Mã số N3033: Chuyện chưa kể về Giám đốc điều hành công ty tỷ đô trẻ nhất Việt Nam
Nắm giữ vị trí Tổng giám đốc CTCP Thế giới di động ở tuổi 34, Đoàn Văn Hiểu Em trở thành giám đốc điều hành công ty tỷ đô trẻ nhất ở Việt Nam.
Vị trí CEO dành cho ông Đoàn Văn Hiểu Em không chỉ thể hiện sự kỳ vọng vào thế hệ 8X có thể chèo lái Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) chinh phục mục tiêu 8 tỷ USD mà còn là một bước quan trọng của MWG trong lộ trình tăng quy mô để trở thành nhà bán lẻ đa ngành.
Người được chọn
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, sinh năm 1984, tốt nghiệp Đại học Tài chính – Marketing TP. HCM chuyên ngành Tài chính – Kế Toán .
Gia nhập MWG từ tháng 3/2007, CEO Đoàn Văn Hiểu Em đã trải qua với những vị trí khác nhau, bắt đầu từ phòng tài chính kế toán, trưởng ngành hàng, Giám đốc ngành hàng điện thoại và sau đó là Giám đốc ngành hàng Điện tử - Viễn thông – vị trí mà ôngnắm giữ trước khi được bổ nhiệm lên Tổng Giám đốc. Nền tảng kiến thức được đào tạo trong lĩnh vực tài chính cộng với sự am hiểu các ngành hàng kinh doanh lớn và khả năng hợp tác, phối hợp nhịp nhàng với khối siêu thị đã giúp cho CEO Đoàn Văn Hiểu Em được Hội đồng quản trị tin cậy và giao trọng trách lớn này.
Tháng 9/2018, ông Đoàn Văn Hiểu Em được bổ nhiệm vào vị trí CEO của công ty con của MWG là Công ty cổ phần Thế Giới Di Động. Tháng 4/2019, ông được bổ nhiệm là thành viên HĐQT của MWG nhiệm kỳ 2019-2020.
“Việc đảm nhận một trọng trách mới đương nhiên kèm theo những áp lực, phải cam kết những điều lớn hơn bản thân, tuy nhiên tôi cảm thấy rõ đây cũng là cơ hội lớn của mình. Tôi tự đặt mục tiêu cho chính mình sẽ chinh phục mục tiêu 8 tỷ USD cho 2 chuỗi thegioididong.com và Điện máy Xanh trước 2022”, CEO Đoàn Văn Hiểu Em bày tỏ.
Việc bổ nhiệm một Tổng Giám đốc trẻ thế hệ 8X đứng đầu một công ty bán lẻ có doanh thu nhiều tỷ USD thể hiện hai điểm rất đặc trưng ở MWG.
Đầu tiên là việc luôn lựa chọn những người có năng lực và thấm nhuần văn hóa của MWG để đưa lên nắm giữ những vị trí chủ chốt.
Thứ hai là việc tin và tạo điều kiện cho những người trẻ, kinh qua nhiều vị trí để họ hoàn thiện kỹ năng, năng lực trở thành những nhà lãnh đạo của MWG. Ở công ty có rất nhiều người trẻ, họ chính là những nhân tố giúp công ty luôn trở nên năng động và nhạy bén trong một ngành bán lẻ không ngừng thay đổi.
Thành công nhờ hiểu văn hóa làm việc
Ông Hiểu Em chia sẻ, ở Thế Giới Di Động có một điểm rất đặc trưng là các vị trí chủ chốt của công ty đa phần đi lên từ nội bộ và đó phải là một quá trình thử sức lâu dài. Đặc biệt, sống với nghề bán lẻ này nên đòi hỏi sự cần mẫn chi tiết, chi tiết đến từng công việc nhỏ nhất, không đi mây về gió được.
"Bán lẻ cần những con người hiểu việc, hiểu khách hàng, hiểu quy trình, đam mê và chi tiết đến từng công việc. Mình là người gắn bó Thế Giới Di Động từ ngày đầu tiên, trải qua rất nhiều công việc khác nhau, mỗi công việc như vậy mình luôn "say yes" và hoàn thành một cách tốt nhất.
Thời điểm trước đây cũng có vài trường hợp tuyển dụng người ở bên ngoài vào để đảm nhiệm các vị trí cao nhưng một thời gian thì họ không gắn kết được, phần lớn là do chênh lệch về văn hóa làm việc", ông Hiểu em cho biết.
Khi nhận chức CEO, trong bộ máy điều hành, trong HĐQT của MWG ở nhóm trẻ nhất, ông Hiểu Em đã được thừa hưởng văn hóa "giao việc là trao quyền", vì vậy tân CEO có toàn quyền quyết định để có thể điều hành công ty này sao hiệu quả nhất.
Đảm nhiệm vai trò CEO, ông Hiểu Em có nhiệm vụ dẫn dắt hai chuỗi bán lẻ có doanh thu lớn nhất hiện nay của MWG, hiện thực hóa các định hướng và kế hoạch của Hội đồng quản trị nhằm đảm bảo hai chuỗi sẽ không ngừng phát triển. Trẻ tuổi, nhiệt huyết và đầy quyết tâm, CEO Hiểu Em được đánh giá sẽ mang đến một nguồn năng lượng mới viết tiếp câu chuyện đầy tự hào của Thế Giới Di Động.
Tham vọng ở thị trường điện thoại
Theo các chuyên gia đánh giá, thị trường điện thoại đã bắt đầu bão hòa, cơ hội điện máy thì cũng không còn nhiều… Nhưng trên thực tế, là người trong cuộc, vận hành công việc này CEO của Thế giới di động lại cho rằng có quá nhiều cơ hội để làm.
Ông Hiểu Em tự đặt ra cho mình câu hỏi: Hiện tại Thế Giới Di Động đạt 50% thị phần rồi thì không còn cơ hội nữa, vậy tại sao sao không phải là 60-70%? Còn đối với Điện Máy Xanh, hiện tại đang chiếm hơn 35% thị phần thì quá nhiều room để lên tới 50% giống Thế Giới Di Động hay trong tương lai hơn thế nữa.
Đối với thị trường di động, thị phần của Thế Giới Di Động đang chiếm xấp xỉ 50%, vậy 50% còn lại đang thuộc về ai? Nếu phân tích kỹ ra thì có khoảng 20% sẽ thuộc về các nhà bán lẻ khác có số lượng cửa hàng tương đối lớn; 30% còn lại là nằm ở thị trường truyền thống, tức là các cửa hàng nhỏ lẻ và đâu đó có khoảng 6.000 cửa hàng như thế này. Vì vậy trong tương lai không xa, cũng không loại trừ tụi mình sẽ mở ra các chuỗi giá rẻ để lấy luôn phân khúc còn lại của thị trường truyền thống.
Trong vòng 3 năm gần đây, doanh số của Thế Giới Di Động lần lượt là 68.000 tỷ đồng (2017); 86.000 tỷ đồng (2018); và 102.174 tỷ đồng (năm 2019). Bước nhảy cho mỗi năm tương ứng khoảng 1 tỷ USD.
"Nếu Thế Giới Di Động chỉ mãi nghĩ đến các chỉ số của thị trường thì chắc không còn động lực để phát triển nữa đâu. Thay vào đó, chúng mình dành thời gian suy nghĩ và lên kế hoạch làm gì để chiếm lấy thị phần còn lại và đạt được mục tiêu doanh số đặt ra", ông Hiểu Em cho biết.
Theo ông Hiểu Em, với cả Thế giới Di động và Điện Máy Xanh hiện tại và 3 năm tới vẫn có thể được xem là "con bò sữa" mang về doanh thu cùng lợi nhuận lớn cho MWG, để tiếp tục đầu tư cho việc mở rộng, phát triển của Bách Hoá Xanh. Bên cạnh đó, không loại trừ nhiều chuỗi khác nữa sẽ sản sinh ra trong tương lai.