Sáng tạo phải bắt đầu từ giải pháp chứ không phải là ý tưởng
Thực tế cho thấy, những người trực tiếp làm việc tại các cơ quan, đơn vị là những người có nhiều sáng tạo nhất. Đây là đối tượng luôn đối mặt với vấn đề mỗi ngày và họ luôn tìm tòi những giải pháp để giải quyết nó.
Ý kiến trên được ông Nguyễn Văn Bảy, GĐ Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và công nghệ) nhấn mạnh tại hội thảo “Đăng ký, công nhận và khai thác sáng kiến”. Sự kiện do Phòng Sở hữu trí tuệ, Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức vào sáng 28/9. Sự kiện này nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong thành phố.
Ông Bảy cho rằng, thực tế hoạt động sáng kiến tại cơ sở hiện nay thường gắn với hoạt động thi đua khen thưởng. Tuy nhiên, tại đơn vị công tác của ông, hoạt động sáng kiến luôn là mục tiêu để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của các cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả công việc.
“Những người trực tiếp xử lý một công việc nào đó, tại một bộ phận, phòng ban nào đó thường là những người có nhiều sáng kiến nhất. Bởi đây là đối tượng luôn gặp phải những vấn đề trong công việc và luôn tìm tòi ra giải pháp để giải quyết” – ông Bảy chia sẻ.
Cũng theo ông Bảy, sáng kiến muốn được công nhận phải mang tính giải pháp và áp dụng thử nghiệm trong thực tế để xác định tính hiệu quả của sản phẩm, công trình đó.
Ông Bảy đặt một vấn đề cụ thể “Một người tham gia vào ban soạn thảo của một cơ quan, đơn vị về vấn đề chống ngập thì nội dung đó có phải là sáng kiến không?”. Tuy nhiên, sau khi tham khảo nhiều ý kiến nhận định của các đại biểu tham dự, ông Bảy quả quyết, đó không phải là sáng kiến.
Ông giải thích “Sáng kiến phải có được giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề chống ngập chứ không phải là báo cáo chung chung nêu hiện trạng, những tác hại của việc ngập nước… Vấn đề chống ngập được công nhận là sáng kiến khi tác giả có được giải pháp cụ thể như thế nào về chống ngập nước”.
Sáng kiến cũng có thể được công nhận không phải từ việc tạo ra giải pháp kỹ thuật hoàn toàn mà cũng có thể cải tiến một giải pháp có sẵn. Cụ thể, tác giả có thể ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng công việc, giảm thời gian và khối lượng xử lý công việc.
Ông Bảy nêu ví dụ, một người mua công nghệ hiện đại của nước ngoài về nghiên cứu, cải tiến để áp dụng phù hợp vào đơn vị mình cũng được coi là sáng kiến.
“Tại cơ quan tôi, mỗi năm có đến 70 đơn đăng ký xét duyệt sáng kiến của các cá nhân. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ công nhận sáng kiến cho 2 công trình. Chúng tôi luôn quán triệt, việc xét công nhận sáng kiến phải làm nghiêm túc, chuyên nghiệp.
Điều này sẽ khiến những người được công nhận sáng kiến cảm thấy hãnh diện hơn, những người bạn đồng nghiệp sẽ ngưỡng mộ những tấm gương sáng kiến. Từ đó sẽ tạo thành một động lực để phong trào sáng kiến đi vào thực chất, tạo hiệu quả thực tế” – ông Bảy nhấn mạnh.
Ông Bảy khuyến nghị, mỗi người hãy luôn đặt vấn đề tồn tại ra trước để tìm phương án giải quyết nó thì sáng tạo mới mang tính thực tiễn và có giá trị
Đồng tình với quan điểm trên, TS Đào Minh Đức, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở khoa học và công nghệ TP.HCM cũng cho rằng, những tác giả sáng kiến cần đi thẳng vào giải quyết vấn đề bằng giải pháp cụ thể. Không nên tìm cách giải quyết quá nhiều vấn đề và tập trung vào nghiên cứu những cái cao siêu, khó hiểu để rồi lại bỏ vào ngăn kéo.
“Không có khái niệm sáng kiến lớn lao hay nhỏ bé mà quan trọng là sáng kiến phục vụ cho ai và giải quyết được vấn đề gì. Sáng kiến cũng không phải chỉ dành cho những người học rộng, hiểu nhiều, mà tất cả những ai ham thích lao động, yêu quý công việc của mình đều có thể tạo ra sáng kiến hữu ích”– TS Đức nói.
Hà Thế An (theo Khampha)