Món cocktail gọi từ xa, không cần nhân viên pha chế

Người dùng chỉ cần ngồi vào bàn và kích hoạt từ xa bằng điện thoại để gọi loại cocktail mình muốn, hệ thống sẽ tự động pha chế trong vòng 1 phút.

Thiết bị tự động hóa có mặt ngày càng nhiều trong sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của con người. Trên thế giới, các nhà hàng, khách sạn, chuỗi quầy bar thông minh đang trở thành xu hướng.

Nắm bắt được xu hướng đó, nhóm sinh viên Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã thiết kế Hệ thống pha chế cocktail tự động để phục vụ nhu cầu trong nước.

Hoạt động thông qua điện thoại thông minh chạy trên nền tảng Android hoặc IOS, hệ thống có thể tự pha chế món cocktail theo yêu cầu của khách hàng. Người dùng chỉ cần ngồi vào bàn và kích hoạt từ xa bằng điện thoại để gọi loại cocktail mình muốn, hệ thống sẽ tự động pha chế trong vòng 1 phút.

Sản phẩm có hai phần: phần cơ khí và phần điện tử. Phần điện tử của hệ thống gồm khối nguồn, khối hiển thị, vi điều khiển, keypad, module và động cơ bước.

Phần cơ khí gồm bộ khung sườn bằng sắt, có chiều dài 90cm, rộng 35cm và cao 40cm. Trên bộ khung sườn có 6 bar butler (giá để gắn chai rượu, ở dưới có nút nhấn để rượu chảy ra) đặt theo chiều dài khung.

Trên khung sườn có hai thanh trượt inox để nâng bàn trượt. Bàn trượt di chuuyển được do bốn con bọ trượt, và được kéo qua lại nhờ động cơ bước đặt ở dưới kéo bằng dây curoa.

Có hai phần trên bàn trượt: nơi để ly rượu và nơi để động cơ bước. Động cơ bước có nhiệm vụ nhấn các bar butler theo cơ chế quay vít me, đẩy các bar butler khi bàn trượt di chuyển đến từng chai rượu.

Theo nhóm tác giả thì ngôi nhà, nhà hàng, các quầy bar thông minh đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam điều này vẫn còn khá xa lạ.

“Tại các quán bar thường có nhân viên pha chế (bartender), pha chế các loại cocktail ngon và độc đáo. Tuy nhiên, chi phí thuê bartender khá đắt đỏ và không đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng khi quán đông.

Chính vì thế, hệ thống pha chế cocktail tự động sẽ hỗ trợ các bartender khi có nhiều khách yêu cầu cùng một lúc. Sản phẩm sẽ là lựa chọn tối ưu để phục vụ những loại cocktail thông dụng nhất, cho các quầy bar nhỏ chưa đủ điều kiện thuê bartender”, bạn Bùi Tấn Tài – trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Theo Tài, ngoài ứng dụng sản phẩm trong các nhà hàng tự động, hệ thống pha chế cocktail này có thể được sử dụng để phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa tiện lợi lại vừa túi tiền.

“Khi đặt hệ thống pha chế cocktail tự động trong nhà, chúng ta đã có một quầy bar mini cho riêng mình, lại làm ngôi nhà hiện đại, phong cách hơn.

Ngoài việc pha chế cocktail, hệ thống còn có thể pha các loại nước uống khác mà không cần phải thay đổi cấu trúc quá nhiều”, Tài nói.

Sản phẩm của nhóm đã đạt giải Khuyến khích cuộc thi Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2016 và là 1 trong 5 đề tài được chuyển giao công nghệ.

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình hoàn thiện dự án, Đặng Văn Lập – thành viên của nhóm Lập nói: “Ở Đà Nẵng, các linh kiện để gia công phần cơ khí rất hiếm nên nhóm gặp nhiều khó khăn, toàn phải đặt mua qua mạng.

Phần lắp ráp và thi công phải làm thủ công hoàn toàn nên tốnnhiều khá thời gian để hoàn thành sản phẩm. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm đều là nam nên việc thiết kế làm sao cho hệ thống có tính thẩm mỹ cũng là yêu cầu đau đầu đối với nhóm”.

Nhóm gồm có 5 thành viên: Bùi Tấn Tài, Huỳnh Ngọc Long, Đặng Văn Lập, Nguyễn Thọ Thảo và Lê Bá Đông. Trong tương lai, nhóm có dự định phát triển sản phẩm theo hướng điều khiển hệ thống bằng giọng nói, sử dụng các công nghệ không dây khác như wifi, sóng RF, màn hình cảm ứng thay keypad và LCD, đồng thời cải tiến hệ thống cho gọn gàng và hiệu quả hơn.

Bích Trâm – Khampha

Tin tứcQuântin tức