Mã số N2118: Biện pháp nâng cao kĩ năng tìm hiểu nội dung bài qua phân môn tập đọc cho học sinh lớp 4
Tập đọc là một phân môn của chương trình Tiếng Việt bậc Tiểu học. Nó đóng một vai trò hết sức quan trọng vì nó đảm nhiệm việc hình thành và phát triển cho học sinh những kĩ năng không thể thiếu. Và đọc hiểu văn bản là một kĩ năng vô cùng quan trọng trong việc dạy học ở trường Tiểu học. Đây cũng là một trong những kĩ năng giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Bản thân tôi nhận thấy các em có thể đọc tốt nhưng lại rất khó để có thể tìm hiểu tốt nội dung của tác phẩm văn học mặc dù chúng rất hay và mang tính nhân. Vậy làm thế nào để các em có thể nâng cao được kĩ năng tìm hiểu bài, có thể hiểu được ý nghĩa nhân văn hoặc lời khuyên mà tác giả muốn nhắn nhủ đến? Đó là những trăn trở của riêng tôi và cũng của không ít giáo viên nói chung. Xuất phát từ những vấn đề đó, nhiều năm liền tôi được phân công chủ nhiệm học sinh lớp 4 và rút ra được một số chia sẻ về đề tài:“ Biện pháp nâng cao kĩ năng tìm hiểu nội dung bài qua phân môn tập đọc cho học sinh lớp 4”
Tìm hiểu nội dung bài thông qua tìm hiểu tên bài tập đọc:
- Mỗi bài tập đọc đều có một cái tên và dĩ nhiên nó đều có hàm ý bên trong. Vì vậy, tên bài tập đọc thường ngắn nhưng nó lại cho chúng ta biết rất nhiều điều, nhất là hiểu được phần nào nội dung của bài tập đọc. Ví dụ như bài “Tiếng cười là liều thuốc bổ” (Sách Tiếng Việt lớp 4- Tập 1). Sau khi cho học sinh đọc tên bài, tôi sẽ hỏi học sinh: Em hiểu được nội dung bài tập đọc này như thế nào? Khi đó học sinh sẽ dễ dàng trả lời nội dung của bài là nói về lợi ích của tiếng cười, nó như một liều thuốc bổ giúp ích cho cuộc sống của chúng ta. Từ đó, giáo viên có thể dễ dàng dẫn dắt vào bài hơn.
Tìm hiểu nội dung bài thông qua việc tìm hiểu từ ngữ trong bài tập đọc
- Việc hiểu nội dung cả bài tập đọc thường bắt đầu từ việc hiểu nghĩa từ. Trước tiên, học sinh cần phải nhận diện ra được từ nào là từ mới trong bài. Khi học sinh phát hiện ra được từ mới chứng tỏ học sinh có sự quan tâm đến những thông tin mới trong bài. Để tìm từ mới, tôi thường đặt câu hỏi: Hãy tìm và nêu ra những từ em chưa hiểu nghĩa trong bài. Học sinh có thể làm việc cá nhân hoặc làm việc nhóm đôi để bàn bạc cùng bạn và nêu ra các từ chưa rõ nghĩa. Vì có thể em này chưa hiểu những em khác có thể hiểu và giúp bạn. Tuy nhiên, khi học sinh nêu ra từ khó hiểu, giáo viên phải có sự chọn lựa những từ ngữ có vai trò quan trọng và gắn với nội dung bài tập đọc để nhấn mạnh và giúp học sinh hiểu rõ hơn.
Ví dụ trong bài “ Chị em tôi” (Sách Tiếng Việt 4- Tập 1) có đoạn:
“ Nó cười giả bộ ngây thơ:
- Ủa, chị cũng ở đó sao? Hồi nãy chị bảo đi học nhóm mà!
Tôi sững sờ, đứng im như phỗng. Ngước nhìn ba, tôi đợi một trận cuồng phong. Nhưng ba tôi chỉ buồn rầu bảo:
- Các con ráng bào ban nhau mà học cho nên người.”
Trong đoạn này, nếu học sinh hiểu “cuồng phong” là bão tố, giông gió thì chưa chính xác với nội dung bài tập đọc. Giáo viên nên giải thích cho học sinh hiểu “cuồng phong” trong bài này chính là cơn giận. Những lời nói và cử chỉ của cô em đã làm cho cô chị tỉnh ngộ. Thế nhưng ba lại không hề giận dữ mà ngược lại còn khuyên hai chị em bảo ban nhau mà học cho nên người. Nếu học sinh hiểu chưa đúng nghĩa của từ “cuồng phong” thì sẽ hiểu sai nội dung của bài tập đọc.
- Giáo viên có thể sử dụng những hình thức giải nghĩa từ khác nhau:
+ Giải nghĩa từ bằng phương pháp trực quan: Giáo viên có thể sử dụng vật mẫu, vật thật hoặc tranh ảnh để học sinh dễ dàng hình dung và tiếp cận với nghĩa của từ một cách chính xác nhất. Ví dụ như dạy bài Đôi giày ba ta màu xanh (Tiếng Việt 4- Tập 1), tôi sẽ cho học sinh quan sát đôi giày ba ta màu xanh thật. Khi dạy bài Sầu riêng (Tiếng Việt 2- Tập 2), nếu không có qủa sầu riêng, giáo viên có thể cho học sinh quan sát tranh ảnh, chú ý màu sắc phải rõ ràng, sinh động, không sử dụng tránh màu trắng đen sẽ làm học sinh khó hình dung.
+ Giải nghĩa từ bằng ngữ cảnh là đặt từ vào trong cụm từ hoặc câu để làm nổi bật nghĩa của từ trong câu đó. Ví dụ trong bài “Truyện cổ nước mình” (Tiếng Việt 4- Tập 1) có câu: Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang. Từ “đa tình, đa mang” thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, nếu đặt nó trong câu và trong bài thì hai từ này dùng để nói về ông cha, phải được hiểu là giàu tình cảm và biết yêu thương, lo lắng cho mọi người.
+ Giải nghĩa từ bằng từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa: giải thích nghĩa của từ bằng cách dựa vào một từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với nó. Ví dụ trong bài “Chợ Tết” (Tiếng Việt 4- Tập 2) có câu: Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết. Ta có thể giải nghĩa : ấp là làng, xóm. Từ đó học sinh sẽ dễ dàng tiếp cận với nghĩa của từ hơn.
- Trong quá trình giảng dạy, tôi thường sẽ linh động trong việc lựa chọn cách giải nghĩa từ để học sinh có thể dễ dàng nắm bắt được nội dung của từ cũng như của bài đọc.
Làm rõ cái hay, cái đẹp của việc dùng từ ngữ, hình ảnh trong bài đọc
- Đối với các bài tập đọc và nhất là những bài thơ, tác giả thường sẽ đưa vào rất nhiều những hình ảnh so sánh, nhân hóa, những từ ngữ giàu hình ảnh, màu sắc . Văn học là nghệ thuật của ngôn từ nên điều quan trọng ở văn học không phải là ở chỗ nó nói về cái gì mà còn là nói bằng cách nào. Làm rõ cái hay của việc dùng từ ngữ không chỉ giúp học sinh hiểu được nội dung bài mà còn giúp học sinh có được vốn từ ngữ để vận dụng vào các phân môn khác như tập làm văn, luyện từ và câu,..
Ví dụ như trong bài thơ: “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” (Tiếng Việt 4- Tập 2) có đoạn:
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.
Giáo viên có thể yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ của mình về hình ảnh “mặt trời” trong hai dòng thơ trên. Đối với câu hỏi này, học sinh có thể làm theo nhóm đôi để tìm câu trả lời. Ở dòng thơ đầu tiên, hình ảnh “mặt trời” gợi cho ta nghĩ đến nguồn ánh sáng và những tia nắng ấm áp cho cây bắp lớn lên và chắc hạt. Còn hình ảnh “mặt trời” ở câu thứ hai gợi cho ta liên tưởng đến người con đang nằm trên lưng mẹ. Hình ảnh so sánh con nằm trên lưng mẹ, cho thấy người mẹ đã xem con như là mặt trời, là sự sống, là lẽ sống, là niềm hi vọng lớn lao và đẹp đẽ của người mẹ.
Xây dựng hệ thống câu hỏi mở để hướng dẫn học sinh tìm hiểu nội dung bài
- Giáo viên nên xây dựng hệ thống các câu hỏi gợi cảm xúc, sự liên tưởng, phát huy trí tưởng tượng của học sinh. Giáo viên nên mạnh dạn thoát khỏi những câu hỏi trong sách giáo khoa, chủ động mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo để đặt những câu hỏi khơi gợi cho học sinh tìm hiểu về từ ngữ, hình ảnh, hành động,... của nhân vật trong bài tập đọc.
- Các câu hỏi gợi mở theo mức độ từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp, chú ý giúp học sinh nâng cao khả năng quan sát các hành động của nhân vật dựa vào hình ảnh hoặc thể hiện qua câu từ. Chẳng hạn như: Bài Người ăn xin (Tiếng Việt SGK trang 31). Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát tranh và trả lời câu hỏi:
+ Tranh vẽ những nhân vật nào?
+ Em hãy miêu tả ngoại hình của nhân vật ông lão và cậu bé.
+ Cậu bé có hành động gì?
+ Nếu là em, em có dám hành động như bạn nhỏ không?
.........
- Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần nhấn mạnh vào những câu hỏi với những cụm từ “ Vì sao...?”, “ Em có suy nghĩ thế nào?”, “ Em hiểu thế nào?” hay “ Theo em,...?”. Đây là những dạng câu hỏi mang tính chất suy ngẫm đòi hỏi học sinh phải hiểu nội dung bài để vận dụng và trả lời câu hỏi.
Chẳng hạn như khi học bài Người ăn xin (Tiếng Việt 4, SGK trang 31) có câu hỏi: Cậu bé không có gì cho ông lão, nhưng ông lão lại nói: "Như vậy là cháu đã cho lão rồi!" Em hiểu cậu bé đã cho ông lão cái gì?.
- Giáo viên có thể tổ chức cho học sinh cùng thảo luận nhóm đôi để tự phát hiện và tìm hiểu nội dung. Đối với học sinh tiếp thu chậm, giáo viên có thể hỗ trợ cho các em bằng cách đưa ra các câu hỏi gợi ý như:
+ Cậu bé đã có hành động gì sau khi lục tìm hết mọi thứ trong người?
+ Cậu bé đã nói gì với ông lão sau khi tìm không thấy thứ gì để cho ông?
Từ đó các em sẽ hiểu được, thứ cậu bé cho ông chính là hành động, là lời nói, là những yếu tố về mặt tinh thần. Đó chính là thứ tình cảm quý giá, đáng trân trọng giữa con người với nhau, đặc biệt là những người cùng cảnh ngộ. Bởi đôi khi các em chỉ suy nghĩ đơn giản, những thứ có thể cho người ăn chỉ chỉ có thể là vật chất. Nhưng nếu giáo viên giúp học sinh hiểu được nội dung của bài đọc thì các em sẽ nhận ra thêm một điều là đôi khi sự cảm thông chia sẻ không chỉ ở giá trị vật chất mà nó còn có ở những giá trị tinh thần nữa. Đối với hoạt động tìm hiểu bài ở những câu khó, giáo viên có thể cho học sinh sử dụng phương pháp thảo luận nhóm đôi để tự phát hiện và tìm hiểu nội dung. Đối với học sinh tiếp thu chậm, giáo viên có thể hỗ trợ cho các em bằng cách đưa ra các câu hỏi gợi ý.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên trong các tiết dạy chỉ được thực hiện qua hình thức học trực tuyến. Việc dạy học trực tuyến đối với học sinh trong việc tìm hiểu bài có những ưu điểm cũng như khuyết điểm như sau:
Ưu điểm: Học sinh được tiếp cận với công nghệ thông tin, hình ảnh trực quan rõ nét, sinh động và đa dạng hơn. Các câu hỏi và câu trả lời được trình bày rõ nên học sinh dễ dàng tiếp cận nội dung bài học. Các câu hòi và bài tập được thiết kế đa dạng với nhiều hình thức khác nhau giúp học sinh có hứng thú hơn.
Khuyết điểm: Giáo viên gặp khó khăn trong việc tổ chức các phương pháp dạy học như thảo luận nhóm, dạy phân hóa học sinh,... Giáo viên khó bao quát học sinh cả lớp. Các giờ học đôi khi còn phải phụ thuộc vào đường truyền tín hiệu
Vì vậy, tôi thường chú trọng vào việc giúp học sinh hiểu được nội dung bài với các hình thức và các dạng bài tập khác nhau như đưa ra câu hỏi dưới dạng các bài tập lựa chọn và cho học sinh gõ vào hộp chat khi lựa chọn đáp án của mình. Song song đó, tôi cũng thường xuyên gọi học sinh trả lời trực tiếp để nắm được khả năng tiếp thu bài hoặc kiểm tra được thái độ hợp tác trong học tập của các em.
Hiệu quả mang lại
Sau thời gian áp dụng biện pháp, tôi nhận thấy các em học sinh trả lời câu hỏi tốt hơn. Các em nắm được nội dung bài, hiểu được những giá trị, thông điệp mà tác giả gửi đến. Bên cạnh đó, một số em dần dần yêu thích đọc sách hơn.
Dưới đây là bảng khảo sát qua các lần kiểm tra và thực tế tại lớp
Bài học kinh nghiệm:
Qua việc áp dụng biện pháp xây dựng hệ thống câu hỏi mở trong việc tìm hiểu các bài đọc giúp học sinh tìm hiểu bài đã phần nào giúp học sinh nắm vững nội dung bài đọc. Bên cạnh đó các em cũng làm tốt bài kiểm tra đọc hiểu hơn góp phần nâng cao chất lượng học tập không chỉ đối với phân môn tập đọc mà còn ở cả môn Tiếng Việt.
Thông tin
Tên tác giả: Nguyễn Ngọc Điệp
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông