Mã số N3050: Tăng sức bật cho startup Việt
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng tới các ngành, lĩnh vực, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản… Startup Việt cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng, khi gặp hàng loạt khó khăn về vốn, thị trường không còn phù hợp. Một số startup đã khéo léo chuyển đổi mô hình, chờ thời điểm để “bật dậy”…
Một trong những nghiên cứu gần đây để tìm ra nguyên nhân thất bại của các startup, thì có đến 29% startup cho biết, nguyên nhân thất bại là do thiếu vốn, 19% thất bại do thị trường có sự cạnh tranh lớn… nhưng nguyên nhân lớn nhất (lên đến 49%) đó là làm cái mà thị trường không cần. Nhất là trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, các dự án, kế hoạch của startup đa số không còn phù hợp với thực tế. Do đó, nhiều startup đã chuyển đổi mô hình thích hợp, tích hợp các ứng dụng công nghệ để đưa ra những sản phẩm mới, chờ thời điểm “bật dậy”. Cũng có nhiều startup đã tận dụng thời gian này để tập trung thiết kế lại mô hình kinh doanh, tinh gọn và xác định đúng nhu cầu thị trường.
Như với dự án EZGO360, đây là ứng dụng nhằm tối ưu hóa việc lên lịch trình tổng thể cho những chuyến đi du lịch nước ngoài dài ngày của du khách, từ lên lịch trình, đến đặt vé máy bay, đặt phòng, địa điểm vui chơi… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các quốc gia “đóng cửa” với du khách quốc tế cũng là lúc startup này… “đóng băng”. Thay vì lựa chọn câu chuyện “ngủ đông” chờ dịch qua rồi đợi giải thể, phá sản dự án nếu dịch kéo dài quá lâu, startup EZGO360 đã chuyển sang hướng đi mới. Anh Lê Hà Xuân - người sáng lập dự án EZGO360 cho biết, thay vì phục vụ thị trường quốc tế như trước, EZGO360 hướng đến thị trường du lịch nội địa - thông qua việc cung cấp các nền tảng giúp các doanh nghiệp du lịch trong nước số hóa quy trình hoạt động. Chính sự chuyển hướng linh hoạt này, đã giúp EZGO360 tiếp tục phát triển, chờ cơ hội bứt phá sau dịch.
Tương tự, ManMo là ứng dụng tìm kiếm và đặt phòng lưu trú được Trần Ngọc Mạnh cùng các cộng sự khởi xướng từ năm 2017. Ứng dụng giúp du khách tìm kiếm được những cơ sở lưu trú gần nhất phù hợp với nhu cầu, khách hàng chỉ cần cung cấp địa chỉ khu vực muốn đến hoặc tìm theo tên, giá cả, tiện ích mong muốn. Không chỉ giúp du khách đơn giản hóa trong việc tìm và đặt phòng, ứng dụng còn cung cấp công cụ giúp các chủ nhà nghỉ/khách sạn dễ dàng quản lý khách và tăng thu nhập. Trần Ngọc Mạnh - người sáng lập dự án cho biết, sau hơn 2 năm, dự án đã có trong tay cơ sở dữ liệu của hơn 20.000 cơ sở lưu trú. Ngay khi chuẩn bị tung ứng dụng ra thị trường thì lại trùng với thời gian của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ManMo tái cấu trúc và xem lại quy trình hoạt động của mình. Thời gian trước khi ManMo làm việc với các cơ sở lưu trú nhưng còn khó tiếp cận. Nhưng vì dịch bệnh, cho nên các cơ sở lưu trú lại rất chào đón và đây chính là cơ hội để ManMo tăng trưởng nóng.
Các chuyên gia cho rằng, để hỗ trợ các startup “bật dậy”, thậm chí là có thể bứt phá vươn lên sau dịch thì cần có những giải pháp cụ thể từ các bộ, ngành. Mặc dù hiện nay, môi trường chính sách dành cho startup Việt đang có nhiều chuyển biến tích cực. Bức tranh toàn cảnh về khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã xuất hiện nhiều điểm sáng tích cực và đầy lạc quan - nhưng đó là chuyện trước khi dịch bệnh xảy ra. Do đó, nhiều chính sách sẽ cần được hoàn thiện để hỗ trợ các startup vượt qua khó khăn, và để Việt Nam trở thành môi trường thu hút đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, mặc dù Covid-19 đã và đang tạo ra những khó khăn chung cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng cũng chính trong bối cảnh khó khăn này đã có những tín hiệu tích cực, khi mà số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ra đời vẫn liên tục tăng. Đây là những dấu hiệu tích cực khi Bộ KH&CN đã có những hoạt động liên quan để tháo gỡ khó khăn bằng những giải pháp cụ thể.
Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), mặc dù Covid-19 tạo ra những nguy cơ không hề nhỏ cho các startup Việt, nhưng đây cũng là thời điểm mở đường cho những nền tảng công nghệ mới. Ngoài ra, đề án 844 sắp tới sẽ có thêm những cơ chế chính sách hỗ trợ vốn mồi trực tiếp cho các startup. Hệ thống Quỹ đổi mới khoa học công nghệ quốc gia từ Trung ương đến địa phương sẽ đưa thêm vào cơ chế tài trợ cho các startup giai đoạn đầu. Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu cơ chế, thí điểm cho phép gọi vốn cộng đồng và vốn vay trực tiếp của tư nhân - những nguồn vốn rất dồi dào trong xã hội, mà lại giảm thiểu được những khâu trung gian. Bên cạnh đó, cũng triển khai các mô hình thí điểm câu lạc bộ đầu tư, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần - như kinh nghiệm mà Mỹ đã triển khai thành công. Bộ Khoa học và công nghệ cũng sẽ mở rộng kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế - đặc biệt là cộng đồng người Việt ở nước ngoài, từ đó, giúp hình thành những định chế, thể chế mới, cũng như phát triển thị trường cho các startup.
Không phải đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, mà từ trước đó, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong việc kiến tạo một hệ thống chính sách phù hợp và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, tạo bệ đỡ cho các startup “nội địa” phát triển, để không xảy ra tình trạng “chảy máu startup”. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, hiện Bộ đang nghiên cứu hệ thống chính sách, đặc biệt là việc xây dựng các quỹ đầu tư - là nguồn vốn để hỗ trợ cho khởi nghiệp… Việc hình thành các quỹ này càng sớm thì sẽ mang lại nhiều hiệu quả tốt, qua đó các startup có thể khởi nghiệp mà không phải ra ngoài nhờ sự hỗ trợ về vốn nữa. Điều này phụ thuộc vào sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương chung tay cùng Bộ KH&CN.
Link tham khảo: https://congluan.vn/tang-suc-bat-cho-startup-viet-post92338.html
Ngày xuất bản: 20/8/2020