Tái cấu trúc doanh nghiệp bằng ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo

Vấn đề này sẽ được hàng chục đại diện các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang hoạt động tại TP.HCM thảo luận tại Tọa đàm “Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong tái cấu trúc doanh nghiệp” vào ngày 24/11 tới đây.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (KH&CN) là đơn vị chủ trì Tọa đàm “Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong tái cấu trúc doanh nghiệp” vào ngày 24/11 tới đây tại Saigon Innovation Hub. Sự kiện có sự phối hợp tổ chức của Tạp chí Khám phá và Kênh truyền hình FBNC.

Buổi đối thoại, gặp gỡ giữa đại diện doanh nghiệp, chuyên gia tái cấu trúc, chuyên gia truyền thông trao đổi về thực trạng, các mô hình, giải pháp liên quan ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo tới công tác tái cấu trúc trong các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt, KH&CN đã và đang đóng vai trò quan trọng, trở thành công cụ chiến lược giúp các quốc gia phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng và hiệu quả. Tại TP.HCM, giai đoạn 2013-2015, Sở KH&CN TP.HCM đã triển khai việc xây dựng Chương trình ứng dụng KH-CN của doanh nghiệp tại 91 doanh nghiệp nhà nước do thành phố quản lý.

Tuy nhiên đánh giá chung, việc xây dựng Chương trình ứng dụng KH&CN của các DNNN trên địa bàn vẫn chưa như kỳ vọng. Đa phần các doanh nghiệp xây dựng và ứng dụng Chương trình ứng dụng KH&CN chủ yếu theo chỉ đạo của UBND Thành phố, với nội dung còn sơ sài, đơn giản, chưa nhận thấy được sự cần thiết của việc ứng dụng KH&CN.

Vì thế khi thực hiện cổ phần hóa thì không tiếp tục triển khai các hoạt động của chương trình.

Về năng suất lao động, mặc dù mức năng suất lao động liên tục tăng nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại có chiều hướng ngược lại.

Tốc độ tăng năng suất lao động chậm dần từ 26,75% vào năm 2011, xuống còn 19,71% vào năm 2012 và 12,62% năm 2013, thậm chí năm 2014 tốc độ tăng giảm xuống -0,45%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của các DN giai đoạn 2010 – 2015 tăng 12,104%.

Về việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển công nghệ, TP.HCM có 14 doanh nghiệp được UBND TP phê duyệt đề án tái cơ cấu đều đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN, với tổng số tiền trích lập là 66,14 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền Quỹ đã sử dụng cho hoạt động KHCN của doanh nghiệp chỉ là 865,1 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 1,31% tiền trích Quỹ).

Về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, trong năm 2015, Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ tư vấn cho 29 đơn vị thực hiện đầu tư nhằm đạt chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng. Các doanh nghiệp đã ứng dụng một số giải pháp để tiết kiệm năng lượng với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng. Trong đó, có đến 24 đơn vị không đạt chỉ tiêu tiết kiệm năm.

Ngoài ra, theo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) cho thấy, Việt Nam năm 2016 được xếp hạng thứ 59 tụt 7 bậc so với thứ hạng 52 vào năm 2015.

Đổi mới sáng tạo giờ đây là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ. Bởi lẽ khi một đất nước yếu trong đổi mới sáng tạo, thì sẽ rất khó để bắt kịp với đà phát triển thế giới. Đây là tinh thần mà buổi tọa đàm hướng đến.

Buổi tọa đàm sẽ đi vào phân tích và đề xuất những giải pháp để cải thiện năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, tiết kiệm năng lượng để tái cấu trúc DN theo 3 chủ đề sau:

Hoạt động ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo tại TP.HCM; Định hướng áp dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Mô hình tiêu biểu của doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo.

Trong đó, các chuyên gia sẽ thảo luận, chia sẻ về công tác ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp mình đang quản lý; những khó khăn khi triển khai và phân tích nguyên nhân cụ thể; lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến việc trích lập và triển khai Quỹ KH&CN.

Đồng thời các chuyên gia sẽ lắng nghe kiến nghị từ các DNNN để việc ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo được hiệu quả hơn. Các thảo luận đó để tìm ra mô hình tiêu biểu của doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo.

Hà Thế An - Khampha

Tin tứcGuest Usertin tức