Mã số N3019: Không kịp thay đổi, doanh nghiệp nhỏ đối mặt nguy cơ lớn về phá sản

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở Việt Nam như những cây nhỏ đang phải gồng lên chống đỡ những đợt gió lớn liên tiếp từ đại dịch Covid-19, đã bắt đầu có những cây nhỏ nhất bật rễ và số còn lại khó có thể cầm cự trong thời gian dài.

Phản ứng của các doanh nghiệp với các kịch bản Covid. Đồ họa: Thu Trang.

Phản ứng của các doanh nghiệp với các kịch bản Covid. Đồ họa: Thu Trang.

Dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện trên quy mô toàn cầu và đẩy các quốc gia, không phân biệt thể chế chính trị hay điều kiện kinh tế vào một thử thách chưa từng có trong hàng thập kỷ qua.

Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của người dân mà còn ảnh hưởng rất sâu rộng tới kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Với việc các quốc gia đóng cửa, giao thương bị ảnh hưởng, các ngành sản xuất, dịch vụ, du lịch và hàng không đóng băng, thế giới đứng trước cuộc khủng hoảng có thể còn nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Đối với Việt Nam, dù Chính phủ và người dân đã làm rất sớm và rất tốt công tác chống dịch nhưng diễn biến tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp.

Chi phí cho phòng chống dịch bệnh và cách ly người nghi nhiễm đặt gánh nặng lên ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào giao thương với Trung Quốc. Hàng chục nghìn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đứng trước nguy cơ phá sản, hàng triệu lao động đứng trước nguy cơ mất việc nếu dịch bệnh còn diễn tiến.

Doanh nghiệp nhỏ bị tổn thương nghiêm trọng

Trong thời kỳ dịch bệnh, toàn bộ nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm cả cung và cầu của thị trường. Tuy nhiên, ảnh hưởng đối với các DNVVN nghiêm trọng hơn, là do mức độ tổn thương cao hơn và khả năng phục hồi thấp hơn liên quan đến quy mô của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp giảm cung lao động, vì người lao động bị bệnh hoặc cần ở nhà chăm sóc người phụ thuộc, chăm sóc trẻ em khi các trường học bị đóng cửa.

Các biện pháp cách ly, phong tỏa càng dẫn đến việc giảm cung lao động. Hơn nữa, chuỗi cung ứng bị gián đoạn dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu và dịch vụ đầu vào cho sản xuất. Các DNVVN thường có số lượng nhà cung cấp hạn chế hơn, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào Trung Quốc và các nước Châu Á nên thời gian đầu của dịch bệnh dễ bị tổn thương hơn.

Về dài hạn, các DNVVN có thể khó xây dựng lại mạng lưới cũ khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và các đối tác cũ đã thiết lập liên minh mới với các hợp đồng mới.

Mặt khác, người tiêu dùng bị mất thu nhập, cùng với nỗi sợ lây nhiễm sẽ giảm chi tiêu và tiêu dùng. Một số ngành nghề như du lịch và giao thông bị ảnh hưởng nặng nề do cách ly và phong tỏa, đã sụt giảm quy mô hoạt động, giảm lượng khách hàng, trong khi chi phí hoạt động tăng. Ngoài sự suy giảm về cung cầu thị trường, những trở ngại trong vận chuyển bằng đường biển, đường bộ hoặc đường hàng không, hay ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong làm việc tại nhà, hay vấn đề chi phí cho thu thập thông tin, tiếp cận nguồn hỗ trợ của chính phủ… cũng ảnh hưởng lớn đến các DNVVN.

Ở Việt Nam, các DNVVN như những cây nhỏ đang phải gồng lên chống đỡ những đợt gió lớn liên tiếp từ đại dịch Covid-19, đã bắt đầu có những cây nhỏ nhất bật rễ và số còn lại khó có thể cầm cự trong thời gian dài. Tất cả đều mong chờ dịch bệnh sớm kết thúc và thiệt hại được giảm thiểu dưới sự điều hành phòng chống dịch rất sớm của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân.

Thực tế, việc áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, năng lực tài chính chung không đủ mạnh, các kênh huy động vốn hạn chế, vốn vay từ các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn (dù việc tiếp cận nguồn vốn này cũng không phải dễ dàng với các DNVVN nhưng chi phí vốn vay là “rẻ” nhất so với các kênh huy động vốn khác), nên các DNVVN ở Việt Nam càng trở lên mong manh hơn trong thời kỳ dịch bệnh.

Sự suy yếu của hệ thống DNVVN ngoài việc kéo theo suy giảm kinh tế còn gây ra các hệ lụy đối với thị trường tài chính và an sinh xã hội khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tiền lương sụt giảm và giá cả hàng hóa - dịch vụ tăng.

Để có thể thanh toán cho các chi phí cố định vẫn phát sinh trong thời gian này như chi phí văn phòng, nhà xưởng, thuê tài sản, chi phí lao động, chi phí bảo trì bảo dưỡng... các doanh nghiệp phải sử dụng chính nguồn vốn lưu động, cố gắng duy trì hoạt động qua mùa dịch. Thời gian cầm cự càng kéo dài, nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp càng cạn kiệt.

Vì vậy các gói chính sách về giảm/hoãn nộp thuế và giảm chi phí doanh nghiệp chỉ có thể tác động được một phần trong việc phục hồi lại hệ thống DNVVN. Để có thể nhanh chóng trở lại quỹ đạo như ban đầu, ngoài những chính sách trên, DNVVN rất cần có nguồn vốn bổ sung cho sự thiếu hụt vốn lưu động. Nguồn vốn này có thể từ các gói hỗ trợ của Chính phủ hoặc từ nguồn vốn vay NHTM với những chính sách cực kỳ ưu đãi về lãi suất và thời gian trả nợ. "Toa thuốc" của các nước dành cho DNVVN

Trong Báo cáo nhanh số 1, năm 2020, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính tác động của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến số người thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu người (kịch bản thấp) và 24,7 triệu người (kịch bản cao), điều này báo hiệu rằng “hoạt động kinh doanh bền vững” sẽ đặc biệt khó khăn đối với DNVVN.

Khảo sát của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết, hơn một nửa số DNVVN trên thế giới phải đối mặt với tổn thất nghiêm trọng về doanh thu, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp chỉ có dự trữ vài tháng để chống chọi với khủng hoảng. Theo đó, 15 biện pháp cụ thể để hỗ trợ DNVVN, nằm trong 4 nhóm chính sách chính đã được các quốc gia triển khai bao gồm:

- Nhóm chính sách người lao động với nhiều biện pháp trực tiếp hướng tới DNVVN, như: rút ngắn thời gian làm việc; nghỉ việc tạm thời và nghỉ ốm, chính phủ sẽ hỗ trợ tiền lương và thu nhập cho người lao động trong những trường hợp này hoặc hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp để chi trả lương cho người lao động hoặc trong một số trường hợp, chính phủ có các biện pháp đặc biệt đối với hộ kinh doanh cá thể.

- Nhóm chính sách trì hoãn: Nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp hoãn/ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, các khoản chi trả an sinh xã hội, nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ, chi trả tiền thuê văn phòng và các tiện ích khác. Trong một số trường hợp, lệnh cấm thu hồi nợ đã được thực hiện. Ngoài ra, một số quốc gia đang thực hiện các biện pháp đẩy mạnh chi tiêu công với điều khoản trả chậm.

- Nhóm chính sách công cụ tài chính: Một số quốc gia đã đơn giản hóa việc cung cấp bảo lãnh cho vay, cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) mở rộng cho vay đối với các DNVVN. Trong một số trường hợp, các quốc gia đã đẩy mạnh cho vay trực tiếp đối với các DNVVN thông qua các tổ chức công hoặc cung cấp các khoản tài trợ và hỗ trợ để các doanh nghiệp chống đỡ việc giảm doanh thu kéo dài.

- Nhóm chính sách tái cấu trúc: Ngày càng có nhiều quốc gia đưa ra các chính sách tái cấu trúc để giúp các DNVVN tìm ra thị trường mới, các kênh bán hàng mới; áp dụng các phương pháp làm việc mới; ứng dụng công nghệ (chuyển đổi số); đào tạo đổi mới – sáng tạo, sử dụng hiệu quả nguồn lực… để duy trì hoạt động trong khi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh vẫn được thực hiện.

Các chính sách này nhằm giải quyết các thách thức ngắn hạn nhưng cũng góp phần tăng cường khả năng phục hồi và hỗ trợ tăng trưởng các DNVVN.

Cũng trong báo cáo của OECD, Đức là một trong các quốc gia phối hợp nhiều nhất các biện pháp để hỗ trợ DNVVN. Trong đó, một gói hỗ trợ toàn diện và không giới hạn tín dụng nhằm đảm bảo thanh khoản của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đã được công bố.

Các khoản vay vốn lưu động từ Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), thông qua các NHTM sẽ được KfW tăng mức độ bảo hiểm rủi ro lên đến 80% cho các khoản vay đến 200 triệu euro, do đó làm tăng mức độ sẵn lòng cho vay doanh nghiệp của các NHTM.

Bên cạnh đó, các biện pháp cụ thể đối với DNVVN được đưa ra bao gồm hòa giải xung đột giữa các doanh nghiệp và khách hàng, nhà cung cấp; tạm dừng các điều khoản phạt cho sự chậm trễ thanh toán trong hợp đồng với chính phủ; và khuyến khích hòa giải tín dụng để giúp các DNVVN đàm phán lại các điều khoản tín dụng.

Chính phủ Đức cũng đã công bố Quỹ bình ổn nền kinh tế (Wirtschaftsstabilisierungsfonds), nhằm mục đích hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp được coi là quan trọng nhất đối với toàn bộ nền kinh tế nước này. Quỹ bao gồm 600 tỉ euro, trong đó 400 tỉ euro đảm bảo tính thanh khoản, 100 tỉ cho việc tham gia cổ phần trực tiếp vào các doanh nghiệp có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế Đức (bao gồm các DNVVN quan trọng) và 100 tỉ cho KfW.

Việt Nam cần làm gì để hỗ trợ các DNVVN?

Trước tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp và trong điều kiện nguồn lực hạn chế, thay vì dàn trải hỗ trợ đến mọi đối tượng thực thể kinh doanh, Chính phủ cần triển khai gói hỗ trợ chính xác và kịp thời để có thể vực dậy các nhóm DNVVN trọng yếu, nhằm tạo ra nền tảng thúc đẩy phục hồi kinh tế, dựa trên các quan điểm chính:

Hỗ trợ vốn qua NHTM

Nguồn vốn hỗ trợ cho các DNVVN nên được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) từ việc đề xuất và triển khai.

Việc giải ngân trực tiếp gói hỗ trợ đến các DNVVN cần được cân nhắc thực hiện vì trên thực tế độ minh bạch tài chính của các DNVVN ở Việt Nam là không cao. Gói hỗ trợ cần được triển khai nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn phải đảm bảo đánh giá, xác minh chính xác tình hình doanh nghiệp.

Các NHTM là đơn vị có đủ thông tin để đánh giá và quyết định nhanh chóng những đối tượng khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ dựa trên các yếu tố: năng lực tài chính, năng lực và hiệu quả kinh doanh, thị trường đầu vào và đầu ra, khả năng hồi phục của doanh nghiệp...

Các DNVVN ngay lúc này là  phải suy nghĩ về các giải pháp tái cơ cấu nguồn lực, thay đổi chiến  lược kinh doanh theo hướng tích hợp khoa học công nghệ để giảm thiểu  thiệt hại từ dịch bệnh. Ảnh minh họa Thùy Dung.

Các DNVVN ngay lúc này là phải suy nghĩ về các giải pháp tái cơ cấu nguồn lực, thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng tích hợp khoa học công nghệ để giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh. Ảnh minh họa Thùy Dung.

Đồng thời, trong cơ cấu vốn của DNVVN, nguồn vốn vay từ NHTM luôn chiếm tỷ trọng lớn nên việc thành bại của hệ thống doanh nghiệp sẽ tác động rất lớn tới hoạt động của hệ thống ngân hàng và sức khỏe của nền kinh tế. Vì vậy, NHTM thường rất tích cực trong việc giúp khách hàng mình có thể tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là các khách hàng tốt nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và có khả năng hồi phục sau khủng hoảng.

Các NHTM sẽ đề xuất đối tượng hỗ trợ, chịu trách nhiệm thẩm định và giám sát thông tin, có thể bao gồm cả tiếp nhận nguồn vốn và kiểm soát đảm bảo hiệu quả giải ngân trước cơ quan chức năng.

Tập trung nguồn vốn hỗ trợ vào các DNVVN ở tuyến đầu của chuỗi cung ứng

Tập trung nguồn vốn hỗ trợ vào các DNVVN ở tuyến đầu của chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp sản xuất cung ứng sản phẩm thiết yếu, các doanh nghiệp logistic, vận chuyển, các doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Đây là các nhóm DNVVN chịu tác động lớn nhất từ dịch bệnh nhưng lại đảm bảo cho sự vận hành ổn định kinh tế và duy trì an sinh xã hội. Các nhóm DNVVN này cần được hỗ trợ kịp thời để nhanh chóng ổn định hoạt động, tránh thiếu hụt nguyên liệu, dịch vụ cho các lĩnh vực kinh doanh khác và giữ cho giá thành của các yếu tố đầu vào được ổn định làm chỗ dựa để nền kinh tế quay lại quỹ đạo ban đầu.

Đồng thời việc ổn định lượng cung và giá thành các hàng hóa, dịch vụ cơ bản cũng giúp duy trì ổn định lượng cầu trong nước, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực khác hồi phục.

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu

Các nhóm DNVVN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu có thị trường đầu ra ổn định cũng cần nhận được sự hỗ trợ thời gian này.

Nền kinh tế thế giới đang chịu những thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh, viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn quy mô toàn cầu đã được nhắc đến, tuy nhiên cũng có những cơ hội lớn nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng.

Đại dịch đã làm nhiều nước phát triển thay đổi suy nghĩ về sự phụ thuộc vào một thị trường chính như Trung Quốc. Đây chính là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam tái cơ cấu, cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và xuất khẩu Việt Nam tiếp cận đến các thị trường mới, khách hàng mới, bằng những cách làm mới thông qua đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).

Các chính sách cần thực hiện đồng bộ

Ngoài gói hỗ trợ bổ sung nguồn tài chính, những chính sách cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trong thời gian này như miễn giảm thuế, giảm nghĩa vụ ngân sách, giảm lãi suất vay vốn và cơ cấu lại các khoản nợ cũng cần được thực hiện đồng bộ để tạo lên lực đẩy tài chính tổng hợp giúp các DNVVN thực sự hồi phục.

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ dù có nhanh chóng và chính xác đến các đối tượng nhưng nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường và kéo dài, nguy cơ về sự phá sản của hàng loạt các DNVVN là rất lớn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các DNVVN ngay lúc này là phải suy nghĩ về các giải pháp tái cơ cấu nguồn lực, thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng tích hợp khoa học công nghệ, nền tảng công nghệ thông tin để giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh và tăng hiệu quả hoạt động trong dài hạn.

(*) NCS Paris Saclay, Pháp; Giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân; Thành viên Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

Link tham khảo: https://www.thesaigontimes.vn/302254/khong-kip-thay-doi-doanh-nghiep-nho-doi-mat-nguy-co-lon-ve-pha-san.html?fbclid=IwAR3tTVstvgkZ9pN4YoWQYf5sg0oW5BXYXm7c4gsrS9m--Zze9AP_K55GObQ

 

Thông tin

Tên tác giả Nguyễn Hương Giang
Địa chỉ Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại
Email

Đơn vị tài trợ

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này