Mã số N4006: HCMUT - TBI: Ươm mầm ý tưởng công nghệ và xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong trường đại học
Sau 10 năm hoạt động (2010 – 2020), Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ (thuộc trường Đại học Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) đã ươm tạo 48 doanh nghiệp khởi nghiệp, 09 doanh nghiệp tốt nghiệp, 03 doanh nghiệp KH&CN, 10 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư, tổ chức 40 hội thảo, diễn đàn, phiên chợ khởi nghiệp, ngoài ra còn đào tạo hàng ngàn sinh viên, cán bộ nghiện cứu, học viên từ các doanh nghiệp...
Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường Đại học Bách khoa được thành lập trên cơ sở dự án thử nghiệm hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và trường Đại học Bách khoa, nhằm ứng dụng kết quả của các đề tài nghiên cứu trong xây dựng vườn ươm doanh nghiệp khoa học công nghệ tại trường đại học.
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/2010, Trung tâm được xem là một trong những cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ đầu tiên trong các trường đại học ở Việt Nam. Đến tháng 6/2012, Trung tâm được cấp giấy phép hoạt động khoa học công nghệ và vận hành theo cơ chế tự chủ tài chính.
Với nhiệm vụ phát triển, hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng nền văn hóa đổi mới sáng tạo trong trường đại học, Trung tâm mong muốn sẽ là nơi hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên trường Đại học Bách khoa nói riêng, cũng như triển khai, kết nối công tác ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ (start-ups, spin-off) gắn với trường đại học và từ cộng đồng khởi nghiệp.
Đến với Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhóm nghiên cứu sẽ được hỗ trợ Không gian làm việc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Tư vấn – Đào tạo; Khoa học công nghệ; Tài chính; Liên kết mạng lưới; Tư vấn tiền ươm tạo; Chăm sóc sau tốt nghiệp và được trải nghiệm, tham dự các khóa Đào tạo khởi nghiệp và hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; Phối hợp tổ chức sự kiện (hội thảo, cuộc thi, diễn đàn...); Xây dựng và liên kết mạng lưới; Truyền thông…
Trong giai đoạn 2010 – 2020, Trung tâm đã ươm tạo 48 doanh nghiệp khởi nghiệp, 09 doanh nghiệp tốt nghiệp, 03 doanh nghiệp KH&CN, 10 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư. Ngoài ra, Trung tâm cũng đào tạo hơn 1000 sinh viên, 1043 học viên cao học, 215 giảng viên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo 849 học viên từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, công ty nhỏ và vừa (trong 20 khóa về khởi nghiệp tinh gọn), đào tạo 623 học viên là nhân viên của doanh nghiệp và cán bộ nghiên cứu (trong 15 khóa đào tạo nâng cao năng lực về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo), phối hợp tổ chức trung bình 01 cuộc thi phát triển ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên hằng năm nhằm tìm kiếm các hạt giống khởi nghiệp (giai đoạn 2015 đến nay) và tổ chức hơn 40 hội thảo, diễn đàn, phiên chợ khởi nghiệp…
Các dự án, đề tài mà Trung tâm đã và đang triển khai, như Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” (BIPP) giai đoạn 2016-2018; Phiên chợ khởi nghiệp (Startup and SME Fair) năm 2016; 05 chương trình đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (TOT) theo chương trình khung và chuyên gia từ Dự án đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) giai đoạn 2016-2018; Nhiệm vụ “Kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST với tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp/doanh nhân, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp ở trong và ngoài nước” thuộc Đề án 844 “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” giai đoạn 2019-2020; Dự án “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo trường Đại học Bách khoa” giai đoạn 2019-2021; Các dự án hợp tác quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ năm 2020.
Trung tâm hy vọng trong tương lai ngày càng mở rộng và hỗ trợ hiệu quả hơn các hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong nhà trường nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung với các điều kiện thuận lợi về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học (đội ngũ các nhà nghiên cứu, chuyên gia có chuyên môn, các phòng thí nghiệm,… ); không gian làm việc sáng tạo; cơ chế hoạch toán độc lập, tự đảm bảo thu chi phí thường xuyên, có tài khoản và con dấu riêng để chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa các nguồn doanh thu, nguồn tài trợ từ bên ngoài.
Ngoài ra, các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ KN-ĐMST của nhà trường, của Đảng, Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh như Đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Đề án 592, 844; Kế hoạch 279/KH-HĐND; QĐ 1339/QĐ-UBND…) và Đề án hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Đề án 1665) cũng là một trong những điều kiện thuận lợi giúp các tổ chức khoa học và công nghệ công lập như Trung tâm dễ dàng hơn trong việc triển khai Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp.