Muốn sáng tạo trong nông nghiệp: Phải hiểu người nông dân

Đó là lời chia sẻ của chị Leang Chanthy, trưởng nhóm Rat Hunter - đội vừa giành giải nhất chung kết cuộc thi SEA Makerthon 2016 tại buổi hội thảo Ứng dụng công nghệ, làm nông nghiệp hiện đại do Fablab Sài Gòn tổ chức tại Saigon Innovation Hub vào sáng ngày 6/11.

Rat Hunter là giải pháp bắt chuột đồng an toàn hơn, hiệu quả hơn giúp người nông dân hạn chế thất thoát vụ mùa, tăng năng suất thu hoạch.

Ý tưởng của Rat Hunter đã xóa bỏ được lối suy nghĩ cứng nhắc ứng dụng công nghệ để nông nghiệp theo hướng hiện đại chỉ có thể dựa vào những kỹ thuật công nghệ cao như tưới nhỏ giọt, làm nhà kính, hoặc sử dụng big data, Internet of things (IoTs) – vốn thường là sân chơi của những người có vốn lớn, được đầu tư nhiều.

Từ đâu chị hình thành nên ý tưởng cho Rat Hunter?

Đó là cả một câu chuyện dài. Tôi làm việc cho một tổ chức nông nghiệp ở Campuchia nên tôi có dịp trò chuyện với nông dân rất nhiều.

Chúng tôi làm một nghiên cứu nhỏ và biết rằng người nông dân gặp vấn đề với chuột nhưng lúc đó chúng tôi chưa tìm được một giải pháp nào tốt hơn các phương pháp truyền thống họ hay dùng như bẫy chuột, sốc điện, thuốc diệt chuột,...

Sau đó, một đồng nghiệp của tôi trò chuyện với nông dân ở các tỉnh của Campuchia, và phát hiện ra được họ dùng một phương pháp là cho đá vào các lon nước ngọt rỗng, rồi xỏ thành xâu để tạo âm thanh dọa chuột. Nhưng với cách này dù dọa được chuột nhưng khi di chuyển những xâu lon qua lại thửa ruộng sẽ cắt đứt lúa.

Dù cách làm này có hiệu quả (dọa chuột) nhưng không phải là cách tốt nhất. Và lúc đó chúng tôi mới nghĩ là có thể phương pháp dùng âm thanh của những người nông dân sẽ hiệu quả. Ý tưởng đến từ chính những người nông dân, vấn đề là tìm một loại âm thanh khác.

Ban đầu, chúng tôi nghĩ rất đơn giản là dùng âm thanh của rắn để dọa chuột, vì rắn ăn chuột (cười)! Nhưng khi thử nghiệm thì mới thấy không hiệu quả vì rõ ràng loài rắn không tạo âm thanh nhiều.

Sau các thử nghiệm, chúng tôi thấy rằng dùng tiếng mèo kêu là hiệu quả nhất cho đến hiện tại. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các âm thanh khác, vì loài chuột có thể quen dần và thích ứng với âm thanh này.

Phải mất bao lâu để Rat Hunter tạo ra được prototype (mô hình mẫu) như hiện tại?

Chúng tôi đã mất 3 tháng để làm ra prototype. Nhóm chúng tôi có 3 người đều đi làm và có một bạn sinh viên. Nên chúng tôi không có nhiều thời gian dành cho dự án, chỉ có thể làm vào cuối tuần.

Chị thấy đâu là phần khó nhất để hiện thực hóa ý tưởng?

Khó nhất là thử nghiệm, bởi vì chúng tôi phải đến các ruộng lúa. Chúng tôi sống ở thành phố, mà ở thành phố thì không có ruộng lúa.

Chúng tôi phải chi tiền cho việc di chuyển và cũng chỉ có thể đi vào cuối tuần. Nhưng nhiêu đó không đủ, vì muốn thử nghiệm với chuột thì phải làm vào ban đêm, chứ ban ngày chúng không ló mặt ra ngoài.

Vì thế chúng tôi phải ở trên các cánh đồng, rồi làm việc với những người nông dân vào ban đêm. Điều kiện không thuận lợi lắm.

Kế hoạch sắp tới của chị dành cho Rat Hunter là gì?

Chúng tôi cũng dự kiến làm một công ty, nhưng hiện tại như tôi đã nói sẽ phải làm rất nhiều thử nghiệm khác nhau nữa. Kế hoạch sắp tới là làm thêm nhiều thử nghiệm phức tạp hơn nữa.

Các thử nghiệm ban đầu của chúng tôi chỉ mới với phần âm thanh, sắp tới sẽ là phần bẫy. Rồi thử nghiệm thêm nhiều loại âm thanh khác nữa để chọn được âm thanh hoạt động hiệu quả nhất. Sau khi xong, chúng tôi sẽ phải tìm người làm kỹ thuật về âm thanh.

Sau đó, sẽ nghĩ đến chuyện tìm nhà sản xuất để phát triển cho sản phẩm.

Chị thấy mức độ quan tâm của giới trẻ ở Campuchia về lĩnh vực nông nghiệp đến đâu?

Nếu nói về nông nghiệp thì không có nhiều bạn trẻ hiểu về lĩnh vực này lắm. Bởi vì các bạn thường thích những thứ hào nhoáng hơn, không muốn làm lụng khổ cực trên các cánh đồng nên không hứng thú tìm tòi, học hỏi.

Nhưng hiện tại, những người thuộc nhóm « nông dân thông minh » (smart famer) ở độ tuổi trung niên bắt đầu nhận ra được tiềm năng của ngành này. Đây là ngành có thể mang lại thu nhập cao nếu như bạn làm đúng cách và làm tốt. Cho nên cũng xuất hiện khá nhiều nông dân còn khá trẻ luôn tìm giải pháp mới.

Chúng tôi cũng đang đưa nông nghiệp đến gần hơn với các bạn trẻ, cho họ hiểu rằng đây là một ngành rất tiềm năng. Ngay cả những người không học gì về nông nghiệp cũng có thể vận dụng hiểu biết của mình về công nghệ, internet để giải quyết những vấn đề trong nông nghiệp.

- Theo chị những bạn trẻ có dự định thâm nhập vào lĩnh vực nông nghiệp nên bắt đầu từ đâu?

Tôi nghĩ đầu tiên là các bạn nên tìm hiểu vấn đề nằm ở đâu. Sau đó nói chuyện với nông dân, hiểu họ và xem họ có thể làm được gì.

Biến những vấn đề đó thành cơ hội để tìm giải pháp và khởi nghiệp từ đó. Nhưng bạn phải hiểu được bối cảnh nữa. Nếu không nói chuyện với nông dân, bạn nghĩ được ý tưởng hay và nghĩ nó sẽ thành công, nhưng hóa ra lại không.

Bởi vì dù bạn làm được sản phẩm, dịch vụ nhưng mang ra bán cho nông dân có thể họ sẽ không mua. Quan trọng là hiểu được khách hàng, đặc biệt là nông dân, vì đa phần họ không phải là những người có thu nhập cao. Khi tạo ra thứ gì đó, bạn phải nghĩ đến họ.

Liệu nó có khó cho họ sử dụng không? Liệu có quá đắt không? Tôi nghĩ thế mạnh của Rat Hunter nằm ở chỗ chúng tôi nhắm đến một công nghệ vô cùng đơn giản để họ có thể sử dụng và sẽ sẵn lòng bỏ tiền ra mua.

Xin cảm ơn chị.

Hoàng Nguyên - Khampha

Tin tứcQuântin tức