Nhà khoa học trẻ cho 3 loài cây “mượn” tên

Phát hiện 13 loài và chi mới chỉ trong 13 năm, tốc độ khám phá của thạc sỹ (ThS) Phạm Văn Thế có lẽ một phần nhờ vào thói “nghiện” cây cỏ đến quên trời quên đất.

Lang thang nhiều hơn ngồi phòng lab

“Nếu người hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp đại học cho tôi không phải là TS Nguyễn Tiến Hiệp của Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam thì có lẽ bây giờ tôi là nhân viên kiểm lâm theo đúng ngành học ở Đại học Lâm nghiệp” – ThS Thế chia sẻ: “Hồi đó chú Hiệp dặn ra trường, nếu chưa tìm được việc thì đến làm dự án với chú”.

Và thế đến thật. Công việc đầu tiên của anh với tư cách nhà thực vật học là điều tra đa dạng sinh học trên các đảo ở Hạ Long, gồm xác định tình trạng của loài, số cá thể, quần thể và rủi ro mà chúng đối mặt.

“Chúng tôi lấy cả mẫu các loài sống cùng loài đó để xác định hệ sinh thái mọc cùng cây chính. Khi cần nhân giống, các nhà khoa học sẽ dựa vào báo cáo, tìm địa điểm tương tự để trồng. Nếu phát hiện loài chưa từng được công bố, chúng tôi sẽ mô tả và đặt tên” – anh hào hứng.

Từ chỗ mê mẩn vẻ đẹp nguyên sơ của vùng vịnh Hạ Long, Phạm Văn Thế bị cuốn hút vào thế giới bí ẩn, thiên hình vạn trạng của cây cỏ, không rdứt ra được. Chàng “kiểm lâm hụt” bước ngày một sâu hơn vào khu rừng khoa học, loáng cái đã 13 năm.

Là nhà khoa học, nhưng thời gian ThS Thế lang thang trong rừng nhiều hơn trong phòng lab. Mỗi chuyến đi của anh thường kéo dài từ 2 tuần đến 2 tháng, hết thu mẫu ở thực địa đến nhốt mình trong lab để phân tích.

“Với người khác, nhịp điệu đó có thể chậm rãi, tẻ nhạt; nhưng tôi sung sướng mỗi khi hít thở không khí trong rừng. Gặp loài hoa đẹp, tôi dành hàng tiếng đồng hồ ngắm nghía, chụp ảnh, trước để khoe bạn bè, sau dùng làm tư liệu. Loài nào lạ, tôi cắt một cành hoa mang về, đêm lôi ra cắt, rạch, đo đếm và chụp ảnh các chi tiết nhỏ của hoa” – ThS Thế cười.

Đồng nghiệp của anh – nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Khang – tỏ vẻ không lạ gì thói mê cây của anh: “Chuyện anh Thế ngắm một cái cây suốt nhiều giờ thì tôi chứng kiến nhiều rồi.

Tôi nhớ hồi năm 2013, chúng tôi sang Lào điều tra đa dạng sinh học ở một khu núi đá vôi hiểm trở đến mức dân bản địa cũng không chịu dẫn đi. Vậy mà hai anh em vẫn đi bằng được để khám phá các loài cây ở đây”.

Vì vậy ở tuổi 36, gia tài khoa học của anh đã khá bề thế với 11 chi và loài thực vật mới ở Việt Nam, 2 loài mới ở Lào được anh và đồng nghiệp phát hiện, mô tả.

Tên anh đã được đặt cho 1 chi thực vật mới là Theana và 3 loài mới là phong lan Thế Việt Theana vietnamica, tỏi rừng Thế Tupistra theana và địa lan Thế Gastrodia theana.

“Loài mới đầu tiên được tôi phát hiện và mô tả là Cẩm cù lộc – loài đặc hữu của Thừa Thiên – Huế với hoa màu trắng ngà, mùi sôcôla đậm đặc, sống bám trên các cành cây, hốc cây trong rừng rậm nguyên sinh mùa mưa nhiệt đới ở độ cao 1.000m. Tôi lấy tên người thầy đáng kính, GS-TS Phan Kế Lộc, để đặt cho nó”, anh tâm sự.

Đau đáu về bảo tồn

Bên cạnh niềm phấn khích khi phát hiện loài mới, thực tế công việc cũng đem lại cho ThS Thế nhiều trăn trở về mối đe dọạ từ sự khai thác quá mức của con người đối với đa dạng sinh học. Vì vậy, bảo tồn, phát triển gene quý là công việc anh tâm đắc.

“Chuyện bảo tồn và nhân giống chúng ta đã làm tốt, nhưng bảo vệ cây trước sự khai thác của con người vẫn đang là bài toán nan giải. Ở nước ngoài, khi nhà khoa học công bố một loài lan đẹp mới, cơ quan chức năng lập tức có biện pháp bảo vệ tuyệt đối.

Việt Nam chưa có cơ chế nhanh và mạnh như vậy. Khi loài mới được công bố, chỉ trong thời gian ngắn, dân buôn lan đã thu mua hết các cá thể trong khu vực, như lan hài cảnh, người ta ra giá cả nghìn USD một cây” – ThS Thế xót xa về sự khai thác theo kiểu tận diệt, có thể đẩy nhiều loài vào ngưỡng tuyệt chủng.

“Loài hoàng đàn ở Hữu Lũng, Lạng Sơn rất quý, nhưng bị khai thác quá mức nên giờ chỉ còn khoảng 30 cá thể. Điều đáng lo là chúng tôi hầu như không phát hiện cây con tái sinh. Ở Hà Giang, loài bách vàng cũng rơi vào tình trạng này”, ThS Thế cho biết.

Nếu không tìm được cách tái sinh cây con, những loài này có thể biến mất hoàn toàn. Cùng với các đồng nghiệp tâm huyết, ThS Thế đang nỗ lực góp sức mình để chống lại viễn cảnh đó. Dự án nhân giống cây bách vàng ở Hà Giang do TS Nguyễn Tiến Hiệp chủ trì có sự tham gia của anh.

“Chúng tôi thu cành non, ươm cho ra rễ và trồng trong khu nhà dân để bảo tồn. Việc nhân giống loài hoàng đàn ở Hữu Liên cũng đạt kết quả tốt với 70-80% số cành đâm rễ và phát triển khỏe mạnh” – ThS Thế chia sẻ.

Nhà khoa học trẻ đang tập trung vào mục tiêu tăng khả năng tái sinh tự nhiên và nhân giống từ hạt cho những loài cây bị đe dọa tuyệt chủng, góp phần làm dày thêm danh sách những loài quý hiếm được bảo tồn ở Việt Nam.

Theo Tuệ Minh (Khoa học phát triển)

Tin tứcQuântin tức