Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Mã số N3034: Sinh viên khởi nghiệp: trước hết phải giỏi

See this content in the original post

Theo các chuyên gia, sinh viên muốn khởi nghiệp trước hết cần phải giỏi ở một lĩnh vực cụ thể và thêm các yếu tố kĩ năng, thái độ… để hạn chế những vấp ngã trên thương trường.

Với nhiều ý tưởng độc đáo, mới lạ, trong nhiều năm qua, lực lượng sinh viên đóng vai trò quan trọng trong phong trào khởi nghiệp ở nước ta. Ảnh: I.T.

Câu chuyện sinh viên khởi nghiệp vốn đã được bàn luận nhiều. Theo các chuyên gia, khởi nghiệp ở lứa tuổi sinh viên tuy có nhiều khó khăn như thiếu kinh nghiệm, tài chính, mối quan hệ… nhưng lại có nhiều lợi thế hơn các lứa tuổi khác như có nhiều thời gian, sức khỏe và dễ tìm đối tác (co-founder).

Tuy nhiên, trao đổi trong chương trình trực tuyến Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức sáng 2/8, TS.Nguyễn Trung Dũng, Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Tổng Giám đốc BK-Holdings cho rằng, để bước vào khởi nghiệp, việc sinh viên chuẩn bị hành trang ngay trên ghế nhà trường là rất quan trọng. Bởi khi không có đầy đủ kiến thức, kĩ năng và thái độ đúng, việc khởi sự kinh doanh sẽ khó khăn rất nhiều.

“Tôi thấy rất nhiều bạn sinh viên cuốn theo các hội, nhóm khởi nghiệp để đi bán bưu thiếp, bưu phẩm,… và coi đó là một hoạt động khởi nghiệp mà không hiểu mình muốn gì và giỏi về điều gì. Muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực nào trước hết bạn phải giỏi ở lĩnh vực đó. Vì vậy, việc học tập tốt trong nhà trường là rất quan trọng”, TS. Nguyễn Trung Dũng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, Ông Nguyễn Thiên Tú, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Tài năng trẻ cho biết: “Trước khi muốn khởi nghiệp, bạn phải có kiến thức. Kể cả bạn có co-founder, bạn cũng phải giỏi một lĩnh vực nào đó và những người còn lại giỏi các lĩnh vực khác. Nếu bạn ở mức trung bình thì sẽ không tìm được đối tác. Còn nếu bạn đứng một mình thì sẽ chết trong biển người giỏi”.

Theo các chuyên gia trong chương trình, sinh viên cần trang bị đủ kiến thức, kĩ năng chứ đừng khởi nghiệp theo trào lưu. Ảnh: Chụp màn hình.

Để bước vào con đường khởi nghiệp thuận lợi, theo bà Đào Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Học viện Sáng tạo Công nghệ TEKY, sinh viên nên trang bị cho mình 3 yếu tố.

Thứ nhất, kĩ năng về công nghệ. Theo bà Hương, thế giới hiện nay đang ở trong thời đại công nghệ nên có rất nhiều cơ hội cho start-up. Trong tương lai cũng sẽ có nhiều dịch vụ mới đòi hỏi ứng dụng về công nghệ. Vì vậy, có lợi thế về công nghệ, sinh viên sẽ dễ dàng hơn trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường. 

Thứ hai, kĩ năng ngoại ngữ. Bà Hương cho biết, muốn khởi nghiệp thành công, các start-up luôn cần phải cần đến quan hệ quốc tế, huy động vốn từ quốc tế. Ngoại ngữ sẽ giúp nhà khởi nghiệp dễ dàng hơn trong giao thương và tìm kiếm cơ hội từ quốc tế. 

Thứ ba, các kĩ năng khác như khả năng giao tiếp, cộng tác nhóm, tranh biện, tư duy tài chính… rất cần thiết để làm tốt hơn và phát huy khả năng của mình.

Để có được những kĩ năng trên, theo bà Đào Lan Hương, sinh viên nên tận dụng cơ hội để tiếp xúc và học hỏi với những giảng viên, CEO, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm.

Tuy nhiên, trong khởi nghiệp, bà Hương cho rằng tinh thần tự học là rất quan trọng. Bởi trong quá trình kinh doanh có rất nhiều tình huống phát sinh như đại dịch Covid- 19 vừa rồi, kể cả những doanh nhân có kinh nghiệm cũng chưa từng trải qua. Vì vậy, các start-up đều phải tự học cách ứng biến để có thể điều hành doanh nghiệp của mình.

Còn theo ông Nguyễn Trung Dũng, sinh viên có thể tham gia một số hoạt động nhỏ như bán hàng online, hoặc sử dụng kiến thức, kĩ năng đã học được để tham gia vào các dự án sáng tạo khởi nghiệp… nhằm xây dựng nền tảng cho hoạt động khởi nghiệp sau này.

“Các hoạt động như vậy sẽ buộc sinh viên phải học thêm về tài chính kinh doanh để quản lý tiền, tiếp xúc với lĩnh vực thuế, kĩ năng đàm phán, làm việc với đối tác… Khi đó, sinh viên sẽ có nhiều kinh nghiệm mà trên ghế nhà trường không được dạy”, ông Dũng cho biết.

Để phát triển kĩ năng và thái độ, theo ông Nguyễn Thiên Tú, sinh viên nên dành thời gian tham gia các hoạt động đoàn hội trong nhà trường. 

“Khi tham gia hoạt động tình nguyện, phải làm việc cùng tập thể, bạn sẽ phát triển kĩ năng hoạt động hội nhóm, xây dựng kế hoạch, quản lý thời gian, khả năng thuyết phục, tranh biện… Những kĩ năng này rất cần thiết cho bạn khi điều hành doanh nghiệp và làm việc cùng đồng nghiệp”, ông Tú chia sẻ.

Link tham khảo: https://thegioitiepthi.vn/sinh-vien-khoi-nghiep-truoc-het-phai-gioi-183301.html

Ngày xuất bản: 02/8/2020

Thông tin

See this content in the original post

Đơn vị tài trợ

See this content in the original post