Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N3053: Cha đẻ của "ATM gạo" và 5 dự án sáng tạo xã hội của học sinh được khen ngợi trên VOH

See this content in the original post

Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, anh Hoàng Tuấn Anh - “cha đẻ” của “ATM gạo”, lại tiếp tục chế tạo ra “ATM khẩu trang” miễn phí phát cho người nghèo, hay 5 dự án của học sinh được triển khai trên thực tế nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam là những điểm sáng trong các dự án sáng tạo xã hội của TP.

1.Mong 'ATM gạo' trở thành 'di sản' của người Việt 

Đã có hơn 100 máy ATM gạo được anh Tuấn Anh gửi đến các tỉnh, thành trên cả nước để hỗ trợ phát gạo đến người khó khăn, ước tính trao tặng hơn 3.000 tấn gạo với khoảng 1 triệu lượt người nhận.

Song song đó là các máy ATM gạo của các đơn vị khác cũng ra đời với cùng mục đích lan tỏa mô hình ATM gạo miễn phí này. Thông qua Bộ ngoại giao, tác giả “ATM Gạo” Hoàng Tuấn Anh còn mong muốn chuyển tặng máy ATM Gạo đến các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Đằng sau hai sáng chế này còn là tâm nguyện của một người con mong muốn được sống xứng đáng với những gì mà cha mẹ đã cho anh, đó là sự chia sẻ, sự lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người.

VOH trao đổi với anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh (PHG Lock) chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần đổi mới sáng tạo vì cộng đồng không ngừng nghỉ của anh.

Anh Hoàng Tuấn Anh (áo đen) hướng dẫn bà con đến nhận khẩu trang tại máy ATM Khẩu trang.

*VOH: Ở giai đoạn đầu dịch Covid-19 anh là tác giả máy ATM nhả gạo miễn phí và ở thời điểm này là ATM nhả khẩu trang miễn phí phục vụ cho người dân có nhu cầu, anh chia sẻ nguyên nhân?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Tùy theo tình hình thực tế nhu cầu của xã hội. Thời điểm cách ly xã hội có nhiều người mất việc đột xuất, nên mình muốn có máy ATM phát gạo miễn phí để đảm bảo căn bản nhu cầu lương thực cho họ.

Còn thời điểm này, Nhà nước đưa ra chính sách vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thật sự thời điểm này mọi người vẫn đi làm bình thường, chỉ có điều sẽ khó khăn hơn, nguy hiểm hơn nếu như họ không được phòng dịch tốt.

Thời điểm này họ phải làm việc vất vả hơn lúc bình thường rồi, hàng ngày mưu sinh việc ăn, ở đã quá mệt mỏi, nên mình nghĩ chuyện phát khẩu trang để cho họ có một công cụ bảo vệ họ phòng chống dịch tốt hơn. Đó là ý nghĩa của ATM gạo, ATM khẩu trang.

*VOH: Việc sáng chế ATM gạo, ATM khẩu trang miễn phí, góp phần trong công tác phòng dịch Covid-19, theo anh có phải là trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Mình suy nghĩ đơn giản, mỗi doanh nghiệp có thế mạnh khác nhau. Doanh nghiệp mình đang làm về kỹ thuật, sáng tạo nên mình cũng sử dụng những sản phẩm, kỹ thuật của mình để áp dụng sao để giải quyết bài toán của xã hội.

10 năm trước khi mình làm về khóa điện tử, mình cũng muốn giải quyết bài toán xã hội: hàng ngày khi người ta đi làm người ta phải lo tìm bóp, chìa khóa, điện thoại….Bây giờ, mình muốn giúp mọi người đỡ mất thời gian trong việc tìm chìa khóa, mình làm khóa điện tử dùng mã số vân tay để mở cửa. Đó là mình giải quyết bài toán xã hội đang trăn trở.

Còn với ATM gạo, ATM khẩu trang thật ra mình không có đóng góp khía cạnh kinh tế nhiều. Tuy nhiên, mình sử dụng những thế mạnh của mình về sản phẩm kỹ thuật để áp dụng và giải bài toán xã hội, đó là có nhiều mạnh thường quân muốn đóng góp, nhưng họ cũng sợ vấn đề không đảm bảo về giãn cách xã hội, khả năng lây nhiễm… thì mình giải quyết bài toán đó để giúp họ làm từ thiện được dễ dàng hơn. Còn những người nhận gạo họ cũng nhận được dễ dàng hơn.

*VOH: Ban đầu, đội ngũ kỹ thuật đã mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành máy ATM?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Khi mình hay tin thành phố yêu cầu mọi người dân đeo khẩu trang thì mình thấy đây là chính sách đúng đắn. Là một doanh nghiệp, mình cũng mong muốn đóng góp gì đó để chính sách đó được thực hiện tốt hơn.

Mình đã yêu cầu và cùng đội ngũ lắp đặt trong vòng buổi chiều. Buổi trưa chúng tôi họp, đến 5 giờ chiều thì đã ra được sản phẩm demo và đã vận hành được.

*VOH: ATM gạo miễn phí hiện nay cũng đã được lan tỏa, nhân rộng ở nhiều địa phương trên cả nước, điều này mang lại cho anh cảm xúc gì?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Với ATM nhả gạo, ban đầu mình suy nghĩ đó là sản phẩm từ thiện. Ngay từ đầu ra mắt, mình cũng đưa những nguyên lý vận hành của máy này, vì vậy có cả chục, cả trăm công ty dựa trên nguyên lý này để tạo nên nhiều ATM gạo khác, đã tạo được nhiều điểm phát gạo miễn phí.

Với máy ATM khẩu trang mình cũng làm như vậy. Mình chỉ nghĩ đơn giản, đây là một sản phẩm do bên mình làm ra nhưng mang tính chất từ thiện nên không đặt nặng vấn đề kinh tế hay gì khác trên sản phẩm. ATM gạo đã trở thành một “di sản” của người Việt mình rồi, chứ không chỉ riêng bản thân cá nhân mình.

ATM – bản thân nó chỉ là một cái máy, nhờ lòng trắc ẩn của mạnh thường quân bỏ gạo vào thì máy mới được hoạt động hết công suất và lan tỏa được nhiều tỉnh thành như vậy. Công sức của mạnh thường quân là chính, mình chỉ như chất xúc tác để giúp nó chạy tốt hơn thôi.

*VOH: Sự đóng góp của mạnh thường quân mới làm nên giá trị của ATM gạo, tuy nhiên vai trò của người sáng tạo ATM như một cầu nối là rất quan trọng. Quay trở lại hai máy ATM gạo và ATM khẩu trang, còn câu chuyện nào đằng sau những hành động cho đi này hay không?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Thật sự trong cuộc sống này, mình đã nhận rất nhiều, nhất là từ ba mẹ mình. Ba mẹ bao nhiêu năm từ bàn tay trắng cho 3 đứa con đi du học. Mình nghĩ mình nhận được từ ba mẹ rất nhiều thứ, cho nên mình suy nghĩ phải làm gì đó. Vừa rồi, khi mình làm ATM gạo – cũng là giỗ đầu của mẹ mình, nên mình cũng muốn làm một cái gì đó để tưởng nhớ đến bà, mình nhận từ bà nhiều thứ từ tình yêu thương, sự chia sẻ….Mình muốn chia sẻ điều đó cho xã hội.

*VOH: Từ ATM gạo cho đến ATM khẩu trang, kỳ vọng lớn nhất của anh là gì?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Mình mong với ATM gạo, ATM khẩu trang này, có thể góp sức cùng đất nước mình sẽ vượt qua đợt dịch lần thứ 2 này. Mọi người vẫn phát triển kinh tế tốt, bảo vệ bản thân gia đình và người xung quanh.

*VOH: Cám ơn anh!

Link tham khảo: https://voh.com.vn/cong-nghe/mong-atm-gao-tro-thanh-di-san-cua-nguoi-viet-374353.html?fbclid=IwAR3QLjA3wMhNXC6mbsc5k0zXYLflBber7tNpfeXplFOyzHwqatPMXUvofD4

Ngày xuất bản: 14/8/2020

2. 5 dự án sáng tạo xã hội của học sinh được triển khai thực tế

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Saigon Innovation Hub phối hợp với Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam và Học viện sáng tạo Arkki tổ chức tổng kết và báo cáo dự án cho Top 05 nhóm học sinh xuất sắc trong chương trình sáng tạo xã hội FutureU. 

Đây là chương trình sáng tạo xã hội cho học sinh 12 - 18 tuổi, để bạn trẻ có cơ hội được đề xuất và triển khai giải pháp cho các thách thức đang tồn tại trong cộng đồng, theo 5 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs). Mục tiêu giáo dục của chương trình nuôi dưỡng và phát triển hiểu biết xã hội, tư duy sáng tạo và các kỹ năng cần thiết của thế kỉ 21 ở học sinh, thông qua làm việc thực tế, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Kể từ tháng 12 năm 2019, 40 đội từ 4 thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai đã đăng ký tham gia chương trình và trải qua một chuỗi hoạt động: đi thực tế và phỏng vấn người dùng, làm việc với cố vấn, thuyết trình giải pháp, bình chọn trực tuyến, gọi vốn cộng đồng và triển khai dự án.

Sau khi gọi vốn thành công với tổng số tiền 6.500 đô la Mỹ, 5 nhóm học sinh được chọn để triển khai, thử nghiệm, hoàn chỉnh các dự án với người dùng và thị trường tiềm năng từ tháng 5/2020 đến tháng 7/2020. 

Các dự án sáng tạo xã hội được lựa chọn.

Trong quá trình triển khai dự án, nhóm đã được các chuyên gia về đổi mới sáng tạo trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cố vấn và hướng dẫn sát sao, không chỉ khuyến khích tinh thần “thử - sai” liên tục, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo mà còn thúc đẩy phát triển kỹ năng xây dựng và quản lý dự án. 

Các nhóm đã ứng dụng tư duy thiết kế vào các vòng làm việc để nắm bắt vấn đề về người dùng, phát triển sản phẩm và tối ưu trải nghiệm người dùng, phát triển mô hình kinh doanh và kêu gọi đầu tư dự án. Từ đó, có những thay đổi chiến lược cho dự án khi xác định lại vấn đề thực sự của người dùng và đưa ra ý tưởng giải quyết các nhu cầu thực tế đó. Đây cũng là phương pháp mà các tập đoàn lớn và các công ty khởi nghiệp đang ứng dụng trên toàn cầu để phát triển các sản phẩm đáp ứng được đúng nhu cầu thị trường và xây dựng mô hình bền vững cho doanh nghiệp của mình. 

Bên cạnh đó, dưới áp lực của môi trường làm việc thực tế, đa số các nhóm được trải nghiệm và nhận ra rằng thử thách lớn nhất chính là làm sao để tự kỷ luật cá nhân, hợp tác làm việc nhóm, tìm cách giải quyết mâu thuẫn và tìm tiếng nói – cách làm chung, để làm việc hiệu quả. 

Đây chính là những bài học thực tế quý giá nhất về kỹ năng giải quyết vấn đề linh hoạt, kỹ năng làm việc thực tế, kỹ năng học tập suốt đời làm nền tảng cho các bạn áp dụng ngay vào quá trình học tập và làm việc hiện tại, sẵn sàng cho một tương lai đang ngày càng trở nên bất định.

Top 5 dự án sẽ được tham dự và trình bày sản phẩm phiên bản cập nhật hơn của dự án tại Techfest – Sự kiện Triển lãm và Hội nghị khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam diễn ra thường niên và sẽ trở lại tháng 11 này. 

Danh sách Top 5 dự án gồm POP – Dự án “Nhật ký anh hùng Trái Đất”, Ori biết tuốt – Dự án Ứng dụng trò chơi về Giáo dục giới tính , Kokoro – Dự án hỗ trợ học sinh có các vấn đề về sức khỏe tâm lý CEP (Children Education Psychology) là dự án tăng cường tương tác và giao tiếp giữa Ba Mẹ và con cái, Bookluver – Dự án xây dựng xây dựng thói quen đọc sách thông qua website trao đổi sách. 

Ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam -  Giám khảo Danh dự của chương trình bày tỏ: “Tôi muốn khích lệ những gì mà Học viện sáng tạo Arkki và các đối tác đang tiến hành trong chương trình này và bày tỏ sự ngưỡng mộ với 5 dự án đã lọt vào vòng triển khai. Ngày hôm nay, dự án của các bạn đều có những ảnh hưởng nhất định tới chính trị, xã hội tại Việt Nam. Với tôi, câu hỏi quan trọng là làm thế nào để hướng sự chú ý và thu hút sự quan tâm để giải quyết các nhu cầu, vấn đề mà cộng đồng đề xuất. Trên hết, với các bạn trẻ, những người đang trực tiếp triển khai dự án này, chúng ta cần trao quyền, trao cho các bạn sự tự tin cũng như các công cụ cần thiết để có thể thành công trong dự án của mình và tạo ảnh hưởng cho cộng đồng. Tôi rất vinh dự và vui mừng khi được tham gia và chứng kiến sự trưởng thành của các dự án này".

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub chia sẻ: “Các sản phẩm và bài thuyết trình của các em cho chúng ta thấy các em sẽ học được nhiều như thế nào khi được tin tưởng, khuyến khích và cung cấp các công cụ và nguồn lực để tham gia quyết các vấn đề thực tế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều quan trọng của chương trình ở sự thay đổi về tư duy, nhận thức và phát triển về kỹ năng của các em khi được tiếp cận với giáo dục khởi nghiệp và sáng tạo ngay từ khi còn học cấp 2 và cấp 3. Đây cũng là xu hướng chung của giáo dục thế giới, nhằm chuẩn bị hành trang kỹ năng thế kỷ 21 cho các em bước vào tương lai bất định và chuẩn bị nguồn nhân lực bền vững cho nền kinh tế sáng tạo của đất nước.”

Sau khi tham dự FutureU, các nhóm có thể tiếp tục phát triển dự án và kết nối với các đối tác để chuyển giao dự án cho cộng đồng cùng thực hiện. Bên cạnh đó các nhóm tiềm năng sẽ được kết nối tiếp tục tham gia vào cácchương trình ươm tạo quốc tế hay học bổng sáng tạo của: UNICEF, UNDP, UNESCO, NFTE và Conrad Foundation để tiếp tục phát triển bản thân và nhân rộng dự án ở quy mô quốc tế.

Link tham khảo: https://voh.com.vn/giao-duc/5-du-an-sang-tao-xa-hoi-cua-hoc-sinh-duoc-trien-khai-thuc-te-372414.html

Ngày xuất bản: 27/7/2020

Thông tin

See this content in the original post

Đơn vị tài trợ

See this content in the original post