Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N2112: Một số phương pháp phát huy năng khiếu bộ môn Âm nhạc cho học sinh THCS

See this content in the original post

1. Thực trạng :

1.1. Thuận lợi:

Âm nhạc là một môn học độc lập trong chương trình THCS. Dạy và học nghiêm túc, có kiểm tra, thi đánh giá cuối năm và kết quả  là một trong những tiêu chuẩn để xét lên lớp hay tốt nghiệp bậc học.

Nhà trường và BGH quan tâm thường xuyên.

Nhà trường có kết nối mạng internet thuận lợi cho việc tìm kiếm thông tin phục vụ giảng dạy;

Có thiết bị đồ dùng phù hợp với bộ môn.

Giáo viên nắm chắc về chuyên môn, tích cực tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp mới để vận dụng trong quá trình giảng dạy.

1.2. Khó khăn:

Trường nằm trên địa bàn khu nông thôn, đa số gia đình các em dân nhập cư có điều kiện về kinh tế còn khó khăn, các em dành nhiều thời gian cho việc bổ sung thêm kiến thức ngoài nhà trường. Do đó thời gian dành cho hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa không nhiều.

Phụ huynh học sinh đa số chưa quan tâm đến hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa của nhà trường.

2. Nội dung sáng kiến  :

Để đọc tốt một bài Tập đọc nhạc, cần giúp học sinh nắm được ý nghĩa của việc đọc nhạc, tìm ra phương pháp rèn luyện phù hợp để học sinh nắm vững các kĩ năng đọc nhạc cơ bản, từ đó vận dụng vào bài Tập đọc nhạc cụ thể.

2.1. Biện pháp giải quyết:

Tập đọc nhạc là một thuật ngữ của chương trình âm nhạc trường phổ thông. Phân môn Tập đọc nhạc ở trường THCS có nội hàm như môn xướng âm ở các trường âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng do thời lượng hạn hẹp mà việc dạy âm nhạc ở đây lại dạy đại trà cho mọi đối tượng học sinh nên không đi sâu vào kĩ năng, kĩ xảo của việc đào tạo người làm “nghề âm nhạc”. Ở đây, phân môn Tập đọc nhạc chỉ dạy cho học sinh những kiến thức ở mức độ đơn giản, phổ thông nhất.

Nắm chắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc nhạc sẽ giúp học sinh ham thích học phân môn Tập đọc nhạc hơn. Giáo viên sẽ thuận lợi trong việc hướng dẫn, dẫn dắt học sinh học tốt hơn phân môn này. Vì thế, giáo viên cần khắc sâu yêu cầu cần thiết khi đọc bài Tập đọc nhạc cho học sinh, thể hiện cụ thể qua các nội dung sau:

Ý nghĩa của phân môn Tập đọc nhạc:

Giúp học sinh phát triển tai nghe âm nhạc, hỗ trợ cho việc học hát chuẩn xác về cao độ và trường độ.

Hình thành cho học sinh khái niệm về việc ghi chép nhạc và một số kĩ năng “giải mã” các kí hiệu âm nhạc ở mức độ đơn giản và thường gặp trong các bài hát thiếu nhi.

Góp phần nâng cao thẩm mĩ âm nhạc giúp cho việc nhận thức được tính khoa học, tính nghệ thuật, góp phần phát triển trí tuệ, tình cảm, năng lực tư duy trừu tượng và óc phân tích, tổng hợp, biết giải quyết tình huống khi phải xử lí các kí hiệu trên giấy biến thành các âm thanh vang lên một giai điệu cụ thể và có thể ghép lời ca, đánh nhịp trên những bài Tập đọc nhạc đơn giản.

2.1.1. Các kĩ năng đọc nhạc cơ bản và phương pháp rèn luyện:

Dạy Tập đọc nhạc là dạy cách đọc (thông qua bài đọc) chứ không chỉ dạy đọc bài đọc theo kiểu truyền khẩu, học vẹt. Mới đầu tập cho học sinh Nghe – đọc, tiến tới Nhìn – đọc. Dạy đọc bài đọc nhạc là một yêu cầu cần, nhưng không có cách đọc thì không đảm bảo để học sinh có thể vượt qua tình trạng thụ động đối với bài đọc. Dạy cách đọc sẽ giúp cho học sinh không chỉ đọc đúng một bài mà còn có thể vận dụng để đọc các bài khác tương tự.

Đọc nhạc là quá trình nhận thức và thực hành. Ở giai đoạn đầu, học sinh phải đồng thực hiện một hệ thống kĩ năng bao gồm:

Nhận dạng tên nốt nhạc, hình nốt nhạc được viết trên khuông nhạc.

Xác định nhịp, phách.

Đọc đúng tương quan cao độ giữa các nốt nhạc ghi trên khuông nhạc.

Thể hiện đúng tương quan trường độ của các nốt nhạc ( độ ngân dài, ngắn, nghỉ, nhanh, chậm,…).

Nhận biết và giải quyết đúng các kí hiệu được ghi trên bản nhạc…

Tập cho học sinh nhận biết giai điệu: Nghe giáo viên đàn một câu hay một đoạn nhạc, tập để các em có thể ghi nhớ và lặp lại.

Tập cho học sinh nhận biết tiết tấu: Giáo viên viết hình tiết tấu trong bài nhạc lên bảng và vỗ phách mạnh, nhẹ, nhanh, chậm để tập cho học sinh nghe nhiều lần, sau đó yêu cầu học sinh thực hiện lại từ dễ đến khó dần.

Tập cho học sinh nhận biết nhịp, điệu: Giáo viên hát, đàn, trình bày các bài với loại nhịp khác nhau, cho học sinh nghe, so sánh nhận ra bài nào nhịp 2, bài nào nhịp 3…

Bài tập nhận biết điệu thức: Giáo viên đàn một câu, một đoạn nhạc (chú ý kết ở chủ âm) bài ở giọng Trưởng hoặc giọng Thứ cho học sinh nhận biết. Giáo viên chú ý nhấn mạnh tính chất, màu sắc âm nhạc của giọng Trưởng, Thứ…

Phương pháp dạy Tập đọc nhạc:

Trên thế giới, phương pháp dạy học âm nhạc đã được quan tâm từ cuối thế kỉ XIX và cả trong thế kỉ XX, đặc biệt ở các nước phát triển như Pháp, Anh, Nga, Nhật, Đức, Hung-ga-ri… cần hiểu: phương pháp dạy học gắn chặt với các biện pháp, thủ pháp, thủ thuật. Trong một phương pháp có thể sử dụng hàng loạt những thủ thuật, biện pháp, đó là một phần của phương pháp. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây ( từ 1990) việc đổi mới phương pháp dạy học và lấy học sinh làm trung tâm là vấn đề quan trọng được ngành hết sức quan tâm. Ở bộ môn Âm nhạc nói chung, phân môn Tập đọc nhạc nói riêng, thường sử dụng các phương pháp sau:

Phương pháp dùng lời (còn gọi là thuyết trình, diễn giảng, giảng thuật)

Trong quá trình dạy thường “dùng lời” khi dạy những nội dung sau: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, giải thích cách thể hiện bài Tập đọc nhạc; Đặt câu hỏi tìm hiểu bài hoặc củng cố bài học; Ổn định tổ chức, động viên nhắc nhở, khích lệ, đánh giá học sinh…

Ví dụ: Khi dạy bài Tập đọc nhạc, giáo viên “dùng lời” giới thiệu dẫn dắt vào bài. Đặt các câu hỏi tìm hiểu bài: Bài Tập đọc nhạc được trích trong bài hát nào? Tác giả là ai? Nhịp gì? Phân chia thành mấy câu? Các hình nốt, tên nốt có trong bài? Nốt thấp nhất, nốt cao nhất, các kí hiệu âm nhạc có trong bài?

Điều cần chú ý khi dùng lời nói, trong giảng giải phải diễn đạt gãy gọn, mạch lạc, có chuẩn bị kĩ để khi nói không thừa, không thiếu, từ ngữ chính xác, dễ hiểu. Khi hướng dẫn thực hành, luyện tập đôi khi cần những lời nói có tính chất mệnh lệnh, ngắn gọn.

Phương pháp trực quan:

Trong dạy học âm nhạc, âm thanh vô cùng trừu tượng, yêu cầu trực quan là tối cần thiết, các phương tiện đồ dùng dạy học như nhạc cụ, máy nghe, băng đĩa nhạc là những “giáo cụ trực quan”, những “sách giáo khoa” vô cùng sinh động và quan trọng. Bên cạnh đó, bản nhạc, tranh ảnh cũng có tác dụng tốt trong giờ lên lớp. Sử dụng phương pháp trực quan khiến cho những khái niệm trừu tượng trở nên rõ ràng, cụ thể, học sinh dễ tiếp nhận hơn nhiều nếu giáo viên chỉ dùng lời nói (trước đây gọi là “dạy chay”). Tiếng đàn, tiếng hát vang lên chính là “trực quan” của môn Âm nhạc.

Ví dụ: Khi dạy Tập đọc nhạc, giáo viên treo bảng phụ, học sinh quan sát và nhận xét bài. Về  trường độ có các hình nốt nào? – học sinh vừa trả lời vừa xác định trên bảng phụ, như vậy các em sẽ nhớ bài lâu hơn. Tương tự với các câu hỏi tìm hiểu bài còn lại về cao độ, nhịp, kí hiệu có trong bài… Khi tập đọc nhạc từng câu, giáo viên sử dụng nhạc cụ, đàn giai điệu từng câu cho học sinh nghe và tập đọc hoà cùng tiếng đàn, học sinh sẽ có hứng thú hơn trong quá trình học, qua đó giúp các em phát triển tai nghe và khả năng cảm nhận âm nhạc.

Chú ý, dùng các phương tiện trực quan đúng lúc, đúng chỗ, vừa đủ tránh lạm dụng để mọi đồ dùng dạy học thực sự trở thành cần thiết và hữu ích trong giờ dạy.

Phương pháp thực hành – luyện tập:

Đây là phương pháp chủ đạo xuyên suốt tiết học Tập đọc nhạc. Phương pháp này hình thành kĩ năng thể hiện âm nhạc, giúp học sinh cảm thụ âm nhạc, nắm được các thuộc tính của âm thanh (độ cao, độ dài, nhịp điệu, sắc thái…). Khi phát hiện chỗ sai, giáo viên có thể trình bày riêng chỗ đó và hướng dẫn học sinh luyện tập nhiều lần cho đến khi học sinh làm đúng. Thực hành Tập đọc nhạc không nhất thiết lúc nào cũng phải đọc tập thể, cũng có lúc cho học sinh nghe đàn và đọc nhẩm theo, sự lặp lại nhiều lần khiến học sinh dần dần tiếp thu một cách chính xác hơn.

Thực hành – luyện tập chính là quá trình phát triển tai nghe, phát triển giọng hát hoặc xây dựng nhạc cảm.

Phương pháp kiểm tra – đánh giá:

Kiểm tra viết: Giáo viên đọc một đoạn nhạc cho học sinh chép.

Kiểm tra đọc cá nhân (từng học sinh): Giáo viên gọi từng cá nhân học sinh đọc lại bài Tập đọc nhạc đã học.

Kiểm tra đọc theo nhóm (3-4 học sinh): Từng nhóm đọc lại bài Tập đọc nhạc đã học.

Đánh giá điểm “Đạt” bằng cả một quá trình học tập: chăm chỉ, nghiêm túc, ý thức học tập và năng lực học tập

Nguyên tắc dạy học Tập đọc nhạc:

Nguyên tắc đảm bảo tính trực quan: Nhằm tác động đến trí tuệ, làm rung động thế giới tinh thần của học sinh, giúp các em ghi nhớ bền vững các tri thức mà các em vừa tiếp thu được.

Nguyên tắc đảm bảo tính phát triển: Việc dạy Tập đọc nhạc để “hình thành” bước đầu kĩ năng đọc nhạc nhưng đồng thời cũng là phát triển tai nghe, phát triển khả năng thẩm âm…

Nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống: Trong giờ dạy Âm nhạc, có thể dễ nhìn thấy bài Tập đọc nhạc này khó hơn bài Tập đọc nhạc kia. Nên việc tiến hành các bước của bài dạy phải theo một trình tự cụ thể, phải đảm bảo sự sâu chuỗi một cách hệ thống, để tránh cung cấp cho học sinh kiến thức thiếu tính hệ thống, kiến thức rời rạc, tản mạn. Dạy học thể hiện được dạy cái gì trước, cái gì sau, cái dễ đến cái khó, cái đơn giản đến cái phức tạp, cái đã biết đến cái chưa biết…

Nguyên tắc đảm bảo tính vừa sức: Cơ sở của sự “vừa sức” căn cứ vào thực tế nhà trường, dựa vào điều kiện học tập cụ thể mỗi nơi, mỗi vùng miền, dựa vào trình độ chung của học sinh. Giáo viên không nên hạ thấp yêu cầu mỗi bài dạy, mỗi tiết dạy nhưng cũng không thể đòi hỏi học sinh phải tiếp thu nhanh, nhạy, linh hoạt, nhằm động viên, khích lệ mọi trình độ học sinh trong lớp cùng tiếp thu bài giảng một cách hứng khởi.

Nguyên tắc đảm bảo tính bền vững của tri thức: Thực tế dạy học những năm qua, học sinh được học nhiều nhưng không nhớ và khả năng vận dụng rất hạn chế. Muốn đảm bảo tính tri thức, tránh “học trước, quên sau”, nhất thiết phải thường xuyên luyện tập, ôn tập và  vận dụng cái đã biết để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong điều kiện mới, kích thích được tư duy tích cực và tự giác của học sinh.

Ví dụ: Khi học một bài Tập đọc nhạc mới, nếu học sinh nắm vững kiến thức nhạc lí đã học, các em sẽ dễ dàng xác định được trong bài chỗ nào hát cao, thấp, ngân dài, ngắn, nghỉ…

Nguyên tắc đảm bảo tính giáo dục: Môn Âm nhạc nói chung, phân môn Tập đọc nhạc nói riêng, qua mỗi bài Tập đọc nhạc rèn luyện cho học sinh một điều gì đó về sự biểu đạt chính xác, sự tập trung chú ý, khả năng thưởng thức âm nhạc… Với ý nghĩa rèn cho học sinh những phẩm chất: tính cẩn thận, cần cù, chính xác, kiên nhẫn…

Nguyên tắc đảm bảo học đi đôi với hành: Thực hành trong giờ Tập đọc nhạc là luyện tập để hình thành kĩ năng đọc nhạc. Tập đọc nhạc chính là thực hành những kiến thức nhạc lí đã học. Qua thực hành, hứng thú về nhận thức của học sinh được kích thích, đức tính kiên trì, cẩn thận, tính chính xác được rèn luyện. Xây dựng được quan hệ tối ưu giữa thầy và trò trong các hoạt động để học sinh hoàn toàn nắm được tri thức một cách tự giác, hứng thú và sáng tạo.

Nguyên tắc đảm bảo phát huy tính tích cực, độc lập và sáng tạo của học sinh: Giáo viên quan tâm và gây được hấp dẫn, thu hút học sinh vào bài giảng. Tính tích cực biểu hiện: Học sinh có chú ý học tập không? Có hăng hái phát biểu ý kiến trong lớp hay không? Có hứng thú học tập hay cảm thấy bắt buộc? Có đọc và làm thêm các bài tập khác không?... Trong quá trình đọc nhạc, giáo viên có thể kích thích óc quan sát, tập cho học sinh nhận xét, đánh giá phần thực hiện bài đọc của bạn mình và tự biểu hiện mình. Sau khi học xong bài Tập đọc nhạc, giáo viên có thể yêu cầu học sinh dựa vào giai điệu bài Tập đọc nhạc vừa học tự đặt lời ca mới, chủ đề tự chọn, nhằm phát huy khả năng sáng tạo của các em.

Ngoài ra còn một số nguyên tắc cũng không kém phần quan trọng: nguyên tắc thực hành, nguyên tắc trực quan, nguyên tắc phát triển tai nghe.

Bên cạnh những phương pháp, biện pháp áp dụng trong tiết Tập đọc nhạc, để giờ học thêm sinh động, cũng là để củng cố lại bài vừa học, sau khi học xong bài giáo viên có thể cho học sinh chơi trò chơi: Nhận biết câu nhạc. Trò chơi thực hiện như sau: Giáo viên đàn 4  - 5 nốt nhạc đầu tiên của từng câu (không theo thứ tự câu), học sinh xung phong nhận biết đó là câu nhạc số mấy của bài và đọc lại câu nhạc đó.

2.1.2.Các bước dạy Tập đọc nhạc:

Bước 1: Giới thiệu, nhận xét và phân tích bài.

Treo bảng phụ có viết bài Tập đọc nhạc cho học sinh chú ý. Giáo viên đặt các câu hỏi có liên quan bài Tập đọc nhạc cho học sinh tìm hiểu về: Bài Tập đọc nhạc được trich đoạn trong bài hát nào? Tác giả là ai? Nhịp gì, phân chia thành mấy câu, các hình nốt, tên nốt, nốt cao nhất, nốt thấp nhất, tiết tấu, các kí hiệu âm nhạc (nếu có)?

Bước 2: Luyện tập gam, thang âm, trục âm, luyện cao độ, trường độ.

Căn cứ bài Tập đọc nhạc gam gì, giọng gì, đường nét giai điệu tiến hành như thế nào để giáo viên định ra nội dung luyện tập cho phù hợp.

Bước 3: Nghe giai điệu cả bài Tập đọc nhạc, tập đọc từng câu ngắn.

Giáo viên đàn giai điệu cả bài cho học sinh nghe và cảm nhận,sau đó tiến hành dạy từng câu. Giáo viên đàn câu 1 vài lần, học sinh nghe và đọc nhẩm,tiếp tục đàn câu 1 học sinh đọc hoà cùng tiếng đàn. Học sinh vừa đọc xong câu 1, giáo viên đàn câu 2 cho học sinh nghe và đọc theo vài lần. Giáo viên đàn nối 2 câu 1 và 2, học sinh đọc. Tập tương tự cho đến hết bài theo lối móc xích. Sau đó cả lớp đọc lại bài vài lần. Khi đọc nhớ cho học sinh gõ phách,nhịp. Khi các em đọc, giáo viên chú ý lắng nghe, sửa sai kịp thời.

Bước 4: Ghép lời ca (nếu có) dựa trên giai điệu vừa học. Chia lớp thành 2 nhóm: 1 nhóm đọc nhạc, nhóm còn lại hát lời ca. Sau đó đổi lại.

Bước 5: Luyện tập, củng cố

Sau khi các em đã học từng câu hết bài,chia lớp  thành từng nhóm, tổ, dãy bàn, cá nhân để các em luyện tập với phần đệm đàn của giáo viên. Giáo viên gợi ý để học sinh nghe và nhận xét lẫn nhau. Tập cho các em vừa đọc vừa, vỗ tay theo nhịp (hoặc vừa đọc vừa đánh nhịp theo sơ đồ nhịp).

Có thể chia lớp thành nhiều nhóm. Nhóm này đọc câu 1, nhóm kia đọc câu 2… Nhóm này đọc, nhóm kia vỗ tay (hoặc đánh nhịp)…

Giáo viên thử đàn một câu (bất kì) học sinh xung phong nhận biết, đọc lại câu đó.

Giáo viên có thể cho học sinh chơi một số trò chơi thích hợp vào bài đọc nhạc…

Để làm rõ hơn những vấn đề nêu trên tôi xin đưa ra một ví dụ cụ thể về tiến trình thực hiện một tiết dạy bài Tập đọc nhạc như sau:

Bài 7 - Tiết 29: -Ôn tập Bài hát Ca – chiu – sa

Tập đọc nhạc số 8.

Vì phạm vi đề tài tôi thực hiện chỉ nghiên cứu ở phân môn Tập đọc nhạc nên tôi xin cho qua nội dung ôn tập bài hát “Ca – chiu – sa” mà vào luôn nội dung bài Tập đọc nhạc số 8 – Chú chim nhỏ dễ thương.

Tập đọc nhạc: TĐN số 8

Chú chim nhỏ dễ thương

Bước 1: Giới thiệu, nhận xét và phân tích bài

Giới thiệu bài: Giáo viên có thể giới thiệu nhiều cách khác nhau, ở đây tôi xin đưa ra lời giới thiệu bằng cách đặt câu hỏi cho học sinh trả lời, rồi giới thiệu bài mới:

Hỏi: Em hãy kể tên những bài hát và Tập đọc nhạc em đã được học ở lớp 6 và đầu năm lớp 7? – Trả lời: Bài hát “ Hành khúc tới trường”, Tập đọc nhạc số 6 “ Trời đã sáng rồi” ở lớp 6 và Tập đọc nhạc số 2 “Ánh trăng” ở lớp 7.

Hôm nay chúng ta lại có dịp đến với dân ca Pháp qua bài Tập đọc nhạc số 8 “Chú chim nhỏ dễ thương” do nhạc sĩ Hoàng Anh viết lời Việt.

Nhận xét và phân tích bài: Giáo viên treo bảng phụ có chép sẵn bài Tập đọc nhạc số 8 (chép cả phần nhạc và phần lời ca). Yêu cầu học sinh quan sát và nhận xét bài qua hệ thống câu hỏi giáo viên đặt ra.

Hỏi: Bài Tập đọc nhạc số 8 được viết ở nhịp gì, cho biết ý nghĩa của nhịp đó? Trả lời: Nhịp  , là nhịp có 4 phách, mỗi phách có giá trị bằng một nốt đen. Phách 1là phách mạnh, phách 2 là phách nhẹ, phách 3 là phách mạnh vừa, phách 4 là phách nhẹ.

Hỏi: Tên nốt nhạc thấp nhất và nốt nhạc cao nhất có trong bài? – Trả lời: Nốt thấp nhất là nốt Sòn (nằm ở khe phụ thứ 3 bên dưới khuông nhạc), nốt nhạc cao nhất là nốt Son ( nằm ở khe 2).

Hỏi: Trong bài có sử dụng các hình nốt và kí hiệu âm nhạc nào em đã học? Trả lời: Nốt đen, nốt đen chấm dôi, nốt tròn và nốt móc đơn. Kí hiệu dấu quay lại, dấu lặng đen.

Giáo viên gọi học sinh xung phong trả lời, giáo viên nhận xét và tổng hợp ý lại.

Giáo viên gợi ý để học sinh phân tích bài. Bài Tập đọc nhạc được viết ở giọng Đô trưởng, được xây dựng trên cao độ các nốt Đô-Rê-Mi-Pha-Son-La.

Hỏi: Theo em, bài Tập đọc nhạc số 8 có thể chia thành mấy câu? Trả lời (giáo viên gợi ý): 6 câu, tính cả quay lại. Mỗi câu có 2 ô nhịp.

Bước 2: Luyện gam, cao độ, trường độ

Giáo viên cho học sinh luyện gam Đô trưởng, trục gam và các quãng khó. Sau đó, giáo viên hướng dẫn học sinh tập thể hiện âm hình tiết tấu:

Bước 3: Nghe giai điệu cả bài Tập đọc nhạc và tập đọc từng câu

Giáo viên đàn giai điệu cả bài cho học sinh nghe, cảm nhận. Sau đó, đàn giai điệu từng câu hướng dẫn các em đọc theo lối móc xích.

Giáo viên đàn giai điệu câu 1 ba lần, học sinh nghe và đọc nhẩm. Tiếp tục đàn câu 1, yêu cầu học sinh đọc hoà cùng tiếng đàn.

Giáo viên nhận xét, sửa sai, cho học sinh tự đọc nhạc lại.

Gọi cá nhân, nhóm đọc nhạc cho học sinh nhận xét lẫn nhau. Giáo viên hướng dẫn tiếp câu 2.

Giáo viên đàn giai điệu câu 2, yêu cầu học sinh nhận xét giai điệu câu 1 và câu 2.

Giáo viên thực hiện tương tự câu 1, lưu ý học sinh cuối câu 2 có dấu lặng đen, nhắc các em ngắt câu cho đúng.

Khi học xong câu 2, giáo viên đàn giai điệu cả 2 câu cho cả lớp đọc nhạc lại.

Giáo viên nhận xét, gọi cá nhân thực hiện.

Tương tự như thế, giáo viên hướng dẫn học sinh đọc hai câu còn lại. Chú ý các nốt nhạc liên tiếp có trường độ bằng nhau, cao độ đi lên đi xuống liền bậc (câu 3), cao độ các nốt Son cách nhau một quãng 8 (câu 4), ngân dài 4 phách (hình nốt tròn) ở cuối câu 4.

Khi học sinh đọc nhạc xong cả bài, giáo viên yêu cầu học sinh đọc hoàn chỉnh cả bài kết hợp vỗ tay theo phách ( kết thúc bài ở ô nhịp thứ 4 của bài, do có quay lại). Gọi vài nhóm, cá nhân đọc lại bài.

Giáo viên đệm đàn cho học sinh đọc nhạc cả bài. Chú ý tốc độ bài hơi nhanh – vui. Giáo viên nhận xét, sửa sai.

Bước 4: Ghép lời ca

Dựa vào giai điệu các câu nhạc vừa học, giáo viên cho học sinh ghép lời ca từng câu theo đúng giai điệu bài.

Giáo viên chia lớp thành 2 dãy: Dãy 1 đọc nhạc, dãy 2 hát lời ca. Sau đó đổi lại để tránh nhàm chán khi các em phải lặp lại nhiều lần. Giáo viên lưu ý các em đọc vừa phải, vừa thực hiện phần của mình vừa nghe phần trình bày của bạn. Khi đọc xong, giáo viên cho hai nhóm nhận xét lẫn nhau để rút kinh nghiệm và đọc được tốt hơn.

Bước 5: Luyện tập, củng cố

Luyện tập theo tổ, nhóm, cá nhân.

Giáo viên đàn một câu nhạc bất kì trong bài Tập đọc nhạc, yêu cầu học sinh nhận biết và đọc lại câu nhạc đó. Gọi một vài cá nhân đọc tốt đọc lại bài vừa học.

Chia lớp thành từng dãy bàn, cho học sinh lần lượt đọc lại bài. Giáo viên chú ý nghe và điều chỉnh kịp thời những sai sót (nếu có) cho học sinh.

Củng cố:

Tạo không khí sôi nổi cho lớp học, giáo viên chia lớp thành bốn tổ thi đua với nhau. Cho các em nhận xét tổ mình và tổ bạn.

Giáo viên cho cả lớp thực hiện lại hoàn chỉnh bài Tập đọc nhạc và ghép lời ca theo đàn, thể hiện đúng sắc thái, tốc độ bài.

Yêu cầu học sinh về nhà đọc nhạc và ghép lời ca bài Tập đọc nhạc số 8 hoàn chỉnh, kết hợp đánh nhịp .

Trên đây chỉ là một ví dụ minh hoạ cho phương pháp dạy một bài Tập đọc nhạc mới. Để thực hiện tốt, đạt hiệu quả cần có sự kết hợp động bộ giữa giáo viên và học sinh.

3. Hiệu quả mang lại:

Sau khi áp dụng “Một số phương pháp phát huy năng khiếu bộ môn Âm nhạc cho học sinh THCS” các em dần ham thích học phân môn Tập đọc nhạc hơn.

Qua bảng thống kê tôi nhận thấy số lượng học sinh đọc nhạc đạt yêu cầu là 100%. Không có học sinh đọc nhạc không đạt.

Tôi hy vọng rằng với phương pháp giảng dạy này sẽ tạo cho các em niềm say mê môn học, có niềm tin ở chính mình và việc dạy và học sẽ có kết quả cao hơn, dần dần sẽ không còn học sinh học yếu môn này.

Chất lượng bộ môn âm nhạc được nâng cao rõ rệt. Sau khi áp dụng phương pháp mà tôi đã đưa ra vào các tiết dạy tôi thấy có kết quả rõ rệt, đa số học sinh đều đọc nhạc tốt hơn, mạnh dạng hơn, tham gia tích cực vào các hoạt động học.

Thông tin

Tên tác giả:


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông