Mã số N2028: Dự án nhân văn vì sức khỏe người thu gom rác của học sinh Trường THCS Tân Tạo A
Dự án “Sức khỏe người thu gom rác” do nhóm học sinh lớp 8, Trường THCS Tân Tạo A (Quận Bình Tân, TP.HCM) thực hiện nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và hạn chế các bệnh truyền nhiễm cho những người làm công việc thu gom rác.
Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chỉ tính từ năm 2017 đến nay lượng rác thải sinh hoạt đã tăng từ 7.000 tấn/ngày lên gần 10.000 tấn/ngày, rác thải công nghiệp cũng tăng từ 1.000 tấn/ngày lên 2.500 tấn/ngày, riêng rác thải xây dựng đã tăng từ 500 tấn/ngày lên 1.500 tấn/ngày,... Đó là chưa kể lượng rác thải bị đổ bỏ lén lút ra môi trường chưa kiểm soát được.
Điều này dẫn đến áp lực rất lớn cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải của thành phố, trong đó có những người thu gom rác. Để xử lý rác, những người thu gom phải làm việc cật lực, thường xuyên tiếp xúc với rác thải hôi thối, khó chịu.
Nếu làm việc trong môi trường này lâu dài, vấn đề sức khỏe bị ảnh hưởng rất trầm trọng, thậm chí phải đối mặt với bệnh tật và những hiểm nguy khác rình rập. Tuy nhiên đa số người làm công việc thu gom rác sinh hoạt không có bảo hiểm y tế, không được đảm bảo quyền lợi trong khi cuộc sống lại rất khó khăn với đồng lương ít ỏi.
“Nếu chẳng may đổ bệnh, họ phải tốn tiền chữa trị và nhiều thứ khác phải chi tiêu. Không chỉ vậy, người thu gom rác còn đối mặt với những vật sắc nhọn, kim tiêm lẫn trong rác. Chúng em nghĩ nếu họ có bảo hiểm y tế và được đảm bảo sức khỏe thì cuộc sống sẽ tốt hơn, họ sẽ an tâm để làm việc,” em Vũ Hoàng Sơn, học sinh lớp 8/12 - thành viên thực hiện dự án, chia sẻ.
Xuất phát từ thực tế đó, dự án “Sức khỏe người thu gom rác” đã ra đời. Dự án của nhóm với 3 giải pháp chính là thiết kế đồ bảo hộ (đôi găng tay) phù hợp với công việc thực tế; tạo lập quỹ và hoạt động thăm khám sức khỏe của những người thu gom rác có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời tuyên truyền tới người dân khu dân cư về phân loại rác, xử lý rác gây nguy hại tới người thu gom.
Thấy được tấm lòng của các em nhỏ, nhiều cô, chú, anh, chị làm trong lĩnh vực môi trường đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình. Mọi người tư vấn cho các em “đường đi nước bước”, chia sẻ cách để vận động nhà hảo tâm tài trợ,... Những điều đó đã tạo cho các em nhiều thuận lợi song đi cùng đó các em cũng đối mặt với không ít khó khăn.
Theo chia sẻ của nhóm dự án, để người thu gom rác có được môi trường làm việc an toàn, trước hết phải trang bị cho họ đồ bảo hộ phù hợp với công việc thực tế. Cụ thể, nhóm sẽ thiết kế găng tay vừa tiện dụng, vừa tránh được những bất cập như khô cứng, nóng hầm, bí khí, khó làm việc,...
Bên cạnh đó người làm việc thu gom cũng cần được tổ chức khám chữa bệnh hàng năm; người dân cần có ý thức trong việc phân loại rác tại nguồn nhằm tránh gây nguy hiểm cho người thu gom.
“Với những ý tưởng này, chúng em đã tạo lập quỹ khám chữa bệnh, trao tặng các thẻ bảo hiểm y tế tới người thu gom rác gặp khó khăn. Ngoài ra, dự án còn kết nối với các cá nhân, tổ chức xã hội khác trong việc gia tăng tài chính quỹ để hỗ trợ nhiều hơn cho người thu gom rác,” Thanh Trúc cho biết thêm.
Ngoài số tiền 1.000 USD được cấp cho dự án từ chương trình UPSHIFT, nhóm còn nhận thêm 7 triệu đồng từ 2 người đóng góp ẩn danh. Từ số tiền ban đầu, đến nay dự án đã gặp gỡ và mua tặng 10 thẻ bảo hiểm y tế (804.600đ/thẻ) cho 10 người thu gom rác tại Quận Bình Tân, Quận 8 và Quận Tân Phú.
Để mọi người biết đến dự án nhiều hơn cũng như tạo sự tiện lợi cho nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ, nhóm đã tạo lập fanpage “Dự án Sức khỏe người thu gom rác”, video thu hút hàng trăm lượt xem và chia sẻ. Ngoài ra nhóm cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới hơn 200 bạn học sinh về công việc của người thu gom rác, cách xử lý rác gây nguy hại và cách phân loại rác qua đó giúp các bạn có ý thức bảo vệ môi trường, có sự cảm thông và trân trọng viêc làm của những công dân thu gom rác. Ngày 1/8/2020 vừa qua, chương trình 180 độ Xanh trên kênh HTV9 của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cũng đã làm phóng sự về dự án, để lan tỏa hơn tới mọi người.
Nói về kế hoạch sắp tới của dự án, các thành viên cho biết sẽ tiếp tục nhận sự hỗ trợ, đóng góp về tài chính cho quỹ người thu gom rác cũng như nhận sự kết nối với người thu gom rác gặp khó khăn, không có thẻ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó nhóm cũng sẽ kết nối với các dự án có chung sự quan tâm về người thu gom rác, găng tay bảo hộ lao động và tìm kiếm, liên hệ với các cơ sở y tế khám, chữa bệnh miễn phí hoặc chi phí thấp để người thu gom rác được hỗ trợ một cách tốt hơn nữa.