Túi PVC chứa nước khổng lồ và siêu bền của Đại học quốc gia TP.HCM

Độ bền của túi sử dụng kéo dài 7-10 năm và không bị các loại côn trùng hoặc hải sản như cua, tôm cắn rách.

Sau hơn bốn tháng nghiên cứu và triển khai, Đại học quốc gia TP.HCM đã đưa vào sử dụng những túi nước đầu tiên cho người dân vùng hạn mặn Bến Tre.

Đây là nhóm giải pháp đầu tiên của Đại học quốc gia TP.HCM khi tìm hiểu, nghiên cứu chế tạo nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi chống hạn hán, xâm mặn do Đại học quốc gia TP.HCM .

Nhóm nghiên cứu đã đưa vào sử dụng 4 túi PVC chứa nước cộng đồng, mỗi túi 50 m3 đặt tại trường học, trạm y tế, ủy ban; 5 túi dung tích 10 m3.

Nhóm nghiên cứu đã chọn chất liệu bằng bạt PVC, gia công bằng phương pháp hàn nhiệt kết hợp keo dán để làm nên những túi chứa nước ngọt di động khổng lồ. Thể tích có thể điều chỉnh từ 10 đến 50 m3. Hình dạng túi được thiết kế phù hợp với địa hình, nhu cầu của từng địa phương và người sử dụng.

Túi hình trụ tròn dành cho khu vực có nhiều kênh, mương. Mương đang có nước hoặc khô đều có thể đặt túi được. Túi hình vuông hoặc chữ nhật dành cho khu vực có ao, hồ, vuông nuôi thủy sản, các túi này đặt trực tiếp vào nơi đang có nước bị xâm mặn. Phương pháp này cũng tiết kiệm diện tích vì sử dụng chính diện tích bị xâm mặn để chứa nước ngọt.

Chi phí lắp đặt túi 50 mét khối dành cho khu dân cư là 33 triệu đồng, túi nhỏ 5 mét khối dành cho hộ dân là 8,6 triệu đồng. Các hộ dân có thể tự lắp đặt, tận dụng hệ thống máy bơm và đường ống có sẵn từ trong nhà để giảm chi phí từ 2-3 triệu đồng, thời gian lắp đặt trong khoảng 6 đến 9 ngày.

Người dân có thể tự lắp đặt túi PVC theo tài liệu hướng dẫn và có thể thu gọn, cất đi khi không sử dụng vào mùa nước nổi để kéo dài thời gian sử dụng.

Theo PGS.TS Huỳnh Đại Phú, chi phí lắp đặt túi PVC khá rẻ, thực hiện nhanh chóng, hiệu quả cao, tận dụng được nguồn lực có sẵn ở địa phương. Loại túi này cũng dễ bảo trì, sửa chữa, chẳng hạn trường hợp túi bị thủng người dân có thể tự vá được.

Khi không dùng, người dân có thể tháo túi ra, cuộn lại hoặc sử dụng vào mục đích khác. PGS Phú cho biết thêm độ bền của túi sử dụng kéo dài 7-10 năm và sẽ không bị các loại côn trùng hoặc hải sản như cua, tôm cắn rách, bà con yên tâm sử dụng.

Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục chuyển giao công nghệ cho người dân và nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác.

Tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), nhóm nghiên cứu lắp đặt túi PVC cộng đồng 50 mét khối tại hộ ông Bảy Đèo, xã Thừa Đức. Ông Bảy Đèo đã lấy nước mưa đầy túi trong 8 ngày. Ông chăm sóc túi rất kỹ, bảo quản đường ống cẩn thận sau khi bơm nước.

Ông Nguyễn Văn Sách ở xã Quới Điền (Thạnh Phú, Bến Tre), người trực tiếp sử dụng túi PVC cho biết: “Túi này có giá rẻ và tiện lợi. Chúng tôi cảm ơn ĐHQG-HCM đã hỗ trợ kịp thời những chiếc túi đựng nước rất quý giá, nó giúp bà con nông dân có đủ nước ngọt xài khi mùa khô hạn sắp tới”.

Cuối tháng 3/2016, nhận được lời đề nghị giúp đỡ của Tỉnh ủy Bến Tre, nhóm nghiên cứu của ĐHQG-HCM đã bắt tay tìm hiểu và đưa ra giải pháp chống hạn hán, xâm mặn tại đây.

Các giải pháp truyền thống mà tỉnh Bến Tre áp dụng, như xây dựng bể chứa nước ngọt, chỉ là tạm thời, tốn kém, khó di dời nên chưa đạt hiệu quả cao.

Nhóm nghiên cứu của ĐHQG-HCM chia ra ba hướng để triển khai gồm nhóm của PGS.TS Huỳnh Đại Phú (khoa công nghệ vật liệu, Trường ĐH Bách Khoa) giải bài toán trước mắt về việc trữ nước ngọt.

Nhóm trung hạn của khoa môi trường, Trường ĐH Bách Khoa nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước nhiễm mặn RO công suất 15 mét khối một ngày. Nhóm lâu dài của ThS Hồ Long Phi (Giám đốc Trung tâm quản lý nước và Biến đổi khí hậu) xây dựng chương trình tổng thể cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các nhóm nghiên cứu giải pháp trung và dài hạn của ĐHQG-HCM hiện vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng bà con ĐBSCL trong cuộc chiến chống hạn mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Như Quỳnh (Khoa học phổ thông)

Tin tứcQuântin tức