Mã số N3022: Dịch bệnh và cơ hội thúc đẩy 'số hóa' nông nghiệp
Trong giai đoạn kinh tế suy giảm do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đã phải đi vay “tín dụng đen” để có nguồn tài chính duy trì hoạt động. Trong khi đó, có những doanh nghiệp vẫn tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu trong quí 1-2020. Điều đó có nghĩa, Covid-19 vừa tạo ra nguy cơ nhưng cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp thay đổi toàn diện.
Nhận diện cơ hội từ "số hóa" nông nghiệp
“Chuyển đổi số là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh sản xuất trong giai đoạn chống dịch bệnh, đảm bảo các sản phẩm thiết yếu cho xã hội và tăng cường xuất khẩu”, theo ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (được thành lập theo Quyết định số 1463 ngày 29-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Ông Bình, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA), tại cuộc hội nghị trực tuyến lần thứ nhất của VIDA để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp, cho biết các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đều hiểu rằng, trong khó khăn chung của đại dịch Covid-19, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế có cơ hội lớn vì đây là ngành hàng thiết yếu, quốc gia nào cũng cần.
Các thành viên VIDA phấn đấu đảm bảo các sản phẩm thiết yếu cho xã hội, nỗ lực và sẵn sàng trong việc ứng dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến (ví dụng giải pháp thương mại điện tử) nhằm vận hành linh hoạt chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong lúc khó khăn.
Tuy nhiên, muốn biến nguy thành cơ, phải nhận diện được ngành nông nghiệp đang đối diện với những khó khăn cũng rất lớn. VIDA đã tiến hành cuộc khảo sát nhanh trong ngày 23 và 24-3 với 50 doanh nghiệp quy mô nhỏ (qua hình thức gọi điện thoại và khảo sát trực tuyến các chủ doanh nghiệp), cho thấy có hơn 48 ngàn tấn sản phẩm và 10 ngàn lít (phân bón hữu cơ, hóa học) hàng hóa tồn kho, tương đương với 410 tỉ đồng. Tuy nhiên, phân nửa trong số này là tồn kho nhóm ngành gỗ. Còn hầu như các sản phẩm nông nghiệp, rau quả, gạo... lượng tồn kho đáng kể. Có nghĩa là đối với sản xuất nông nghiệp, đầu ra sản phẩm vẫn khá tốt.
Một điểm đáng lưu ý, theo ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh, người có hơn 20 năm kinh nghiệp xuất khẩu nông sản, do nhận diện sớm nguy cơ từ dịch bệnh nên ngay từ đầu năm 2020, doanh nghiệp đã tính toán chuyển hướng đến nhóm khách hàng vừa và nhỏ trên thế giới, không phụ thuộc vào một số khách hàng lớn nữa. Bên cạnh đó, từ những năm trước, Phúc Sinh đã tiến hành số hóa kênh phân phối và điều này giúp hệ thống kinh doanh của tập đoàn được vận hành nhanh, thích ứng với yêu cầu làm việc trực tuyến, không cần đến trụ sở.
“Đối tác Trung Quốc đã triển khai các biện pháp phòng dịch, cảnh báo và trao đổi với chúng tôi về cách thức phòng dịch chặt chẽ nên hoạt động xuất khẩu của chúng tôi qua thị trường này vẫn tăng trưởng 120-130% trong quí 1-2020". Người đứng đầu Tập đoàn Phúc Sinh cho rằng, để vượt được qua dịch Covid-19 thì cách thức quản trị doanh nghiệp để thích ứng với khó khăn, thách thức là vấn đề quan tâm hàng đầu. “Đây là lúc cải tổ doanh nghiệp”, ông Thông chia sẻ.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hùng Nhơn, chuyên về mảng chế biến nông nghiệp (thịt heo) cho biết, nhân sự của công ty khoảng 1.400 người vẫn nhận đủ lương, thưởng, đi làm theo đúng quy chế về biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hiện công ty vẫn làm việc 100% năng suất và sản lượng tại trang trại 100 héc ta. Mỗi ngày bán ra 100 tấn hàng, tiêu thụ 1 triệu quả trứng mỗi tháng. Để bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong mùa dịch, công ty có chế độ thưởng theo KPI (hiệu quả công việc) cho công nhân bằng tiền, song song với hoạt động tái cấu trúc một số bộ phận.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods, e ngại nhất về vấn đề vốn lưu động khi các ngân hàng thắt chặt hầu bao và không giãn nợ. Ông Hùng cho biết, đã có doanh nghiệp đi vay với mức lãi suất cắt cổ từ các kênh tín dụng đen: cứ 1 triệuđồng thì lãi suất là 3.000 đồng đến 5.000 đồng/ngày, tương đương với mức lãi suất 9-15% mỗi tháng, vào khoảng 109,5-182%/năm.
Như vậy, ngay trong ngành nông nghiệp, sức khỏe và sức chống chịu của mỗi doanh nghiệp hoàn toàn khác nhau, và việc tận dụng hay bị lấy đi cơ hội trong thời Covid-19 cũng cần những giải pháp thích ứng khác nhau.
Yêu cầu về hình thành kênh phân phối hiện đại
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và mở rộng thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chia sẻ cùng các thành viên VIDA thông tin đáng chú ý: Kết thúc quí 1-2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 9,06 tỉ đô la, tương đương với cùng kỳ năm ngoái, nhưng những tháng sắp tới sẽ sụt giảm và khó khăn.
Hiện tại, Mỹ đang dẫn đầu thị trường nhập khẩu hàng nông nghiệp Việt Nam với 23,2%, sau đó mới đến Trung Quốc (21,4%), Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Toản cho rằng đây cũng là thời điểm tốt nhất để số hóa nông nghiệp. Ông đưa ra các đề nghị: VIDA phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát sản xuất, tồn kho hàng hóa... để điều tiết nguồn cung trên thị trường, tránh mất cân bằng. Tiếp đến là kiểm soát truy xuất nguồn gốc, nhân rộng mô hình thương mại điện tử để thay đổi thói quen tiêu dùng.
Trên thực tế, sau cuộc khảo sát thị trường tại Lạng Sơn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thực hiện, dự đoán lạc quan nhất là đến tháng 6 hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mới phục hồi. Còn các thị trường thuộc châu Âu sẽ chậm hơn một vài tháng. Cho nên, ngay từ bây giờ doanh nghiệp nông nghiệp trong nước phải chuẩn bị nguồn hàng và triển khai các bước số hóa quá trình sản xuất và phân phối.
Ông Phan Thái Trung, Giám đốc công ty Người làm nông cho biết, doanh nghiệp này đã tiến hành cách thức giao thực phẩm tại các cabinet đặt tại các khu chung cư, hàng hóa được bảo quản mát. Cư dân chung cư có thể dùng mã QR để mở hộp thư, lấy các món hàng mình đặt và trả tiền mặt hay chuyển khoản. Các mô hình cabinet này rất dễ nhân rộng trong mùa dịch.
Đại diện Tập đoàn Sendo, kênh phân phối thương mại điện tử lớn cũng cho biết không thu phí bán hàng trên trang Sendo đối với nông sản, thực phẩm để chung tay với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Rynan (Trà Vinh), cũng là doanh nghiệp ứng dụng ý tưởng sáng tạo về công nghệ đóng gói bằng khí cải tiến, giúp bảo quản thịt heo được 7-12 ngày (sản phẩm thịt mát MEATDeli của Masan) cũng khẳng định chỉ cần đẩy mạnh số hóa và chuyển giao khoa học, nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển, tăng trưởng và vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.
Link tham khảo: https://www.thesaigontimes.vn/301923/dich-benh-va-co-hoi-thuc-day-so-hoa-nong-nghiep.html