Mã số N2007: Cấp cứu ngoại viện bằng xe mô-tô 2 bánh cơ động
Kẹt xe. Đường hẻm nhỏ. Thành phố rộng lớn. Những trở ngại đó được đội ngũ y bác sĩ cấp cứu khắc phục bằng cách sử dụng xe 2 bánh cơ động, cấp cứu ngoại viện trước. Nhờ đó, rất nhiều ca bệnh được cứu sống kịp thời. Đến nay đã có 5 trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn Tp. HCM được trang bị xe cấp cứu hai bánh, tạo thêm cơ hội sống cho nhiều người hơn nữa.
Thành phố Hồ Chí Minh có hạ tầng, mạng lưới giao thông và mật độ giao thông thuộc nhóm cao nhất cả nước, bên cạnh đó có nhiều tuyến hẻm, phố đi bộ, tổ chức rất nhiều sự kiện lễ hội văn hoá tập trung đông người.
Tuy vậy loại hình tiếp cận chăm sóc y tế trong cấp cứu ngoài bệnh viện trên cả nước hiện đang sử dụng chính quy chỉ là xe cứu thương truyền thống (xe 4 bánh dạng 16 chỗ được thiết kế thành xe cứu thương băng ca và các phương tiện, dụng cụ cấp cứu cơ bản). Đây cũng là khó khăn, rào cản cho việc thực hiện chuyên môn, gián tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Có những trường hợp cần được xử trí trong thời gian vàng chỉ khoảng 4-7 phút như trong các trường hợp nguy kịch như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim cấp, đa chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Nếu sau thời gian vàng thì công tác cấp cứu đôi khi rất khó khăn bệnh nhân, nạn nhân sẽ chịu những di chứng nặng nề, làm tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong một số trường hợp có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời.
Trước tình hình đó, việc sử dụng một phương tiện cơ động khác để hỗ trợ xe cấp cứu 4 bánh tiếp cận hiện trường và bệnh nhân nhanh nhất là rất cần thiết. Xe mô tô 2 bánh là phương tiện có thể đáp ứng được yêu cầu trên. Trước nhu cầu đó, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã có sáng kiến áp dụng xe mô tô 2 bánh vào cấp cứu ngoại viện và đã được Sở Y tế Tp. HCM đồng ý chủ trương thí điểm về ý tưởng của sáng kiến Bệnh viện tại trạm cấp cứu vệ tinh 115 vào ngày 07/11/2018.
Từ năm 2018, Tp. HCM bắt đầu thử nghiệm loại hình xe cấp cứu hai bánh tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Loại hình này giúp tăng hiệu quả cấp cứu trong bối cảnh giao thông ùn tắc, nhiều hẻm nhỏ... mà xe cứu thương 4 bánh không thể tiếp cận nhanh. Sau khi sơ cứu, xử trí ban đầu nếu bệnh nhân ổn thì không cần đưa đến viện. Trường hợp bệnh nhân phải vào viện thì xe cứu thương đến đưa đi.
Mô hình cấp cứu mô tô hai bánh đã được nhiều nước triển khai thành công. Người cần cấp cứu không chỉ bệnh nhân nặng, chấn thương, tai nạn nghiêm trọng mà cả những trường hợp nội khoa như mệt, khó thở cần bác sĩ đến kịp thời.
Sau một thời gian thí điểm và triển khai nhân rộng mô hình cấp cứu này, tính đến nay đã có 5 trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn Tp. HCM được trang bị xe cấp cứu hai bánh, đó là: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Quận 2, Bệnh viện Quận 4 và Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp.
Ở góc độ xã hội, hầu hết người dân sử dụng và chứng kiến dịch vụ này đều hài lòng với loại hình xe cấp cứu 2 bánh vì bác sĩ đến rất nhanh so với trước đây. Đặc biệt, vào các khung giờ cao điểm, giao thông ùn ứ, kẹt xe nhiều nơi, thì xe cấp cứu 2 bánh cũng vẫn đến với người bệnh một cách nhanh nhất.
Bác sĩ Trần Điền Tú, hiện đang công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn kể lại một trường hợp sản phụ thai 31 tuần bị dọa sinh non trên nhau tiền đạo, ở bên Quận 4, nhờ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn qua hỗ trợ. Bệnh nhân đau bụng nhiều dữ dội vùng hạ vị cộng với xuất huyết âm đạo nhiều. Bác sĩ đi xe máy tới, đồng thời cũng xuất song song xe 4 bánh, sơ cấp cứu trước ổn định rồi chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ.
Hay là đối với trường hợp cụ 82 tuổi ngụ tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh bị tăng huyết áp đột ngột. Ngay khi nhận tin báo về tình trạng của bệnh nhân, kíp bác sĩ cấp cứu với đầy đủ thuốc men, thiết bị trên 2 xe mô tô đã nhanh chóng đến nơi, cấp cứu kịp thời.
Khi hồi phục sức khỏe, cụ chia sẻ: "Mô hình này rất cần thiết với những người không còn khả năng di chuyển và già yếu như tôi, đường nhà tôi trong hẻm nhỏ, để đi bệnh viện cấp cứu thì việc di chuyển ra đường lớn rất khó khăn và mất nhiều thời gian".
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn tiếp tục làm nghiên cứu đánh giá 2 năm thực hiện mô hình này và sẽ báo cáo kết quả nghiên cứu về Sở Y tế TP. HCM trong thời gian tới.
Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều trường hợp đã được cấp cứu nhờ xe cấp cứu hai bánh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định mô hình này đang thực hiện rất tốt và được người dân rất ủng hộ. Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục mở rộng mô hình và tăng tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên để phục vụ nhân dân tốt hơn.