Dự án FIRST: Chắp cánh đổi mới sáng tạo khoa học, công nghệ

Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Văn Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) FIRST nhấn mạnh mục tiêu của dự án ‘khủng’ này là nhằm góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Dự án khoa học ‘khủng’ mang tầm thế giới

Ngay trong báo cáo khai mạc hội thảo “Giới thiệu dự án FIRST và hướng dẫn viết hồ sơ đề xuất tài trợ”, đại diện ban tổ chức đã trình bày chi tiết về dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ”.

Theo đó, FIRST là dự án đầu tiên do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và được Bộ Khoa học & Công nghệ trực tiếp triển khai bằng việc thành lập Ban Quản lí chuyên trách. Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 110 triệu USD và thực hiện trong vòng 60 tháng kể từ ngày 23/10/2013.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Văn Thắng (Phó Giám đốc Ban QLDA FIRST) nhấn mạnh mục tiêu của dự án ‘khủng’ này là nhằm góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Tiếp nối đợt kêu gọi lần 1 (năm 2013), ông Thắng khẳng định dự án FIRST lần 2 sẽ được tổ chức theo một quy trình tối ưu, bám sát những quy định trong nước và tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.

Các tiêu chí đánh giá được hướng dẫn rõ ràng với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức và doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận đến dự án. “Đợt 1 chúng tôi đã hỗ trợ cho 11 dự án thuộc 4 hợp phần.

Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của 600 cá nhân thuộc các tổ chức khoa học, công nghệ. Dự kiến việc tổng kết xét duyệt sẽ hoàn tất vào thời điểm đầu tháng 10 tới”, ông Thắng cho hay.

Điểm mới của dự án FIRST triển khai trong năm 2016 so với lần 1 nằm ở số lượng hợp phần. Nay số hợp phần đã giảm xuống còn 3 nhóm gồm: Chuyên gia giỏi nước ngoài (1a), tổ chức KH&CN công lập (2a) và nhóm hợp tác nghiên cứu (2b2).

Trong đó, khoản tài trợ cho các tổ chức KHCN công lập chuyển đổi theo định hướng thị trường, tự chủ và phát triển bền vững về tài chính. Thông qua đề xuất dự án có chiến lược phát triển dài hạn về KHCN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu và quản lí tổ chức.

Khoản tài trợ cho các chuyên gia giỏi nước ngoài, là người Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ các tổ chức tiếp cận, nắm bắt, tiếp thu, làm chủ tri thức mới, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lí hiện đại và tăng cường kết nối, hợp tác.

Cuối cùng, khoản tài trợ cho nhóm hợp tác nghiên cứu, khoản này hỗ trợ các nhóm thực hiện đề xuất triển khai các dự án kinh doanh khả thi dựa trên kết quả nghiên cứu về KHCN; ý tưởng sáng tạo giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học.

Cần nắm chắc quy định về 3 khoản tài trợ trước khi lập hồ sơ đề xuất

Trong tài liệu tóm tắt và hướng dẫn lập hồ sơ xin tài trợ cho các khoản, Ban QLDA FIRST nêu rõ kinh phí “rót” cho từng hợp phần. Riêng 2 hợp phần 1a, 2a sẽ nhận 100% khoản kinh phí thực hiện với số tiền tối đa lần lượt là 200.000 USD và 4 triệu USD.

Khoản tài trợ cho nhóm hợp tác nghiên cứu (2b2), nguồn vốn IDA không quá 50% và kinh phí thực hiện dự án đề xuất tương ứng tối đa là 3 triệu USD.

Đề cập đến khoản kinh phí hỗ trợ cho các hợp phần, ông Vũ Văn Sơn (trưởng phòng đấu thầu dự án FIRST) đặc biệt lưu ý đối với các cá nhân, tổ chức có dự án được thụ hưởng hỗ trợ rằng dự án sẽ không tài trợ cho các hoạt động về xây dựng mới, thu hồi đất hay tiền lương chuyên gia/cán bộ/viên chức đang làm việc tại đơn vị thụ hưởng.

Về hướng dẫn lập hồ sơ đề xuất, ngoài hình thức nộp trực tiếp đến trụ sở Ban QLDA, các cá nhân, đơn vị tham gia có thể nộp trực tuyến hết sức nhanh chóng, tiện lợi. Trình bày thao tác này trước hàng trăm đại biểu, ông Sơn chỉ ra các bước gửi hồ sơ. 

“Sau khi đăng nhập vào địa chỉ www.first-most.vn, đơn vị muốn gửi hồ sơ cần tạo một tài khoản. Khi đã có tài khoản, bước tiếp theo là chọn hợp phần xin hỗ trợ, tạo biểu mẫu. Kế tiếp cần chữ kí + con dấu và kích chuột gửi về Ban QLDA”, ông Sơn nói rõ.

Theo Ban QLDA, việc nắm chắc quy định về 3 khoản tài trợ trước khi lập hồ sơ đề xuất là một điều tối quan trọng bởi nhiều trường hợp đã bị loại thẳng thừng vì những nhầm lẫn đáng tiếc.

Ví dụ trong hồ sơ gửi đến, rất nhiều đơn vị đã hiểu nhầm đối tượng thụ hưởng, từ đó lập hồ sơ đề xuất bị sai so với quy định. Hay việc nắm không chính xác mức hỗ trợ dành cho hợp phần mà mình đăng kí xin hỗ trợ cũng sẽ bị loại hồ sơ ngay lập tức.

Tổng kết hội thảo, ông Thắng bày tỏ hy vọng: “Thông qua hội thảo lần này, ban tổ chức mong rằng trong thời gian tới việc đổi mới sáng tạo và tăng cường sự liên kết giữa viện trường và doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Hy vọng những dự án được “chọn mặt gửi vàng” lần 2 sẽ gặt hái thành công để không phụ lại sự kì vọng của Chính phủ và tổ chức Ngân hàng Thế giới”.

Tam Liên (theo Khampha)

Tin tứcGuest Usertin tức