Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N2128: Sử dụng bảng tương tác với phần mềm Activinspire để tạo hứng thú học tập cho học sinh trong các tiết đọc hiểu tiếng Anh lớp 9

See this content in the original post

1. Đặt vấn đề

Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông trong giáo dục, đào tạo được Đảng và Nhà nước rất coi trọng. Qua tìm hiểu tôi nhận thấy bảng tương tác với phần mềm ActivInspire có những tiện ích nổi trội như: Giúp giáo viên tạo nên các bài giảng có tính tương tác cao; Tích hợp nguồn tài nguyên phong phú, được cung cấp miễn phí; Tạo ra một môi trường học tập mang tính liên kết chặt chẽ; Giao diện được thiết kế đẹp mắt, cuốn hút cả người dạy và học; Cho phép giáo viên tiếp cận các phương pháp giảng dạy bằng giáo cụ trực quan; Bảng tương tác giúp bài học trở nên sống động, đầy màu sắc; Phù hợp với mọi lứa tuổi, là một công cụ hỗ trợ việc học vô cùng hiệu quả, giữ cho lớp học sạch sẽ và gọn gàng, cho phép giáo viên tiếp cận và lưu trữ bài giảng trực tiếp từ kho thư viện với hiệu quả trình chiếu cao, tạo môi trường tương tác toàn diện, thu hút sự tập trung chú ý, tham gia của tất cả học sinh, kích hoạt khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh, tạo bài giảng phù hợp với nhu cầu của học sinh, giúp học sinh có thể dễ dàng hình dung và có khái niệm chính xác về các hình ảnh, sự vật, âm thanh, khuyến khích học sinh xây dựng các khái niệm thông qua thực hiện và thử nghiệm, tạo bài học vui nhộn, nâng cao năng lực của học sinh và chuyên môn của giáo viên. Sử dụng kết hợp âm thanh, hình ảnh, màu sắc, những đoạn phim để thiết kế bài giảng gây hứng thú và lòng say mê học tập của học sinh.

Những tính năng ưu việt của phần mềm và bảng tương tác đã tạo cho tôi động lực đam mê tìm hiểu, nghiên cứu sử dụng tính khả thi của bảng tương tác với phần mềm ActivInspire vào từng bài học của các khối lớp, cụ thể là khả năng ứng dụng có hiệu quả vào dạy các tiết đọc hiểu tiếng Anh lớp 9, thu hút được nhiều đối tượng học sinh tham gia vào bài học, phát triển được năng lực của người học. Chính vì vậy, tôi chọn đề tài “Sử dụng bảng tương tác với phần mềm ActivInspire để tạo hứng thú học tập cho học sinh trong các tiết đọc hiểu tiếng Anh lớp 9”.

2. Mục tiêu nghiên cứu, cải tiến

a. Đối tượng nghiên cứu: Học sinh khối 9

b. Mục đích nghiên cứu

Tìm ra các phương pháp giảng dạy tiếng Anh phù hợp với học sinh toàn trường nói chung và học sinh khối 9 nói riêng, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, giúp học sinh có hứng thú học tập các tiết đọc hiểu tiếng Anh lớp 9 nhằm phát huy tối đa năng lực học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn.

c. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu tài liệu, xây dựng cơ sở lý thuyết.

Phương pháp quan sát: Áp dụng vào thực tế giảng dạy để theo dõi thái độ và hành vi học tập của học sinh.

Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế học sinh: Học sinh so sánh việc học trên bảng đen, trên trình chiếu power point với việc học tiếng Anh bằng bảng tương tác với phần mềm ActivInspire.

3. Giải quyết vấn đề

a. Cơ sở nghiên cứu

- Cơ sở lí luận của ý tưởng

Mức độ hiểu các bài khóa tiếng Anh tùy thuộc vào khả năng, tư chất học tiếng Anh của học sinh. Để dạy một bài đọc tiếng Anh có hiệu quả, giáo viên cần phải chú ý đến nhiều đối tượng học sinh để đưa ra những biện pháp giúp đỡ học sinh yếu kém giúp các em cùng tham gia vào các hoạt động học tập đồng thời kích thích được sự sáng tạo, năng động ở học sinh khá giỏi làm cho tiết học đọc trở nên sống động, lôi cuốn. Giáo viên cần biết kết hợp các kỹ năng khác như kỹ nói hay kỹ năng viết hợp lý trong tiết dạy đọc hiểu để học sinh có thể phát biểu những ý kiến, quan điểm, nhận xét của mình về một vấn đề nào đó.

Bên cạnh đó việc thay đổi phương pháp dạy học bằng cách thiết kế các hoạt động phù hợp, dễ hiểu, thu hút được nhiều đối tượng học sinh tham gia sẽ góp phần tạo nên sự thành công của tiết học, chính vì vậy sử dụng phần mềm ActivInspire với nhiều tính năng hay sẽ giúp giáo viên chủ động và linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy, sáng tạo đa dạng thêm nhiều hoạt động cho học sinh làm khơi dậy niềm đam mê và sáng tạo cho cả giáo viên, học sinh. Đặc biệt là tạo được hứng thú học tập, phát triển được năng lực học sinh trong các tiết dạy đọc hiểu bài khóa tiếng Anh lớp 9.

- Tính mới của đề tài

Đối với một số giáo viên dạy lâu năm, việc áp dụng CNTT như các nguồn internet, máy chiếu với phần mềm power point vào dạy các tiết đọc hiểu tiếng Anh lớp 9 để tăng hứng thú học tập cho học sinh thì không có gì mới lạ nhưng để thiết kế hoạt động học tập, phát huy triệt để tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học trò, tạo được hứng thú học tập, phát triển được năng lực học tập của học sinh, thu hút được nhiều đối tượng học sinh cùng tham gia vào các hoạt động học tập ở tiết dạy đọc hiểu tiếng Anh lớp 9 sử dụng bảng tương tác với phần mềm ActivInspire thì chưa có giáo viên nào đề cập sâu. Qua một thời gian áp dụng giảng dạy với phần mềm trên, tôi nhận thấy rằng nếu học sinh được giáo viên hướng dẫn kĩ hoạt động và hiểu được yêu cầu của hoạt động cộng thêm sự hỗ trợ hiệu quả từ hoạt động cặp, nhóm cùng với sự giúp đỡ, động viên, khen ngợi kịp thời của giáo viên, các em rất thích được cùng bạn bè lên bảng và tương tác trực tiếp với các hoạt động học tập hoặc dùng bút tương tác Active pen để viết, vẽ, kéo rê…. các đối tượng theo ý của mình, việc này tạo được hứng thú học tập cho học sinh, thu hút được nhiều đối tượng học sinh tham gia hoạt động đồng thời phát huy tối đa tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học trò, đó chính là tính mới của đề tài.

b. Nội dung

- Thực trạng hiện nay

Thuận lợi

Tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban giám hiệu, các bộ phận đoàn thể, tổ bộ môn, giáo viên bộ môn, hội cha mẹ học sinh nhà trường và chi hội phụ huynh của lớp trong công tác giáo dục học sinh và được tham dự các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ do trường, ngành tổ chức.

Bản thân là giáo viên dạy tiếng Anh, một môn học mà CNTT có nhiều hỗ trợ tích cực cho việc giảng dạy nên tôi luôn có ý thức tự học và đam mê tìm hiểu các phần mềm dạy học để góp phần thiết thực trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

Trong các tiết dạy đọc hiểu tiếng Anh lớp 9, giáo viên có thể thiết kế nhiều hoạt động giúp học sinh có sự tương tác tốt với nội dung và kiến thức của bài học.

Khó khăn

Trường tôi là một trường vùng ven thành phố, nhiều đối tượng học sinh có hoàn cảnh gia đình khác nhau, một bộ phận cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến việc học tập của con em, một số em có ý thức tự học, tự rèn còn hạn chế, có những học sinh bị hỏng những kiến thức cơ bản từ năm lớp 6 nên cảm thấy ít hào hứng học tập. Bên cạnh đó một số giáo viên trong trường chưa thực sự có ý thức tự học cao, việc trao đổi, thảo luận các phương pháp dạy học nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin nói riêng chưa thường xuyên nên hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao.

c. Các giải pháp

- Yêu cầu chung: Để dạy các tiết đọc hiểu tiếng Anh lớp 9 sử dụng bảng tương tác với phần mềm ActivInspire hiệu quả, chúng ta cần phải thực hiện được các bước sau:

Mục tiêu, nội dung và kiến thức trọng tâm của bài học căn cứ theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ trong chương trình.

Nghiên cứu sách giáo khoa và các tài liệu liên quan.

Xác định khả năng đáp ứng các nhiệm vụ nhận thức của học sinh bao gồm: xác định kiến thức, kỹ năng mà học sinh đã có và cần có, dự kiến những khó khăn, những tình huống có thể nảy sinh và các phương án giải quyết.

Lựa chọn các phương pháp dạy học, các hoạt động, thủ thuật sẽ được thiết kế trong ba phần: Pre- reading; While - reading; Post - reading như trên kế hoạch bài dạy thông thường.

Xác định hoạt động sẽ được học sinh đọc thầm, đọc lướt, đọc kĩ, đọc đào sâu và tái tạo.

Các kĩ năng khác sẽ được phối hợp trong quá trình dạy đọc như nói, viết….

Các kiến thức tích hợp, liên môn nếu có.

Các câu hỏi liên quan đến kĩ năng sống, kinh nghiệm sống, thái độ, ý kiến, tình cảm của học sinh qua bài học

Thiết kế giáo án, xác định thời lượng từng phần.

Tích hợp CNTT vào soạn bài trên bảng tương tác.

- Yêu cầu của tiết dạy đọc hiểu tiếng Anh lớp 9 sử dụng bảng tương tác nhằm gây hứng thú học tập cho học sinh

Giáo viên có thế thiết kế các hoạt động khác nhau trong quá trình dạy các tiết đọc hiểu tiếng Anh lớp 9, nhưng quan trọng là chúng ta phải thu hút được tất cả các đối tượng học sinh trong lớp tham gia vào hoạt động học tập, phát huy được sự chủ động, tích cực và tính tự giác học tập của học sinh đồng thời phát huy được năng lực học tập của các em. Các hoạt động học tập phải được thiết kế nâng cao dần độ khó về kiến thức, kĩ năng cho phù hợp với các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng để thu hút được sự hứng thú học tập của các đối tượng học sinh trong lớp cho các em học sinh yếu cũng có thể tham gia xây dựng bài học mà học sinh khá giỏi cũng không thấy nhàm chán khi có những bài tập nâng cao. Cứ mỗi bài tập học sinh phải được hướng dẫn cụ thể và phải hiểu được phải làm gì, làm việc theo cá nhân hay có tương tác với cặp, nhóm.

d. Áp dụng dạy tiết đọc hiểu tiếng Anh lớp 9 sử dụng bảng tương tác

- Gây hứng thú học tập qua các trò chơi  

Trò chơi ngôn ngữ là một phần tuy nhỏ nhưng không thể thiếu trong các tiết học tiếng Anh. Trò chơi là một hình thức tổ chức cho một đơn vị kiến thức nhỏ trong giờ học để triển khai các bước khác nhau của bài giảng (giúp ôn tập kiến thức cũ hay dẫn dắt vào bài, luyện tập hoặc củng cố bài học…). Các trò chơi khi được thiết kế trên bảng tương tác như trên đều mang tính tương tác cao, vì vậy giáo viên chỉ là người hướng dẫn học sinh cách chơi và thực hiện, còn học sinh sẽ là người chủ động thực hiện trò chơi (tự phân đội chơi, tự phân công người làm chủ trò, tự chơi, tự kiểm tra kết quả và công bố đội thắng cuộc…) điều này sẽ làm tăng tính tích cực, chủ động, sáng tạo, mạnh dạn, hào hứng thi đua học tập của học sinh.

Một số trò chơi sử dụng bảng tương tác

Ví dụ: English 9 - Unit 2 – Read - trang 17-18. Giáo viên kiểm tra phần đọc hiểu của học sinh qua trò chơi trả lời câu hỏi bằng trò chơi Lucky numbers.

Ví dụ: English 9 - Unit 4 – Read - trang 36: Giáo viên dẫn dắt vào bài mới với trò chơi Jumbled words bằng cách điều chỉnh bút “người dùng đôi” cho hai học sinh cùng dùng hai bút kéo rê các chữ cái về đúng vị trí tạo thành từ có nghĩa. Học sinh giỏi có thể hỗ trợ sinh yếu, cả hai đều dùng bút để chơi trò chơi, việc này có thể khuyến khích các học sinh yếu không cảm thấy tự ti khi có bạn hỗ trợ, các học sinh ở các nhóm khác quan sát và nhận xét.

- Lời dẫn và hoạt động ở phần “Pre-reading” có sự lôi cuốn, kích thích sự tò mò, ham tìm hiểu:

Ví dụ: English 9 - Unit 4 - Read - trang 36: Giáo viên giúp học sinh định hình sẽ học gì bằng cách dùng tranh giới thiệu tình huống để dẫn dắt vào bài học là ông Lâm đang đọc ba quảng cáo về ba trường ngoại ngữ. Ông ấy có nhu cầu học một lớp ngoại ngữ. Hãy cùng tìm hiểu xem ông ấy muốn học ngoại ngữ nào, trình độ nào, thời gian nào…

Giáo viên elicit các câu ở phần True/False, mời một học sinh lên ghi dự đoán của các bạn, sau đó giáo viên mới cho hiện bảng “Notes” lên để học sinh đọc và kiểm tra dự đoán.                                 

- Tạo ra sự tương tác trong quá trình học

Bài đọc sẽ hào hứng hơn khi giáo viên thiết kế hoạt động có sự tương tác giữa trò với trò, giữa thầy với trò, giữa bảng tương tác với học trò chứ không đơn giản chỉ hoạt động giữa thầy và trò.

Ví dụ: English 9 - Unit 3 – Read - Trang 25-26: Để giúp học sinh đọc và nhận biết nghĩa các từ trong bài đọc, giáo viên phải giải thích rõ yêu cầu của bài, học sinh sẽ đọc lại bài, thảo luận trước theo nhóm nhanh trong hai phút. Để hoạt động này thêm thú vị, giáo viên tạo khung, chia lớp thành hai đội chơi, đại diện của hai đội chơi sẽ dùng bút Active pen kéo rê các từ màu đỏ đã cho bên dưới về khung của đội mình sao cho thẳng hàng với các cụm từ a- f). Cả lớp quan sát và nhận xét đội nào đúng và nhanh hơn sẽ chiến thắng

- Chọn lọc và sử dụng các hình ảnh, video clip hoặc bài hát ở phần Warm up hay kết bài, tạo ra hiệu ứng thu hút được sự chú ý và mở rộng thêm kiến thức xã hội cho học sinh

Ví dụ: English 9 - Unit 10 – Read - Trang 86-87: Để dẫn dắt vào bài học mới, giáo viên sẽ cho học sinh xem một đoạn clip ngắn về Gagarin, người đầu tiên bay vào không gian, mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của nhân loại nhằm khơi gợi sự chú ý, ngưỡng mộ, tò mò của học sinh về bài đọc “ Space trip”


          - Hoạt động cặp - nhóm có hiệu quả

Giáo viên sẽ tăng hiệu quả hỗ trợ cặp - nhóm bằng cách quy định nếu một học sinh trong cặp hoặc nhóm không hoạt động, cả cặp hoặc cả nhóm sẽ bị trừ 1 điểm thi đua khi kết thúc bài học. Còn cặp nào hoặc nhóm nào hoạt động tốt nhất sẽ được giáo viên tuyên dương trước lớp và được cộng thêm 1 điểm thi đua, điều này khiến các em sẽ có sự ganh đua nhau về điểm số.

Ví dụ: English 9 - Unit 5 – Read - Trang 43 - 44: Ở phần hoạt động nhóm vận dụng kiến thức nâng cao, giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận theo nhóm lớn. Ngoài các ý đăng trên diễn đàn, các em có thể bổ sung thêm các ý kiến riêng của nhóm mình về những lợi ích và những bất lợi của internet qua câu hỏi “What are the benefits and disadvantages of the internet?” - Giáo viên sẽ giúp các em định hình được công việc của nhóm sẽ chia thành hai phần vì vậy trước khi chọn ai viết hai phần này, các em nên chia đội ra hai nhóm nhỏ để phụ trách từng phần thì công việc mới nhanh và hiệu quả, yêu cầu mỗi người trong nhóm phải có một đóng góp trở lên để bổ sung ý cho nhóm được phong phú. Trên bảng tương tác sẽ chạy băng giấy một số từ (money, time, viruses, study results, information, entertainment, education, health, leaking, commerce, junk mail, games, knowledge, bad programs, addiction…) để các nhóm có thêm ý tưởng để trình bày.

- Hướng dẫn học sinh rèn luyện kĩ năng tự học, bồi dưỡng năng lực độc lập giải quyết vấn đề

Việc thảo luận theo cặp nhóm là cần thiết, tuy nhiên trước khi tiến hành thảo luận, học sinh cần được hướng dẫn rèn luyện kĩ năng tự học, bồi dưỡng năng lực độc lập giải quyết vấn đề, tạo điều kiện cho học sinh suy nghĩ, tránh tính ỷ lại vào bạn hoặc nhóm.

Ví dụ: English 9 - Unit 7 – Read - Trang 60- 61

Giáo viên elicit phần “Guiding questions”, học sinh đoán và ghi lên bảng. Tiếp đó học sinh sẽ đọc bài và tìm câu trả lời theo cặp. Giáo viên phải đảm bảo rằng các em học sinh tự đọc bài bằng cách lưu ý các em trong quá trình đọc dùng bút chì gạch chân, đánh dấu trong sách giáo khoa hoặc ghi ra các thông tin nhận biết cho câu trả lời của mình, nếu học sinh không làm việc đó tức là các em chưa hoàn thành yêu cầu của hoạt động và sẽ bị trừ điểm thi đua. Giáo viên sẽ đi lại và quan sát xem học sinh có khó khăn gì không, có thật sự chú ý vào nhiệm vụ của mình hay không, điều này sẽ khiến các em cảm thấy không phải chỉ có trả lời “Yes” hoặc “No” theo cảm hứng hay lấy câu trả lời từ bạn của mình mà cần phải tự đọc bài tìm thông tin cho câu trả lời đó nếu giáo viên hỏi.

- Ở mỗi phần nhận biết, thông hiểu hoặc vận dụng, giáo viên nên thiết kế hoạt động theo mức độ thấp và nâng cao

Việc chia mức độ thấp cho học sinh trung bình - yếu, mức độ cao dành cho học sinh khá - giỏi, giáo viên có thể đảm bảo bao quát và phát huy được năng lực của tất cả các đối tượng học sinh trong lớp đồng thời giáo viên cũng nên khen ngợi các em khi các em có sự cố gắng cũng như tiến bộ trong hoạt động học tập hoặc tiến bộ về kĩ năng nào đó.

Ví dụ: English 9 - Unit 10 – Read - trang 86-87: Làm được bài tập chọn đáp án đúng nhất hoàn thành đoạn văn để tóm tắt nội dung bài đọc, yêu cầu học sinh trung bình-yếu phải nắm được nội dung toàn bài để có thể hiểu và chọn được đáp án đúng về nội dung cũng như cấu trúc của từ cần điền (câu điều kiện, thì, từ loại), vì vậy giáo viên cần elicit các từ cần điền, chú ý gạch chân các mệnh đề để học sinh nhận biết được câu điều kiện loại nào, bên cạnh đó cũng elicit các từ khó trong bài để học sinh yếu hiểu và làm được bài tập.

Đối với hoạt động này, mục đích mà giáo viên muốn nhắm đến là các em học sinh giỏi, các em có thể nói được một bài dài hoặc câu dài, tuy vậy giáo viên cũng nên elicit kĩ câu hỏi, chú ý kĩ thì của câu điều kiện để học sinh yếu và trung bình vẫn có thể làm được bằng cách trả lời ngắn, kHÔNG đầy đủ cấu trúc (ví dụ: (I would) do exercises a lot/ I would bring a camera...)

- Sử dụng bản đồ tư duy trên bảng tương tác

Khi thiết kế các bài tập có tính chất ôn tập, liệt kê, khắc sâu, củng cố kiến thức bài đọc, việc sử dụng bản đồ tư duy trên bảng tương tác sẽ nâng cao hiệu quả dạy học và mang tính tương tác cao.

 Ví dụ: English 9 - Unit 1 – Read - Trang 9-10

Ở bài tập này, giáo viên thiết kế trên Power point, sau đó ở bảng tương tác chèn phương tiện và đường dẫn đến phần này. Nhưng để tăng hứng thú hơn, giáo viên nên thiết kế trực tiếp trên bảng tương tác dùng thuộc tính ẩn/hiện đối tượng, để thiết kế được phần này giáo viên sẽ mất thời gian hơn nhưng lại phát huy được tính chủ động của học sinh bằng cách để tự học sinh tự nhớ lại 8 thông tin chính về đất nước Malaysia sau đó nói không theo thứ tự như cài sẵn ở power point, có thể có em nhớ về khí hậu trước, em thì nhớ về thủ đô trước, em thì nhớ về diện tích trước….Giáo viên nhớ vị trí những thông tin này và cho hiện ra các thông tin này theo trí nhớ của các em, điều này khiến các em rất phấn khích, tự tin.

 Linh: “The Unit of currency of Malaysia is ringgit”      Giáo viên cho hiện ra thông tin về đơn vị tiền tệ .

          Nam: “The Malaysia has the area of 329.758sq km”      Giáo viên cho hiện ra thông tin về diện tích.

          Sau đó học sinh sử dụng các kiến thức đã học về Malaysia để vận dụng thấp nói về nước Việt Nam.

          Tiếp đến để chuẩn bị phần này, giáo viên đã dặn các em tìm hiểu trước về đất nước Việt Nam trong phần bài tập về nhà ở tiết học trước (Khí hậu, diện tích, dân số tính đến nay….). Và cũng giống như trên, giáo viên cũng hiện thông tin theo học sinh, chứ không cài đặt sẵn để khuyến khích học sinh thấy hứng thú, giúp các em chủ động và tự tin hơn trong khi trình bày kiến thức của mình.       

- Việc đánh giá bài học vào cuối buổi đóng một vai trò quan trọng Sau mỗi bài học giáo viên giúp học sinh rút ra bài học thực tế, những kĩ năng sống, về ý thức thái độ qua bài học nhưng mang tính giáo dục nhẹ nhàng, không gay gắt hay bắt buộc, gượng ép, tuyên dương những học sinh học tốt, khen ngợi và động viên một số em có tiến bộ, có ý thức học tập.

          Ví dụ: English 9 - Unit 5 – Read - trang 43-44: Rèn kĩ năng sống cho tất cả học sinh trong lớp qua câu hỏi “How can we use the internet in the right way?”. Ở phần vận dụng nâng cao này học sinh luyện kĩ năng nói bằng tiếng Anh, các học sinh yếu nếu không trả lời được câu dài, có thể nói những từ hoặc câu đơn giản. Giáo viên cũng chia lớp thành hai đội, học sinh của hai đội sẽ cho ý kiến, đội nào có nhiều ý kiến hợp lý hơn sẽ thắng cuộc thi (Trên bảng tương tác sẽ chạy các chữ gợi ý như time, spam & junk mail, outdoor activities, play sports, key words, purposes, own room….). Sau khi kết thúc cuộc thi, giáo viên sẽ chỉ cho các em thấy khi các em đưa ra ý kiến của mình về những biện pháp sử dụng internet cho đúng có nghĩa là các em  đã có những kĩ năng gì trong 10 nhóm kĩ năng sống cần thiết của học sinh THCS, khen ngợi các em đã đưa ra được những ý kiến đó, mong muốn các em tiếp tục phát huy tốt những kĩ năng sống đó trong cuộc sống.

       Ss: - We should limit the time of using the internet.

          ( Kĩ năng quản lý thời gian hiệu quả)

          - We shouldn’t open the spam mails or bad programs if you don’t want to be suffered from viruses (Kĩ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc)

           ………….

          Ví dụ: English 9 - Unit 7 – Read - Page 57-58: Ở phần thảo luận này, giáo viên có thể lấy ý kiến cả lớp bởi vì chủ đề này quen thuộc với học sinh. Trên bảng tương tác sẽ chạy các chữ gợi ý như turn on/off; turn down; switch off; energy - saving bulbs, low energy efficiency, shower, label…

        Ss: - You should turn off the lights before going out

          ( Kĩ năng đánh giá người khác )

          - We should turn on TV or fans/air conditioners when you really need to use (Kĩ năng tự nhận thức và đánh giá bản thân)

e. Minh họa kế hoạch bài dạy một số tiết dạy đọc hiểu tiếng anh lớp 9 sử dụng bảng tương tác

Kế hoạch bài dạy 1:

                      UNIT 9:        NATURAL DISASTERS

                        Lesson 4:    READ

I. Objectives

1. Aims of the skill knowledge standards

a. Knowledge: By the end of the lesson, Ss will be able to get some information about natural disasters in the world. 

b. Skills:       - Read for information.

                                - Understand and answer the questions.

                              - Talk or write about how to prepare for and live with natural disasters.

c. Attitude:    - Pay attention to the new lesson and read carefully to do the task then practise well to build the new lessson.

                              - Discuss in pairs and in groups to check the statements T/F, complete the sentences, answer the questions.

                              - Be aware of protecting the environments and criticizing the acts of environmental pollution and energy wasting

2. Aims of capacity developments

+ General capacity: self-study, solve the problems, self- manage, communicate, co- operate, language use, create, information technology use.

+ Specific capacity: Give own opinions about how to reduce natural disasters

II. Method, techniques:

- Method, techniques of teaching: reading, speaking, writing, discussion

- Teaching organization forms: Individuals, pairs, groups, whole class

- Means of teaching: textbook, active board, active pen, computer

III. Awareness description

IV. Preparation

+ Teacher: textbook, active board, active pens, computer

+ Students: textbook, notebooks

V. Anticipated problems: Ss may not have good background on natural disasters and find it difficult to talk/write about them

VI. Procedures          

 

f. Kết quả đạt được

          Mặc dù bảng tương tác mới được đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn nhưng kết quả đạt được rất đáng khích lệ, học sinh rất hào hứng khi học với bảng tương tác vì các hoạt động trên lớp có tính tương tác cao và các em là những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động chứ không phải ngồi nhìn xem trình chiếu bài học như trước, điều này đã làm cho các em có hứng thú học tập môn hơn. Bên cạnh đó, các tiết dạy đọc hiểu tiếng Anh lớp 9 cũng được tôi chuẩn bị kĩ hơn, chu đáo hơn, đầu tư nhiều thời gian hơn, phân chia mức độ và năng lực học sinh rõ rệt hơn nên đã thu hút được nhiều học sinh tham gia, một số học sinh yếu trước đây ít tham gia vào các hoạt động với bạn bè trong giờ học tiếng Anh.

4. Kết luận - Bài học kinh nghiệm

a. Kết luận

          Để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp dạy học được hiệu quả mà cụ thể ở đây là dạy học các bài đọc hiểu tiếng Anh lớp 9  sử dụng bảng tương tác với phần mềm ActivInspire quan trọng là các hoạt động đó phải có tính tương tác và có tính sư phạm cao, dễ dàng cho học sinh tham gia và đặc biệt là mang lại hiệu quả cho giờ học, giúp học sinh có hứng thú học tập bộ môn, định hướng được kiến thức mới, khắc sâu được kiến thức đã học từ đó phát triển năng lực học tập, nâng cao kĩ năng giao tiếp cho học sinh, rèn được cho học sinh các kĩ năng sống, ý thức thái độ tốt đối với bản thân và trong cư xử với bạn bè, người thân, cộng đồng thông qua nội dung bài học.

b. Bài học kinh nghiệm

Thiết kế các hoạt động trong tiết dạy đọc hiểu với phần mềm dạy học ActivInspire tuy đơn giản nhưng đòi hỏi giáo viên phải có lòng yêu nghề, sự đam mê với công việc, có tính tự học cao bằng cách tự nghiên cứu thêm tài liệu và học trên mạng internet Các hoạt động nên thiết kế theo cách đơn giản và dễ sử dụng nhất để khi học sinh lên bảng không chạm bút quá nhiều gây rối mắt cho người ngồi dưới.

Tăng sự chủ động của giáo viên (tự phân đội chơi, tự phân công người làm chủ trò, tự chơi, tự kiểm tra kết quả và công bố đội thắng cuộc…), điều này sẽ làm tăng tính tích cực, sáng tạo, mạnh dạn, hào hứng thi đua học tập của học sinh.

Một số hoạt động có cách thiết kế lặp lại và giống nhau. Khi thiết kế được những hoạt động đơn giản, giáo viên sẽ lấy đó làm nền tảng để có thể tự mình thiết kế thêm các bài tập phức tạp hơn để nâng cao thêm kỹ năng sử dụng phần mềm này cả cho giáo viên và học sinh. Các hoạt động phải đa dạng, được nâng cao dần về kiến thức, kĩ năng.

          Khen ngợi là điều không thể thiếu trong việc học tập tiếng Anh để phát huy năng lực học tập của học sinh.

Thông tin

Tên tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hằng - Trường THCS Lê Thành Công


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông