Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Góc nhìn từ Canada
Được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB), một số cán bộ của Sở KH&CN Tp.Hồ Chí Minh đã tham gia lớp tập huấn “Đánh giá tác động của các Chương trình hỗ trợ DN” tại Canada.
Hoạt động này do TEN (The Evidence Network, là tổ chức cung cấp các giải pháp đánh giá các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo) giảng dạy.
Bà Phan Thị Quý Trúc – chuyên viên Sở KH&CN Tp.HCM cho biết, Canada là đất nước có hoạt động khởi nghiệp cách đây hơn 20 năm.
Đây là nước rất quan tâm đến hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp (KN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), có nhiều trung tâm và các tổ chức hỗ trợ với nguồn ngân sách dồi dào. Các tổ chức này chủ yếu là phi lợi nhuận và luôn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ.
Họ được trang bị và đầu tư tối đa cơ sở vật chất và nguồn lực để tạo ra một môi trường hỗ trở KN và ĐMST tốt nhất cho doanh nghiệp (DN) từ lúc hình thành ý tưởng, đến phát triển sản phẩm, tăng trưởng và thành công.
Điển hình có thể kể đến như Mars Center tại Toronto. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động dựa trên nguồn vốn của Chính phủ và các tổ chức tư nhân đóng góp. Mars làm việc với một mạng lưới các đối tác để giúp các nhóm cá nhân và DN KN phát triển công ty, cung cấp các dịch vụ liên doanh, tài chính, thay đổi hệ thống và tạo điều kiện để giúp các đối tượng này phát triển DN lên các cấp độ tiếp theo.
Mars cung cấp một không gian làm việc với 3 nguồn quỹ hỗ trợ: phát triển, tăng tốc và cho DN nhỏ và vừa với mục tiêu giúp các DN KN nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cách tiếp cận thị trường và thương mại hóa các sản phẩm này. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ về sử dụng phòng thí nghiệm, kiểm thử sản phẩm từ giai đoạn ban đầu đến khi hoàn thiện.
Một số tập đoàn lớn còn xây dựng các phòng thí nghiệm tại trung tâm này để thu hút các nhóm cá nhân và công ty nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mà họ quan tâm. Mars là một trung tâm đi đầu trong xu hướng đổi mới sáng tạo tại đô thị, cho phép các DN tiếp cận với các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn, trường đại học, phòng thí nghiệm để hoàn thiện và phát triển sản phẩm.
Các vườn ươm của Canada thường là những tổ chức phi lợi nhuận. Invesr Ottawa là một vườn ươm DN của chính quyền Otttawa với mục tiêu làm cho thành phố này trở thành nơi tốt nhất tại Canada cho các DN phát triển, hoạt động kinh doanh thông qua hợp tác kinh tế và phát triển sáng kiến.
Tổ chức này giúp các cho các DN tăng năng lực kinh doanh, vốn và tạo ra nhiều việc làm cho thành phố Ottawa và khu vực xung quanh. Invest chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh như cố vấn, phát triển DN,, ươm tạo DN, dịch vụ thương mại, phát triển khu vực, thu hút đầu tư, duy trì kinh doanh, mở rộng và phát triển thương mại toàn cầu.
Bà Trúc cho biết, lớp tập huấn được giới thiệu các phương pháp đo đạc và đánh giá các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Đồng thời, được học cách thức thực hiện một cuộc khảo sát và đánh giá tác động.
Theo ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, chuyến đi đã tạo cho cá nhân mình một tầm nhìn đầy đủ hơn những khái niệm mà trước đây mới chỉ dừng lại ở mặt định nghĩa, văn bản chứ không phải là những thuật ngữ.
Ví dụ, thế nào là thành phố KN, hành động, vai trò của Chính phủ trong hành động KN? Xã hội làm gì, vai trò của trường đại học, DN ở vị trí nào?,… Để xây dựng nền kinh tế KN và xây dựng một thành phố KN thì những vấn đề gì phải làm, những gì không thể, những gì có thể. Lâu nay, chúng ta vẫn quan niệm là nhà nước hỗ trợ về tài chính.
Nhưng qua đánh giá các chương trình hỗ trợ KN và ĐMST thì vai trò của nhà nước phải “bơm” vào bốn yếu tố. Đó là vốn, hạ tầng, thiết kế hệ thống mạng lưới để kết nối cộng đồng DN và cung cấp tri thức. “Những hiểu biết này đã giúp tôi thay đổi về mặt tầm nhìn của mình” – ông Tước chia sẻ.
Qua lớp tập huấn, các học viên biết được cách xây dựng chính sách và điều chỉnh hoạt động cũng như là tác động về nâng cao năng lực của các công cụ triển khai. Thông qua các công cụ đánh giá đó, sẽ giúp giải quyết được bài toán thế nào là hiệu quả, thế nào là sự hỗ trợ một dự án của nhà nước có hiệu quả.
Thông thường, để đánh giá được phải đánh giá trên 3 thành phần có liên quan. Đó là nhà nước, bên thụ hưởng và bên cung cấp dịch vụ. Nhưng lâu nay khi đánh giá hiệu quả, người ta thường lúng túng không biết đánh giá ai và đánh giá như thế nào, cứ “phán đại” một câu là có hiệu quả - theo ông Tước
Khi đánh giá, phải dựa trên mối tương quan, bằng những công cụ từ khảo sát, điều tra, bảng câu hỏi cho đến thống kê đầu vào, đầu ra, và mức trung gian.
Ví dụ, trong hoạt động KN, nhà nước cung cấp đầu vào thông qua những nhà cung cấp dịch vụ cho những startup, thì phải đánh giá nhà nước ở các nội dung: Nhà nước đã cung cấp đủ hay chưa; nhà dịch vụ đã cung cấp những loại dịch vụ nào, chất lượng dịch vụ ra sao; thứ ba mới đánh giá đầu ra là những DN KN được thành lập với những tiêu chí, chỉ số nào.
Những tiêu chí của nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ, các tiêu chí của startup tương quan với nhau như thế nào mới ra được bài toán để đánh giá hiệu quả. Theo đó, phải đánh giá từng cặp trong một ma trận lớn. Nhà nước không phải cứ bỏ có 10 đồng mà cứ đòi ra đời 1000 DN KN thì không thể gọi là đánh giá hiệu quả được.
Qua lớp tập huấn, các chuyên viên học xong sẽ biết cách đánh giá, quy trình làm, các biểu mẫu. Cấp lãnh đạo qua đó biết được cách giải quyết những điều gì.
Thứ nhất là làm gì để nâng cao năng lực của đội ngũ cung cấp dịch vụ; nguồn lực của nhà nước phải được bố trí và quản trị như thế nào cho hiệu quả; kể cả việc định hướng cho những startup…
Từ những đánh giá đó, nhà nước phải đầu tư như thế nào, quản trị nguồn lực, quy mô ra sao, làm gì với cộng đồng cung cấp dịch vụ để có hiệu quả.
Ông Tước ví dụ, có 1 tỷ đồng đổ vào vườm ươm mà vườn ươm không hiệu quả thì ra cũng bằng không. Rõ ràng, không hiệu quả này không phải do thiếu tiền mà do dịch vụ không đảm bảo. Từ đó, rút ra bài học như vậy dịch vụ này không đảm bảo thì quản lý bằng cách nào, dùng công cụ gì để quản lý, …
Gia Hân - Khám phá