Mã số N3029: Truyền lửa để vượt khủng hoảng
Đến Việt Nam trong những ngày cao điểm của dịch Covid-19, ông Binu Jacob, Tân Tổng giám đốc (CEO) của Nestlé Việt Nam, đã chuẩn bị về mặt tâm lý để bắt đầu tiếp nhận nhiệm vụ mới của mình tại đây. Một trong những mục tiêu quan trọng của vị CEO gốc Ấn này, đó là dẫn đắt doanh nghiệp phản ứng nhanh nhất với đại dịch, thông qua chiến lược phân phối sản phẩm và những hoạt động đồng hành đẩy lùi Covid-19.
Ông Binu Jacob, vị CEO tân nhiệm đến Việt Nam vào đầu tháng 4 vừa qua, tin tưởng rằng động lực để mỗi doanh nghiệp phát triển bền vững hay vượt qua những cuộc khủng hoảng khốc liệt như Covid-19 phụ thuộc vào việc truyền lửa cho nhân viên và việc cho đi-nhận lại nơi cộng đồng – khi doanh nghiệp cho đi càng nhiều, họ sẽ nhận lại xứng đáng từ nơi cộng đồng họ phục vụ.
Ông Binu Jacob chia sẻ khi bước vào vị trí mới cũng là lúc công ty kích hoạt chế độ làm việc từ xa và đó là thử thách đầu tiên. "Nhưng may mắn là chúng tôi có một đội ngũ rất nhiệt tình, kiên cường và cùng nhau chúng tôi đã thành lập đội ứng phó nhanh và triển khai cấp tốc dự án STORM đối phó Covid-19, dựa trên các ưu tiên tập trung và trách nhiệm rõ ràng. Trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân được xác định rõ và từng người đều nỗ lực hết sức mình, điều này đã giúp chúng tôi vượt qua nửa đầu của cuộc khủng hoảng”, ông Binu Jacob kể về những ngày đầu tiếp quản con tàu Nestlé Việt Nam trong tâm dịch, tại một buổi phỏng vấn tại Hà Nội vào giữa tháng 7 này.
Khoảng thời gian làm việc tại Trung Quốc đã phần nào giúp ông có sự chuẩn bị cho vị trí mới tại Việt Nam. Theo ông Binu Jacob, mỗi thị trường đều có những đặc điểm riêng, ông luôn học cách thích ứng và lèo lái đội ngũ vượt qua những thách thức chung trong dịch.
Chia sẻ về trách nhiệm của một vị tân tổng giám đốc, ông Binu Jacob cho biết Việt Nam là một trong những thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất của Nestlé khu vực châu Á, Thái Bình Dương và châu Phi cận Sahara trong 10 năm liên tiếp, được lãnh đạo bởi các đời tổng giám đốc tiền nhiệm tài ba. Bởi vậy, thách thức đối với ông Binu Jacob ở thời điểm hiện tại chính là tiếp bước những vị lãnh đạo đó, phải giữ gìn và nối tiếp di sản của Nestlé tại Việt Nam tiến vào tương lai.
Tuy vậy, với vị CEO mới này, ông có phong cách lãnh đạo riêng, tầm nhìn riêng và cách làm việc riêng. Niềm tin của ông Binu Jacob nằm ở việc truyền cảm hứng tới nhân viên của mình với một mục đích cụ thể, cho họ một lý do để thức dậy mỗi sáng đi làm, lý do đó phải vượt qua được mức lương thưởng hậu hĩnh: một lý do để tin tưởng vào doanh nghiệp đó, để có cảm hứng làm việc tại đó và cùng phát triển với doanh nghiệp trong một hành trình dài hơi.
“Và với tôi lý do đó là chúng tôi đến đây để làm ra những khác biệt cho cuộc sống của người dân Việt Nam, chúng tôi không ở đây chỉ để kinh doanh. Những chủ đề như phát triển bền vững hay làm việc với người nông dân là những thứ rất đỗi gần gũi, thân thuộc đối với tôi và tôi luôn hào hứng với những chủ đề này. Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng nếu chúng ta tập trung làm ra những điều khác biệt cho cuộc sống của người dân, nếu làm đúng cách chúng ta sẽ tự tạo ra những công việc kinh doanh cho mình.”
Trong văn hóa Ấn Độ của ông Binu Jacob có một biểu tượng hai bàn tay chụm vào nhau, và biểu tượng này có 2 ý nghĩa vừa là cho đi và vừa là nhận lại, tương ứng với việc khi một người hay một doanh nghiệp trao đi cho xã hội, cho cộng đồng, cho khách hàng, họ sẽ nhận lại được một phần xứng đáng.
“Một số lãnh đạo doanh nghiệp có thể tập trung vào kết quả, nhưng tôi tin vào quá trình và nếu làm những việc đúng đắn cho khách hàng, cho người lao động, cho chính phủ và cộng đồng, thì doanh nghiệp đó sẽ phát triển. Đây là cách làm của một doanh nghiệp với một tầm nhìn xa”, ông Binu Jacob chia sẻ về tầm nhìn của mình.
“Vạn sự khởi đầu nan” và có lẽ Covid-19 là một phép thử đầu tiên trong hành trình sự nghiệp của ông Binu Jacob tại Việt Nam khi phải lèo lái con thuyền Nestlé Việt Nam vượt qua tâm bão và cùng lúc phải đảm bảo mỗi thành viên trên con thuyền này có đủ sức khỏe và an toàn trong mùa dịch bệnh để tiến vào một “bình thường mới” sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Tôi nghĩ để tồn tại trong tình trạng ‘bình thường mới’ với kinh tế bất ổn và sự không chắc chắn, các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, nên ưu tiên dòng tiền hơn lợi nhuận trong thời gian này, tập trung vào tính linh hoạt và khả năng thích ứng hơn là tính hiệu quả, đồng thời nắm bắt các cách làm mới bao gồm cả việc theo đuổi các cơ hội mới như số hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đưa ra lựa chọn về những gì nên làm và không nên làm và mạnh dạn cắt giảm hoặc loại bỏ những hạng mục dù tốt đẹp nhưng không cần thiết. Và cuối cùng, đó là doanh nghiệp phải truyền cảm hứng cho mọi người để họ chấp nhận sự thay đổi và có thái độ cùng cảm xúc tích cực,” vị CEO đưa ra lời khuyên.
Virus SARS-CoV-2 đã và đang có tác động không nhỏ tới nhiều nền kinh tế trên thế giới cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Và Nestlé cũng không phải là một ngoại lệ của cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, trên thực tế, Nestlé khá quen thuộc với việc quản lý khủng hoảng khi đã xây dựng được một giao thức quản lý khủng hoảng có tên Business Continuity Plan, hay Kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh, được sẵn sàng kích hoạt khi bất kỳ biến cố có thể xảy đến.
Việt Nam là một trong những thị trường hiếm hoi của Nestlé tập trung chủ yếu vào các dòng sản phẩm uống liền và các kênh tiêu thụ như hàng quán, căng tin trường học... Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể tình hình này. Do đó, Nestlé Việt Nam phải thay đổi chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa danh mục sản phẩm và kênh tiêu thụ trong dịch và sau khi nền kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới.
Theo chia sẻ của ông Binu Jacob, có 3 ưu tiên trong công tác quản lý khủng hoảng của Nestlé. Ưu tiên hàng đầu chính là bảo vệ nhân viên của mình, cung cấp các hỗ trợ cần thiết cũng như bảo đảm sự an toàn và sức khỏe của họ bằng cách cung cấp kịp thời và đầy đủ các công cụ phòng tránh bệnh như khẩu trang, nước sát trùng tay, và tấm che mặt. Khoảng 22.000 khẩu trang và 3.000 tấm che giọt bắn đã được Nestlé cung cấp cho các nhân viên làm việc tại nhà máy, văn phòng và các trung tâm phân phối trong ba tháng vừa qua để phòng chống dịch bệnh trong lúc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kế đến là ưu tiên duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để cung cấp các sản phẩm từ thực phẩm tới đồ uống phục vụ nhu cầu người tiêu dùng một cách liên tục và kịp thời trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Với gần 90% sản phẩm phân phối tại Việt Nam được sản xuất tại chỗ, việc duy trì chuỗi cung ứng, phân phối và bán lẻ là cần thiết và Nestlé đã nỗ lực làm việc với các nhà cung ứng cấp một và cấp hai (nhà cung ứng cho chuỗi cung ứng của Nestlé Việt Nam) để đảm bảo khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm của Nestlé.
Và theo đúng triêt lý kinh doanh của chính mình, Nestlé không đơn thuần chỉ chú tâm vào việc tạo ra doanh thu và còn tích cực làm việc với chính phủ, chính quyền địa phương và các đối tác để thực hiện các chương trình hỗ trợ cộng đồng cùng vượt qua đại dịch.
Hơn 12 tỉ đồng là sản phẩm và tiền mặt đã được doanh nghiệp này ủng hộ các bác sĩ, y tá, chiến sĩ và tình nguyện viên tuyến đầu trong chận chiến với đại dịch. Cùng với đó là 88.000 khẩu trang y tế đã được trao tặng Bộ Y Tế và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tại 5 tỉnh thành để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Trong khi đó, nhiều đối tác của Nestlé là những doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ gồm những quán hàng rong, nhà hàng nhỏ hay các căng tin trường học. Theo ông Binu Jacob, đây là những doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất trước bất cứ cuộc khủng hoảng nào, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn vốn lưu động đủ để duy trì qua thời điểm khó khăn.
“Để giúp họ vượt qua khủng hoảng và hỗ trợ họ khi họ muốn mở cửa trở lại và chào đón khách hàng, chúng tôi đã hỗ trợ họ các sản phẩm Nestlé hoàn toàn miễn phí. Tổng giá trị của sáng kiến này là khoảng 22 tỉ đồng cho 22.000 doanh nghiệp như vậy”.
Vị CEO này cho rằng những nỗ lực của Nestlé đang hỗ trợ cộng đồng và đối tác có thể chỉ như “muối bỏ biển” nhưng mỗi sự giúp đỡ đều ít nhất có thể mang tới một giá trị nhất định tới người đang thực sự cần.
Ông cũng chia sẻ thêm về cảm xúc bất ngờ của mình trước nỗ lực và hiệu quả chống dịch của Việt Nam, với nguồn lực hạn chế nhưng quyết tâm không giới hạn. Sự phản ứng nhanh chóng và quyết liệt của Chính phủ giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế trên thế giới đã đẩy lùi đại dịch một cách hiệu quả. Điều đó đã khiến cho những thách thức của doanh nghiệp, cộng đồng sớm đi qua và giúp cả nền kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới nhanh chóng hơn.
“Chúng tôi tự hào là dù trong thời điểm này, chúng tôi vẫn có thể đảm bảo sự an toàn của các cán bộ nhân viên, trong khi duy trì được công việc kinh doanh khi không có nhiều sự lựa chọn và đồng thời hỗ trợ được cộng đồng, xã hội và chính phủ,” ông Binu Jacob nói.