Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N2122: Biện pháp tạo hứng thú và giúp học sinh sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong giao tiếp thông qua giáo trình "My Fifth Diary"

See this content in the original post

I. Đặt vấn đề

Trong đời sống xã hội hiện nay, tiếng Anh không những giúp chúng ta nâng cao trình độ về khoa học kỹ thuật tiên tiến mà còn là chiếc cầu nối giữa các quốc gia, giúp ta tiếp cận với thế giới văn minh hiên đại, trao đổi văn hóa với các nước tiên tiến trên toàn thế giới.

Xác định rõ tầm quan trọng của tiếng Anh nên đã Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa môn Tiếng Anh vào chương trình học chính khóa ngay từ cấp tiểu học với mục tiêu hình thành và cho trẻ làm quen những kiến thức cơ bản nhất và luyện những kỹ năng cơ bản về tiếng Anh. Cả bốn  kỹ năng nghe- nói- đọc- viết đều được chú trọng và quan tâm.

Tuy nhiên với lứa tuổi của các em – lứa tuổi thích khám phá những điều mới mẻ trong thế giới xung quanh và đặc biệt là qua những quyển sách, thì “làm thế nào dạy cho học sinh cách học và cách sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên và thiết thực có thể ứng dụng vào thực tế” luôn là câu hỏi lớn với tôi, mong muốn các em có một môi trường vừa học vừa chơi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng học tập, tôi đã sử dụng nhiều biện pháp, sưu tầm cũng như sáng tạo một số hoạt động phù hợp với học sinh. Tôi muốn chia sẻ một số hoạt động trong quá trình giảng dạy nhằm tạo môi trường học tập sinh động và thú vị; kích thích học sinh ham học và tự học tiếng Anh ở trường, ở lớp cũng như ở nhà và ở mọi nơi thông qua báo cáo này.

II. Cơ sở lý luận

Dạy ngoại ngữ không chỉ là cung cấp cho học sinh kiến thức của ngôn ngữ đó mà còn là dạy học sinh khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ đó, sử dụng được nó vào thực tiễn cuộc sống chứ không gói gọn trong các kỹ năng NGHE -NÓI – ĐỌC – VIẾT.   Các khả năng này cần được hình thành qua một quá trình học tập và rèn luyện trong một môi trường ngoại ngữ. Ngoài việc học ở trường lớp, học sinh phải tự học và tự rèn luyện bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau.

III. Thực trạng vấn đề

Đối với các em học sinh vùng ngoại thành như huyện Bình Chánh thì khó khăn lại thêm khó khăn hơn khi học tiếng Anh, vì đa số các em ngoài giờ học trên lớp không có đủ điều kiện để luyện tập và thực hành thêm tiếng Anh, không có nhiều cơ hội để gặp gỡ và giao lưu với người nước ngoài. Sự tích cực học tập của các em cũng không đồng đều, một số em học tập thật nghiêm túc nhưng cũng có không ít em không tập trung trong giờ học, không cố gắng đọc và viết từ thường xuyên. Về phía phụ huynh học sinh, không phải phụ huynh nào cũng biết tiếng Anh, nên việc kiểm tra và hướng dẫn học tập ở nhà cũng gặp nhiều trở ngại.  Bên cạnh đó các em có tâm lí e ngại khi sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong giao tiếp. Vậy nên kiến thức về môn Tiếng Anh của các em phần lớn chỉ dừng lại ở “kiến thức lớp học”.

IV. Nội dung chính

Các bài học nhằm giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp cũng như kỹ năng sống thông qua các tiết học Tiếng Anh. Đó là những kỹ năng hết sức cần thiết mà qua đó các em có thể nâng cao kiến thức của mình đồng thời hoàn thiện hơn về kiến thức thực tế. Đặc biệt một điểm mới nữa là nhằm nâng cao chất lượng ở một tiết học trải nghiệm thì giáo viên không trình bày, giới thiệu nội dung mà chính học sinh phải tự thực hành để nắm bắt nội dung. Vai trò của giáo viên chỉ là hỗ trợ, gợi ý, hướng dẫn đặt ra yêu cầu và kiểm tra.

Các hoạt động đọc của học sinh đều gắn với các nhu cầu, mục đích thật của việc giao tiếp trong đời sống hằng ngày và được cụ thể hóa bằng các chủ đề hàng tháng trong quyển “My fifth diary”.

Các hoạt động dạy học trải nghiệm thực tế trong quyển “My fifth diary” được tiến hành theo 3 giai đoạn như sau:

- Các hoạt động làm quen (pre- actions).

- Các hoạt động trải nghiệm thực tiễn (real actions).

- Các hoạt động sau hoạt động trải nghiệm (post- actions).

1. Các hoạt động làm quen (pre- actions)

Hoạt động làm quen bao gồm những hoạt động và thủ thuật nhằm tạo sự hứng thú (arouse interest), thiết lập ngữ cảnh (set up the context), dạy trước cấu trúc, từ mới cần thiết cho việc giao tiếp trong bối cảnh đặt ra (pre- teach structures, new words), giới thiệu nội dung chủ đề hoạt động của tháng (introduce briefly the topic, content), gợi ý, hướng sự chú ý vào những điểm chính của hoạt động (eliciting, guiding questions), cho học sinh đoán trước nội dung của hoạt động (predict the steps), nêu những điều muốn biết qua bài đọc (give expectation).

Việc đầu tiên là giáo viên giới thiệu chủ đề thông qua tranh ảnh, video có liên quan để học sinh có được cái nhìn khái quát đầu tiên về chủ đề. Sau đó hỗ trợ, hướng dẫn cho các em giải quyết các bài tập trong sách “My fifth diary” để lấy thông tin cũng như những đặc điểm chính về chủ đề của từng tháng.

2. Các hoạt động trải nghiệm thực tiễn (real actions)

Các hoạt động trải nghiệm thực tiễn (real actions) bao gồm các hoạt động liên quan đến chủ đề của mỗi tháng được bởi chính học sinh thực hiện. Các em học sinh có thể làm cùng lúc hoặc chia theo giai đoạn với các hình thức tổ,  nhóm, cá nhân và có thể lặp lại.

Các hình thức tổ chức luyện tập ở giai đoạn này nhằm tìm hiểu, trải nghiệm và khai thác nội dung chủ đề, đồng thời phát triển kỹ năng giao tiếp. Tuỳ theo mục đích và nội dung cụ thể của chủ điểm từng tháng mà giáo viên có những tình huống và yêu cầu khác nhau.

Các hoạt động chính ở từng giai đoạn thường được tôi sử dụng qua những dạng như sau:

* Tháng 9: How to make lemonade ?

Học sinh sẽ tự pha cho mình và bạn bè những ly nước chanh sau đó thưởng thức cùng nhau và kể lại cho mọi người các bước cũng như công thức mình đã áp dụng.

Thưởng thức sản phẩm của chính các em làm ra.

* Tháng 10: Our market and Auction day

Học sinh sẽ làm những sản phẩm “handmade” mang đến lớp để trao đổi buôn bán và mặc cả trong phiên chợ. Sau đó sẽ tiến hành đấu giá cho những món đồ mọi người yêu thích. Mỗi học sinh sẽ được cấp một số tiền “happy face” bằng nhau trong giai đoạn đầu.

Trưng bày sản phẩm cần bán / Hoạt động mua, bán và ngả giá trong phiên chợ.

Trao sản phẩm đấu giá cho người thắng cuộc.

* Tháng 11: Our story

Học sinh sẽ tự dựng kịch bản phân vai và tập luyện trong 1 tuần lễ sau đó sẽ biểu diễn theo nhóm tác phẩm của mình.

Học sinh luyện tập kể chuyện / Trình diễn tác phẩm của nhóm.

* Tháng 12: Your way to school

Học sinh sẽ nhờ ba mẹ chụp lại những bức ảnh trên đường từ nhà đến trường hoặc vẽ lại sau đó sẽ giới thiệu đoạn đường quen thuộc đó trước lớp.

Giới thiệu đường đến trường qua tranh vẽ / Ảnh chụp đường đến trường.

* Tháng 1: Do you like my folk tale telling?

Học sinh sẽ được đến thư viện Tiếng Anh của trường để chọn và đọc cho nhau nghe những câu chuyện mà mình yêu thích. Làm và tặng nhau thẻ chặn sách về những nhân vật trong câu chuyện.

Đọc truyện tại tủ sách Tiếng Anh / Hoạt động “My passion for reading”.

* Tháng 2:  Let’s go to the Moon

Học sinh sẽ được phân vai vào những nhóm khách hàng, hướng dẫn viên, lễ tân khách sạn để đặt vé du lịch, khách sạn trong kì nghỉ ở mặt trăng, sao hỏa,.....

Cuộc gọi giữa du khách và nhân viên khách sạn trên Sao Hỏa.

* Tháng 3: Our portion meal

Học sinh sẽ được chia theo nhóm và thiết lặp bữa ăn phù hợp dinh dưỡng nhất và cùng “thưởng thức” bữa ăn đó.

Giới thiệu Menu phù hợp dinh dưỡng.

* Tháng 4: I’m famous

Học sinh sẽ tham gia vào 1 buổi biểu diễn tạp kĩ mà chính các em sẽ là diễn viên, ca sĩ,..

Chương trình giao lưu với người nổi tiếng.

Việc thực hiện các hoạt động trải nghiệm ứng dụng thực tế là nhiệm vụ trung tâm của quá trình dạy quyển “My fifth diary”, đồng thời là hoạt động chủ yếu để khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời cũng giúp các em phát triển kỹ năng giao tiếp cũng như củng cố thêm một lần nữa kiến thức đã học. Vì vậy, cần bố trí phần lớn thời gian và tổ chức thật nhiều học sinh tham gia vào các hoạt động này. Giáo viên chỉ đóng vai trò thiết kế, tổ chức, hướng dẫn và điều chỉnh các hoạt động của học sinh (giới thiệu nhiệm vụ học sinh phải làm, hướng dẫn và điều chỉnh khi cần thiết; đánh giá kết quả hoạt động của học sinh), tuyệt đối không bao biện làm thay cho học sinh hoặc nói và viết quá nhiều. Khi học sinh tham gia vào các hoạt động không mang tâm lý ngần ngại, e dè mà giao tiếp một cách tự nhiên và thoải mái không né tránh việc lặp lại các hoạt động giống nhau hoặc những câu giao tiếp chưa chính xác về ngữ pháp. Bởi vì việc sửa chữa các câu trả lời sai sẽ giúp học sinh có nhiều cơ hội củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Giáo viên không nên gò ép đóng khung một số câu trả lời cố định đã dự liệu trước mà nên động viên, khuyến khích và công nhận những đáp án có tính đa dạng, sáng tạo của học sinh.

3. Các hoạt động sau hoạt động trải nghiệm (post- actions)

Sau khi học sinh làm bài tập theo các yêu cầu và tham gia các hoạt đông trải nghiệm, giáo viên có thể tiếp tục tiến hành các hoạt động luyện tập đòi hỏi sự thông hiểu tổng quát của toàn bài, liên hệ thực tế, chuyển hóa vốn kiến thức, nhận thức hoặc thông tin, dữ liệu vừa nhận được qua bài đọc.

Các loại hình bài tập có thể là:

− Tự nhận xét đánh giá về những ưu khuyết điểm của học sinh cũng như các bạn trong lớp. Cùng nhau đóng góp ý kiến khắc phục lỗi sai trong quá trình tham gia hoạt động.

− Làm bài thu hoạch tổng kết hoạt động.

V. Kết quả đạt được trong năm học 2020- 2021

Lớp 5/2

Sỉ số:  32 học sinh

− Kĩ năng nói: 100% học sinh đạt yêu cầu.

− Thái độ: học sinh hứng thú với việc học tiếng Anh; tự tin, mạnh dạn hơn khi sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp.

Hầu hết các em yêu thích học quyển sách này đồng thời giúp giáo viên có cái nhìn tổng quan hơn về kế hoạch giảng dạy “based project activities”. Các em được tham dự vào nhiều hoạt động khác nhau góp phần làm cho tiết học thêm sôi nổi sinh động.

VI. Bài học kinh nghiệm:

Khi tổ chức các hoạt động giảng dạy trải nghiệm ở quyển sách “My fifth diary”, giáo viên cần lưu ý một số vấn đề sau:

− Chuẩn bị kĩ nội dung để học sinh thảo luận.

− Tổ chức các hoạt động phù hợp tạo sự  hứng thú cho học sinh

− Đưa ra ví dụ và phân tích cụ thể, đảm bảo tất cả học sinh hiểu rõ vấn đề.

− Đề ra thời lượng cho mỗi hoạt động.

− Giáo viên cần bám sát tình hình lớp, khả năng của từng học sinh.

− Quan sát trong lúc học sinh hoạt động, sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết.

− Chú trọng rèn luyện phương pháp tự học tự rèn luyện cho học sinh.

− Lưu lại sản phẩm của học sinh tạo sự hứng thú với các chủ đề.

− Hỗ trợ các nguyên vật liệu cho các em làm sản phẩm.

* Một số hình ảnh minh họa trong hoạt động giảng dạy “Based project activities”

VII. Đề xuất:

Để đạt được hiệu quả giáo dục cao thì việc chuẩn bị cho việc lựa chọn và thực hiện các hoạt động giảng dạy là yếu tố quan trọng chính vì thế tạo điều kiện về thời gian để chuẩn bị cho các hoạt động giảng dạy là rất cần thiết. Giáo viên cần phải dành rất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị nhằm tìm ra các biện pháp tối ưu nhằm phát huy hết năng lực của học sinh, kích thích khả năng tự học tự rèn luyện của học sinh.

Bên cạnh đó, cần trao đổi thêm một số hoạt động trải nghiệm dành cho các chương trình khác như Tiếng Anh đề án, Tiếng Anh tự chọn giữa các lớp, các trường và những kinh nghiệm thành công.

Thông tin

Tên tác giả: NGUYỄN NGỌC CHIÊU

Trường Tiểu học Bình Hưng


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông