Mã số N2017: Bệnh viện Nhi Đồng 1 ứng dụng phương pháp mới trong điều trị bệnh lý võng mạc cho trẻ sanh non
Phương pháp điều trị bệnh lý võng mạc do sanh non (ROP) bằng tiêm nội nhãn thuốc ức chế VEGF đã cho thấy hiệu quả điều trị đáng kể trên các ca ROP hình thái nặng, giúp giảm thiểu tối đa những trường hợp mù loà do bong võng mạc ở trẻ sinh non. Từ tháng 01/2019 đến tháng 5/2020, 399 bệnh nhi sanh non mắc bệnh ROP đã được Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị hiệu quả và an toàn bằng phương pháp này.
Trẻ sanh non là trẻ có tuổi thai nhỏ hơn 37 tuần. Trẻ sanh non thường rất yếu và có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh lý võng mạc do sanh non (Retinopathy of Prematurity- ROP) có thể dẫn đến giảm thị lực và mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Hiện nay, tỉ lệ mắc ROP ngày càng tăng cao. Số liệu thống kê tại bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy số lượng bệnh nhân ROP đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng. Chỉ tính trong năm 2016 có hơn 2.600 bệnh nhân ROP với hơn 7.600 lần khám, hơn 700 trường hợp phải điều trị bằng laser, trong đó có 63 trường hợp ca nặng (chiếm 2,4%) ít cải thiện sau khi điều trị với Laser quang đông. Những trẻ này có nhiều nguy cơ bị mù lòa nếu không được điều trị bằng phương pháp mới.
Dùng thuốc ức chế VEGF trong điều trị ROP
Laser quang đông đang được xem là phương pháp chủ lực cho bệnh lý này, tuy nhiên, có thể gây ra một số tác dụng phụ như giảm thị lực và tật khúc xạ. Bên cạnh đó, với những trường hợp ROP nặng, không đáp ứng với Laser quang đông, sẽ dẫn đến bong võng mạc và gây mù vĩnh viễn. Vì vậy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận thấy rất cần phối hợp phương pháp này với các biện pháp điều trị khác.
Ở trẻ sanh non, sự hình thành mạch máu võng mạc bị gián đoạn ngay lúc sanh dẫn đến sự tăng quá mức yếu tố tăng trưởng nội mạch (Vascular Endothelial Growth Factor -VEGF), sau đó làm tăng sanh bất thường mạch máu gây ra ROP. Do đó, theo cơ chế bệnh sanh của ROP, việc điều trị làm giảm sự tăng sanh bất thường mạch máu võng mạc do VEGF đóng vai trò quan trọng.
Một trong những biện pháp điều trị được nhiều nghiên cứu đề cập đến trong những năm qua bên cạnh Laser quang đông là việc sử dụng các chất ức chế yếu tố VEGF (Anti VEGF).
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của các thuốc ức chế VEGF trong điều trị ROP. Vì vậy, Bệnh viện Nhi đồng 1 quyết định triển khai phương pháp điều trị bệnh ROP bằng tiêm nội nhãn thuốc ức chế VEGF với mục đích đem lại ánh sáng và cuộc sống chất lượng hơn cho trẻ sơ sinh sanh non bị bệnh ROP.
Trong 83 ca ROP hình thái nặng được nhận vào mẫu nghiên cứu, có 34,9% ca được chẩn đoán AP-ROP, 63,9% ca ở vùng 1, giai đoạn 3 là hình thái rất nặng của bệnh lý ROP và có khả năng chuyển sang bong võng mạc rất nhanh.
Những trẻ này cũng rất ít đáp ứng với điều trị bằng laser, nếu có đáp ứng thì tiên lượng về mặt thị lực cũng rất thấp, đi kèm hạn chế thị trường, cận thị với độ rất cao,...
Vì vậy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã lựa chọn phương pháp tiêm Anti-VEGF nội nhãn điều trị cho các bé thay vì sử dụng laser quang đông (tạo sẹo bỏng trên võng mạc).
Ngoài ra, có 1 ca với 2 mắt đồng tử không dãn, do quá nhiều tân mạch tại mống mắt. Khi các bác sĩ quan sát rất kĩ qua đồng tử nhỏ thì chỉ thấy mạch máu cực sau dãn to, ngoằn ngoèo, không thể quan sát ra đến gờ tổn thương. Đối với trường hợp này, Bệnh viện Nhi đồng 1 không thể xếp loại cụ thể vùng và giai đoạn của bệnh lý. Đây cũng là một chỉ định của tiêm nội nhãn, bởi vì với mức độ dãn kém của đồng tử như vậy, việc chiếu tia laser khu vực tổn thương là không khả thi.
Kết quả nghiên cứu tốt và an toàn cho trẻ
Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết hình thái ROP nặng thường gặp ở trẻ nam hơn nữ (55,4 % so với 44,6%), trẻ có cân nặng < 1500 gram và tuổi thai < 32 tuần, mắc bệnh viêm phổi.
Điều trị Anti VEGF cho những bệnh ROP nặng, bước đầu cho kết quả khả quan. Xếp loại vùng 1 thay đổi từ 98,8% còn 1,2% sau điều trị, ROP giai đoạn 3 từ 63,9% và AP-ROP 34,9% chuyển sang giai đoạn 0: 75,3%, giai đoạn 1: 6,0%, giai đoạn 2: 9,1%, giai đoạn 3 1,2% và AP-ROP là 0% sau điều trị.
Thể AP-ROP là thể nặng, khó lường so với các phân loại khác của ROP, có thể vẫn chuyển sang giai đoạn 4 sau tiêm Anti-VEGF. Tuy nhiên, tỉ lệ không nhiều, có thể can thiệp được bằng phương pháp phẫu thuật cắt dịch kính.
Bệnh viện ghi nhận có 2 mắt (1,2%) có biến chứng xuất huyết dưới kết mạc sau tiêm nhưng nhẹ, tự khỏi và chưa ghi nhận các biến chứng nhiễm trùng tại chỗ hay biến chứng toàn thân gây ảnh hưởng sự sống của bé.
Về vấn đề biến chứng toàn thân và tại chỗ, trước xuất viện, các bệnh nhi này sẽ được kiểm tra lại tình trạng đông máu, siêu âm tim- não để phần nào xác định mức độ ổn định về mặt tổng trạng và được hướng dẫn quay lại phòng khám mắt để kiểm tra mắt theo lịch hẹn của bác sĩ mắt.
Những thay đổi bất thường của các bệnh nhi từ lúc tiêm cho đến những lần tái khám vẫn được ghi nhận, theo dõi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa phát hiện có yếu tố nào khác biệt cần chú ý giữa các bé tiêm Anti-VEGF và các bé ROP khác.
Trong quá trình thực hiện, vấn đề vô trùng luôn được tuân thủ nghiêm ngặc. Thuốc sử dụng cho bệnh nhân do bác sĩ mắt phân liều trực tiếp tại phòng mổ, ngay trước khi tiêm cho bệnh nhân và huỷ trong vòng 8 giờ sau đó.
Với kết quả nghiên cứu tốt và an toàn, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã áp dụng phương pháp điều trị tiên tiến này cho nhiều trẻ khác.
Từ tháng 01/2019 đến tháng 5/2020, 399 bệnh nhi sanh non mắc bệnh ROP đã được điều trị bằng phương pháp này. Tất cả đều cho thấy hiệu quả và an toàn, giúp đem lại cuộc sống chất lượng, tránh mù loà/giảm thị lực cho gần 400 trẻ.
Chuyển giao kỹ thuật vì ánh sáng cho trẻ bệnh ROP
Bệnh viện Nhi Đồng 1 là trung tâm duy nhất ở các tỉnh phía Nam tiếp nhận và điều trị bệnh ROP cho trẻ sanh non. Cùng với quang đông, tiêm nội nhãn chất ức chế VEGF là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay, lần đầu được áp dụng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Hiện nay, Bệnh viện đang lên kế hoạch chuyển giao kỹ thuật này cho các tỉnh ở khu vực phía Nam để cứu chữa cho nhiều trẻ khác.
Chi phí điều trị cho một bệnh nhi ROP với tiêm nội nhãn avastin là khoảng 200 USD, rẻ hơn nhiều so với các nước trên thế giới, chẳng hạn như ở Ấn độ chi phí này là 4100 USD.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, điều quan trọng nhất là phương pháp này mỗi năm đã đem lại ánh sáng và chất lượng cuộc sống cho hàng trăm, hàng ngàn trẻ sanh non không may mắc bệnh ROP, góp nhần làm giảm gánh nặng về tinh thần và kinh tế cho gia đình và xã hội.
Phương pháp điều trị bệnh lý võng mạc do sanh non (ROP) bằng tiêm nội nhãn thuốc ức chế VEGF nhận được sự đóng góp của đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1, gồm ThS.BS Đào Trung Hiếu, BS Trần Châu Thái, BSCK1 Nguyễn Trương Tường Duy, ThS.BSCK2 Nguyễn Kiến Mậu, BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc Anh, BSCK2 Hồ Thị Mỹ Huệ, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, ThS.BSCK2 Nguyễn Thị Minh Thư, BSCK1 Ngô Thị Ngọc Thúy và CN. Đỗ Thị Thu Thảo và TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn.