Cơ chế để tận dụng lợi thế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Với nhiều lợi thế để phát triển toàn diện, đặc biệt đã được quy hoạch thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh không thể thiếu cơ chế đặc thù, cũng như thiếu thể chế điều phối và liên kết kinh tế.
Thực tế trên đặt ra nhiều vấn đề đối với sự phát triển của vùng trong thời gian tới.
Theo Báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế-xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế đạt mức ổn định và cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước 1,5 lần.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 8% diện tích và 17% dân số của cả nước, nhưng sản xuất chiếm hơn 40% GDP, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia và thu hút hơn 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước…
Đặc biệt, giai đoạn 2011-2014, tăng trưởng của vùng đạt hơn 10%, trong khi của cả nước đạt 5,7%.
Cơ cấu kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có sự chuyển dịch nhanh và đúng hướng, theo xu thế giảm dần tỷ trọng GDP vào khu vực nông-lâm- ngư nghiệp và khu vực công nghiệp-xây dựng; đồng thời, tăng dần tỷ trọng GDP vào khu vực dịch vụ, môi trường đầu tư.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và là đầu mối giao thông-giao lưu thương mại quốc tế lớn nhất nước; trong đó, có Vũng Tàu là thành phố cảng biển, trung tâm dịch vụ và công nghiệp, du lịch biển lớn của quốc gia, có trục đường Xuyên Á chạy qua, là điểm trung chuyển của tuyến hàng không quốc tế từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, trên tuyến đường xuyên Á nối liền với các nước Đông Nam Á lục địa.
Ngoài ra, vùng nằm gần khu vực có nền kinh tế phát triển năng động của châu Á với các trung tâm lớn như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur…
Vì thế, vùng có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết Vùng kinh tế Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Tính theo độ mở cửa kinh tế, đo bằng tỷ trọng xuất khẩu trên GDP, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm Vùng kinh tế Đông Nam Bộ và 2 tỉnh Long An, Tiền Giang) có chỉ số mở cửa đạt gần 110%, trong khi chỉ số cả nước chỉ khoảng 70%.
Tỷ lệ đầu tư trên GDP chiếm 50%, cao gấp 1,5 lần so với cả nước. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khoảng 1,4 đến 1,6 lần so với nhịp độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.
Tính đến tháng 8/2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Vùng Đông Nam Bộ 11.537 dự án với tổng vốn 140,2 tỷ USD. Số lượng dự án và vốn đầu tư chiếm hơn 57% và 48% đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước. Các dự án FDI của vùng này cũng tập trung gần 56% số dự án và 58% vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và chế tạo.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đầy đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu; phát triển dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch, dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao; đồng thời, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, cả Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều còn tồn tại một số hạn chế, bất cập.
Tại Diễn đàn kinh tế Đông Nam Bộ tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nhận định, sự phát triển của Đông Nam Bộ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.
Đó là chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu bền vững; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển, kết cấu hạ tầng chưa phát triển kịp với nhu cầu; sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương còn nhiều hạn chế; vấn đề nghiên kết vùng còn yếu.
Từ góc độ địa phương, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho rằng, cơ chế phối hợp vùng khá rời rạc, chưa có tầm nhìn. Vì vậy, muốn khắc phục, các địa phương phải tăng cường kết nối, cùng quan tâm đến những lĩnh vực chung như giao thông, ô nhiễm môi trường, đào tạo nguồn nhân lực...
Việc liên kết cũng chưa trở thành trọng tâm phát triển. Các tỉnh thành chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu vùng lại thiếu sự hợp tác trong việc hoạch định chính sách, giới thiệu nhà đầu tư, phân bổ nhà đầu tư. Ngoài ra, quy định vùng đã được lập song lại thiếu các cấp quản lý thực hiện quy hoạch tương ứng.
Để thực hiện tốt quy hoạch vùng, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, phải định vị Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một khu vực thống nhất, liên kết kinh tế có sức cạnh tranh cao cả ở thị trường trong nước và quốc tế, nhằm đảm bảo sự tăng trưởng khu vực; tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Đặc biệt là phát triển các ngành nghề có năng suất cao, đem lại sự giàu có của mỗi cá nhân và doanh nghiệp. Thêm nữa, xác định rõ lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm, phân khúc sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết và cạnh tranh ở thị trường.
Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, vùng Đông Nam Bộ luôn là vùng tiên phong, nhưng phải làm thế nào để giữ được vị trí tiên phong ấy.
Khả năng và khát vọng đi tiên phong tất nhiên sẽ không đến từ doanh nghiệp, cá nhân đơn lẻ mà đến từ môi trường thể chế. Nếu môi trường thể chế không tạo bất lợi cho doanh nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp sẽ tăng lên và tạo ra những sự phát triển bứt phá.
Trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy hơn nữa sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2015-2016 chia sẻ, để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, cần phát huy nội lực của từng địa phương.
Việc liên kết giữa các địa phương cũng rất quan trọng, góp phần thực hiện quy hoạch phát triển vùng đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo ông Trần Văn Cần, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, cần xây dựng chương trình liên kết vùng cụ thể, chặt chẽ trong triển khai các quy hoạch xây dựng, đô thị, nông nghiệp, nhất là tập trung đầu tư kết nối hạ tầng về giao thông với các địa phương.
Thêm nữa, cần xây dựng hệ thống đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn đạt tầm khu vực và quốc tế. Đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến-chế tạo.
Đây phải được xem là giải pháp đột phá cả trong ngắn và dài hạn để đảm bảo Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững.
Theo quan điểm của ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cần rà soát, làm rõ hơn định hướng kinh tế của vùng này theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch để không cạnh tranh với các vùng khó khăn về các loại hình đầu tư dựa vào lao động giá rẻ.
Ông Cao Đức Phát cũng đề xuất, Vùng cần xây dựng quỹ, vườn ươm phát triển doanh nghiệp trong nước gắn với đầu tư sáng tạo công nghệ của các trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp.
Đồng thời, phát triển dịch vụ chất lượng cao và hiện đại kết nối, cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó, phát triển dịch vụ thống nhất toàn vùng với các trung tâm logistic quốc tế hiện đại.
Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, cần phát triển ngành nông nghiệp gắn liền với công nghiệp chế biến để hình thành chuỗi nông nghiệp thực phẩm khép kín, hiện đại...
Theo TTXVN