Mã số N2061: Một số biện pháp nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm ở trường tiểu học
Công tác chủ nhiệm quyết định không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Làm tốt công tác chủ nhiệm tức là người giáo viên đã hoàn thành tốt việc giảng dạy và tổ chức giáo dục, rèn luyện đạo đức cho học sinh. Đặc biệt trong nhà trường, vai trò của người giáo viên chủ nhiệm hết sức quan trọng. Giáo viên chủ nhiệm thay mặt nhà trường quản lý điều hành lớp, trực tiếp giáo dục tư tưởng đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh đồng thời là cầu nối giữa ba môi trường giáo dục gia đình nhà trường và xã hội.
Tôi nhận thấy công tác chủ nhiệm phải làm tốt từ đầu năm thì chất lượng lớp mới ổn định và đi vào nề nếp. Nếu không làm tốt công tác chủ nhiệm, thì lớp học đó chắc chắn chất lượng học tập cũng như rèn luyện sẽ không đạt chỉ tiêu đề ra, sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với mục tiêu chung của nhà trường. Vì vậy, tôi khẳng định rằng công tác của giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường Tiểu học là cực kì quan trọng, là nhân tố số một quyết định chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Xuất phát từ những suy nghĩ như vậy và bản thân tôi qua nhiều năm trực tiếp làm công tác chủ nhiệm lớp cũng đã rút được một số kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp nên tôi muốn trao đổi một số kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm và tôi chọn đề tài: “Một số biện pháp nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm ở trường Tiểu học”.
Sáng kiến được áp dụng trong lĩnh vực làm tốt công tác chủ nhiệm lớp ở Trường Tiểu học Phong Phú 2.
Vấn đề mà sáng kiến giải quyết đó là giúp giáo viên chủ nhiệm lớp có thêm những kinh nghiệm trong công tác giáo dục học sinh và có nhiều biện pháp thực hiện tốt công tác chủ nhiệm lớp đạt kết quả cao nhất .
NGÀY SÁNG KIẾN ĐƯỢC ÁP DỤNG
Sáng kiến được áp dụng từ tháng 9/2020 cho đến nay.
MÔ TẢ BẢN CHẤT CỦA SÁNG KIẾN
1. Thực trạng:
a) Thuận lợi:
- Đa số học sinh lớp tôi nhà gần trường. Hầu hết các em đi học đúng độ tuổi, ngoan ngoãn, lễ phép, chăm chỉ học tập, trong giờ học tích cực đóng góp xây góp xây dựng bài.
- Trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy đầy đủ cho từng khối lớp nên giờ học rất sinh động.
- Đội ngũ giáo viên luôn đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm cao, thường xuyên trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng nhau dạy tốt.
- Được sự quan tâm giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên an tâm công tác.
- Được sự quan tâm phối hợp nhịp nhàng của cha mẹ học sinh, nhiệt tình gắn bó với các hoạt động của trường góp phần động viên cán bộ - giáo viên- công nhân viên nhà trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Mối quan hệ giữa nhà trường gia đình và xã hội được kết hợp chặt chẽ.
b) Khó khăn:
Trường nằm trên địa bàn xã Phong Phú nên học sinh lớp tôi chủ yếu làm nghề buôn bán, công nhân, làm thuê,… các em thiếu sự quan tâm, nhắc nhở của cha mẹ, nên đa số các em không có ý thức học tập. Có những em chăm ngoan, có ý thức trong việc học tâp, nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình lại khó khăn, không có thời gian học tập nên kết quả đạt được không cao. Một số em gia đình có điều kiện đầy đủ cho các em nhưng các em lại ham chơi, không chú ý học tập. Còn có một số phụ huynh học sinh có tư tưởng khoán trắng cho nhà trường và thầy cô trong việc giáo dục con em mình. Một số em học chậm không có hứng thú học tập, rụt rè, không tự tin khi đến lớp. Vẫn không ít học sinh chưa chuẩn bị bài và đồ dùng học tập trước khi đến lớp.
Đầu năm 2020 -2021, tôi được Ban Giám Hiệu phân công nhận lớp Hai 2.
Vấn đề đặt ra cho tôi bây giờ là từ thực trạng của lớp tôi phải làm sao để chính các em luôn cảm thấy ở tôi sự mới lạ, không nhàm chán, hướng các em đến sự đam mê học tập và phấn đấu rèn luyện đạo đức tốt hơn năm học trước.
Ngay sau khi nhận lớp, tôi nhanh chóng khảo sát thực tế và nắm bắt tình hình cụ thể qua phiếu điều tra thông tin sau:
Tình hình lớp sau khi điều tra cụ thể như sau:
Do điều kiện gia đình và hoàn cảnh của các em khác nhau nên còn một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình. Bên cạnh đó các em còn nhỏ, ý thức học tập chưa cao, đầu năm học thường đến lớp chưa đúng giờ, quên đồ dùng học tập, chưa tập trung chú ý trong giờ học ...Để khắc phục những khó khăn trên tôi đã áp dụng rất nhiều biện pháp, trong đó nổi bật là một số biện pháp nhằm giúp các em có nề nếp, đạo đức tốt, ý thức tự giác trong giờ học, đề cao vai trò của ban các sự lớp.
2. Mô tả các giải pháp tiến hành để giải quyết vấn đề.
Giáo dục là một quá trình lâu dài, trong đó mỗi giáo viên phải áp dụng nhiều biện pháp, từ khâu tổ chức, giáo dục đến tác động vào từng cá nhân và tập thể. Quá trình đó cũng không phải chỉ diễn ra trong một hai ngày mà là quá trình tác động lâu dài. Để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp đòi hỏi người giáo viên phải có tính kiên trì, tận tình. Sự nhiệt tình, chu đáo của giáo viên là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của người giáo viên trong công tác chủ nhiệm lớp.
2.1 Khảo sát đối tượng học sinh để đưa ra những phương pháp giáo dục phù hợp.
- Khảo sát học sinh qua hồ sơ học bạ, qua giáo viên chủ nhiệm cũ, qua học sinh trong lớp hoặc qua phụ huynh.
- Tiến hành phân loại đối tượng để đưa vào sổ chủ nhiệm cụ thể như:
+ Học sinh có hoàn cảnh khó khăn: 7 em
+ Học sinh khá giỏi: 13 em
+ Học sinh nghịch ngợm trong lớp: 6 em
+ Học sinh học còn chậm: 5 em
+ Học sinh có những năng khiếu đặc biệt: 6 em
* Đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn:
GV cần đặc biệt quan tâm, động viên, khích lệ để các em không bị mặc cảm, tự ti với các bạn. Tôi yêu cầu cả lớp có tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết chia sẻ lẫn nhau, giúp đỡ các bạn về tập vở, sách giáo khoa, dụng cụ học tập,..
* Đối với học sinh khá giỏi:
Đối với những em này, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn kết hợp ra các câu hỏi, bài tập nâng cao hơn, khó hơn nhất là Toán và Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức,... Làm cho các em không nhàm chán và hứng thú học tập. Qua đó, giáo viên phát hiện những học sinh có năng khiếu, tư vấn với phụ huynh mua thêm sách tham khảo giải các bài tập khó cho các em, nhằm trang bị những kiến thức cơ bản để nâng cao kiến thức các em.
* Đối với học sinh nghịch ngợm trong lớp:
Trong lớp có một số em hay nghịch ngợm là em: Nguyễn Thiên Ân, Thái Hoàng Khôi, Hà Bảo Duy,... hay đánh, chọc ghẹo bạn.
Tìm hiểu nguyên nhân qua gia đình: Gia đình có sự mâu thuẩn giữa bố mẹ, gia đình thiếu quan tâm hoặc có thể bị bạn bè lôi kéo...Hoặc là do các em có bản tính xấu mà gia đình chưa giáo dục được.
Dùng phương pháp tác động tình cảm, nghiêm khắc đối với học sinh nhưng tuyệt đối không trách phạt, gần gũi các em và thường xuyên nhắc nhở động viên, khuyến khích kịp thời. Giao cho các em một số chức vụ trong lớp nhằm gắn các em với trách nhiệm để từng bước điều chỉnh mình.
* Đối với học sinh học còn chậm chương trình:
Những học sinh học chậm chương trình như: Lê Minh Chấn Hưng, Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, Nguyễn Đặng Đăng Trân, Phạm Ngọc Tú Uyên, Nguyễn Đăng Khoa,... Các em đọc bài chậm, viết chính tả sai nhiều lỗi, làm tính cộng trừ còn quên nhớ, chưa xác định được dạng toán có lời giải, tốc độ viết bài quá chậm làm ảnh hưởng đến các môn học khác, các em chưa có ý thức trong việc tự học.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao em đó học chậm, học chậm môn nào. Có thể là ở gia đình các em đó không có thời gian học tập vì phải làm nhiều việc hoặc do rỗng kiến thức nên cảm thấy chán nản.
Giáo viên lập kế hoạch giúp đỡ đối tượng học sinh bằng những việc cụ thể sau: Giảng giải lại bài mà các em chưa hiểu hoặc còn chưa rõ ràng vào thời gian ngoài giờ lên lớp.
+ Đưa ra những câu hỏi từ dễ đến khó để học sinh có thể trả lời nhằm tạo hứng thú và củng cố niềm tin ở các em.
+ Thường xuyên kiểm tra các em học sinh học chậm trong các giờ học.
+ Tổ chức học sinh học theo nhóm để học sinh khá giỏi giúp đỡ học sinh học chậm nhằm giúp các em học ngày một tiến bộ hơn. Cụ thể là xây dựng đôi bạn học tập. Một em học tốt kèm một em học chậm.
+ Gặp gỡ phụ huynh học sinh trao đổi về tình hình học tập, cũng như sự tiến bộ của con em để phụ huynh giúp đỡ thêm việc học ở nhà.
+ Chú ý tránh thái độ miệt thị, phân biệt đối xử làm cho các em xấu hổ trước bạn bè. Tóm lại, ở đối tượng học sinh nào bản thân giáo viên cũng phải lưu ý dùng phương pháp tác động tình cảm, động viên khích lệ kịp thời, phối hợp với phụ huynh để giáo dục và xác định giáo dục đạo đức là then chốt.
* Đối với những học sinh có năng khiếu đặc biệt:
Ngoài các môn học, tôi luôn quan niệm rằng “Nét chữ, nết người: Ở lớp tôi luôn chú ý đến việc rèn chữ viết, giữ gìn sách vở của các em nên hàng tháng có nhận xét xếp loại vở sạch chữ đẹp, dùng hình thức khen tuyên dương trước lớp. Những em có vở sạch, chữ đẹp tôi đem vở các em treo trên bảng góc sản phẩm của học sinh. Nhằm động viên khuyến khích các học sinh khác thi đua rèn chữ viết đẹp, để các em có thói quen tự rèn luyện chữ viết, giữ gìn sách vở của mình đẹp hơn.
Hàng ngày, tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho các em luyện viết từng bài rõ ràng, những em viết chữ đẹp tôi yêu cầu các em luyện viết nhiều kiểu chữ khác nhau. Tôi thường nêu gương các em viết chữ đẹp như : Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Hương Mai, Đoàn Bảo Nghi, Nguyễn Lê Hân Nhiên, Nguyễn Lê Uyên Trang,…để các học sinh khác có động lực phấn đấu vươn lên, cố gắng rèn chữ viết ngày một tốt hơn.
2.2 Lập sơ đồ tổ chức lớp học.
Khi sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh trong lớp, giáo viên không nên quá áp đặt và cũng không đưa ra tiêu chí xếp nam, nữ ngồi cạnh nhau. Có thể dựa trên các cơ sở: Tình trạng sức khỏe của học sinh, thị lực, học lực và căn cứ vào nhiệm vụ của ban cán sự lớp.
Giáo viên cần có sự điều chỉnh chỗ ngồi của học sinh kịp thời nếu thấy sự bất hợp lí theo phản ánh của chính bản thân học sinh, cán sự lớp, …. ví dụ mất trật tự, không chú ý, tiếp thu kiến thức chậm,...
* Xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể:
Căn cứ vào đặc điểm tình hình lớp, mỗi năm học, tôi lập tiêu chí thi đua, mục tiêu cụ thể, các giải pháp thực hiện rồi công bố trước lớp được tập thể học sinh nhất trí, thông qua và xin ý kiến phụ huynh tại cuộc họp phụ huynh đầu năm. Có sự điều chỉnh và thay đổi, bổ sung kịp thời tùy theo tình hình thực hiện nội quy, nề nếp và ý thức rèn luyện của học sinh.
* Xây dựng lớp học thân thiện:
Giáo viên đến sớm các buổi tự quản, bảo ban đôn đốc các em đồng thời kết hợp với việc trang trí lớp thân thiện như trang trí cây học tập, góc Toán, góc Tiếng Việt, góc Tự nhiên và Xã hội, nhằm tạo môi trường thân thiện hơn, giúp các em xem lớp học như là ngôi nhà thân yêu của mình, biết tôn trọng quan tâm, chăm sóc lẫn nhau.
* Kết hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn trong trường:
Tôi thường trao đổi với giáo viên bộ môn, trao đổi về tình hình học tập của học sinh, kiểm tra và đôn đốc việc học tập của tập thể và cá nhân về những vấn đề cụ thể của lớp để cùng đưa ra giải pháp giáo dục thống nhất, đề xuất các ý kiến của tập thể học sinh về công tác dạy và học với giáo viên có liên quan...
2.3. Xây dựng đội ngũ các bộ lớp giỏi quản lý, tổ chức, kiểm tra.
Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi là việc rất quan trọng người giáo viên làm công tác chủ nhiệm phải có kế hoạch thực hiện. Hơn nữa để đội ngũ cán bộ lớp cùng GV chủ nhiệm đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện nề nếp học tập của các bạn là hết sức cần thiết. Trước hết những học sinh được chọn làm cán bộ lớp bao giờ cũng phải gương mẫu trước các bạn về mọi mặt. Học tập, kỷ luật, tham gia các hoạt động phong trào của trường lớp. Sau khi đã bầu chọn được Ban cán sự của lớp, tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho từng em như sau:
* Nhiệm vụ của lớp trưởng:
Điều hành chung công việc của lớp, theo dõi thi đua giữa các tổ, báo cáo với giáo viên chủ nhiệm khi có sự việc xảy ra và là người phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm về tình hình hoạt động hằng ngày của lớp.
* Nhiệm vụ của lớp phó học tập:
- Tổ chức lớp truy bài 15 phút đầu giờ, giúp đỡ bạn học còn chậm học bài, đọc bài, viết bài.
- Điều khiển các bạn trao đổi, thảo luận hoặc trả lời câu hỏi trong tiết học khi giáo viên yêu cầu.
- Làm mọi việc của lớp trưởng khi lớp trưởng vắng mặt hoặc nghỉ học.
* Nhiệm vụ của lớp phó lao động
Phân công, theo dõi, kiểm tra các tổ trực nhật
- Theo dõi, kiểm tra các bạn khi tham gia các buổi vệ sinh sân trường, chăm sóc bồn hoa cây cảnh hàng tuần do đội phát động.
Phối hợp với lớp trưởng lớp phó học tập giữ trật tự lớp học.
Tóm lại, mỗi em sẽ làm đúng nhiệm vụ của mình. Ngoài ra lớp trưởng và hai lớp phó phải đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với nhau trong công việc chung.
Cuối tuần vào tiết sinh hoạt lớp từng tổ trưởng sẽ lên báo cáo cho lớp trưởng về tình hình học tập thi đua của tổ, các học sinh vi phạm nội quy, lớp trưởng, lớp phó báo cáo các mặt hoạt động của lớp về các mặt tích cực và hạn chế cần khắc phục. Căn cứ vào báo cáo của các em, tôi nắm được khả năng quản lí lớp của từng em, động viên khen ngợi những việc các em đã làm tốt, đồng thời chỉ rõ những thiếu sót và hướng các em cách khắc phục. Tuy nhiên, để phát huy vai trò lãnh đạo của từng cá nhân, mỗi học kỳ có sự thay đổi về ban cán sự lớp.
2.4 Xây dựng nề nếp lớp:
Xây dựng tư thế ngồi học ngay ngắn không tựa ngực vào bàn, khoảng cách giữa vở và mắt là 30 cm.
Khi muốn phát biểu các em giơ tay, không được nói linh tinh trong giờ học, gây ồn, mất trật tự.
Học sinh giơ bảng theo nhịp gõ của giáo viên, bôi bảng bên tay phải một cách đồng bộ, tránh va chạm gây tiếng động lớn.
2.5 Xây dựng mối quan hệ thầy- trò:
Hành vi của giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí cũng như sự hình thành tính cách của trẻ. Vì vậy, khi lên lớp, tôi luôn chú ý đến cả cách đi đứng, nói năng, cách ăn mặc, cách cầm sách, chữ viết, thái độ,...để học trò noi theo. Không vì bất cứ lí do gì mà tôi cho phép mình cẩu thả hoặc xuề xòa, qua loa trước mặt học sinh.
Khi học sinh nào làm bài chưa đúng, tôi yêu cầu học sinh đó phải làm lại không nhận xét ngay. Tôi giúp đỡ, hướng dẫn học sinh làm lại ngay tại lớp. Bởi tôi quan niệm rằng đối với học sinh tiểu học nhận xét không phải để bắt lỗi, để la mắng học sinh mà để học sinh phát hiện những chỗ chưa đúng của mình, giúp các em làm lại cho đúng, cho hoàn thiện hơn. Với cách nói đúng, làm đúng trong học tập, các em trở thành những con người tự tin, trung thực, không gian dối, giúp các em tự tin hơn trong học tập hết rụt rè, nhút nhát, tự ti.
Khi có học sinh mắc sai lầm, thiếu sót, tôi luôn cố gắng kiềm chế và tôn trọng học sinh, tìm hiểu cặn kẽ thấu đáo nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ các em sửa chữa. Tôi không bao giờ có những lời nói, cử chỉ xúc phạm các em. Ở tuổi này, lòng tự trọng của các em rất cao, chỉ một lời nói xúc phạm sẽ làm tan nát tâm hồn trẻ thơ. Thậm chí có em sẽ oán hận, căm ghét thầy cô, bỏ học và không bao giờ trở lại lớp học nữa cho dù có nhiều người đến nhà vận động.
Qua nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi biết rằng có những em học chậm hoặc có hôm không học bài, làm bài nhưng lỗi không phải hoàn toàn là do các em. Có em ham chơi nên quên học bài, có em do bị mất căn bản từ các lớp dưới. Nhưng cũng có em học chậm, hoặc không học bài làm bài là do những điều kiện khách quan. Gia đình của các em đâu phải lúc nào cũng đầm ấm, hạnh phúc; đâu phải em nào cũng may mắn được bố mẹ, ông bà động viên trong mỗi bước học tập, có biết bao nhiêu bố mẹ phải lo làm thuê, làm mướn kiếm sống hoặc vì ăn chơi cờ bạc hay ốm đau bệnh hoạn,...nên không ngó ngàng gì đến việc học của con cái, thậm chí các em còn bị mắng chửi, bị đánh đập ... Những sóng gió đó đã tác động đến tâm lí trẻ thơ, cản trở việc học tập của các em. Nếu như giáo viên không biết được những nguyên nhân đó thì rất dễ nổi giận trách phạt các em. Điều đó rất bất lợi cho quan hệ thầy - trò sau này. Vì vậy, đứng trước một học sinh quậy phá, hay lơ đãng không học bài, làm bài, tôi không phê bình ngay mà bình tĩnh chờ đến hết buổi học gặp riêng các em để hỏi cho rõ nguyên nhân. Lần đầu các em vi phạm, tôi nhẹ nhàng nhắc nhở. Nếu lần thứ hai, các em vẫn tái phạm, tôi phải đến nhà tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ, giáo dục các em.
Hàng ngày, tôi luôn khích lệ và biểu dương các em kịp thời, khen ngợi những ưu điểm của các em nhiều hơn là phê bình khuyết điểm. Tôi cố tìm ra những ưu điểm nhỏ nhất để khen ngợi động viên các em. Nhưng trong khi khen, tôi cũng không quên chỉ ra những thiếu sót để các em khắc phục và ngày càng hoàn thiện hơn.
Khi nói chuyện, khi giảng, cũng như khi nghiêm khắc phê bình lỗi lầm của học sinh, tôi luôn thể hiện cho các em thấy tình cảm yêu thương của một người thầy đối với học trò. Theo qui luật phản hồi của tâm lí, tình cảm của thầy trước sau cũng sẽ được đáp lại bằng tình cảm của học trò. Lòng nhân ái, bao dung, đức vị tha của người thầy luôn có sức mạnh to lớn để giáo dục và cảm hóa học sinh. “Lớp học thân thiện” chỉ có được khi người thầy có tấm lòng nhân hậu, bao dung, hết lòng vì học sinh thân yêu của mình. Có một người thầy như vậy thì chắc chắn học sinh sẽ chăm ngoan, tích cực và ham học, thích đi học.
2.6 Xây dựng mối quan hệ bạn bè:
Tôi tạo mối quan hệ cho các em biết hòa đồng, cởi mở giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn hay có chuyện buồn cần được chia sẻ. Xây dựng mối quan hệ bạn bè thân thiết, đoàn kết, gắn bó, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong học tập, tôi luôn tạo ra các hoạt động, các vấn đề đòi hỏi sự hợp tác của nhiều học sinh. Cách làm cụ thể như sau:
Trong mỗi tiết học, tôi thường xuyên chia nhóm ngẫu nhiên. Tiết học này, các em chung nhóm với bạn này, nhưng tiết sau, các em lại chung nhóm với bạn khác để tạo mối đoàn kết với các học sinh trong lớp.
Để tạo dựng cho các em một tình bạn bền đẹp với những kỉ niệm sâu sắc của tuổi học trò, tôi tổ chức sinh nhật cho học sinh ngay tại lớp học trong giờ ra chơi. Hình thức tổ chức do các em trong ban cán sự quyết định. Nhưng chủ yếu chỉ là múa hát, hay những viên kẹo, viên phấn,.. và những lời chúc mừng hay nhất dành cho bạn mình.
2.7 Vận động giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn:
- Tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường, vận động các mạnh thường quân mua bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo trong lớp.
- Các em có thể tiết kiệm tiền ăn sáng, san sẻ những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường, hoặc chia sẻ đồ dùng học tập cho các bạn. Những việc làm nhỏ bé tuy giá trị vật chất không là bao nhiêu nhưng đã tạo được tình cảm gắn bó các em biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần đoàn kết tương trợ cao.
2.8 Phối hợp thường xuyên với phụ huynh học sinh
* Đối với ban đại diện cha mẹ học sinh lớp: Từ đầu năm học, tôi đã định hướng bầu chọn ban đại diện phụ huynh của lớp với các tiêu chuẩn như sau: Phụ huynh có đời sống kinh tế ổn định, có tâm huyết, nhiệt tình tất cả vì học sinh, am hiểu nhiều về lĩnh vực giáo dục, có con em học khá, giỏi.
* Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp gồm 3 thành viên: Trưởng ban, phó ban, thư ký.
* Nhiệm vụ Ban đại diện cha mẹ học sinh:
- Kết hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp theo dõi, động viên quá trình học tập, sinh hoạt của học sinh. Đặc biệt quan tâm đến các phong trào của lớp.
- Nắm rõ được hoàn cảnh gia đình, chỗ ở của từng học sinh để kịp thời thăm hỏi.
- Có kế hoạch khen thưởng kịp thời theo các đợt kiểm tra định kì của nhà trường.
* Đối với từng phụ huynh học sinh: Buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi đã đề ra yêu cầu để phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm rèn nề nếp học như sau:
- Hàng ngày kiểm tra sách vở và đồ dùng học tập của con em mình.
- Nhắc nhở con em học bài và chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp.
- Chuẩn bị đồ dùng, sách vở cho con em mình theo thời khóa biểu hàng ngày.
- Tuân theo nội quy của trường:
+ Đội nón bảo hiểm khi đi xe máy.
+ Không ăn quà rong trước cổng trường.
+ Nghỉ học phải có đơn xin phép của cha mẹ.
- Giáo dục con có ý thức gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp khi học tập, vui chơi. Sinh hoạt điều độ, đúng thời khóa biểu, giờ nào việc nấy tránh tình trạng vừa học vừa chơi.
Thường xuyên trao đổi trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại với gia đình học sinh khi cần thiết. Mời phụ huynh học sinh đến trường trao đổi về việc giáo dục học sinh khi có những hiện tượng bất thường.
Thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình qua sổ liên lạc và qua điện thoại, group zalo của lớp.
Cung cấp cho phụ huynh số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm để phụ huynh tiện liên hệ khi cần thiết.
* Kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể:
Giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được kế hoạch của nhà trường, thông qua các chủ điểm sinh hoạt hàng tháng, thường xuyên tổ chức cho các em thi thố tài năng bằng các trò chơi giải trí lành. Nhằm tạo cho các em gắn bó với tập thể, thấy được tinh thần trách nhiệm của mình đối tập thể. Từ đó xây dựng cho các em ý thức, sáng tạo trong công việc, biết sống vì mọi người, biết yêu thương con người. Đó cũng chính là con đường hình thành nhân cách tốt nhất cho các em.
Giáo viên chủ nhiệm dựa vào kế hoạch của nhà trường và các đoàn thể trong trường phải đề ra chỉ tiêu cụ thể cho lớp cùng phấn đấu trong các phong trào chung của nhà trường tham gia các hội thi: Viết chữ đẹp; Nặn tranh bằng đất sét; Làm báo ảnh; Văn nghệ, .... Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Điều quan trọng là giáo viên chủ nhiệm phải phát hiện những năng lực đặc biệt ở học sinh về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội họa,...
Các em tham gia thị nặn tranh bằng đất sét, chào mừng Ngày Nhà giáo việt Nam 20/11.
Phối hợp với phụ huynh lập kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho các em có năng khiếu trên.
Bồi dưỡng, khơi dậy ở các em lòng say mê hứng thú học tập thông qua những sân chơi, các tiết sinh hoạt tập thể, sinh hoạt ngoại khóa,...
CÁC ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT ĐỂ ÁP DỤNG SÁNG KIẾN
Điều quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác của người giáo viên chủ nhiệm là tình yêu trẻ, tâm huyết với nghề, phải có trình độ chuyên môn, sự mẫu mực, sáng tạo trong phương pháp để thu hút học sinh, phải dạy dỗ bằng cả nhiệt huyết của mình “tất cả vì học sinh thân yêu”.
Hiểu đặc điểm, tình hình, hoàn cảnh từng học sinh.
Đầu năm phải có một số nội quy, quy định riêng của lớp và phải được đưa ra cả lớp bàn bạc, thống nhất, biểu quyết nhất trí để cùng nhau thực hiện.
Xây dựng đội ngũ các bộ lớp năng động và sáng tạo, Giáo viên chủ nhiệm phải kết hợp chặt chẽ với cán bộ lớp để cùng giúp các em thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Giải quyết mọi vướng mắc của học sinh một cách công bằng. Biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của học sinh.
Thực hiện sinh hoạt lớp đều đặn, thi đua và tổng kết thi đua công bằng và phải được duy trì thường xuyên trong năm học.
Phối hợp kịp thời và chặt chẽ với phụ huynh học sinh cũng như các giáo viên bộ môn và các đoàn thể trong trường.
ĐÁNH GIÁ LỢI ÍCH THU ĐƯỢC
Tôi đã áp dụng các biện pháp trên trong công tác chủ nhiệm lớp từ năm học 2017 – 2018 và đến thời điểm này bước đầu đã gặt hái được những kết quả khả quan
* Về nề nếp đầu buổi:
Bộ máy cán sự lớp biết phân công, theo dõi và kiểm tra các tổ trực nhật.
Biết tổ chức lớp truy bài 15 phút đầu giờ.
Biết giúp đỡ các bạn học chậm chương trình và làm bài tập.
* Trong giờ học:
- Học sinh tích cực học tập, chăm chú lắng nghe GV giảng bài mạnh dạn trình bày ý kiến, phát biểu xây dựng bài.
- Trong thảo luận nhóm, các em biết phân công trách nhiệm và điều hành các bạn thảo luận đúng nội dung câu hỏi bài và yêu cầu của giáo viên.
- Các em đã tích cực chuẩn bị bài ở nhà, luôn sẵn sàng tham gia các phong trào của lớp, của trường.
- Có tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Ý thức chấp hành nội quy của trường, lớp tốt: Đồng phục khi đến lớp.
- Tôi được phụ huynh và học sinh tin tưởng và quý mến
* Kết quả cuối năm học 2020 – 2021 cụ thể:
- Duy trì sĩ số đạt: 100%
Kết quả học tập:
KẾT LUẬN:
Giáo dục là quan tâm đến sự phát triển của học sinh về kỹ năng kiến thức về các giá trị đạo đức, tinh thần. Vừa kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, vừa năng động, sáng tạo để bước kịp thời đại. Do đó giáo dục học sinh vừa phù hợp mục tiêu giáo dục là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp.
Giáo viên chủ nhiệm ở trường Tiểu học có một vị trí đặc biệt quan trọng. Lao động của giáo viên chủ nhiệm là lao động sáng tạo không ngừng, sự sáng tạo đó đòi hỏi phải toàn diện, liên tục: sáng tạo trong soạn giảng, trong tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi, trong sinh hoạt tập thể và đặc biệt là trong các biện pháp giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thông qua công tác chủ nhiệm lớp.
Nhà giáo là một con người trí tuệ, đức độ giàu lòng nhân ái. Khoan dung có vai trò như là người cha, người mẹ đúng như câu nói: “Cha mẹ cho con hình hài vóc dáng, còn thầy cô cho các em kiến thức, nhân nghĩa để các em có thể vững bước trên con đường đầy chông gai thử thách”.
Tôi rất mong nhận được sự đóng góp của Hội đồng giáo dục nhà trường cũng như tất cả quý thầy cô, để góp phần nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ “Trồng người”.
Tính mới trong sáng kiến:
Trong công tác chủ nhiệm giáo dục học sinh hoàn thiện về kiến thức lẫn năng lực, phẩm chất. Giúp học sinh phát triển theo chiều hướng tích cực, năng động, sáng tạo, tự tin, bản lĩnh quản lí tổ, lớp chặt chẽ, nhẹ nhàng, có trách nhiệm. Rèn học sinh có tinh thần tương thân, tương ái biết chia sẻ đùm bọc, đoàn kết lẫn nhau tạo thành một khối bền vững để từ đó các em tiếp bước lên các bậc học khác./.
Thông tin
Tên tác giả: NGÔ THỊ BÍCH LOAN
Trường Tiểu học Phong Phú 2, huyện Bình Chánh, TP. HCM
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông