Mã số N3042: Chuỗi bài "Mưu sinh thời “không bình thường”" trên chuyên mục Thời sự của báo Đầu tư Online
Covid-19 ập đến như sóng thần. Cả thế giới bị đại dịch “khóa tay, khóa chân”. Các nền kinh tế đóng biên. Làn sóng thất nghiệp lan rộng. Hàng trăm triệu người mất việc. Khi cuộc sống ở thành thị trở nên “nghẹt thở” vì Covid-19.
Chuỗi bài Mưu sinh thời “không bình thường” trên chuyên mục Thời sự của báo Đầu tư Online khắc họa bức tranh mưu sinh chật vật của người dân nơi thành thị, các doanh nghiệp, start up giữa “thời covid-19” đầy khó khăn. Nhưng họ không cam chịu buông tay, phó mặc số phận. Cuộc chiến tìm phao cứu sinh vẫn tiếp diễn.
Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 1: Xoay vần trong dịch
Đằng sau những cánh cửa đóng chặt vì Covid-19 là bài tính cơm, áo, gạo, tiền của hàng triệu gia đình. Họ đang cố gắng vùng vẫy chờ ngày bình minh ló rạng.
Định, Linh, Hùng chỉ là 3 trong số hàng triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Những con số về người thất nghiệp, thiếu việc làm, xin trợ cấp ngày càng nối dài, tại nhiều địa phương trên cả nước. Họ tới từ nhiều ngành nghề, như nhà hàng, khách sạn, điện tử, may mặc, giáo dục…
“Người ảnh hưởng thì rất nhiều; thất nghiệp thật sự thì không nhiều, nhưng suy thoái kinh tế là chắc chắn”, ông Nguyễn Văn Cường, nghệ nhân nấu bia thủ công trên phố cổ Hà Nội cho biết. Lý do vì ở Việt Nam, ai cũng có vài nghề để sống.
“Trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, thì mỗi người phải tự cứu mình trước”, ông Cường nói.
Theo ông, trong bối cảnh này, người lao động sẽ có hai xu hướng. Thứ nhất, việc gì cũng làm, ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… và kinh doanh giá rẻ, vỉa hè, di động sẽ lên ngôi. Thứ hai, văn hóa sản xuất, kinh doanh tại gia, tự cung, tự cấp sẽ được đa số dân chúng cổ vũ; sản phẩm gồm đủ loại, từ các loại bánh, mứt, thịt kho, ruốc đến các loại đồ uống, thức ăn, nước trái cây…
“Tôi tin, sau những lớp mây dày, sẽ có những tia nắng nhẹ nhàng vén mây trải xuống mặt đất, quét sạch tàn dư của bóng đêm”, ông Cường tin tưởng.
Link: https://baodautu.vn/muu-sinh-thoi-khong-binh-thuong---bai-1-xoay-van-trong-dich-d126749.html
Ngày xuất bản: 1/8/2020
Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 2: Bám trụ thị thành
Khi cuộc sống ở thành thị trở nên “nghẹt thở” vì Covid-19, những tưởng, nhiều người sẽ buông tay, khuất phục số phận nghiệt ngã. Nhưng, họ càng kiên cường bám trụ đường phố, bám trụ từng mét vuông vỉa hè, mong chờ cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những câu chuyện về việc cả gia đình, anh em kéo nhau ra thành phố, bám vỉa hè kiếm sống không hiếm ở Hà Nội, nhất là khi Covid-19 khiến “đội quân” thất nghiệp ngày càng gia tăng. Không ít gia đình gốc gác ở Hà Nội cũng đang sống nhờ kinh doanh, buôn bán vỉa hè.
Đại gia đình chị Trương Hồng Nga, ở khu tập thể 101 - Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình, Hà Nội) nổi tiếng mấy chục năm nay với thương hiệu Xôi chè Ký Gia. Chỉ với một chiếc xe đẩy, vài chục cái ghế và dăm cái bàn nhựa, vài cái ô che nắng mưa, hàng chè có thể mang về cho gia đình chị Nga vài chục triệu đồng/tháng. Có ngày nóng cao điểm, chị bán hết veo 200 - 300 cốc chè, mỗi cốc 15.000 - 30.000 đồng. Đó là lý do chị không thuê cửa hàng cố định, không bán hàng trên mạng, mà chỉ bám vào vỉa hè mấy chục năm nay.
“Nhà tôi thích bán kiểu này, tự do, chủ động, không phải thuê người giúp. Tôi trả lương cho người nhà cao hơn thuê ngoài. Mỗi người 7 - 10 triệu đồng/tháng”, chị Nga chia sẻ.
Covid-19 cũng khiến chị Nga phải dừng bán hàng một thời gian trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhưng sau đó, hàng chè vỉa hè lại có thể tiếp tục hoạt động, chị không phải chịu áp lực về chi phí cửa hàng so với những người phải thuê để kinh doanh.
Không mất chi phí thuê mặt bằng, không cần nhiều vốn, nên những gánh xôi, bún riêu, xe đẩy cà phê rong… xuất hiện ngày càng nhiều trên vỉa hè tại các đô thị lớn theo những khung giờ cố định trong ngày. Giữa “thời Covid” đầy khó khăn, bức tranh kinh doanh vỉa hè dường như lại càng sôi động, bởi ở đó là cuộc sống, là hy vọng vào ngày mai của biết bao người.
Link: https://baodautu.vn/muu-sinh-thoi-khong-binh-thuong---bai-2-bam-tru-thi-thanh-d126909.html
Ngày xuất bản: 4/8/2020
Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 3: Doanh nhân không khóc
Doanh nghiệp - nơi tạo ra triệu triệu việc làm cũng là nơi hứng chịu hậu quả thảm khốc từ Covid-19. Cũng như triệu người đang xoay vần, bám trụ thị thành, những người chủ doanh nghiệp đã có ngàn cách để né đòn. Họ rắn rỏi và… không rơi lệ, bởi sau lưng họ, là cuộc sống, là gia đình của những người lao động.
Rất ngán khi dịch quay lại là tâm lý chung của giới kinh doanh. Đặc biệt, những doanh nghiệp kinh doanh nằm trong top những ngành bị ăn “cú đấm” mạnh nhất từ đại dịch, như dịch vụ, du lịch, khách sạn, ăn uống, giao thông, vận chuyển hành khách, rồi đến các ngành công nghiệp chế tạo, gia công và sản xuất.
Nhưng với kinh nghiệm đã trải qua đợt giãn cách xã hội lần trước, họ đã kịp thời có những giải pháp không theo quy luật bình thường, nhanh tay nắm lấy những cơ hội tồn tại, thậm chí là phát triển trên sự thay đổi bất ngờ ấy để sẵn sàng bước vào cuộc chiến sinh tồn mới.
Các ông chủ với cái đầu có “sỏi” trên thương trường đã xoay vần từ giải pháp ngắn hạn đến những chiến lược dài hơi. Đó là bước chuyển về hình thức, còn bước chuyển về bên trong tư duy mới là điều cần nhất lúc này.
Để làm được điều đó, họ phải quản trị, điều hành và kiểm soát thật tốt để có sức đề kháng, không bị “đột quỵ”.
Cuộc chiến với đại dịch này thực sự gian nan, nên chưa thể mong có thay đổi lớn lao trong thời gian ngắn nếu mỗi cá nhân không hành động, mà chỉ mong ước hay than phiền.
“Lúc này, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp, doanh nhân là phải cùng nhau hợp lực, tìm quyết sách đột phá trên cơ sở đồng cảm và chia sẻ với nhau”, ông Thành nhắn nhủ cộng đồng doanh nghiệp.
Link: https://baodautu.vn/muu-sinh-thoi-khong-binh-thuong---bai-3-doanh-nhan-khong-khoc-d127071.html
Ngày xuất bản: 06/8/2020
Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 4: Khởi nghiệp “ngược bão”
Covid-19 tái phát khiến các start-up chìm vào giấc mộng trả vay, bài toán sinh tồn, làm sao để sống sót qua đại dịch. Song, từ trong bão giông, vẫn có những “bàn chân” lặng lẽ kiếm tìm lối đi mới để thay đổi cục diện, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, dẫu còn gian nan.
Giới khởi nghiệp đang phải trải qua một trong những thời điểm khó khăn nhất, mà ở đó “nhà giàu” cũng như “nhà nghèo”. Nhưng, những thách thức về hậu cần, thiếu hụt tài chính, giảm hoạt động kinh doanh, gián đoạn chuỗi cung ứng, hàng loạt sự kiện bị hủy… mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
“Con thiên nga đen của năm 2020” là cụm từ mà giới khởi nghiệp khắp nơi trên thế giới dùng để ám chỉ một sự kiện khó lường và hiếm gặp có thể gây hậu quả nghiêm trọng như Covid-19. Mặc dù vậy, nhà đầu tư luôn kỳ vọng, các start-up có thể thích nghi bất kể mọi thách thức phát sinh.
Trên thực tế, đã có rất nhiều start-up tên tuổi được thành lập từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 và vẫn đang duy trì kinh doanh tốt ngay trong đại dịch này, điển hình là Uber, Whatsapp, Pinterest, Instagram. Vậy nên, không có lý do gì để hoài nghi những start-up non trẻ tìm thấy hướng đi, thậm chí là bứt phá để vươn lên dẫn đầu.
Sau mỗi cuộc khủng hoảng, hành vi tiêu dùng của khách hàng sẽ thay đổi. Với mô hình nhỏ, start-up có khả năng linh hoạt thích ứng và nắm bắt cơ hội. Điều họ cần nhất lúc này là duy trì sức bền, sự dẻo dai và khả năng thích nghi.
Trên con đường khởi nghiệp đầy chông chênh này, không phải ai cũng dễ bước đi. Nhưng, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam hoàn toàn có thể nhìn thấy ánh sáng cuối con đường: là bản lĩnh, là máu lửa, là biết đứng lên sau những cú sốc một cách khác người.
Link: https://baodautu.vn/muu-sinh-thoi-khong-binh-thuong---bai-4-khoi-nghiep-nguoc-bao-d127229.html
Ngày xuất bản: 08/08/2020
Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 5: Không để ai bị bỏ lại phía sau
Không ai muốn ở lại phía sau, và sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau. Chính phủ, từng doanh nghiệp, từng người dân đều rất nỗ lực vì điều này.
Trong bối cảnh ấy, “cỗ xe tam mã” chỉ trông chờ nhiều nhất vào thúc đẩy đầu tư công. Đây là giải pháp trong tầm tay, bởi tiền có sẵn, chỉ cần đưa vào “tiêu”. Vấn đề là, phải làm sao “tiêu” hết 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay, bởi giải ngân hết số vốn này, tăng trưởng kinh tế sẽ tăng thêm được 0,4 điểm phần trăm, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần đề cập.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã từng nhấn mạnh: “Giải ngân vốn đầu tư công chính là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm”.
Ngay trong tháng 7 vừa qua, Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã tức tốc tổ chức các đoàn công tác xuống từng địa phương, từng dự án để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội.
Không chỉ giải quyết các vấn đề trong ngắn hạn, việc Chính phủ yêu cầu nhanh chóng triển khai xây dựng một loạt dự án trọng điểm, như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành…, theo Thạc sỹ Vũ Ngọc Bảo (Đại học Fulbright Việt Nam), còn là bước chuẩn bị quan trọng cho giai đoạn phát triển về sau.
Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh bình luận, thúc đẩy đầu tư công trong lúc này là giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán tăng trưởng của nền kinh tế và thu nhập, việc làm của người dân. Chỉ khi người dân có việc làm, có thu nhập, thì mới có thể tính đến chuyện “kích cầu” để thúc tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ câu chuyện của Trung Quốc, chuyên gia Cao Viết Sinh cũng nhận định, không phải ngẫu nhiên mà trong quá trình tái thiết hậu Covid-19, đất nước này cũng tập trung phát triển hạ tầng, bơm vốn cho các ngân hàng, đẩy mạnh khởi nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước mở rộng quy mô tuyển dụng. Thậm chí, Thủ tướng Trung Quốc còn khẳng định, điều quan trọng nhất trong năm nay không phải là tăng trưởng, mà là ổn định việc làm, sinh kế cho người dân…
Còn tại Việt Nam, những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang tạo cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp niềm tin rằng mình sẽ không bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển của đất nước. Trong đó, điều mang ý nghĩa nhân văn là, nhóm dễ bị tổn thương nhất - những người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ - sẽ cảm nhận được phép màu cộng sinh, để có thêm động lực hướng đến ngày mai tươi sáng.
Ngày xuất bản: 11/8/2020