Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N2166: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp - Mô hình trồng Dưa Pepino trong nhà màng tại TP.HCM

See this content in the original post

Quy trình với đầy đủ các thông số kỹ thuật và các bước thực hiện đã được áp dụng tại TP.HCM trong mô hình trồng dưa pepino trên giá thể trong điều kiện nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Qua đó có thể phát triển mô hình sản xuất dưa pepino cho khu vực TP.HCM và Đông Nam bộ với chi phí thấp, năng suất quả cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Dưa pepino còn được gọi là pepino dulce trong tiếng Tây Ban Nha, là một loại trái cây mọng nước, ngon ngọt và sử dụng chủ yếu trong các món tráng miệng. Dưa pepino thuộc họ Solanaceae, cùng với một số cây trồng khác như cà chua, khoai tây, cà tím…. Về giá trị dinh dưỡng, dưa pepino được coi là một tổ hợp của các chất chống oxy hóa, vitamin C, vitamin A và beta-carotene. Những chất chống oxy hóa này rất quan trọng để chống lại sự lây lan của các tế bào ung thư, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chữa bệnh tiểu đường, ngăn ngừa lão hóa.

 

 

Dưa pepino tương đối khỏe mạnh, thích nghi nhiệt độ khá rộng từ 2 - 370C, tuy nhiên cây phát triển tốt nhất trong môi truờng ấm áp, đất có pH trung tính 6,5 - 7. Dưa pepino cũng thích nghi tốt khi trồng trong nhà kính, chiều cao cây lên tới 2m và cho năng suất cao hơn so với những cây trồng ngoài trời. Cây dưa pepino thường bị ảnh hưởng bởi các loài sâu bệnh và bệnh hại giống như các cây trồng họ cà khác (cà chua, cà tím), bao gồm các bệnh như vi khuẩn, bệnh than và các vết thương do vi khuẩn Alteriana và Phytophthora gây ra. Các loài sinh vật gây hại như nhện, sâu, bọ cánh cứng, bọ chét, rệp. Ruồi đục quả cũng là một trong những sâu bệnh nghiêm trọng đối với cây dưa.

 

 

Trên thế giới, dưa pepino được trồng rất phổ biến, phương pháp trồng trong nhà kính đã được áp dụng nhiều, nhất là với các quốc gia ôn đới để tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng phát triển của cây. Tại Việt Nam, giống dưa pepino mới được nhập và trồng trong vài năm gần đây nhưng đã cho kết quả khả quan về năng suất, chất lượng, giá bán và được nhiều hộ trồng trọt quan tâm. Dưa pepino hiện được trồng nhiều ở Đà Lạt, Sapa, mang lại thu nhập không nhỏ cho người trồng. Với diện tích khoảng 1.000m2, người trồng dưa pepino có thể thu hoạch 30 - 40 tấn quả/tháng, giá bán tại vườn khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg.

 

Tuy nhiên, việc trồng dưa pepino ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu là theo quy mô hộ gia đình, mang tính tự cung tự cấp. Một số nơi đã hình thành vùng trồng dưa theo hướng sản xuất hàng hóa nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là các loại dưa an toàn chất lượng cao. Phương pháp trồng dưa ngoài đồng ruộng dễ bị hưởng trực tiếp bởi các yếu tố môi trường, sâu bệnh hại, điều kiện thời tiết bất lợi, khiến cho cây dưa sinh trưởng phát triển kém, năng suất, chất lượng giảm.

 

Trên thực tế, giống dưa này khá phù hợp với khí hậu ở Đà Lạt và phương pháp canh tác theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng trong nhà kính, nhà lưới, nhà màng. Đặc biệt, cây cho năng suất cao khi trồng trong nhà kính, tưới qua hệ thống nhỏ giọt. Tuy nhiên, các mô hình trồng dưa theo hướng công nghệ cao mới chỉ áp dụng trong nhà màng quy mô hộ gia đình ở khu vực Đà Lạt (Lâm Đồng) và một số tỉnh miền Tây. Việc trồng dưa pepino ở những vùng khí hậu nóng như TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, đặc biệt là trong điều kiện nhà màng còn rất ít.

 

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dưa pepino ngày càng tăng, nhất là ở khu vực TP.HCM và nguồn cung cấp chủ yếu vẫn là từ Đà Lạt. Bên cạnh sản lượng cung cấp còn ít, khâu vận chuyển loại quả này cũng gặp khó khăn vì dưa pepino có lớp vỏ mỏng, lại khá mọng nước nên khó bảo quản. Vì vậy, cần phát triển quy trình kỹ thuật phù hợp để trồng dưa pepino trong nhà màng tại TP.HCM, nhằm làm đa dạng hóa nông sản, cung cấp cho thị trường Thành phố một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có giá trị kinh tế.

 

Từ năm 2019, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu “Xây dựng quy trình trồng dưa pepino (Solanum muricatum) trong nhà màng”, kết quả đã xác định được giống, công thức giá thể và công thức dinh dưỡng (phân bón) phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của dưa pepino trong điều kiện nhà màng. Năm 2020, nhóm tiếp tục nghiên cứu và xác định lượng nước tưới, mật độ trồng cây và phương pháp tỉa nhánh thích hợp cho cây dưa pepino sinh trưởng và phát triển trong nhà màng. Từ đó xây dựng quy trình trình kỹ thuật phù hợp để trồng dưa pepino trong điều kiện nhà màng tại khu vực TP.HCM cho năng suất cao, chất lượng tốt.

 

 

Trồng dưa trong nhà màng có đặc điểm là hệ thống màng lưới bao quanh nên hạn chế được côn trùng xâm nhập phá hoại, từ đó giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dễ dàng đạt tiêu chuẩn an toàn và giảm công chăm sóc. Cây dưa pepino dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sâu bệnh nên dù là cây lâu năm nhưng chỉ có thể trồng thành cây hàng năm, dẫn đến tốn kém về chi phí giống cũng như công cải tạo chăm sóc cây từ ban đầu. Trong khi đó, trồng dưa pepino trong nhà màng có thể kéo dài thời gian sinh trưởng và phát triển của cây. Ưu điểm của phương pháp này là quản lý được lượng nước tưới, tiết kiệm phân bón, pH phù hợp với từng thời kỳ phát triển của cây, quản lý được dịch hại tốt hơn, chủ động được thời vụ trồng,… Chính vì có nhiều ưu điểm hơn so với canh tác ngoài đồng ruộng thông thường nên mô hình trồng dưa pepino trong nhà màng cần được nghiên cứu áp dụng rộng rãi.

 

Quy trình và phương pháp thực hiện

 

Quy trình kỹ thuật trồng dưa pepino vàng trong nhà màng tại TP.HCM

 

1. Chuẩn bị nhà màng

 

Nhà màng được thiết kế với nhiều kiểu khác nhau, cần đảm bảo các điều kiện độ truyền sáng từ 85 – 90% ; quy cách độ cao cột 4 – 4,75m, cột cách cột 4m. Mái được lợp bằng màng Polieste (dày 150 micron) và vách xung quanh được che bằng lưới chắn côn trùng dày 50 mesh.

 

2. Chọn giống

 

Qua quá trình khảo nghiệm giống, có thể lựa chọn giống dưa pepino vàng F1 536AQ có xuất xứ từ Nga, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhà màng tại TP.HCM. Giống dưa này quả có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

 

3. Chuẩn bị cây con

 

Có 2 cách để chuẩn bị cây con là cây gieo từ hạt và cây giâm cành, cây giâm cành cho thời gian thu trái nhanh hơn.

 

Đối với cây gieo từ hạt: hạt dưa pepino không cần ủ, gieo vào khay xốp (50 lỗ), 1 hạt /lỗ, độ sâu gieo hạt từ 0,5 -1cm, sau đó bổ sung thêm lớp giá thể lên bề mặt.

 

Chăm sóc: khay ươm được đặt trong nhà có mái che và lưới chắn côn trùng. Hằng ngày tưới nước để đảm bảo đủ ẩm, hạt nảy mầm đều. Khi hạt nảy mầm và xuất hiện lá thật thứ nhất thì tiến hành phun phân Growmore 30-10-10 với liều lượng 1g/l. Khi cây có từ 5-7 lá thật, cao từ 7-12cm, cây mập thì tiến hành trồng ra túi.

 

Đối với cây giâm cành: những cây dùng để nhân giống đều được tuyển chọn từ ngọn cây khỏe mạnh, cho trái nhiều và chất lượng đã được kiểm chứng.

 

4. Chuẩn bị giá thể trồng cây

 

Giá thể phải đảm bảo độ sạch (không nhiễm sâu bệnh hại, vi sinh vật, cỏ dại), độ thông thoáng, không dí chặt, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

 

Giá thể được sử dụng là hỗn hợp mụn dừa, phân trùn quế (0,98% đạm, lân 1,05%, kali 0,29%) và tro trấu với tỉ lệ 60% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 20% tro trấu (tính theo thể tích).

 

Mụn xơ dừa phải xử lý chất chát trước khi trồng. Mụn xơ dừa được xử lý trong bể bằng nước sạch kết hợp với vôi (5kg vôi/m3 mụn xơ dừa). Vôi được hòa tan với nước và tưới đều trên bề mặt giá thể. Xử lý ngâm và xả. Hàng ngày buổi sáng bơm nước vào hồ đã đổ mụn xơ dừa để ngâm (bơm đầy hồ), buổi chiều xả nước ra (xả hết nước trong hồ). Thời gian xử lý là 7 – 10 ngày.

 

Phân trùn quế được xử lý nấm bệnh bằng chế phẩm sinh học BIMA (thành phần gồm các chủng nấm Tricoderma 5 x 106 bào tử/gam, hữu cơ 50%, độ ẩm 30%). Pha 500g BIMA với 150 – 200 lít nước, sử dụng dung dịch này để pha hoặc xịt đều lên 5 - 6m3 phân trùn quế. Dùng bạt ni lông phủ lên trên bề mặt đống ủ để giữ ẩm và giữ nhiệt từ 7 – 10 ngày. Định kì đảo trộn để đảm bảo bào tử phân tán đều và cung cấp oxy.

 

Giá thể sau khi xử lý được cho vào các túi ni lông trồng cây (túi có màu trắng, kích thước túi 40cm x 40cm, được đục lỗ xung quanh đáy túi). Các túi giá thể được đặt trên các tấm đỡ cách mặt đất 10 – 20cm.

 

5. Chuẩn bị hệ thống tưới nhỏ giọt

 

Trang bị tối thiểu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt cần có bể chứa dung dịch dinh dưỡng, hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, ống PVC, bộ lọc, van từ và đồng hồ hẹn giờ (timer).

 

Trồng bằng túi bầu sử dụng dây tưới nhỏ giọt với chiều dài dây tưới là 60cm, đường kính 4mm, dây tưới này được cắm trực tiếp vào đường ống dẫn dinh dưỡng theo hàng với đường kính ống là phi 16. Bố trí mỗi hàng 1 đường dây dẫn, mỗi túi bầu cắm 1 dây tưới nhỏ giọt, số lượng dây tưới tương đương với số lượng túi bầu trồng cây.

 

6. Trồng

 

Cây giống khi trồng phải đạt tối thiểu: chiều cao cây 9 – 12cm; ra rễ khỏe; có từ 5-7 lá. Tình trạng cây khỏe mạnh, đồng đều, không dị dình dị dạng, không bị dập nát, ngọn cây phát triển tốt, không bị nhiễm sâu bệnh.

 

Cây được trồng trong túi ni lông, trồng 1 cây/túi, trồng hàng đơn. Các túi ni lông được đặt cách mặt đất khoảng 10 – 20cm, tránh cho rễ cây tiếp xúc trực tiếp với đất nhằm hạn chế bệnh do vi khuẩn xâm nhập từ đất hoặc lây lan.

 

Khoảng cách trồng và mật độ: khoảng cách hàng x hàng là 1m; khoảng cách cây x cây 0,3m; mật độ trồng 33.000 cây/ha.

 

Thời điểm trồng: trồng vào lúc chiều mát.

 

Có thể lắp đặt hệ thống lưới cắt nắng 50% để giảm cường độ ánh nắng lúc cây mới trồng. Sau khi cây bén rễ hồi xanh thì tiến hành tháo bỏ dần lưới cắt nắng.

 

7. Chế độ dinh dưỡng

 

Nước tưới cho dưa pepino là nước sạch, không bị ô nhiễm, không nhiễm mặn, phèn, hoặc vi sinh vật gây hại, pH nước tốt nhất là 5,0 - 6,5.

 

Cây được trồng trên giá thể, cung cấp dinh dưỡng chủ yếu qua hệ thống tưới nhỏ giọt nên các yếu tố đa lượng – vi lượng được cung cấp đầy đủ, kịp thời và theo từng giai đoạn phát triển của cây.

 

Loại phân bón sử dụng: Ca(NO3)2, KNO3, MgSO4.7H2O, KH2PO4, (NH4)2SO4, Fe – EDTA, H3BO3, Mn – EDTA, Cu – EDTA, Zn – EDTA, Na2MoO4. 2H2O, Ure.

 

Nồng độ và liều lượng phân bón được pha dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây. Cụ thể như sau:

 

Nồng độ dinh dưỡng tưới cho dưa pepino (ppm) trồng trong giá thể

8. Chăm sóc

 

+ Quấn ngọn và tỉa chồi: cây được quấn cố định vào dây treo sau khi trồng 7 – 10 ngày (cây cao 20 – 30cm), một đầu cố định trên khung treo dây của nhà màng, một đầu được quấn vào thân cây, cây bố trí 2 dây treo. Tiến hành quấn ngọn cây và tỉa chèo 5 - 7 ngày/lần, cây được tỉa bỏ tất cả các chồi nách, chỉ để 1 thân chính và 1 thân phụ trên chùm hoa thứ nhất.

 

+ Hạ cây: dưa pepino là cây sinh trưởng vô hạn, khi cây đạt chiều cao 2,5m tiến hành hạ dây 2 tuần/lần. Cho cây dưa pepino nghiêng về cùng 1 hướng bên trái hoặc bên phải sao cho thuận tiện trong việc chăm sóc cây.

 

+ Thụ phấn: dưa ppeino là cây tự thụ phấn nên không cần phải thụ phấn bằng tay, tuy nhiên có thể tăng tỷ lệ đậu quả bằng cách rung nhẹ cây vào các buổi sáng sớm.

 

+ Vị trí để quả: cắt bỏ chùm hoa đầu, để quả từ chùm thứ 2 trở đi.

 

+ Tỉa quả trên chùm: có thể tiến hành tỉa bớt quả trên chùm, mỗi chùm chỉ để lại 2- 3 quả, tỉa bỏ những quả hỏng, dị dạng.

 

+ Tỉa lá: dưa pepino cần tiến hành tỉa lá để tránh thân lá phát triển quá mức ảnh hưởng đến quả. Cần tiến hành tỉa bỏ lá già, lá dưới gốc 2 tuần/lần.

 

9. Phòng trừ sâu bệnh hại

 

- Dưa pepino trồng trong nhà màng chủ yếu bị một số loại sâu, bệnh hại sau: bọ trĩ (Thrips palmi Karny), bọ phấn (Bemisia tabaci), nhện, bệnh đốm lá.

 

- Phòng trừ bằng thuốc sinh học hoặc thuốc hóa học theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam, bẫy dính màu vàng, sử dụng các loại thuốc phòng trừ có tính tiếp xúc, mau phân hủy và có thời gian cách ly ngắn, đồng thời tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng.

 

- Đối với bọ trĩ, bọ phấn: vệ sinh sạch sẽ nhà màng và cỏ dại khu vực xung quanh. Sử dụng bẫy dính màu vàng. Sử dụng các thuốc có hoạt chất Aceramiprid, Imidacloprid, Etofenprox, Dinotefuran, Azoxystrobin + Difenoconazole.

 

- Đối với nhện: sử dụng thuốc có các hoạt chất Propargite, Pyridaben, Methidation.

 

- Đối với bệnh đốm lá: sử dụng các thuốc như Antracol, Topsin, Ridomil.

 

10. Thu hoạch

 

Đối với dưa pepino có thể thu hoạch cả chùm hoặc từng quả rời. Thu hoạch khi quả dưa chuyển sang màu vàng và có mùi thơm, quả chín khoảng 90%. Thu hoạch dưa pepino vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sau khi thu hoạch, vận chuyển vào nơi thoáng mát để phân loại, đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

 

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

 

Quy trình trên đã được áp dụng tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM trong mô hình trồng dưa pepino trên giá thể trong điều kiện nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Kết quả cho thấy, lượng nước tưới thích hợp cho dưa pepino là cung cấp 1L/bầu/ngày giai đoạn từ trồng đến ra hoa; 1,4L/bầu/ngày giai đoạn nở hoa đến quả già; 1,2L/bầu/ngày giai đoạn quả già đến hết vụ. Mật độ trồng cây pepino thích hợp là 33000 cây/ha. Phương pháp tỉa nhánh thích hợp là để lại 1 thân chính và 1 thân phụ. Trong quy trình này, số quả trung bình trên cây dao động trong khoảng 3,4 – 6,8 quả/cây; khối lượng quả trung bình dao động từ 140,05 – 221,45g/quả; năng suất thực thu đạt 3162,1kg/1000m2.

 

Theo KS. Nguyễn Thị Nguyệt, trồng dưa pepino trong nhà màng tại TP.HCM hiện nay khá thuận lợi, góp phần đa dạng hóa cây trồng cho Thành phố và khu vực Đông Nam bộ. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi cầu về sản phẩm rau quả an toàn nói chung và dưa pepino nói riêng ngày càng lớn. Do cây dưa pepino được trồng trong hệ thống nhà màng nên tỉ lệ xuất hiện các loại sâu bệnh hại không cao, việc quản lý dịch hại cũng tốt hơn, chủ động được thời vụ trồng, trồng tốt trong điều kiện trái vụ do có thể điều khiển được môi trường trong nhà trồng, không cần hoặc sử dụng rất ít hoá chất bảo vệ thực vật.

 

Ngoài ra, việc sản xuất tại chỗ cũng hạn chế được tình trạng hư hỏng trái trong quá trình vận chuyển, do đó đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Vào mùa mưa, điều kiện nhà màng giúp cây không bị ảnh hưởng bởi nước mưa nên không bị hỏng, giữ được màu sắc quả đẹp, chất lượng quả được đảm bảo. Mặt khác, trong nhà màng có lắp đặt các hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương vừa giúp tiết kiệm công lao động vừa giúp điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với cây dưa.

 

Quy trình trồng dưa pepino trong điều kiện nhà màng, tưới nhỏ giọt trên giá thể bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt và nhiều tiềm năng nhân rộng mô hình trồng.

 

Thông tin

Tên tác giả: Nguyễn Thị Nguyệt


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông