phát triển tập trung khoảng mười năm trở lại đây nhưng nếu được đầu tư nghiêm túc, đúng hướng, đến lúc đạt độ chín, có bước ngoặt, chắc chắn chúng ta sẽ tạo nên thị trường sách tranh rất sôi động. Đã có những bộ sách tranh của Việt Nam bán bản quyền ra nước ngoài dù chưa nhiều. Đây là tín hiệu khả quan. Hiện tại đã có những bộ sách tranh thuần Việt tái bản nhiều lần. Trong tương lai không xa, thị trường sách tranh Việt Nam sẽ là cái tên quen thuộc với thị trường quốc tế".

Sách tranh thiếu nhi cũng là lĩnh vực được Nhà xuất bản Trẻ tập trung đầu tư từ sớm với nhiều bộ tái bản liên tục. Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ cho biết: Thời gian qua, đơn vị luôn chủ động với 60% nguồn bản thảo trong nước thay vì phụ thuộc vào nguồn sách dịch từ nước ngoài. Nắm bắt tâm lý bạn đọc trong nước, chọn các đề tài gần gũi cùng cách kể chuyện, minh họa sáng tạo là điểm cộng giúp hàng loạt bộ sách của Nhà xuất bản Trẻ duy trì nhịp phát hành suốt nhiều năm liền. Như bộ "Bé học lễ giáo" đến nay đã in được trên năm triệu bản; bộ 500 câu chuyện đạo đức-Tình mẫu tử, Tình cha, Gia đình, Tình thầy trò, Tình yêu thương, Tình thân ái, Tình chị em, Lòng hiếu thảo-từ năm 2003 đến nay, đã in trên 500.000 bản. Những bộ sách mới ra đời trong khoảng 5 năm trở lại đây cũng thuộc loại được đón nhận tốt như: "Gieo mầm tính cách", "Nói sao cho con hiểu", "Khu vườn hạnh phúc", "Bé khám phá thế giới thực vật, động vật"… Thế mạnh của các đơn vị làm sách tranh trong nước giai đoạn này là nguồn ý tưởng dồi dào từ nhiều tác giả trẻ cùng đội ngũ họa sĩ giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, cần có thêm chất xúc tác để mối liên kết giữa tác giả với họa sĩ thực sự tốt hơn thì mới mong có thật nhiều bộ sách đủ tính cạnh tranh trên thị trường sách nội, ngoại đan xen hiện nay. Ngoài ra, cũng cần nâng cao tính chuyên nghiệp cho cả bên sáng tác và minh họa để bảo đảm chất lượng đồng đều của từng đầu sách. Sách tranh có cách làm riêng với phần tranh và chữ được tính toán kỹ lưỡng theo độ tuổi, do đó rất cần sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tác giả-họa sĩ-đội ngũ biên tập.


Link tham khảo: https://nhandan.vn/tin-hieu-tich-cuc-tu-thi-truong-sach-tranh-thuan-viet-post710013.html

Ngày xuất bản:11/8/2022

Thông tin

Tên tác giả: Gia Mỹ


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông