Mã số N3039: Giải bài toán sách giả bằng công nghệ
“Bạn đang trải nghiệm Reading Code – Giải pháp tương tác trực tiếp với độc giả do Anbooks sáng tạo và thử nghiệm. Scan mã QR Code ngay bây giờ!”, cuốn sách “Để khát vọng dẫn lối” phát hành hôm 25-7 có một dòng chữ nhỏ cạnh tem QR Code như vậy. Đây là giải pháp công nghệ mới nhất mà doanh nghiệp 5 năm tuổi đời này ứng dụng để chống sách giả và tương tác với độc giả.
Reading Code cũng khiến người sáng lập của Anbooks, một công ty nhỏ và trẻ của ngành sách, chị Ngô Phương Thảo được người trong giới đánh giá là khá liều lĩnh khi quyết tâm đầu tư vào ứng dụng công nghệ này. Nhưng chính nó lại đang giúp “đứa con” của chị sống sót trong thị trường đang đầy rẫy những khó khăn và vấn đề.
Ứng dụng Reading Code có hai tính năng cơ bản: Chống giả (thông qua xác thực ID) và tương tác trực tiếp với những nhóm người liên quan đến sách. Tính năng chống giả được xây dựng trên nguyên tắc mỗi cuốn sách có một ID duy nhất. Nếu ISBN là dãy số được cấp bởi Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) để quản lý theo đầu sách thì Reading Code được xây dựng để cấp ID cho từng cuốn sách. ID này do đơn vị sản xuất (nhà xuất bản, công ty phát hành) quy định trong hệ thống lưu trữ của mình.
Đây là công nghệ mới nhất mà Anbooks áp dụng để chống giả, sau nhiều lần thử nghiệm trước đó. Chị Phương Thảo cho biết, lúc đầu, khi chưa có điều kiện xây dựng nền tảng riêng, Anbooks tìm kiếm những ứng dụng sẵn có. Năm 2016, khi Facebook tung ra tính năng Messenger Code (mã nhắn tin), Anbooks liền thử tích hợp tính năng này vào cuốn “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” để kết nối hồ sơ tác giả với độc giả; đồng thời sử dụng QR Code để độc giả trải nghiệm các phiên bản số của biểu đồ, dữ liệu trong sách và đặt tên là sách tương tác thông minh (Social Book). Tính năng này đạt được hiệu quả tương tác khi số lượng độc giả quét code để trao đổi trực tiếp với tác giả lên đến gần 10% số lượng sách bán ra nhưng chưa thể giúp chống giả hoàn toàn.
“Năm 2017, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc cung cấp các thông tin khác ngoài sách, kể các câu chuyện con người liên quan đến cuốn sách, song song với việc tạo ra những kết nối giữa các độc giả với nhau. Nhưng làm bằng cách nào thì là cả một câu hỏi lớn. Thời điểm bấy giờ, chưa có một nền tảng nào dành cho ngành sách, kể cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhưng, đúng như Paulo Coelho từng nói, khi bạn mong muốn một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được nó”, chị Phương Thảo nhớ lại.
Tham gia một cuộc hội chợ ngành hàng tiêu dùng nhanh, chị Phương Thảo gặp và kết nối với một đơn vị khởi nghiệp cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và tương tác với khách hàng. Hai bên hợp tác và Anbooks có được phiên bản sách tương tác mạng xã hội (Social Book) thứ hai với các chức năng: chống giả bằng ID, kể các câu chuyện ngoài sách và xung quanh sách cho độc giả, áp dụng với cuốn “Dạy con trong hoang mang 1", một cuốn sách tâm lý đã tiêu thụ được 22.000 bản.
Đặc biệt, Social Book phiên bản nâng cấp đã giúp kết nối và tạo ra kênh tương tác hiệu quả giữa tác giả và độc giả. Độc giả khi kết nối với fanpage “Dạy con lối nào” và trang cá nhân của tác giả Lê Nguyên Phương đã chia sẻ những câu chuyện, vấn đề của chính họ trong cuộc sống để rồi từ đây tác giả tạo ra “Dạy con trong hoang mang 2” với quy trình độc giả hỏi, tác giả trả lời, một quy trình mà Ban biên tập Anbooks đã mất 3 tháng khảo sát, 6 tháng thử nghiệm cách thể hiện sao cho gần gũi với độc giả Việt Nam.
Chị Ngô Phương Thảo, người sáng lập Anbooks chia sẻ: “Mỗi năm chúng tôi chỉ có thể đầu tư cho tối đa từ 2 đến 3 tác giả mới. Thời gian, tiền bạc và nguồn lực để làm việc này là rất lớn. Nếu để cho tác phẩm của mình trở thành nạn nhân của sách giả thì chúng tôi không thể tồn tại. Vì vậy, nhiệm vụ chống giả là một trong những nhiệm vụ sống còn của Anbooks, dù biết chắc rằng việc đầu tư vào hướng này sẽ khiến công ty phân tán nguồn lực và gặp nhiều khó khăn. Nếu không có phương pháp chống giả triệt để, chúng tôi bị mắc kẹt ngay từ định hướng đầu tư cho tác phẩm và tác giả ban đầu. Nhưng nhiệm vụ chống giả là một nhiệm vụ rất khó chịu. Nó cho thấy sự phòng thủ của nhà sản xuất, trong khi bản chất của ngành sách là chia sẻ tri thức. Độc giả không thể là người duy nhất gánh lấy trách nhiệm phải phân biệt sách giả sách thật. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm suy nghĩ và tạo điều kiện cho sản phẩm của mình được bảo vệ. Ý tưởng tạo ra một cổng chia sẻ tri thức kết hợp với việc bảo vệ sách thật được hình thành như vậy".
Khi ứng dụng công nghệ để chống giả và tương tác với độc giả, Anbooks, theo chị Thảo, cũng phát hiện ra rằng việc đọc của độc giả không dừng lại ở một cuốn sách mà họ còn có nhu cầu tìm hiểu, hưởng thụ, trao đổi, tìm kiếm những tác giả tương đồng với chủ đề mà họ quan tâm. Họ cũng muốn chia sẻ những điều mình suy nghĩ, bày tỏ những đồng cảm hay chưa được thuyết phục với tác giả. Kết nối giữa độc giả và tác giả không chỉ là kết nối của người mua hàng với người bán hàng, mà là kết nối giữa trải nghiệm sống, tâm hồn, nhân sinh quan. Hơn nữa, độc giả hiện nay thông thái hơn, chủ động hơn, sắc sảo và tinh tế hơn. Vì vậy, mục tiêu lớn của Reading code lúc này không chỉ là chống giả mà còn là học hỏi độc giả, tìm hiểu nhu cầu và lắng nghe chia sẻ của họ, khuyến khích họ tiếp tục đọc, viết và phản hồi quan điểm của mình. Reading Code kết nối trực tiếp giữa độc giả và nhà xuất bản, tác giả, dịch giả và các nhóm nhân sự khác liên quan đến sách.
Reading code được áp dụng thử nghiệm trên cuốn “Để khát vọng dẫn lối”. Khi quét vào QR Code của Reading Code, độc giả được dẫn đến một link website, trong đó, mọi thông tin về cuốn sách được hiển thị: thông tin về tác giả, dịch giả, người hiệu đính, nhà sản xuất, nhà phân phối, bài giới thiệu sách của biên tập viên, báo chí, các bài giới thiệu khác của các độc giả khác. Độc giả có thể gửi phản hồi của mình về cuốn sách thông qua các hành động gợi ý như: cảm ơn tác giả - dịch giả; cảm ơn đội ngũ biên tập; cảm ơn đội ngũ thiết kế - trình bày; hoặc gửi phản hồi góp ý khác cho sản phẩm hoàn thiện hơn. Ngoài ra, độc giả còn được khuyến khích kích hoạt ID của cuốn sách để hưởng thêm các ưu đãi từ nhà xuất bản: quà tặng cho các độc giả nhận xét về cuốn sách, thư đăng ký tham dự các chương trình giao lưu với tác giả - dịch giả; các đãi ngộ khác của nhà sản xuất dành cho độc giả…
“Độc giả hiện nay đã khác xưa rất nhiều. Việc đọc sách không chỉ là sở thích, mà còn là đường dẫn để họ tìm kiếm những người thầy, người hướng dẫn, người chia sẻ, và tìm kiếm những nơi phù hợp để được chia sẻ suy nghĩ của mình. Mỗi độc giả là một người truyền thông, người phản biện, người góp ý, và hoàn toàn có thể là cộng sự của nhà sản xuất”, chị Thảo nói và kỳ vọng Reading code tạo ra một điểm chạm mới với độc giả của mình, ngoài các kênh đang có như: sự kiện giới thiệu sách, hotline, email, website, cửa hàng…
Chị Phương Thảo cũng cho biết, Anbooks sẵn sàng chia sẻ giải pháp này các các công ty, nhà xuất bản. Với các nhà xuất bản vừa và nhỏ, có thể sử dụng hệ thống Reading Code sẵn có. Với các nhà xuất bản lớn, hội xuất bản…, Anbooks sẽ tùy biến, mở rộng giải pháp cho từng nhu cầu riêng và chuyển giao hệ thống hoàn toàn để nhà xuất bản tự quản lý. Mục tiêu cuối cùng là những người trong ngành sách không còn phải nói về chống giả nữa mà chỉ cần tập trung cho độc giả của mình.
“Chọn một con đường gập ghềnh là làm sách cho tác giả Việt, tác giả mới, rồi ứng dụng công nghệ để chống giả và tương tác, mọi người đều cho rằng tôi “ngông”, “cố chấp”, “liều”. Nhiều người nói với tôi rằng thay vì đầu tư vào công nghệ thì nên bỏ thời gian đầu tư vào sản phẩm; thời gian đầu tư cho các chương trình cộng đồng để thúc đẩy văn hoá đọc, thói quen đọc thì tiết giảm để tập trung vào chuyện kiếm tiền. Nhưng, theo tôi, bài toán chống giả, tương tác với độc giả và đồng hành với các tổ chức phát triển thói quen đọc, văn hoá đọc trong bối cảnh Việt Nam là bài toán “con gà quả trứng”. Và tôi cũng hiểu rất rõ rằng, không có sáng tạo nào mà dễ dàng, không có thành tựu nào mà không phải trả bằng khó khăn, trở ngại, hoài nghi, thậm chí thất bại. Tôi cũng hiểu rằng thử nghiệm với công nghệ là một thử nghiệm lâu dài, bền bỉ và đòi hỏi nỗ lực không ngừng: sửa đổi, cập nhật, tái định hướng, đầu tư vào đó không chỉ là tiền bạc và chất xám, mà còn cả sự quyết tâm và lòng kiên trì. Tôi cũng tự nhủ, nếu chúng ta tham gia vào một lĩnh vực và có thể không đóng góp được một chút mới, hay không tạo một chút giá trị gì đặc biệt cho lĩnh vực đó, thì cũng thật khó để trả lời cho chính mình!”, chị Phương Thảo nói.
Chị Ngô Phương Thảo là cái tên khá quen thuộc trong ngành truyền thông và xuất bản.
Chị tham gia vào ngành xuất bản năm 2003 với vai trò biên tập viên Công ty sách Vietbooks. Từ năm 2010, chị tham gia viết báo, vận hành các chương trình cộng đồng liên quan đến văn hoá và giáo dục.
Từ 2011 - 2014, chị hoạt động trong ngành truyền thông (làm chuyên viên truyền thông Công ty Cổ phần Thái Tuấn và Giám đốc đối ngoại - truyền thông Công ty Cổ phần Bibica).
Sau đó, chị trở lại ngành xuất bản với vai trò Giám đốc Tiếp thị Công ty Firstnews Trí Việt.
Năm 2015, chị khởi nghiệp ở tuổi 34 với ngành sách trong thời điểm ngành đang thoái trào. Hướng đi chị chọn là làm việc với các tác giả Việt Nam mới, xây dựng các chương trình cộng đồng để giới thiệu các tác giả Việt Nam đến công chúng (như toạ đàm "Xuất khẩu thương hiệu Việt" thông qua hình thức nhượng quyền; Chuỗi talkshow "Bật nút công dân toàn cầu" tại 42 trường đại học; Chuỗi giao lưu "Chuyển hoá chính mình để giáo dục trẻ thơ" tại 6 trên 10 tỉnh – thành; chuỗi toạ đàm "Trầm cảm và góc nhìn của người trong cuộc"; toạ đàm "Triết lý giáo dục Việt Nam – Chân dung công dân thế kỷ 21"… Chị là Trưởng ban nội dung/ truyền thông của các Hội thảo khoa học, các chương trình phát triển văn hoá đọc và chương trình cộng đồng về phát triển bền vững.
Link tham khảo: https://www.thesaigontimes.vn/lf/306868/giai-bai-toan-sach-gia-bang-cong-nghe.html
Ngày xuất bản: 10/8/2020
Thông tin
Tên tác giả | Thuận An - Thu Trang |
Địa chỉ | Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online |
Điện thoại | |