Nông dân sáng chế cải thiện sản lượng xoài

Trình độ chỉ học hết lớp 5, nhưng người nông dân này không chỉ sửa máy dầu giỏi mà còn sáng chế thành công máy đắp bồn xoài. Chiếc máy của anh đã thay sức người, giúp ích cho bà con nông dân nơi đây giảm được nhiều chi phí đồng thời làm cho cây xoài sinh trưởng phát triển tốt tươi, ra hoa và đậu trái nhiều.

Xuất phát từ thực tiễn

Đến xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) hỏi thăm “Ô sửa máy dầu” - Đặng Ngọc Ô, 43 tuổi, thì hầu như các chủ vườn đều biết và tỏ ra ngưỡng mộ anh.

Sau nhiều lần liên hệ, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được anh Đặng Ngọc Ô tại ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu. Dẫn đi thăm các vườn xoài sum xuê quả của mùa trái vụ, anh Ô cho biết những vườn xoài này đều do anh nhận làm đắp bồn nên cây nào cũng xanh mướt, cho ra trái nhiều.

Để chứng minh tính hiểu quả của sản phẩm mình làm ra, anh Ô đã lái máy ra “biểu diễn” đắp bồn tại vườn xoài của gia đình anh Nguyễn Thanh Nam để mọi người cùng xem. Chỉ trong vòng chưa được 5 phút máy của anh đã đắp xong 1 bồn xoài tròn trịa trông rất đẹp mắt. Trong khi, một người dân đắp một cái bồn phải mất vài chục phút.

Ngồi nhâm nhi ly trà nóng buổi sớm mai, anh Ô bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về ý tưởng sáng chế ra máy đắp bồn. Năm 2013, trong một lần đi sửa máy dầu cho người dân ở ấp 3 (xã Mã Đà) thì anh chứng kiến cảnh người dân quá khổ sở trong việc đắp bồn cho cây xoài. Bởi vùng đất này quá cứng và có nhiều sỏi đá lởm chởm.

Để đắp được 1 bồn xoài, người dân phải bỏ ra rất nhiều sức lực, vì dùng cuốc để cuốc thì không xuống được đất mà cứ bật ngược lại hoặc nhiều khi trúng đá thì bị mẻ cuốc, dẫn đến hư hỏng. Từ đó, anh Ô có ý tưởng chế tạo ra máy đắp bồn xoài để phục vụ cho bà con.

Nghĩ là làm, anh Ô mạnh dạn đầu tư hơn 20 triệu đồng mua máy càng xới (còn gọi máy cày tay) về làm thí nghiệm, tự mày mò sáng chế để trở thành máy đắp bồn xoài. Thực hiện theo ý tưởng, anh chế tạo ra loại răng xới đặc trưng dùng để đắp bồn xoài rồi lắp vào chạy thử.

Tuy nhiên, thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn để thực hiện từ “từ ý tưởng đến sản phẩm”, vì anh chưa từng thấy ai sáng chế ra loại máy này để học hỏi kinh nghiệm. “Các kĩ sư sáng chế ra máy càng xới sử dụng vào mục đích xới đất bằng phẳng để trồng trọt.

Giờ mình chế tạo lại dàn răng để xới đất dồn đắp thành bồn thì không hề đơn giản chút nào. Tôi đã cố gắng lắp răng đủ mọi kiểu nhưng không tài nào chạy đắp thành bồn được”, anh Ô cho hay.

Tuy nhiên, với quyết tâm không bỏ cuộc, ngày đêm anh Ô vẫn miệt mài nghiên cứu sáng chế bằng được máy đắp bồn. Sau gần 2 tháng ròng rã làm, cuối cùng anh cũng thành công.

“Sau nhiều lần làm hoài không được, tôi mới suy nghĩ, mình lái máy chạy tới không đắp được bồn, giờ thử chuyển số cho chạy lui xem sao. Tôi mới lắp toàn bộ dàn răng hướng về phía bên trái rồi cho máy chạy lui thì dàn răng đã xới được đất dồn đắp thành bồn.

Lúc đó tôi đã nhảy lên vui mừng vì sự thành công của mình”, anh Ô nhớ lại.

Khi chế tạo máy đắp bồn thành công, anh Ô tiếp tục làm một cuộc thí nghiệm là lái máy cho đắp bồn một cây xoài, còn một cây xoài không đắp bồn. Anh vẫn chăm sóc tươi nước, bón phân… hai cây giống nhau để theo dõi. Qua một thời gian ngắn, anh thấy cây xoài được đắp bồn trở nên tốt tươi hơn cây không đắp bồn. Từ đó, anh tiến hành đắp bồn hết vườn xoài nhà mình.

“Cây xoài không đắp bồn sẽ không giữ được nước tưới và phân bón. Ngược lại, cây xoài được đắp bồn giúp tích trữ nước tưới và phân bón. Hơn nữa, việc đắp bồn giúp cho cây xoài ra rễ mới, kích thích ra hoa, đậu trái nhiều”, anh Ô đúc kết kinh nghiệm.

Thấy được hiệu quả từ máy đắp bồn của anh Ô, chủ vườn xoài các xã: Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đã thuê anh đến làm ngày càng đông.

Thời gian đầu, anh lấy giá “hữu nghị” 7.000 đồng/ gốc xoài nhưng về sau anh đã thu tăng giá 12.000 đồng/ gốc xoài. Theo anh Ô, một người có sức khỏe tốt thì làm được 10 bồn/ ngày. Còn chiếc máy của anh làm trung bình mỗi ngày từ 70 đến 100 bồn.

Vì vậy, nhiều chủ vườn “khoái” chiếc máy đắp bồn nên năn nỉ anh bán lại. Hiện anh đã bán được 3 chiếc (1 chiếc ở ấp 3 và 2 chiếc ấp 6, xã Mã Đà) cho người dân với giá trung bình 20 triệu đồng, tùy theo máy cũ hay mới. Anh tiếp tục chế ra chiếc máy thứ 4 để hằng ngày đi đắp bồn thuê cho bà con.

Anh Nguyễn Thanh Nam (37 tuổi, ấp 3, xã Mã Đà) cho biết: “Vườn xoài của gia đình tôi rộng gần 10 mẫu. Trước đây, mỗi lần đến đợt đắp bồn xoài gia đình tôi phải chi ra khoảng tiền lớn để thuê nhân công.

Mỗi ngày tôi thuê khoảng 10 người và trả lương 170 ngàn đồng/ người nhưng làm việc không hiệu quả. Kể từ khi mua máy của anh Ô đã giúp tôi làm nhanh hơn, đỡ tốn kém chi phí, chủ động về thời gian, mang lại hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, năm nào vườn xoài nhà tôi cũng đạt năng suất cao”.

Người giàu nghị lực

Anh Ô cho biết, ngay từ thời trai trẻ anh đã có niềm đam mê sáng chế ra các công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trước đây, anh từng chế tạo ra thùng tuốt lúa, xe cải tiến… để cho gia đình và người thân sử dụng. Về sau, vì cuộc sống quá khó khăn nên anh phải tạm gác lại để đi làm kiếm tiền mưu sinh.

Anh Ô sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo của tỉnh Đồng Tháp. Vì cha mẹ ly thân nên anh học tới lớp 5 rồi nghỉ giữa chừng.

Hằng ngày anh phải chèo xuồng ra sông giăng lưới đánh bắt từng con cá, con tôm đem ra chợ bán kiếm tiền mưu sinh. Khi thấy ở quê không có điều kiện cho mình làm ăn vươn lên, nên năm 1990 anh quyết định lên vùng đất Thanh Sơn (huyện Định Quán) để lập nghiệp.

“Khi đến nơi xứ lạ quê người, trong túi của tôi chỉ còn 24 ngàn đồng. Không có nhà cửa tôi phải xin ở nhờ nhà người ta rồi hằng ngày đi làm thuê, làm mướn. Việc gì tôi cũng làm được, miễn công việc hợp pháp và có tiền. Khi dành dụm ít tiền tôi bắt đầu đi học nghề sửa chữa máy dầu để hằng ngày vào rẫy sữa chữa máy cho người ta để có thêm thu nhập ”, anh Ô kể lại.

Năm 2000, anh Ô mua thiếu của người ta mảnh đất rộng 2 mẫu với giá 12 triệu đồng. Mãi đến 10 năm sau anh mới trả hết số tiền nợ của mảnh đất. Sau khi mua đất, anh đã dựng tạm căn nhà nho nhỏ che mưa, che nắng.

Phần đất còn lại anh đầu tư trồng các loại cây hàng bông như: dưa leo, dưa hấu, ớt, bầu bí… theo phương thức lấy ngắn nuôi dài. Ngoài ra, tranh thủ thời gian rảnh anh còn đi làm thuê làm mướn cho người ta.

Tuy nhiên, anh Ô nhận thấy, việc trồng các loại cây hàng bông thường phải bỏ ra nhiều công sức, chi phí nhưng giá cả không ổn định, thu nhập bấp bênh. Nhiều lần anh bị thua lỗ vì gặp cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Vì vậy, năm 2002 anh quyết định chuyển qua trồng cây xoài, vì cây trồng này rất phù hợp vùng đất nơi đây. Nhờ chọn hướng đi đúng đắn đã giúp cho anh Ô ngày càng ăn nên làm ra.

Khi cuộc sống đã ổn định, anh Ô bắt đầu thực hiện niềm đam mê mà mình ấp ủ bấy lâu nay. Năm 2013, anh đã chế tạo thành công máy đắp bồn xoài. Sau đó, anh tiếp tục chế tạo ra được máy trồng mía và máy đào mương đi đường ống nước ngầm phục vụ cho việc tưới tiêu trong vườn.

“Từ máy cày tay, tôi có thể sắp răng xới để trở thành máy đắp bồn, máy trồng mía và máy làm đường ống nước ngầm tưới tiêu. Nghĩa là mỗi loại máy mình phải thay đổi cách la71p đặt răng xới cho phù hợp”, anh Ô giải thích.

Anh Ô cho biết thêm, bồn xoài chỉ sử dụng một thời gian rồi phải làm lại bồn mới to hơn cho phụ hợp sự phát triển của cây xoài. Do vậy, hướng sắp tới, anh tiếp tục sáng chế ra máy xả bồn. Đồng thời, anh sẽ nghiên cứu chế thêm hộp số để máy chạy nhanh hơn nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

TAM AN