Hiệu quả đổi mới sáng tạo thể hiện qua lượng đơn đăng ký sáng chế

"Nếu chưa tạo được một phong trào trong cả nước thì câu chuyện về đổi mới sáng tạo (ĐMST), thúc đẩy đăng ký sáng chế cũng chỉ là câu chuyện của một số cá nhân nào đó mà thôi", theo lời ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Hội thảo Đăng ký bảo hộ sáng chế ra nước ngoài theo Hiệp ước về hợp tác Sáng chế (sáng 4/11).

Sáng ngày 4/11, tại TP.HCM, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công Nghệ (KH&CN) TP.HCM và Hội Sáng chế Việt Nam tổ chức Hội thảo Đăng ký bảo hộ sáng chế ra nước ngoài theo Hiệp ước về hợp tác Sáng chế (Patent Cooperation Treaty - PCT).

Mục tiêu chính của hội thảo là cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, cá nhân, trường đại học và các viện nghiên cứu về quy trình thực hiện cũng như cách tận dụng những ưu thế của việc nộp đơn bảo hộ sáng chế ra nước ngoài thông qua Hiệp ước PCT.

Nộp đơn bảo hộ sáng chế theo PCT còn rất khiêm tốn

Theo ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT, trước tình hình Việt Nam đang tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với quốc tế, SHTT là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài để cạnh tranh. Lúc này, việc bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ, trong đó có sáng chế trở nên rất cần thiết.

Hiện tại ở Việt Nam có hai cách để cá nhân hoặc tổ chức đăng ký bảo hộ sáng chế ra nước ngoài. Cách thứ nhất là nộp đơn trực tiếp ra nước ngoài theo Công ước Paris. Cách thứ hai là nộp đơn theo Hiệp ước PCT.

Theo ông Đào Nguyên, Thẩm định viên của Cục SHTT, PCT là hệ thống nộp đơn, không phải hệ thống cấp văn bằng sáng chế như một số người vẫn thường hay hiểu nhầm. Ưu điểm của PCT là cho chủ thể nộp đơn có thêm thời gian để cân nhắc việc nộp đơn ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc nộp đơn theo PCT còn giúp tiết kiệm chi phí nếu cá nhân người nộp đơn là công dân của quốc gia, là thành viên của Hiệp ước PCT. Người nộp đơn cũng chỉ cần làm một mẫu đơn duy nhất nhưng có thể nộp vào tất cả các nước thuộc hệ thống này.

Mặc dù có nhiều lợi thế như vậy, nhưng số lượng nộp đơn PCT có nguồn gốc từ Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Việt Nam gia nhập PCT từ ngày 10/3/1993, tức là đã hơn 20 năm, nhưng số lượng đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam theo ghi nhận của Cục SHTT tính đến hiện tại chỉ mới có 92 đơn.

Con số đó chưa kể những đơn có nguồn gốc Việt Nam nộp thẳng ra nước ngoài mà chưa thông qua cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.

Nếu mang so sánh với số lượng nộp đơn bảo hộ sáng chế trong nước thì có sự chênh lệch rất lớn. Cũng theo ông Sơn, tình hình đăng ký bảo hộ sáng chế tại Việt Nam trong năm qua ghi nhận được rất nhiều tín hiệu tích cực. 

“Mặc dù kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn, nhưng trong thời gian qua, theo những quan sát của chúng tôi, các số liệu liên quan đến lĩnh vực bảo hộ sáng chế là tin đáng mừng. Con số nộp đơn trong nước của các chủ thể Việt Nam ngày một tăng. Như năm 2015, Cục nhận được gần 5.500 đơn đăng ký sáng chế", ông Sơn nói.

ĐMST và đăng ký sáng chế

Ông Sơn cũng nhấn mạnh, hiệu quả của phong trào đổi mới sáng tạo cũng được thể hiện qua số lượng đơn đăng ký sáng chế. Nhưng điều này lại vô hình gây ra một áp lực không nhỏ cho các địa phương, đó là đạt được các chỉ tiêu đăng ký sáng chế qua từng giai đoạn, điển hình là TP.HCM.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đào Minh Đức, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ - Sở KH&CN TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2006 - 2010, đặc biệt là sau khi thành phố triển khai Giải thưởng sáng chế TP.HCM, đơn đăng ký sáng chế mỗi năm đạt trung bình 119 đơn.

Trong giai đoạn từ 2011 - 2015, con số này đã tăng lên trung bình 200 đơn/năm. Mục tiêu của TP.HCM trong giai đoạn 2016 - 2020 là đạt trung bình 400 đơn sáng chế/năm. Ông Đức nhận định, đây là một thách thức rất lớn vì tính đến năm 2015, số đơn đăng ký sáng chế của thành phố chỉ mới đạt 239 đơn.

Đây không phải là trăn trở của riêng TP.HCM mà còn của cả nước. Vì có một thực tế là nhiều nhà khoa học, sáng tạo vẫn chưa biết cách làm một bộ đơn xin cấp bằng sáng chế đúng chuẩn.

Hiện tại cả nước vẫn còn thiếu những cơ sở chuyên phụ trách về việc hướng dẫn viết yêu cầu bảo hộ chặt chẽ để được cấp bằng bảo hộ. Chưa kể do thiếu tra cứu, rất nhiều hồ sơ nộp đơn sáng chế bị trùng lặp, dẫn đến mâu thuẫn.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh, cần thực hiện xã hội hóa công tác hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế. "Nếu chưa tạo được một phong trào trong cả nước thì câu chuyện về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy đăng ký sáng chế cũng chỉ là câu chuyện của một số cá nhân nào đó mà thôi".

Hoàng Nguyên (theo Khampha)

Tin tứcQuântin tức