Mã số N2132: Biện phát phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm nói lứa tuổi: 25-36 tháng tuổi.
1.Đặt Vấn đề:
Trẻ chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ là tình trạng khả năng ngôn ngữ của trẻ không phát triển đúng theo một trình tự bình thường, tốc độ phát âm và sự lưu loát chậm hơn so với những trẻ cùng trang lứa.
Nguyên do một phần từ việc bố mẹ của các cháu đều chú trọng đến việc làm ăn kinh tế nên ít có thời gian quan tâm, trò chuyện với trẻ, nghe trẻ nói để uốn nắn cho trẻ về ngôn ngữ và chưa hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ ở lứa tuổi mầm non. Hơn nữa, với thời đại công nghệ phát triển trẻ lại càng sớm được tiếp cận các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính, điện thoại, ipat...đó chính là một phần nguyên nhân làm giảm sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Cùng với đó, khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ lớp tôi không đồng đều, có trẻ nói được rất tốt, có trẻ chưa nói được hoặc nói chưa rõ hay còn nói ngọng, nói lí nhí, nói chưa trọn câu.... Ngoài ra, đa số trẻ lại mới lần đầu đến trường trẻ chưa chịu giao tiếp, hợp tác với cô và bạn. Từ những nguyên nhân thực tế trên, tôi rất lo lắng phải làm như thế nào và bằng những biện pháp gì để trong cuộc sống hằng ngày ngôn ngữ của trẻ được phát triển một cách phong phú, có ý nghĩa.
2. Nội dung thực hiện:
Nội dung 1. Chú ý đặc điểm cá nhân của trẻ:
Với đặc điểm phát triển ngôn ngữ ở lứa tuổi 25-36 tháng, muốn có ngôn ngữ phát triển tốt, đầu tiên phải cung cấp vốn từ cho trẻ vì phát triển vốn từ là giúp trẻ nắm bắt được nhiều từ, hiểu được ý nghĩa của từ, biết sử dụng từ trong giao tiếp.
Từ thực trạng phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm nói và đặc điểm cá nhân trẻ với yêu cầu đạt được: hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ, trẻ được phát triển ngôn ngữ qua các nội dung phát triển lời nói hàng ngày như trò chuyện với trẻ, nhận biết tập nói, kể chuyện theo tranh, nghe đọc thơ. Trẻ hiểu được ý nghĩa của các từ đơn giản nói được câu đơn, câu phức. Do vậy, việc phát triển ngôn ngữ của trẻ chậm nói ở độ tuổi này phần lớn đều tùy thuộc vào sự dạy bảo của người lớn. Những trẻ mà người lớn ít giao tiếp thường nói rất chậm. Để kích thích trẻ nói trẻ cần được khuyến khích bày tỏ nguyện vọng của mình bằng lời nói, từ đó đáp ứng được nguyện vọng của trẻ.
Đặc biệt ở lứa tuổi nhà trẻ, để đạt được kết quả cao, nguyên tắc dạy trẻ được áp dụng nên là: “học mà chơi, chơi mà học”. Trẻ học thông qua các hình thức giờ học, trò chuyện, vui chơi… Trẻ lĩnh hội các tri thức một cách thoải mái, nhẹ nhàng , hứng thú chứ không bị gò bó, ép buộc.
Nội dung 2. Trò chuyện với trẻ mọi lúc, mọi nơi:
Điều quan trọng nhất trong biện pháp này là luôn kiên trì, chịu khó chờ đợi từng câu nói của trẻ. Tránh nói giúp trẻ khi trẻ chưa nói, chưa giao tiếp. Luôn tạo tâm thế thoải mái, gần gủi trẻ để trẻ có cảm giác an toàn. Từ đó, trẻ mới mở lòng và giao tiếp cùng bạn.
Có thể tận dụng mọi lúc, mọi nơi để trò chuyện với trẻ như: Giờ đón trẻ, thể dục sáng, giờ hoạt động học, hoạt động vui chơi, giờ ăn, giờ ngủ, hoạt động chiều… là những hoạt động hết sức bổ ích để phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Nội dung 3. Lồng ghép dạy ngôn ngữ vào các trò chơi với trẻ:
Những bài đồng dao hoặc thơ lục bát có chứa nhiều từ vựng được lặp đi lặp lại sẽ là bài học bổ ích cho con chậm nói:
Con gì? con mèo
Mèo gì? mèo kêu
Kêu gì? kêu bé
Bé gì? bé ngoan
Ngoan gì? ngoan ngoãn
Qua những câu hỏi như thế này, cần đọc chậm từng câu hỏi một, chờ câu trả lời của trẻ, mới đặt câu hỏi tiếp theo. Đồng thời, uốn nắn sửa cách phát âm đúng cho trẻ.
Nội dung 4 .Tạo môi trường cho bé tiếp xúc với nhiều người, nhiều bạn đồng lứa.
Với môi trường tiếp xúc nhiều, trẻ sẽ trở nên dạn dĩ, nhanh nhẹn, không sợ sệt và có nhiều cơ hội để phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Trẻ được giao lưu với các bạn sẽ kích thích trẻ chịu giao tiếp, chịu nói với bạn cùng trang lứa. Khi trẻ chơi cùng nhau, học cùng nhau tự nhiên trẻ sẽ thích giao tiếp với nhau. Điều đó, sẽ giúp cho những trẻ chậm nói có cơ hội nói nhiều hơn, giao lưu nhiều hơn. Đây là điều kiện để trẻ chậm nói phát triển ngôn ngữ tốt nhất.
Nội dung 5: Chú trọng việc phối hợp với các bậc phụ huynh để phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm nói.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc tổ chức hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một trong những biện pháp quan trọng và cần thiết.
3. Hiệu quả:
Sau một thời gian thực hiện nội dung trên đã đạt kết quả khả quan như sau:
Trẻ chậm nói đã nói được từ đơn giản, nói thành câu ngắn từ 1 đến 4 từ.
Trẻ thích tương tác cùng cô và bạn, ngôn ngữ phát triển rõ rệt.
Trẻ phát âm đúng và mạnh dạn hơn trong giao tiếp.
Các hoạt động cô tổ chức gần gũi, phong phú, trẻ hứng thú, tự tin nói theo cô.
Hoạt động cô tổ chức đạt được các mục đích yêu cầu đã đề ra.
Nề nếp học tập và ngôn ngữ tích cực của trẻ phát triển tốt hơn trước.
Giáo viên có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ chậm nói được phát triển ngôn ngữ. Đồng thời tổ chức các hoạt động gần gũi và nhẹ nhàng, phù hợp hơn với trẻ thực tế tại lớp mình.
Phụ huynh có sự hợp tác cùng với giáo viên biết động viên, khuyến khích, khen ngợi kịp thời phù hợp với tình huống và tính cách của từng cá nhân của trẻ. Từ đó, Phụ huynh cảm thấy yên tâm, tin tưởng khi gửi trẻ vào trường và hiểu rõ hơn về các hoạt động của trẻ tại nhóm lớp.
4. Một số hình ảnh thực tế:
Thông tin
Tên tác giả: Đoàn Hồng Loan. - Trường Mầm Non Hướng Dương 2
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông