Mã số N2133: Tích hợp phương pháp giáo dục Reggio Emilia vào tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ 5-6 tuổi tại trường Mầm non

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt là giáo dục mầm non đã không ngừng học hỏi những phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới, các trường mầm non trên cả nước đã bắt đầu tiếp cận và áp dụng phương pháp Reggio Emilia - là phương pháp kích phát tiềm năng vô hạn của trẻ đang đón nhận được rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh cũng như giáo viên. Phương pháp này có một điểm ưu việt, phù hợp và tương đồng với giáo dục mầm non của Việt Nam hiện nay là quan điểm giáo dục “Lấy trẻ làm trung tâm”.

Theo phương pháp giáo dục Reggio Emilia trẻ em được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình giáo dục. Mọi hoạt động cũng như nội dung của quá trình giáo dục được xây dựng và tổ chức thực hiện dựa trên sở thích sự quan tâm nhu cầu và hứng thú của bản thân trẻ. Trẻ được tham gia một cách tự nguyện tự giác tích cực chủ động và sáng tạo vào tất cả các hoạt động trên tinh thần học hỏi tìm kiếm và phát hiện qua đó tiếp thu những thông tin và kiến thức về đối tượng. Việc được tự do tìm tòi khám phá và tiếp cận một cách trực tiếp với các sự vật, hiện tượng trong thế giới xung quanh giúp trẻ nắm bắt được một cách nhanh chóng những tri thức vừa đa dạng phong phú việc cụ thể và chính xác về các đối tượng đó.

2. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Biện pháp 1: Tích hợp Reggio Emilia trong xây dựng kế hoạch, nội dung tổ chức hoạt động giáo dục theo chu kỳ biểu tượng hóa

Theo phương pháp giáo dục Reggio Emilia việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ Mầm non được triển khai theo chu kỳ biểu tượng hóa với các hoạt động cụ thể như sau:

Bước 1. Thảo luận nhóm và đề xuất ý kiến

Trẻ em tập trung nhau là thành nhóm cùng trò chuyện, trao đổi lựa chọn ra một đối tượng mà cả nhóm cùng quan tâm để làm chủ đề hoạt động. Sau khi đã lựa chọn ra chủ đề, trẻ tự do thể hiện bằng ngôn ngữ của bản thân về những kinh nghiệm, cảm nhận, suy nghĩ, ý kiến của mình về chủ đề đó. Từ đó đặt ra những câu hỏi, đưa ra những phán đoán về chủ đề. Ở phương pháp giáo dục Reggio Emilia việc trẻ em cùng nhau trò chuyện, trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, phát biểu cảm nghĩ, tham gia tích cực vào hoạt động học tập tìm kiếm phát hiện…quan trọng hơn nội dung và chủ đề khám phá.

Bước 2: Biểu hiện

Hoạt động này trong khi hồi tưởng lại những điều đã thảo luận ở bước 1, trẻ sẽ thể hiện được sự hiểu biết và nhận thức của mình qua việc vẽ tranh về chủ đề. Trẻ nhận biết được những điểm khác biệt mới mẻ được phát hiện trong tranh vẽ với những ý kiến thảo luận trước đó về chủ đề. Những ý kiến nhận xét, đánh giá đó chính là động lực kích thích trẻ giải quyết vấn đề được dễ dàng và nhanh chóng. Thông qua những biểu hiện như thế, giáo viên sẽ nắm được những suy nghĩ cũng như là sự hiểu biết của trẻ về đối tượng. Từ đó có kế hoạch cụ thể cho các bước triển khai tiếp theo.

Bước 3: Tiếp xúc trực tiếp với đối tượng

Đây là cơ hội để trẻ lĩnh hội được những tri thức một cách tự nhiên thông qua quá trình được tiếp xúc một cách trực tiếp và kiểm chứng một cách xác thực về đối tượng. Đồng thời giúp trẻ có thể cảm nhận được niềm vui khi cùng nhau tham gia hoạt động và học tập, được theo dõi quá trình biến đổi của các sự vật một cách say mê và đầy hứng thú.

Bước 4: Khám phá sâu về đối tượng thông qua các phương tiện trực quan

Trên cơ sở những nội dung đã được triển khai ở bước 3 ngoài việc cho trẻ vẽ tranh để biểu hiện sự hiểu biết của mình. Giáo viên có thể sử dụng các phương tiện như tivi, máy chiếu, ống nhòm, kính lúp…để giúp trẻ có thêm nhiều thông tin chi tiết và cụ thể về đối tượng. Sau đó cho trẻ được biểu hiện lại những hiểu biết sâu về đối tượng bằng cách thức khác nhau, theo ý thích của trẻ nhằm giúp mở rộng và nâng cao vốn hiểu biết và những kiến thức sâu hơn về đối tượng.

Bước 5: Học tập tiếp thu kinh nghiệm

Là bước tiếp thu vào bên trong những tri thức tổng thể, những kinh nghiệm thực tế để nắm bắt được một cách trọn vẹn, đầy đủ, khách quan tất cả các đặc điểm, thuộc tính đặc trưng vốn có của đối tượng.

Sau khi trẻ quan sát cây cà chua trẻ nắm được đặc điểm cây: Lá nhám, thân mềm, quả chín chuyển từ xanh sang đỏ và biết được thuộc tính đặc trưng vốn có của cây cà chua: Cây rau ăn quả chứa nhiều vitamin C.

Bước 6: Biểu hiện lại

Sau khi đã cho trẻ tiếp thu những kinh nghiệm thực tế, cho trẻ thử biểu hiện lại nhận thức của mình về chủ đề thông qua việc vẽ tranh về chủ đề. Trong khi biểu hiện lại nhận thức của bản thân về chủ đề trẻ sẽ cùng nhau trò chuyện, thảo luận, trao đổi ý kiến với nhau về những khám phá, sửa chữa những thông tin chưa đúng, chưa chính xác mà bản thân đã nhận biết trước đó.

Bước 7: Mở rộng nhận thức

Giáo viên tiếp tục trò chuyện, trao đổi cùng với trẻ, cung cấp cho trẻ những biểu tượng về đối tượng thông qua những kinh nghiệm của bản thân, hoặc những tranh, ảnh, mô hình.. mà trẻ có thể quan sát được một cách trực tiếp. Từ đó cho trẻ được nói lên những suy nghĩ và kiến thức của bản thân chúng, trao đổi và chia sẻ với bạn bè. Tiếp tục cho trẻ cơ hội được tìm kiếm, khám phá mở rộng sự hiểu biết về đối tượng bằng nhiều cách thức khác nhau như tìm kiếm thông tin qua tivi, đài, sách báo, internet, qua trò chuyện với ba mẹ và những người lớn xung quanh trẻ.

 Bước 8: Đào sâu thêm kiến thức

Cho trẻ vẽ tranh thể hiện những suy nghĩ và nhận thức của mình. Sau đó cho trẻ thảo luận nhóm, cùng nhau bày tỏ, chia sẻ ý kiến và biểu hiện những nhận thức của bản thân. Thảo luận với nhóm bạn bè sẽ giúp trẻ sửa chữa và nhận thức đúng đắn lại những thông tin sai lệch.

Bước 9: Tiếp nhận vào trong những kiến thức tổng thể về chủ đề

Trên cơ sở vốn hiểu biết về biểu tượng ảnh và những nội dung kiến thức trẻ đã thu nhận được thông qua rất nhiều các hoạt động đã tiến hành ở trên, đây là bước tổng quát để trẻ ghi nhớ và khắc sâu vào trí nhớ những kiến thức đúng đắn và tổng thể về đối tượng. Biết vận dụng những vốn kiến thức và kinh nghiệm đó vào trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày một cách linh hoạt và sáng tạo.

  Biện pháp 2: Tích hợp Reggio Emilia vào việc giúp trẻ khám phá sự vật, hiện tượng

Giáo viên tạo cho trẻ môi trường hoạt động phong phú, hấp dẫn với các đồ dùng, đồ chơi và các nguyên vật liệu đa dạng, dễ tìm như nguyên vật liệu mở, nguyên vật liệu thiên nhiên và đổi mới hình thức tổ chức để kích thích trẻ tham gia khám phá. Dành thời gian cho trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán so sánh và các giác quan như: Nghe, nhìn, sờ, nếm, ngửi kết hợp sử dụng câu hỏi gợi mở, câu hỏi kích thích trẻ tư duy nhằm dẫn dắt trẻ suy nghĩ và giúp trẻ nói lên được những gì chúng ta nhìn thấy, chia sẻ, bày tỏ ý kiến của trẻ, khuyến khích trẻ cùng nhau trao đổi để tìm hiểu và khám phá đối tượng.

 Ví dụ: Cô cho trẻ khám phá lá cây mướp đắng để được sờ lá, ngửi…mô tả là sự hiểu biết của mình về mướp đắng.

Biện pháp 3: Tích hợp Reggio Emilia vào xây dựng môi trường là người thầy thứ ba

 Malaguzzi là cha đẻ của phương pháp giáo dục Reggio Emilia cho rằng: “Môi trường giáo dục chính là người thầy thứ 3 của trẻ” sau giáo viên và phụ huynh, mở ra cơ hội cho trẻ trải nghiệm và phát huy năng lực sáng tạo. Mỗi đứa trẻ đều có một khả năng tiềm ẩn khác nhau, nhiệm vụ của nhà trường và phụ huynh chính là cùng nhau để tạo nên một môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ.

 

 

           Biện pháp 4: Tích hợp Reggio Emilia để khuyến khích trẻ chủ động đề xuất trong các hoạt động

Theo phương pháp Reggio Emilia, trẻ em là một người tự đề xuất và tự khởi xướng quá trình học tập. Trẻ được phép làm việc theo suy nghĩ và nhu cầu của riêng mình để kết quả có được là lợi ích thực sự của quá trình tư duy từ trẻ.

Ví dụ: Trẻ cần vật liệu để khảm tranh, trẻ đề xuất ý kiến để giáo viên chuẩn bị. Chúng ta có thể phân chia trẻ chuẩn bị vật liệu mang vào cùng thực hiện.

Biện pháp 5: Tích hợp Reggio Emilia trong việc xây dựng mối quan hệ với phụ huynh và trẻ em 

Reggio Emilia đề cao tính cộng đồng và cho rằng việc giáo dục một đứa trẻ là công việc của cả tập thể. Gia đình và các bậc phụ huynh được khuyến khích tham gia vào việc dạy học ở nhiều cấp độ khác nhau. Ngoài việc tham gia điều hành trường học thông qua những thành viên được bầu chọn vào hội phụ huynh học sinh, các bậc cha mẹ còn được khuyến khích tham gia  vào các cuộc họp do nhà trường tổ chức để thảo luận các vấn đề về chính sách và giáo dục.

Biện pháp 6: Tích hợp Reggio Emilia trong hoạt động trải nghiệm

Reggio Emilia - Phương pháp học theo “Dự án”, theo đó trẻ được tham gia tìm hiểu và học tập một cách sâu sắc về một chủ đề nhất định, dựa trên các câu hỏi của chính bản thân trẻ về chủ để mà trẻ đang tìm hiểu.

Thử nghiệm dự án rau mầm như sau:

+ Ngày đầu tiên: Gieo hạt

Cô giáo trò chuyện cùng trẻ về hoạt động sắp diễn ra và sự hứng khởi, tò mò cho trẻ. Con được tự tay xới đất, gieo hạt và chăm sóc hạt giống mình trồng.

+ Các ngày tiếp theo: Chăm sóc cây

Ngày nào các bạn nhỏ cũng chăm chỉ cho cây tắm nắng và tưới cây. Các bạn có thể dành nhiều giờ, chạy ra chạy vào đứng ở cửa sổ quan sát cây lớn ra sao và vô cùng bất ngờ, thích thú là mỗi ngày các bạn rau lại nhú ra một chút. Quả là những thứ mình tạo nên, chăm sóc sẽ khiến các bé có tình cảm, ghi nhớ lâu hơn. Ngày nghỉ cuối tuần, các bạn còn ríu rít nhờ Bác bảo vệ “Bác ơi, mai con không đi học, bác nhớ cho em cây uống nước nhé”.

+ 1 tuần sau: Thu hoạch

Khi thu hoạch bạn nào bạn ấy không ngừng thích thú, tập trung. Có bạn thì rón rén nhổ từng cây sợ cây đau, có bạn lại nhổ cả mảng to, có bạn lại mong muốn nuôi thành cây to có bóng mát. Cùng là trẻ con, ai cũng nghĩ các con đơn giản nhưng không, mỗi bạn có suy nghĩ, tư duy và tâm tư, tình cảm khác nhau. Sau khi thu hoạch, các cô sẽ ngồi lại cùng các bạn tìm hiểu thêm những thông tin về rau mầm, giải đáp những thắc mắc của các bạn “tại sao rổ cây này cây to, cây dài; rổ cây khác lại nhỏ và bé”, “tại sao cây này màu xanh ngắt, cây khác lại ngả vàng”. Các con có vô số câu hỏi “vì sao”.

+ Hoạt động cuối cùng: Tạo ra các sản phẩm khác từ rau mầm 

Rau mầm khá dễ ăn nên các bạn nhỏ được đưa vào trải nghiệm hoạt động làm salat rau mầm. Cả lớp biến thành một xưởng sản xuất salat. Bạn rửa rau, bạn thái quả, tíu ta tíu tít. Thành quả suốt 1 tuần lao động hăng say, biến thân thành các bác nông dân của các bạn nhỏ.

Biện pháp 7: Lưu giữ thông tin hành trình phát triển của trẻ

Theo phương pháp Reggio Emilia, các giáo viên sử dụng nhiều kiểu để lưu lại quá trình học tập của trẻ, chẳng hạn như quay phim, chụp ảnh, viết nhận kí, lưu lại các ý tưởng và các sản phẩm hoạt động của trẻ. Chính vì vậy tôi thường có một bìa hồ sơ lưu lại các ảnh chụp các sản phẩm sáng tạo của trẻ, thậm chí các câu hỏi của trẻ. Điều đó giúp trẻ cảm thấy rất tự hào và hãnh diện với quá trình học tập và sự tiến bộ của chính mình.

Toàn bộ các tài liệu và sản phẩm thể hiện suy nghĩ của trẻ đều được các giáo viên lưu lại. Đó có thể là một cuốn sách lưu giữ các bức tranh, hình ảnh và thư của trẻ. Những tài liệu này giúp giáo viên đánh giá và dự đoán các hoạt động học tập, để cha mẹ hiểu những trải nghiệm học tập của con như thế nào.

Thông tin

Tên tác giả: Nguyễn Thị Thanh Trúc


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông