Giáo dục khoa học trên thế giới: Bài học và kinh nghiệm thành công
Khoa học là một nội dung học không thể thiếu trong bất cứ nền giáo dục của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Hiện nay, giáo dục khoa học được xem là một trong những chìa khóa đề phát triển đất nước.
Để đạt được mục tiêu đó, mỗi quốc gia luôn phải tính toán tới những cách thức và phương pháp đưa khoa học vào trường học sao cho thật hiệu quả.
Hiện trạng giáo dục khoa học trên thế giới
Trong bức tranh toàn cảnh về giáo dục khoa học trên thế giới hiện nay, các quốc gia châu Á - nhất là vùng Đông Á - đang được cho là những điểm sáng đáng chú ý.
Năm 2012, chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) thuộc Hiệp hội các Nước phát triển (OECD) tiến hành đánh giá hơn 510.000 học sinh từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ về các kiến thức toán học, khoa học và kỹ năng đọc cho thấy, các quốc gia châu Á đứng đầu về kiến thức khoa học.
Cụ thể, học sinh ở Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều lọt vào danh sách những nước và vùng lãnh thổ đứng đầu về điểm số khoa học, toán học.
Thậm chí, theo thông tin từ CNBC cho biết, trong xếp hạng các trường học của 76 quốc gia trên thế giới do OECD thực hiện vào đầu năm 2015, các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đều nằm trong danh sách 10 nước có chất lượng giáo dục toán học và khoa học tốt nhất thế giới.
Cùng với các nước châu Á và còn có các nước như Phần Lan, Thụy Sĩ ở châu Âu, Canada ở Bắc Mỹ hay New Zealand, Australia ở châu Đại Dương cũng được đánh giá là những nước có chất lượng giáo dục toán học và khoa học tốt trên thế giới.
Trong khi đó, kết quả đánh giá đối với các học sinh và trường học của Mỹ - một quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới - lại khiến nhiều người bất ngờ. Theo kết quả khảo sát của PISA năm 2012, học sinh Mỹ chỉ xếp thứ 35 về kỹ năng toán học và thứ 27 về khoa học trong tổng số 65 nước.
Đồng thời, Mỹ cũng chỉ đứng thứ 28 về chất lượng trường học dựa trên chỉ số đánh giá việc học toán học, khoa học theo đánh giá của OECD vào tháng 5/2015. Một số nước phát triển khác như Pháp, Anh cũng bị tụt hạng về giáo dục khoa học, toán học trong trường học.
Nằm top cuối thường là những nước thuộc châu Phi và Nam Mỹ như: Nam Phi, Uruguay, Peru. Tuy nhiên, ngay ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, chất lượng giáo dục khoa học, toán học trong các trường học cũng bị xuống dốc đã tạo ra những ngạc nhiên lớn.
Kinh nghiệm từ các nước đứng đầu
Để có được những thành công trong việc phổ biến các kiến thức khoa học, toán học cho học sinh, các nước như Singapore, Hàn Quốc, Phần Lan, New Zealand và một số nước khác đều có những khung chương trình và phương pháp giảng dạy toán học, khoa học hiệu quả.
Tại Singapore, để đổi mới cách thức giáo dục khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia trong bối cảnh mới, từ năm 2006, nước này đã thực hiện chính sách giáo dục theo phương châm “dạy ít, học nhiều”, nhấn mạnh vào vai trò của học sinh.
Để thúc đẩy phương châm này, năm 2008, Singapore đã đưa ra một khung chương trình khoa học; trong đó, lấy phương pháp và cách tiếp cận học khám phá làm trọng tâm, khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và tìm hiểu về những thứ xung quanh mình, thậm chí ngay cả khi không còn trên lớp học.
“Phương pháp học khám phá sẽ kích thích học sinh ngay cả khi bước ra khỏi lớp học vẫn tò mò và quan sát tinh tế hơn về thế giới xung quanh” - tiến sĩ Charles Chew - Viện Giáo dục quốc gia Singapore cho biết.
Đối với Hàn Quốc, ngoài việc thiết lập hệ thống các trường chuyên dạy khoa học, các trung tâm khoa học với các phòng thí nghiệm giúp cho việc giáo dục khoa học trên cả nước thì việc tăng cường kỷ luật học tập trên lớp và nhấn mạnh vào yếu tố chăm chỉ được đặt lên hàng đầu.
Một kết quả khảo sát của Viện Chính sách thanh niên quốc gia Hàn Quốc, những người trong độ tuổi đi học từ 15-24 có trung bình 7 giờ 50 phút mỗi ngày dành cho việc học trên trường, nhiều hơn 3 giờ so với mức trung bình của OECD. Đó là chưa kể, ngoài giờ học trên trường, học sinh Hàn Quốc còn tham gia cả những lớp học thêm.
“Học sinh Hàn Quốc tới trường từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều, sau đó đi tới hagwons (các lớp học thêm) từ 5 giờ tối đến 10 giờ đêm. Các em bắt đầu việc học tại nhà sau khi trở về từ lớp học thêm” - Stacey Bremner - một thầy giáo người Nam Phi dạy học tại Hàn Quốc cho biết.
Môi trường học tập với vai trò người thầy giáo được đề cao cùng với kỳ vọng của cha mẹ ở Hàn Quốc sẽ tạo ra một khuôn khổ rèn luyện khả năng học tập chăm chỉ và nắm tốt về mặt lý thuyết, các khái niệm và nguyên lý khoa học.
Khác với Hàn Quốc, tại Phần Lan học sinh dành thời gian học trên lớp ít nhất trong số các nước phát triển. Triết lý giáo dục của Phần Lan là hướng tới tất cả học sinh cùng đóng góp và tranh luận giải quyết những chủ đề nhất định, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn và tương tác.
“Học tập là kết quả của hoạt động tích cực và tập trung của học sinh nhằm tới việc giải quyết và giải thích được quá trình cũng như các thông tin trong quá trình tương tác với các học sinh khác, với giáo viên và môi trường” - Ari Myllyviita - giáo viên dạy hóa học tại khoa Đào tạo giáo viên thuộc Đại học Helsinki nói.
Đồng thời, khác với nhiều nền giáo dục ở Á Đông với nhiều giờ học trên lớp và tập trung vào luyện trí nhớ, Phần Lan lại giao rất ít bài tập về nhà và khuyến khích học sinh tham gia vào các trò chơi sáng tạo hơn.
Như vậy, có thể thấy mỗi nền giáo dục lại có cách thức riêng để đạt được hiệu quả trong việc dạy và học các môn khoa học với những ưu điểm đáng để các nước khác tham khảo.
theo Văn Biên (Khoa học phát triển)