Miệt mài ươm mầm hạt giống khởi nghiệp

Cứ đến tối thứ 5 hằng tuần, căn phòng nhỏ tại Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, ĐH Bách khoa TP.HCM lại sôi lên bởi những buổi học về khởi nghiệp.

Đào tạo khởi nghiệp từ những kiến thức, kỹ năng căn bản

Chúng tôi có mặt tại lớp học đặc biệt này khi thầy Vũ Tuấn Anh, Trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồng, thuộc Hoa Sen Group, đang đứng lớp.  

Ấn tượng đầu tiên là lớp không có khoảng cách giữa thầy-trò, và nội dung học không phải là những kiến thức cao siêu mà được kể bằng những câu chuyện gắn với đời sống sinh viên.

Nói đúng ra, buổi học này giống như là buổi nói chuyện của một người anh đối với những người em của mình. Nhưng thật ra, đó là những kiến thức nền tảng của khởi nghiệp.

“Đào tạo khởi nghiệp nghe có vẻ thật to tát, nhưng với “Hạt giống khởi nghiệp” chúng tôi muốn truyền tải tinh thần khởi nghiệp đến từng em sinh viên, giúp các em định hướng thật đúng và hiểu đúng về khởi nghiệp.

Khởi nghiệp là một công cuộc chinh phục thị trường vĩ đại. Vì thế, ta phải vun trồng, chăm sóc những hạt giống khởi nghiệp từ những kiến thức cơ bản nhất”- thầy Tuấn Anh nói.

Theo thầy Tuấn Anh, ở đây dạy theo những vấn đề của người học, không có tính chất áp đặt máy móc. Mọi kiến thức, kỹ năng đều được gợi mở để các em thảo luận, chia sẻ.

Khởi nghiệp trước tiên phải rèn luyện cho các em những kỹ năng thật cơ bản để tạo thành một thói quen tốt khi làm việc và trong những mối quan hệ xã hội bên ngoài.

Hiện thực hóa tinh thần khởi nghiệp bằng những việc làm cụ thể

Gắn bó với “Hạt giống khởi nghiệp” mới hơn 2 tháng nhưng Thạch Mu Ni, sinh viên ĐH công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nói rằng những kiến thức mà các thầy truyền tải trong mỗi buổi học đã thay đổi rất nhiều nhận thức của em.

Ni kể, trước kia em cứ nghĩ khởi nghiệp là phải làm chủ, làm người sáng lập (founder). Song, sau khi tham gia hạt giống khởi nghiệp, Ni nhận ra rằng, khởi nghiệp có thể theo nhiều cách.

“Làm việc trong một công ty nhưng mình đem sự sáng tạo phụng sự công ty và tạo giá trị cho cộng đồng cũng là khởi nghiệp. Khởi nghiệp cũng có thể kết hợp với những người chung chí hướng để cùng thực hiện.

Khi đến với hạt giống khởi nghiệp, mọi suy nghĩ của em đều thay đổi hoàn toàn. Và giá trị lớn nhất với em có lẽ là tinh thần khởi nghiệp phải luôn luôn được duy trì để có thể dẫn dắt mỗi người đến thành công”- Ni tự tin chia sẻ.

Còn với Nguyễn Ngọc Châu, sinh viên ĐH kinh tế TP.HCM, thì tinh thần khởi nghiệp của các thầy cô dạy cho em đã được cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể.

“Trong một buổi học thầy đã dạy chúng em mỗi ngày trước khi ngủ hãy viết ra ba điều tốt mình đã thực hiện trong ngày, và 3 điều xấu mình đã phạm phải. Một việc rất đơn giản như vậy nhưng đã thay đổi em nhiều thứ”- Châu nói.

Với 3 điều xấu, Châu nhận ra rằng lâu nay những điều xấu cứ lặp đi lặp lại mà em không hề nhận thức được. Tuy nhiên, vì không muốn mỗi ngày phải lặp lại những việc xấu mà em quyết tâm thay đổi để không còn nhìn thấy nó trên trang giấy mỗi ngày.

“Tham dự hạt giống khởi nghiệp chúng em nhận được giá trị từ thầy cô. Và chúng em cũng hiểu rằng mình cũng phải cho đi giá trị đến những người khác.

Tham gia hạt giống khởi nghiệp chúng em đã có nhiều bạn mới để cùng làm việc nhóm, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi vấn đề cuộc sống. Chúng em cũng tham gia nhiều sự kiện về khởi nghiệp để rèn luyện kỹ năng mềm”- Châu kể.

Sức hút của sự sẻ chia giá trị

“Hạt giống khởi nghiệp” là một chương trình đào tạo miễn phí vì cộng đồng của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, ĐH bách khoa TP.HCM. Chính thức khởi động từ cuối tháng 9/2016, đến nay chương trình đã trải qua gần 3 tháng.

Khi chúng tôi hỏi điều gì đã khiến các em sinh viên bị “niú chân” khi tham gia hoạt động này, TS Nguyễn Ngọc Dũng, Phó giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, ĐH Bách khoa TP.HCM trả lời ngay:

“Đó chính là các em đã cảm nhận được giá trị từ những kiến thức nhận được thật sự bổ ích, cần thiết cho chính bản thân mình”.

Song hành với “Hạt giống khởi nghiệp”, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ đã tạo ra nhiều chương trình đào tạo như Lean startup (Khởi nghiệp tinh gọn), Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo, Phiên chợ khởi nghiệp…Tất cả hoạt động này đều mang tính chất cộng đồng. Đến nay, nhiều sinh viên vẫn miệt mài gắn bó.

Theo TS.Nguyễn Ngọc Dũng, trong hoạt động đào tạo về khởi nghiệp, việc tạo lập môi trường để các em được học, chơi và phát huy những khả năng sáng tạo của bản thân là điều rất quan trọng. Không gian cởi mở, thân thiện sẽ tạo kích thích những ý tưởng sáng tạo.

“Chúng tôi sẽ luôn giữ vững tinh thần này để tạo ra một môi trường thật lý tưởng để các em sinh viên có thể phát huy mọi khả năng của mình”- TS Dũng nói.

Hà Thế An - Khampha

Tin tứcQuântin tức