Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N3007: NHỮNG NGƯỜI ĐẦY NHIỆT HUYẾT (*): Say mê cầu đi bộ

See this content in the original post

Suốt quá trình học tập, trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực giao thông đô thị, ý tưởng xây cầu đi bộ nhiều tầng hình thành và dần trở thành niềm đam mê của KTS Phạm Sỹ Nhật - một người trẻ với nhiều trăn trở, muốn đóng góp nhiều hơn cho TP.HCM.

KTS Phạm Sỹ Nhật

Phóng viên: Hiến kế cầu đi bộ nhiều tầng của anh đăng tải trên Báo Người Lao Động nhận được nhiều sự quan tâm và phản hồi tích cực bởi tính sáng tạo, độc đáo. Vậy anh có thể chia sẻ ý tưởng này xuất phát từ đâu?

- KTS PHẠM SỸ NHẬT: Hiện nay các nước trên thế giới hầu như chưa có công trình đi bộ nhiều tầng bắc qua sông, dù trình độ khoa học kỹ thuật và việc đầu tư hoàn toàn có thể làm được. Tại TP HCM có rất nhiều tiềm năng phát triển nên tôi đánh giá công trình này ngoài nâng tầm diện mạo còn giúp TP cũng như cả nước tiếp cận được trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sự phát triển hạ tầng. Ý tưởng của tôi là cầu đi bộ nhiều tầng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), trong đó những tầng trên cho thuê để hoàn vốn xây dựng, còn phía dưới dành cho người đi bộ. Nhờ đó, TP chỉ cần cấp phép mà không tốn chi phí xây dựng. Toàn bộ vốn đầu tư và vận hành công trình sẽ do nhà đầu tư chi trả và họ sẽ thu lợi nhuận dựa trên không gian của cầu để làm nhà hàng, cửa hàng thương mại...

Trường hợp ý tưởng của anh được chính quyền TP HCM ghi nhận và bắt tay vào làm, anh muốn thực hiện ở nơi nào trước, vì sao?

- Đây là một công trình mới lạ và khi thực hiện, tôi nghĩ nhà đầu tư bắt buộc phải có đủ năng lực tài chính và trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến cũng như sự sáng tạo kỹ thuật để xây dựng phù hợp. Do đó, TP HCM cần có vị trí đắc địa mới có thể thu hút được nhà đầu tư đủ năng lực như trên tham gia. Theo tôi, không nơi nào khác là vị trí kết nối giữa khu trung tâm TP với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, tại khu vực này, TP đang có nhiều dự án như cầu Thủ Thiêm 2 chuẩn bị đưa vào khai thác, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn đang xúc tiến thực hiện cùng nhiều công trình văn hóa, xã hội quy mô lớn phía bờ Thủ Thiêm. Cầu đi bộ tại đây không chỉ mang tính chất kết nối giao thông mà còn là điểm nhấn trên sông Sài Gòn, tạo sự đa dạng về kiến trúc đô thị, kết hợp hài hòa với phố đi bộ Nguyễn Huệ cùng khu vực bến Bạch Đằng - vốn đang đẩy mạnh phát triển du lịch và giao thông thủy.

Trong ý tưởng xây dựng cầu đi bộ nhiều tầng, anh đề xuất hình thức đầu tư bằng hợp đồng BOT, vậy tại sao không phải là hình thức khác?

- Dự án thực hiện theo hình thức BOT tôi thấy sẽ có lợi cho người dân bởi công trình khi hoàn thành, doanh nghiệp sẽ khai thác, kinh doanh không gian phía trên cầu để hoàn vốn. Do đó họ sẽ tự động có trách nhiệm quản lý, duy tu..., bởi đó chính là lợi ích của họ. Với việc đầu tư theo hình thức này, một điểm lợi khác là TP cũng đỡ tốn ngân sách để quản lý hay duy tu, bảo dưỡng... Trong khi đó, nếu chọn những hình thức khác như BT (đổi đất lấy hạ tầng) hoặc dùng vốn ngân sách thì không khả thi. Cụ thể là như hình thức BT, quỹ đất tương đương trả cho nhà đầu tư, TP sẽ khó thực hiện. Còn nếu đầu tư bằng vốn ngân sách, do cầu đi bộ nhiều tầng qua sông là một dự án quy mô lớn, tổng vốn đầu tư cao, vì vậy cũng khó khả thi bởi ngân sách TP đang eo hẹp.

Mô hình cầu đi bộ nhiều tầng được KTS Phạm Sỹ Nhật thiết kế sơ bộ.

Theo anh, nếu ý tưởng này được thực hiện thì TP.HCM cần có chính sách gì phù hợp để thu hút nhà đầu tư tham gia?

- Theo tôi, TP nên để nhà đầu tư tự đề xuất phương án thiết kế, bởi họ sẽ làm đẹp nhất, tốt nhất và hiện đại nhất vì lợi ích của chính họ. Dựa trên các phương án thiết kế, kiến trúc cũng như sự khả thi, uy tín của nhà đầu tư, TP sau đó sẽ chọn nhà đầu tư phù hợp. Còn trường hợp nếu TP bỏ tiền và thời gian nghiên cứu thì có thể lại khó thu hút nhà đầu tư hơn bởi các góc nhìn, chiến lược kinh doanh khác nhau. Chưa kể còn tiềm ẩn nhiều thủ tục rắc rối và sẽ khó thu hút nhà đầu tư có năng lực thực sự.

Tạo điểm nhấn nổi tiếng

KTS Phạm Sỹ Nhật hy vọng ý tưởng của anh được thực hiện bởi đó là một dự án mang lại nhiều lợi ích nhưng vẫn tiết kiệm ngân sách cho TP ở chi phí xây dựng. Công trình sẽ thành điểm nhấn nổi tiếng thế giới, không chỉ là một trong những biểu tượng của TP HCM mà còn của cả nước. Hơn nữa, công trình khi xây dựng còn mang lại nhiều lợi ích như kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội ở 2 bên đầu cầu bởi chắc chắn giá trị bất động sản cùng các dịch vụ sẽ tăng lên và đặc biệt, tạo thêm một địa điểm vui chơi, góp phần khuyến khích người dân đi bộ, nâng cao hơn chất lượng sống của người dân.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-6

Link: https://nld.com.vn/thoi-su/nhung-nguoi-day-nhiet-huyet-say-me-cau-di-bo-20200603215108391.htm

GIA MINH thực hiện

Thông tin

See this content in the original post

Đơn vị tài trợ

See this content in the original post